Wednesday 27 November 2013

VÌ SAO TƯỚNG Ô MÃ NHI BỊ GIẾT? - Trần Trung Chính


-        Kính mừng sinh nhật thứ 93th của Đề Đốc TRẦN VĂN CHƠN –
    Hải Quân Thiếu Tướng – nguyên Tư Lệnh Quân Chủng Hải Quân của QL / VNCH.

-        Kính tặng tất cả các chiến sĩ Hải Quân – QL/VNCH

Xã hội Trung Hoa và nước Trung Hoa hoàn bị trước xã hội và  nước Việt Nam của chúng ta vài trăm năm ( Sử gia Trần Trọng Kim cho rằng năm 2879 trước Công Nguyên là năm bắt đầu của vua Hùng Vương thứ nhất). Ngay từ thời Thượng Cổ, người Trung Hoa đã có những triết gia lớn như Khổng Tử, Lão Tử. Mặc Địch, Dương Chu…đồng thời  cũng  có các nhà tư tướng lớn về chính trị như các pháp gia Thân Bất Hại, Hàn Phi, Quỷ Cốc, Thi Giảo, Điền Biền…Trong lãnh vực quân sự, Trung Hoa cũng có những binh gia nổi tiếng như Tôn Vũ, Ngô Khởi… (nhất là quyển sách BINH PHÁP do Tôn Vũ  biên soạn, hiện nay vẫn là quyển sách căn bản cho “chiến tranh cổ điển” được các trường Võ Bị và các Học Viện Quân Sự giảng dạy tại các quốc gia hùng mạnh trên thế giới). Người Trung Hoa tự hào đất nước của họ là “Trung Tâm Tinh Hoa của Thế Giới ”, nên họ tự cho họ có quyền xâm chiếm các lãnh thổ của các sắc dân yếu kém khác sống chung quanh họ với mục đích truyền bá “văn minh Trung Hoa” , nhưng các nhà lãnh đạo Trung Hoa quên rằng, các dân tộc  và các quốc gia nhỏ bé sống xung quanh Trung Hoa chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa chứ họ không muốn lệ thuộc vào Trung Hoa.

Nước Việt Nam chúng ta đã có 3 cuộc chiến tranh lớn với Trung Hoa nhằm gìn giữ được quyền tự quyết của dân tộc, đó là :

1/ Cuộc chiến tranh chống lại quân Mông Cổ xảy ra vào đời nhà Trần (thế kỷ thứ 13 sau Cộng Nguyên)

2/ Cuộc kháng chiến đánh đuổi quân nhà Minh vào đầu thế kỷ 15 do Lê Lợi lãnh đạo.

3/ Cuộc chiến tranh đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh vào cuối thế kỷ 18 do Hoàng Đế Quang Trung lãnh đạo.

Bài viết này đặc biệt chú trọng vào cuộc chiến tranh chống lại quân Mông Cổ của nhà Trần. Nhà Trần có 4 điểm đặc biệt mà không có triều đại nào có (trong lịch sử nước ta) :

A.     Vị  vua đầu tiên của nhà Trần không phải là người khai sáng triều đại nhà Trần và cũng không có niên hiệu Trần Thái Tổ : vị vua đầu tiên của nhà Trần là Trần Cảnh được vợ là Lý Chiêu Hoàng (mới có 7 tuổi) nhường ngôi , lên làm vua lúc mới có 8 tuổi và có niên hiệu là Trần Thái Tông.

B.     Nhà Trần có ngôi vị Thái Thượng Hoàng, sử sách ghi : “ Mùa xuân năm Mậu Ngọ (1258), Thái Tông nhường ngôi cho con là Thái Tử Trần Hoảng, để dạy bảo mọi việc về cách trị nước, và để phòng ngày sau anh em không tranh dành nhau. Triều đình tôn Thái Tông lên làm Thái Thượng Hoàng để cùng coi việc nước…” - Hết trích.

C.     Để chống lại quân giặc Mông Cổ xâm lăng nước ta , vua Trần Nhân Tông triệu tập các bô lão tại điện Diên Hồng để hỏi ý kiến ( xem Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, trang 138).

D.      Nhà Trần tổ chức Hải Quân rất có quy củ : trang bị cho lực lượng Hải Quân rất hùng hậu và huấn luyện kỹ càng khiến lực lượng Hải Quân trở thành mũi nhọn trong cuộc chiến chống quân xâm lăng Mông Cổ.

