Wednesday, 27 November 2013

Trúng Gió Và Cạo Gió - Chu Tất Tiến

Hồi còn ở Việt Nam, nhân đọc một bài báo của một ông Dược Sĩ, là Viện Trưởng Viện Y Dược Học Dân Tộc Thành Phố HCM, về sự “trúng gió”, người đọc ngỡ ngàng hết sức, vì theo sự phân tích đầy tính trịnh trọng của ông, thì người Việt ta thường chết vì trúng gió sau 2 giờ sáng. Nguyên nhân là bị trúng gió Lào! Theo ông Viện Trưởng, có hai loại gió thổi vào Việt Nam: một loại gió biển thổi từ Đông sang Tây, thường thổi ban ngày và chấm dứt trước khoảng 1 hay 2 giờ sáng. Một loại gió Lào thổi từ Tây sang Đông, bắt đầu từ 1 hay 2 giờ sáng. Gió Biển thì không độc mà mang lại sinh khí cho người ta làm việc, còn Gió Lào thì vì vượt qua Trường Sơn nóng gắt vào đến đất ta, thì làm cho người bị trúng gió này, lăn ra chết. Độc giả, nếu chỉ đọc qua loa, thì thấy sự trình bầy của ông Viện Trưởng này thật khoa học, nhưng nếu suy nghĩ thêm một chút, sẽ nhìn ra ngay vấn đề này là ”Xạo”, vì nhiều lý do đơn giản: Nếu gió Lào thổi từ Tây sang Đông, sẽ không thể thổi đến đầu cực Đông là những tỉnh nằm ngay cửa Cửu Long mà không bị cản bởi núi non, hoặc tan loãng vì khoảng cách quá xa, nhưng thực tế, những người nằm ở Cực Đông vẫn bị “trúng gió”! Hơn nữa, nếu quả thật có loại gió đó, thì tất cả những ai còn đi đứng sau 2 giờ sáng là chết hàng loạt, nhất là những ai ở các tỉnh gần xứ Lào! Ngoài ra, tại sao có lúc hàng tá người đứng gần nhau, lại chỉ có một người lăn ra vì trúng gió? Không lẽ gió biết chọn nạn nhân? Câu hỏi hóc búa nhất là nếu gió Lào là nguyên nhân của sự trúng gió, thì sự trúng gió trên toàn thế giới do cơn gió nào gây ra? Rồi chính nước Lào, thì bị gió nào?


Thật là lý luận của khỉ, vượn!

Tìm hiểu vấn đề gọi là “trúng gió” này trên phương diện khoa học thực nghiệm, người viết thấy rằng: Thực sự, có hiện tượng gọi là “trúng gió”, nghĩa là “gặp gió” trong một hoàn cảnh nào đó, và tùy theo cá nhân, mà người bị “trúng gió” đó mắc cảm, sổ mũi, nhức đầu, chóng mặt, mệt; nếu nặng hơn thì mê man, và sốt cao. Tại sao vậy?

Theo y khoa, cảm (cold) hay “trúng gió” là do vi khuẩn! Hàng tỷ tỷ Vi khuẩn gây cảm bay đầy trong không gian, đậu trên quần áo, da mặt, chân tay của ta. Khi cơ thể ta khỏe, hệ thống miễn nhiễm ta mạnh, vi khuẩn đứng ngoài, chào thua! Nhưng vì một lý do nào đó, như quá mệt, làm việc quá sức, suy nghĩ nhiều, bị căng thẳng, bị lạnh… thì vi khuẩn nhào vào tấn công chúng ta làm chúng ta sổ mũi, nhức đầu, mệt mỏi, tay chân uể oải, và đau nhức cùng mình. Như thế, khi bị cảm (trúng gió), chúng ta không nên dùng Trụ Sinh, vì trụ sinh không diệt được vi khuẩn cảm, cúm, trừ trường hợp một cơ phận nào đó bị nhiễm trùng, như viêm cuống phổi, viêm phổi, viêm họng..thì mới cần trụ sinh để chữa các cơ phận nhiễm bệnh đó. Thuốc cảm như Tylenol và các thứ thuốc đau nhức khác chỉ sử dụng để chữa các cơn đau nhức. Nếu không đau nhức, không cần Tylenol. Chỉ cần nghỉ ngơi, giữ người cho ấm, uống nhiều nước ấm là sẽ khỏe. Một phương pháp ngăn ngừa cảm, cúm dễ dàng nhất là rửa tay đều đặn, nhất là sau khi bắt tay với ai đó.

