Wednesday 27 November 2013

CÓ NÊN ẢO TƯỞNG VỀ CÁI KHIÊN?

Khiên cứng có thể làm bằng các vật liệu đa dạng và phong phú, thậm chí để tránh một cú va chạm, người ta vớ lấy bất cứ vật gì trong tầm tay để biến nó thành một cái khiên, hòng giảm bớt hoặc ngăn chặn sự va chạm đó.

Khiên mềm có thể là tiền, cũng có thể là một nhân vật có quyền lực, được đưa ra để hù dọa đối tác, và đem lại lợi ích và sự an toàn cho người sử dụng khiên. Tôi nhớ có lần ở cơ quan cũ, có một cậu dốt lắm, nhưng lại trúng tuyển vào làm tư vấn. Vì dốt nên sau này bị đuổi. Một thời gian sau, cậu ấy lại về làm ở cơ quan tôi (là chủ đầu tư). Tôi ngạc nhiên lắm, hỏi tại sao thì được mọi người cho biết, cậu ta là cháu một ông to mà tôi có quen biết ở trên bộ. Tôi bèn hỏi cậu ấy:

-    Nghe nói cậu là cháu ông B hả? Ừ, tôi hay lên trên đó lắm. Để bữa nào tôi hỏi ông ấy xem có phải cậu là cháu ông ấy không.

Cậu ta giãy nảy lên:

-    Ai bảo chị thế?

   Thì mọi người bảo tôi thế mà.

Thấy tôi thản nhiên, biết tôi không đùa, cậu ta hạ giọng:

-    Em là đồng hương thôi.

Úi giời ơi. Thế ra biết thóp là chả ai dám hỏi ông B, xem cậu kia có phải là cháu ông ấy không, nên cu cậu cứ ỡm ờ, nửa kín nửa hở, khiến cho cơ quan tôi nhắm mắt nhắm mũi nhận một kẻ đã từng bị chính mình đuổi ở dưới nhà thầu về làm. Mọi người còn kể một câu chuyện tiếu lâm có thật về cậu này.
Số là dân dự án rất siêng về muộn. Thấy hết giờ rồi mà mọi người trong phòng vẫn ngồi yên vị, cu cậu sốt ruột nhấp nhổm một hồi, rồi cũng mạnh dạn xin phép ông trưởng phòng, là cho cháu về đúng giờ ạ. Chuyện này mọi người kháo nhau mãi. 

Sau này đi biểu tình chống Tàu, theo phản xạ là moi lá cờ trong tủ ra, một là để thể hiện chủ quyền, hai là cảm giác yên tâm khi khoác lá cờ lên người sẽ không ai dám “đánh” mình. Chả cứ dân biểu tình chống Tàu, bà con dân oan và trên các cánh đồng mà nông dân đang “chiến đấu” giữ đất cũng thường phấp phới lá cờ đỏ sao vàng trên vai, trên tay người nông dân, trên các ngọn sào cắm trên bờ ruộng. Tôi nghĩ mọi người ai cũng ảo tưởng đó là một thứ khiên mềm để che chở cho mình – thật tội nghiệp.

Trong cuộc sống, đàn ông trai tráng được coi là phái mạnh, phụ nữ, trẻ em, người già thường được coi là phái yếu. Có vẻ như mỗi khi xung đột, thường phụ nữ, người già và trẻ em luôn ở phía trước như một thứ khiên mềm? Tại sao? Thiển ý của tôi là vì những lý do như:

1/ Làm đối phương chùn tay (ai chả có bố mẹ, vợ con?)

2/ Thường đàn ông là trụ cột gia đình. Khi họ đã tham chiến thì khả năng một mất một còn là cao. (Vì họ có sức mạnh nên rất dễ bị quy kết là chống người thi hành công vụ nữa). Mất họ dường như là mất sức mạnh chủ chốt nên cần được bảo vệ? (không chỉ đàn ông mới có bản năng bảo vệ đàn bà). Thế nên những người phụ nữ không cần phải xúi bẩy, thúc giục mà chính họ thường lăn xả vào trong mỗi cuộc chiến bảo vệ chồng con, bảo vệ gia đình mình trước tiên.

Thực tế thì sao?

*   Khi đi biểu tình, người ta giơ cờ lên thì nhân viên an ninh gọi giật giọng: Bỏ cờ xuống! Giương cờ cũng phải đúng lúc.

Ô hay! Không giương cờ lúc biểu tình thì giương lúc nào? Giương khẩu hiệu biểu ngữ thì bảo là “nhạy cảm”. Giương cờ thì bảo phải đúng lúc. Bảo không nghe thì nhảy xổ vào giật lấy cái “khiên” của người biểu tình, túm lấy chủ khiên tống lên xe ....

*   Nông dân giữ đất thì vác cờ ra cắm trên ruộng để xác định chủ quyền. Rốt cuộc không chỉ mất đất, mà người còn bị đánh te tua.

*   Phụ nữ à? Người già à? Trẻ em à? Đánh tuốt, kể cả người đang bế đứa trẻ còn đang bú trên tay, nên nhiều khi các bé cũng bị vạ lây.

Có người bảo, sao không để con ở nhà? Ở bên Tây là mẹ bị đi tù nếu để con bị nguy hiểm.

Vâng! Đó là ở Tây. Còn đây là ở Ta các bác ợ. 

Mẹ mà là dân oan, một mẹ một con nhỏ, chả mẹ đi đâu con đi đấy? Đến giờ nó bú, đang trên đường “chiến đấu” chạy về sao nổi? Mà gửi con thì gửi mãi được à? Có khi còn bị chửi là không có trách nhiệm với con. 

Thế nên cũng đừng trách các bà mẹ vác con nhỏ đi đấu tranh quá. Có trách là trách ai khiến họ phải đem con nhao ra đường ấy. Ai chả muốn yên ổn làm ăn sinh sống. Đừng có o ép người ta quá, khiến người ta mất đường sinh nhai thì người ta không “nổi loạn” mới lạ.

Tôi điểm lại các loại khiên cứng khiên mềm, xem ra chả khiên nào có tác dụng. Mất thiêng hết cả rồi. Lúc trước, ngồi hầu chuyện một bác rất đáng kính, tôi còn cố cãi, là có thế mới tố cáo được cái dã man tàn bạo, cái xấu xa của nhà cầm quyền chứ? Bác ấy ngạc nhiên bảo: 


-    Cần gì phải tố cáo? Nó đã lột quần ra rồi còn tố cáo cái gì? Các vị đừng hy vọng, đừng ảo tưởng nữa.