Ý kiến của người viết :

1)      Người khai sáng nhà Trần là Trần Thủ Độ. Sử gia Trần Trọng Kim nhận xét về Trần Thủ Độ như sau : “ Thủ Độ thật là người gian ác đối với nhà Lý, nhưng lại là một người đại công thần của nhà Trần. Một tay cáng đáng bao nhiêu trọng sự, giúp Thái Tông bình định được giặc giã trong nước và chỉnh đốn lại mọi việc, làm cho nước Nam ta thời bấy giờ được cường thịnh, ngày sau có thể chống cự với  Mông Cổ, khỏi phải làm nô lệ những kẻ hùng cường – Xem Việt Nam Sử Lược, trang 121 ”. Tôi gọi Trần Thủ Độ là người khai sáng nhà Trần vì chính Trần Thủ Độ đã có âm mưu đoạt quyền cai trị từ Lý Huệ Tông khi đem 2 người cháu của mình là Trần Liễu và Trần Cảnh lấy Thuận Thiên công chúa và Chiêu Hoàng công chúa. Đến khi Lý Huệ Tông lập Chiêu Hoàng làm Thái Tử và truyền ngôi cho con gái mới có 7 tuổi lên làm vua, thì cũng chính Trần Thủ Độ làm áp lực ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi vua cho Trần Cảnh (mới có 8 tuổi). Dùng động từ “ép” cũng hơi quá, chứ đối với một đứa trẻ con mới có 7 tuổi thì cần gì phải “ép”, người lớn bảo gì thì phải nghe theo chứ biết gì mà cưỡng lại !

2)      Sách vở thì ghi là Trần Thái Tông nhường ngôi cho con là Thái Tử Trần Hoảng, triều đình tôn xưng Trần Thái Tôn lên làm Thái Thượng Hoàng (đầu tiên), nhưng theo tôi, thực tế Thái Thượng Hoàng đầu tiên của nhà Trần chính là Thái Sư Trần Thủ Độ : vua Trần Thái Tông lên ngôi lúc mới có 8 tuổi thì biết gì mà cai trị đất nước, mọi việc đều do Trần Thủ Độ quyết đoán hết cả, vì vậy người viết bài này khẳng định Thái Sư Tể Tướng Trần Thủ Độ chính là Thái Thượng Hoàng chứ còn ai vào đây nữa !!! Và cũng chính Trần Thủ Độ ra chỉ thị các vua của nhà Trần về sau phải làm Thái Thượng Hoàng để các vua vừa mới lên ngôi có thời gian “ tập sự ” việc cai trị đất nước.

3)      Trước khi có hội nghị Diên Hồng, Trần Nhân Tông ngự thuyền ra sông Bình Than để hội các vương hầu bách quan lại với mục đích bàn kế chống giữ ngăn chặn quân Mông Cổ xâm lăng nước ta. Hội nghị Bình Than không đi tới đâu vì đại đa số các vương hầu và các tướng lãnh không  ai có ý kiến quyết chiến cả, ngay cả 2 người em của Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông là Thượng Tướng Trần Quang Khải (đang giữ chức Thái Sư Tể Tướng trong triều đình) và tướng Trần Nhật Duật cũng không có ý kiến. Chỉ có tướng Trần Quốc Tuấn và tướng Trần Khánh Dư quyết xin đem quân đi  phòng giữ các nơi hiểm yếu để ngăn không cho quân Mông Cổ sang nước Nam. Sau khi Thái Tử Thoát Hoan tiến binh vào nước Nam, Trần Nhân Tông mới triệu tập các bô lão dân gian, hội  tại điện Diên Hồng để bàn xem nên hòa hay nên đánh. Các bô lão đều đồng thanh nên đánh. Vua thấy dân gian một lòng như vậy, cũng quyết ý kháng cự.