Trong đời sống hàng ngày của người Việt, chữ “trúng gió” cũng rất đúng trong trường hợp chúng ta bất ngờ bị một cơn gió lạnh thổi qua, và lập tức thấy rùng minh, rồi vài tiếng sau là cảm! Hoặc khi đang chẩy mồ hôi mà lại đứng trước quạt máy cho khô mồ hôi cũng cảm! Vậy là “trúng gió” rồi còn gì? Không phải đâu! Chúng ta đã biết, máu trong người ta, ngoài nhiệm vụ chuyên chở Oxy đến các tế bào, để nuôi sống Tế bào, còn nhiệm vụ giữ thân nhiệt cho cơ thể luôn luôn ở 37 độ C. Khi chúng ta bị lạnh bất ngờ, hoặc khi đứng trước quạt máy, thì mồ hôi bốc đi nhanh quá, nhiệt ngoài da bốc hơi theo, nên cơ thể bị yếu liền tức khắc, và đúng lúc đó, hàng vạn con vi khuẩn ùa vào, quậy làm chúng ta cảm, chứ không có “con gió” nào đập vào người chúng ta làm chúng ta cảm cả! Gió chỉ là nguyên nhân phụ, cơ thể yếu là nguyên nhân chính, vì khi chúng ta mạnh, thì chả có gió nào làm chúng ta bị cảm được. Thời thanh niên, thiếu nữ, sức khỏe tràn trề, ra gió, ra mưa ào ào, rất ít khi bị cảm, nhưng tuổi băt đầu sồn sồn, cơ thể chúng ta trở lại yếu đuối như trẻ thơ, dễ bị cảm cúm lia lịa, mùa cúm nào cũng dính vài tuần lễ. Một số người sau khi nhậu nhẹt quá nhiều, cũng lăn ra cảm vì lúc đó, cơ thể rất yếu, không thể chống lại được vi khuẩn. Một điều cần nói là ở Việt Nam ngày trước, hễ bất kỳ cái chết nào bất ngờ, đều đổ cho là “trúng gió”, mà đâu biết là có thể bị “heart attack”, bị “stroke”, “huyết áp vọt lên quá cao một cách bất ngờ”? Hoặc vì nguyên nhân gì khác?

Trở lại vấn đề khi “cảm”, chúng ta phải làm gì? Người Việt chúng ta có một phương pháp rất đơn giản, độc đáo mà hầu như gia đình nào cũng biết: “Cạo Gió!” Chúng ta tin rằng nếu bị “gió” nhập vào người thì phải “cạo” cho “gió” văng đi, thì hết cảm! Thật ra, môn “cạo gió” là phương pháp thịnh hành và cho kết quả ngay tức khắc, nhưng không phải như chúng ta vẫn tin từ bé, vì cảm không phải do bị gió nhập, làm sao mà trục nó ra được? Mục đích thực của “Cạo gió” là tiếp tay với cơ thể, giúp tăng nhiệt độ ngoài da lên, gián tiếp tăng nhiệt độ cơ thể cho quân bằng. Cạo gió cũng là cách kích thích máu lưu thông mạnh hơn, vì khi yếu người, thì máu cũng không lưu thông mạnh bằng khi khỏe, mà nếu máu không chảy mạnh, thì sẽ không mang Oxy là thức ăn của tế bào đến từng cơ phận, do đó, ta bị mệt! Còn “Dầu nóng” là chất kích thích thân nhiệt, ngoài ra cũng là chất nhờn làm cho việc “cạo gió” dễ dàng, chứ nếu cạo mà không dùng dầu thì sẽ rách da, nát thịt, ai chịu cho nổi? Điều lạ lùng thứ nhất, là nếu không có “gió”, thì dù cạo cách mấy cũng không đỏ da! “Gió” vừa vừa thì da hơi đo đỏ, nếu mà có “gió” nhiều, thì vết cạo đỏ tím! Điều lạ lùng thứ hai, là đôi khi chỉ có một bên đỏ đậm, một bên không đỏ,hoặc đỏ lợt. Lạ lùng thứ ba là vừa cạo xong một lúc, người bị bệnh thấy khỏe liền tức khắc, nếu chưa đi đứng bình thường được, thì cũng thấy khoan khoái, và nếu ăn ngay một tô cháo nóng có hành, tỏi, rau tía tô, thì có thể đứng dậy khỏe mạnh ngay.

Có người còn ăn cháo nóng xong, lại chùm mền, xông hơi, cho mồ hôi toát ra đầy mình, thay quần áo xong, là coi như hết bệnh.

Vậy, cạo gió cách nào cho hiệu quả nhất?
Trước hết là cạo dọc theo hai bên cổ, bắt đầu từ chỗ hõm ngay sát sọ. Cạo từ chỗ lõm đó xuống hết cổ, chạm tới vai thì ngưng. Sau đó, cạo dọc theo hai bên xương sống, thành hai đường dài! Tránh cạo ngay trên xương sống, vì có thể làm hại đến xương, và rách da! Tiếp theo, cạo chéo theo chỗ lõm khoảng cách giữa hai xương sườn, không cạo ngay trên xương. Tay cạo cũng nhẹ nhàng, cứ chấm đầu thìa vào phía trong, sát gần xương sống, miết ra phía ngoài, không cần dùng sức mạnh, sẽ rách da. Có người cạo gió mạnh tay quá, làm bệnh nhân rách hết cả lưng, dợm máu, đau đớn hơn bị tra tấn.