4)      Các sử gia ghi chép rằng “ … vì tổ tiên nhà Trần làm nghề chài lưới nên nhà Trần thành lập và tổ chức Hải Quân rất có quy củ… “. Sự ghi chép này chỉ đúng về “hiện tượng” mà không đúng về “bản chất” vì trang bị và thành lập Hải Quân đòi hỏi nhiều tốn phí và đòi hỏi thời gian lâu dài để đóng tàu cũng như huấn luyện các chiến sĩ. Năm 1257, tướng Ngột Lương Hợp Thai từ Vân Nam kéo quân sang đánh nước ta (lúc này quân Mông Cổ chưa chiếm được toàn thể nước Trung Hoa), vua Trần Thái Tông và Thái Sư Tể Tướng Trần Thủ Độ chỉ định tướng Trần Quốc Tuấn đem quân lên mặt Bắc để chống giữ, Trần Quốc Tuấn ít quân chống không nổi, lùi quân về Sơn Tây …(Việt Nam Sử Lược trang 127). Là một nhân tài kiệt xuất của nước ta, tướng Trần Quốc Tuấn nhận thấy ngay ưu điểm ( quân Mông Cổ giỏi về kỵ binh và xạ tiễn) và khuyết điểm của quân Mông Cổ (quân Mông Cổ không có Hải Quân) nên tướng Trần Quốc Tuấn chính là người thành lập và tổ chức Hải Quân để đối phó với quân Mông Cổ.

Ở đây cũng cần nhắc qua sự liên hệ gia tộc của tướng Trần Quốc Tuấn với vua Trần Thái Tôn và Thái Sư Trần Thủ Độ : sau 12 năm chung sống, Lý Chiêu Hoàng không có con nên Thái Sư Trần Thủ Độ bắt vợ của Trần Liễu là Thuận Thiên công chúa (lúc ấy đang mang bầu có thai) làm vợ của Trần Cảnh. Trần Liễu tức giận nổi loạn, nhưng bị Trần Thủ Độ bắt giữ, tuy nhiên Trần Thủ Độ không giết Trần Liễu mà bảo Trần Liễu (điều này do người viết phỏng đoán) : “ Tao là chú của mày và Trần Cảnh, tao không ghét bỏ gì mày cũng không thiên vị gì Trần Cảnh, tao cướp vợ của mày không phải dành cho tao mà dành cho Trần Cảnh vì ngôi vị nhà Trần đang cần có người nối dõi. Nếu Trần Cảnh có con trai thì tao đâu có cần phải làm cái chuyện trái với luân thường đạo lý ấy làm gì ”. Trần Liễu nghe và hiểu tình thế nên chịu về Hải Dương làm lãnh chúa, mặt khác Trần Liễu không quên “bàn tay thép” của ông chú Trần Thủ Độ đã ra tay bức tử nhạc phụ của mình là vua Lý Huệ Tông với câu nói nổi danh trong lịch sử : “nhổ cỏ thì phải nhổ tận rễ”. Tướng Trần Quốc Tuấn là con trai của Trần Liễu nên Trần Quốc Tuấn phải gọi Trần Thái Tông là chú và gọi Thái Sư Trần Thủ Độ là ông chú (em của ông nội). Trần Thủ Độ quan tâm và để mắt tới con của Trần Liễu nên  ngay khi còn trẻ, tướng Trần Quốc Tuấn đã được Thái Sư Trần Thủ Độ rèn luyện binh nghiệp để giữ trọng trách trong triều đình. Sư phụ của tướng Trần Quốc Tuấn là tướng Lê Phụ Trần – người đã giúp Thái Sư Trần Thủ Độ đánh dẹp giặc giã trong nước cũng như tổ chức lại quồng máy quân đội cho nhà Trần (không biết tên thật của ông, nhưng do công lao của ông giúp nhà Trần nên vua Trần Thái Tông đổi tên của ông thành tên Lê Phụ Trần).

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mất vào ngày 20 tháng 8 năm 1300, thọ 70 tuổi , như vậy năm sinh của ông vào khoảng 1230. Vì không biết rõ tuổi của An Sinh Vương Trần Liễu và Thuận Thiên  công chúa nên tôi không chắc là tướng Trần Quốc Tuấn có phải là con của Thuận Thiên công chúa hay không ? vì mãi đến năm 1236, Thái Sư Trần Thủ Độ mới bắt Thuận Thiên công chúa qua làm Hoàng Hậu của vua Trần Thái Tông. Năm 1257, tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai kéo quân từ Vân Nam sang đánh nước ta, nếu không có sự để tâm giúp đỡ của Thái Sư Trần Thủ Độ thì dễ gì binh quyền được trao cho một người trẻ mới có 27 tuổi ? Tôi đoan chắc tướng Trần Quốc Tuấn là người thành lập và huấn luyên Hải Quân thành đơn vị tinh nhuệ vì Thái Sư Trần Thủ Độ trong nhiều năm đầu của nhà Trần phải lo bình định + đánh dẹp các nội loạn trong nước, ông không có nhu cầu và tầm nhìn xa nên  chưa có cơ hội để thành lập và tổ chức Hải Quân.  

Tôi trích một đoạn lời dặn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dạy bảo con cháu (vua Trần Anh Tôn ) :  “ …Đại để, kẻ kia cậy có tràng trận, mà ta thì cậy có đoản binh ; lấy đoản chống với tràng, phép dùng binh thường vẫn phải thế… – Hết trích “, để luận bàn tài thao lược của tướng Trần Quốc Tuấn trong sự nghiệp bảo vệ giang san nước Việt của Ngài.

Năm 1284, Thái Tử Thoát Hoan kéo 50 vạn binh sang đánh nước ta, nếu tính từ năm 1257 đến năm 1284, tướng Trần Quốc Tuấn có tới 24 năm để thành lập, tổ chức và huấn luyện lực lượng  Hải Quân. Khi nhà Tống bị bại trận, toàn thể nước Trung Hoa bị quân Mông Cổ chiếm đóng, một số tướng lãnh và binh lính của nhà Tống chạy sang nước ta  xin đầu quân để chống lại quân Mông Cổ (thí dụ tướng Triệu Trưng), dĩ nhiên tướng Trần Quốc Tuấn đã phỏng vấn các tướng của nhà Tống để biết các kỹ thuật tấn công và hạ thành của quân đội Mông Cổ. Theo ý kiến riêng của người viết, tướng Trần Quốc Tuấn đã nhận định như sau :

1/ Xứ Mông Cổ có nhiều thảo nguyên và đồng cỏ, nền văn minh vẫn còn trong giai đoạn du mục chưa có nền văn minh nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi như Trung Hoa, cho nên lãnh đạo của người Mông Cổ bắt buộc phải tiến chiếm nước Trung Hoa để có được lương thực và nhân sự thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới. Trường trận (ưu thế) của quân binh Mông Cổ là kỵ binh và xạ tiễn, cho nên môi trường phát huy tối đa khả năng tác chiến của kỵ binh là đồng bằng. Các nhà chiến lược quân sự của Trung Hoa đời nhà Tống đã sai lầm khi tuyển chọn nông dân Trung Hoa thành lập kỵ binh để chống với quân Mông Cổ : không thể nào binh lính Trung Hoa lại có thể cỡi ngựa và bắn tên giỏi như binh lính Mông Cổ, đó là chưa kể các sĩ quan chỉ huy kỵ binh của nhà Tống chưa rành rẽ cách dàn binh và thay đổi đội hình tấn công của kỵ binh Mông Cổ.

2/ Nước Trung Hoa đã có những “Trung Tâm Kinh Tế ” quan trọng, cho nên khi những Trung Tâm Kinh Tế này bị bao vây và triệt hạ, triều đình nhà Tống không thể cứu giá và giải vây cho các Trung Tâm Kinh Tế này được (vì kỵ binh Mông Cổ di chuyển nhanh hơn bộ binh Trung Hoa) cho nên quân đội nhà Tống đông hơn quân Mông Cổ nhưng luôn bị đặt trong tình trạng phòng vệ chứ không thể phản công đánh vào hậu phương của quân địch.

3/ Xứ Mông Cổ nằm sâu trong nội địa, tuyệt nhiên không thể có Hải quân, tất cả lực lượng Hải Quân kéo sang đánh nước ta, lãnh đạo của Mông Cổ đều sử dụng phương tiện và nhân sự của nhà Tống, cho nên đạo quân thứ hai (kỳ binh) gồm 10 vạn quân do Toa Đô chỉ huy , đi đường biển tấn công mặt phía nam của nước ta ( vùng Quảng Bình – Hà Tĩnh – Nghệ An) đều phải sử dụng “hải vận hạm” (tàu chuyên chở người và ngựa). Suy ra cánh quân của Toa Đô không có chiến thuyền.

Tướng Trần Quốc Tuấn đã sử dụng “đoản binh” như thế nào để chống lại “tràng trận” của quân Mông Cổ do Thái Tử Thoát Hoan chỉ huy :