Sau khi cạo hết lưng rồi thì điểm huyệt trên đầu, trên mặt cho người bệnh để hết nhức đầu. Dùng hai ngón tay trỏ, day dầu nóng vào hai đầu lông mày, phía trong, sát với sống mũi, day theo đường tròn. Tại hai đầu chân mày phía trong, có hai cái huyệt, nhưng vị trí không ai giống ai, do đó, phải vừa mò ngón tay vừa hỏi người bệnh: “Chỗ này đau không?” Nếu đau là đúng, không đau là không đúng. Sau hai huyệt ở đầu lông mày, thì day tiếp huyệt trên đỉnh đầu. Lấy ngón tay rờ vào chỗ xoáy của tóc giữa đỉnh đầu, tìm thấy chỗ nào mềm nhất và hơi lõm xuống, thì chấm dầu nóng vào đó, rồi day nhiều vòng. Tiếp theo, từ chỗ huyệt lõm đó, tưởng tượng kẻ một đường dài đi thẳng ra phía trước, tới khoảng 4 đốt ngón tay, nhẩy sang hai bên con đường thẳng đó, mỗi bên 1 đốt ngón tay, lấy hai ngón trỏ day mạnh lên hai vị trí đó. Đôi khi phải vừa mò ngón tay sang hai bên, vừa hỏi người bệnh: “Chỗ này đau không?” Nếu người bệnh gật đầu, kêu đau, thì dùng ngón trỏ chấm dầu nóng, day mạnh. Làm vài phút mỗi huyệt như thế, thì sẽ hết nhức đầu.
Hồi còn ở Việt Nam, chúng ta thấy có những bà “giác lễ” gánh hai nồi nước nóng, với những cái ống tre nho nhỏ, đen thui, hoặc đi vào xóm, hoặc ngồi ngay giữa chợ, mà.. giác lễ! Khi giác lễ, thì dùng cái kim nhỏ, chích vào thịt rồi úp ngay cái ống tre đen đủi đó vào chỗ chích cho máu bị áp xuất từ ống hút, chảy ra lênh láng, một lúc sẽ cảm thấy hết đau nhức! Nhìn vào cái nồi nước sôi, chứa đầy máu đông, ai cũng rùng mình, nhưng nhiều người lại thích môn này, mà không biết rằng, đầu kim kia đã chọc vào không biết bao nhiêu người, có thể dính đầy vi trùng bệnh Aids, lây sang người bị đâm, và cái nồi nước sôi kia chưa đủ sức để diệt những mầm bệnh trong ống tre.

Đó là phương pháp tồi tệ nhất mà người Việt chúng ta ngày xưa hay áp dụng để chữa cảm, cúm, đau nhức.

Ở Mỹ, có loại dầu nhờn “Vicks -Vaporub” mầu xanh rất tốt cho mọi trường hợp cảm cúm. Loại dầu này không hôi như các loại dầu Á Châu mình hay dùng mà cũng có tác dụng ngang như vậy. Khi nghẹt mũi, có thể dùng một cái phễu giấy úp lên một ly nước thật nóng, trong đó có thả vào vài cục dầu “Vicks –Vaporub” này rồi hít mạnh vài lần, cũng thấy khỏe. Trẻ em bị cảm, có thể dùng dầu này để xoa lên ngực, thì sẽ ngủ ngon, chóng lại sức.
Điều chính là phải giữ sức khỏe bằng tập Khí Công và Thiền mỗi ngày, thì sẽ tránh được nhiều bệnh tật làm phiền đến đời sống hàng ngày. Tập Khí Công và Thiền không những là tránh bệnh tật, còn duy trì được nét trẻ trung lâu dài hơn những người tập các môn thể thao khác. Thí dụ như người tập tạ, mà bỏ tập chứng một tháng, sẽ xuống sức ngay lập tức, bỏ vài tháng, thì bắp thịt sẽ xệ xuống, trông rất xấu. Và khi gặp bệnh nặng, cũng vẫn nằm liệt như người không tập. Nhưng tập Khí Công và Thiền nhẹ nhàng, thì lúc nào cũng thon thả, thanh thản và yêu đời. Với các bệnh đau nhức, thì nhất định sẽ khỏi, trong khi các môn tập bắp thịt khác thì chào thua. Nếu gặp bệnh nặng như Ung Thư, Tim, Mạch, Thần Kinh yếu…người kiên trì tập Khí Công và Thiền cũng có thể may mắn mà lướt qua.

Chu Tất Tiến