1/ Địa hình địa thế của nước ta từ Lạng Sơn về tới Thăng Long là vùng núi non hiểm trở, tướng Trần Quốc Tuấn thành lập chuỗi đồn lũy “Sa, Từ, Trúc” theo hàng dọc để làm giảm nhuệ khí của quân Mông Cổ, mục đích chính là ngăn chận không cho kỵ binh Mông Cổ tỏa rộng tiến chiếm các nơi khác. Tất cả các nơi  hiểm yếu mà tướng Trần Quốc Tuấn bày binh bố trận đều là những nơi  mà bây giờ chúng ta gọi là “căn cứ thủy bộ” , thí dụ tướng Trần Bình Trọng trấn giữ tại sông Bình Than (chỗ sông Đuống nối với sông Thái Bình, bây giờ thuộc huyện Gia Bình – Bắc Ninh), tướng Trần Khánh Dư trấn giữ mặt Vân Đồn ( thuộc Vân Hải – tỉnh Quảng Yên), ngay chính tướng Trần Quốc Tuấn cũng đặt căn cứ chỉ huy tại Vạn Kiếp tức là làng Kiếp Bạc thuộc tỉnh Hải Dương.

2/ Xứ ta không có những Trung Tâm Kinh Tế như vùng Tây Bắc Trung Hoa, cơ cấu làng xã  là đơn vị kinh tế nông nghiệp tự túc của dân Việt Nam, cho nên quân Mông Cổ có bao vây các làng xã này để thu gom lương thực nuôi quân thì cũng chả làm được , vì chung quanh làng là lũy tre xanh – là hàng rào thiên nhiên mà kỵ binh Mông Cổ không thể vượt qua được . Đồng bằng Bắc Việt là nơi dân ta trồng lúa nước, cho nên kỵ binh Mông Cổ không thể thi thố khả năng di chuyển nhanh như đã tấn công nhà Tống (ngựa mà xuống ruộng sình lầy thì thà đi bộ còn nhanh hơn). Xứ ta cũng không có thảo nguyên đồng cỏ cho nên lương thực cho binh sĩ và cỏ cho ngựa đều phải vận chuyển từ Trung Hoa sang. Tướng Trần Quốc Tuấn chỉ cần ngăn chận các đường tiếp liệu này thì đương nhiên đạo quân của Thoát Hoan phải rút về nước .

3/ Để khống chế khả năng xạ tiễn của kỵ binh Mông Cổ, bộ binh của tướng Trần Quốc Tuấn luôn luôn ở vị thế cao như trên núi bắn xuống, chứ không mặt đối mặt giao chiến với quân Mông Cổ (tướng Toa Đô tử trận vì trúng tên từ trên núi bắn xuống tại mặt trận Tây Kết – thuộc phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Tướng Trần Quốc Tuấn trang bị “bút chì” và “câu liêm” cho bộ binh để làm thương tật các chiến mã của kỵ binh Mông Cổ (lính kỵ binh Mông Cổ không có ngựa cỡi, phải đi bộ thì đương nhiên khả năng tác chiến chỉ còn 45% -50% là cùng)

Chú thích của người viết : Nhà văn Nguyễn Tuân trong tác phẩm VANG BÓNG MỘT THỜI đã mô tả binh khí “bút chì” chỉ là cái mai của nông dân có cột một sợi dây dài, còn đầu kia của sợi dây thì cột vào cổ tay của người sử dụng, khi ném “bút chì” đầu kim loại của cái mai sẽ chạm mục tiêu, còn sợi dây để người sử dụng thu hồi vũ khí.

4/Xứ Mông Cổ và Trung Hoa không có voi, cho nên tướng Trần Quốc Tuấn chỉ sử dụng voi trong các trận phản công mang tính chất quyết định : ngựa khi xung trận thấy voi xuất hiện thì đương nhiên chạy tán loạn, người lính không thể điều khiển con ngựa theo ý muốn được, vì vậy đội hình chiến đấu của kỵ binh bị phá vỡ. Còn bộ binh Mông Cổ cũng vậy : cả đời chưa bao giờ thấy voi, nay thấy voi xông vào hàng ngũ thì bộ binh cũng bỏ chạy như ngựa đã bỏ chạy vậy thôi.

Chú thích của người viết : Hai Bà Trưng cỡi voi đánh Thái Thú Tô Định để trả thù cho chồng là Thi Sách bị Tô Định giết chết. Quan lớn Tô Định và lính trángTrung Hoa  bỏ chạy vì cả đời chưa bao giờ thấy voi, vì vậy Hai Bà Trưng chiếm được 65 thành trì chỉ trong một thời  gian ngắn. Năm 1789, khi điểm binh tại đèo Tam Điệp, sử sách ghi quân đội của Quang Trung Hoàng Đế có 100 thớt voi. Chính Quang Trung Hoàng Đế sử dụng 100 thớt voi này để phá tan đạo quân 20 vạn quân của vua Càn Long, khiến nguyên soái  Tôn Sĩ Nghị phải vội vàng lên ngựa bỏ chạy không kịp mang ấn tín và thư từ riêng của vua Càn Long dặn dò ( tôi đoán  nguyên  soái  Tôn Sĩ Nghị khi bỏ chạy chỉ mặc đồ lót, chứ không kịp đóng bộ võ phục của một ông tướng tư lệnh đạo quân viễn chinh)

5/ Khi quân Mông Cổ mới sang nước ta, khí thế còn mạnh , đã đánh thắng quân ta vài trận trong đó có trận ở Thiên Trường _ Nam Định, tướng Trần Bình Trọng bị bắt và bị giết…tướng Trần Quốc Tuấn cho lui binh về Vạn Kiếp và tập họp tất cả các lực lượng của các tướng khác, tổng cộng được 20 vạn binh. Chính tại nơi này và vào thời điểm này, tướng Trần Quốc Tuấn viết bài Hịch Tướng Sĩ để động viên quân đội và soạn quyển Binh Thư Yếu Lược để các tướng sĩ luyện tập : tinh thần tướng sĩ đã lên cao trở lại. Tháng chạp năm 1284, khí hậu nước ta gần giống với miền Nam Trung Hoa nên quân Mông Cổ vẫn còn cảm thấy dễ chịu, nhưng 6 tháng sau, khí hậu chuyển sang mùa hè nóng bức và có mưa nên binh lính Mông Cổ cảm thấy khó chịu và bắt đầu bị nhuốm các bệnh thời khí, đây chính là lúc tướng Trần Quốc Tuấn mở các trận đánh phản công để đuổi quân Mông Cổ ra khỏi nước ta.

Tôi bỏ qua không nêu chi tiết các trận đánh trong cuộc chiến chống quân xâm lược Mông Cổ của nhà Trần vì các sử gia và các sách nghiên cứu về Lịch Sử đã trình bầy đầy đủ rồi. Tôi chỉ trình bày thêm về  chiến thắng Bạch Đằng Giang và phương cách đối xử của vua Trần Nhân Tông với riêng cá nhân tướng Ô Mã Nhi mà thôi.

1/ Về chiến thắng Bạch Đằng Giang : tướng Trần Quốc Tuấn biết chắc chắn quân Mông Cổ phải rút quân về nước vì tổn thất quá nặng về mặt nhân lực mà không chiếm giữ được Trung Tâm Kinh Tế nào cả nên không có lương thực để nuôi quân nuôi ngựa, nhất là sau chiến thắng Vân Đồn của tướng Trần Khánh Dư : 300 thuyền tải lương của Trương Văn Hổ bị quân của Trần Khánh Dư cướp phá, lại tịch thu được nhiều vũ khí chở sang để bổ sung. Tướng Trần Quốc Tuấn chuẩn bị trận chiến này để triệt tiêu tiềm lực xâm lăng lần nữa của quân Mông Cổ chứ không phải là trận chiến nhằm ngăn chận bước tiến của quân Mông Cổ như nhiều người lầm tưởng.  Trận Bạch Đằng Giang xảy ra vào tháng ba năm Mậu Tý (1288) lấy được chiến thuyền của quân Nguyên hơn 400 chiếc và bắt được rất nhiều quân sĩ (không kể các binh sĩ tử trận mà máu đã loang đỏ cả khúc sông).  Các tướng Nguyên là Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc đều bị bắt. Khác với cuộc rút quân lần trước, Thái Tử Thoát Hoan cho đại binh rút theo đường biển vừa nhanh, vừa  chuyên chở được nhiều binh sĩ hơn vừa an toàn hơn ( cuộc rút quân lần trước , Thoát Hoan chỉ rút qua ngả đường bộ, không có cuộc rút quân theo đường biển, nên bị quân dân nhà Trần truy đuổi ráo riết, chính Thoát Hoan phải trốn trong ống đồng để tránh tên và về tới châu Tư Minh mới dám bước ra ngoài ).

Sử gia Trần Trọng Kim ghi rằng Hưng Đạo Vương sai tướng Nguyễn Khoái lập trận phục kích thủy quân  Mông Cổ ở sông Bạch Đằng vào năm 1288 trước trận chiến Bạch Đằng Giang một thời gian ngắn(VNSL trang 156), nhưng Thủy Sư Đô Đốc Togo – người chỉ huy Hạm Đội Nhật Bản chiến thắng Hạm Đội Viễn Đông của Sa Hoàng Nicolas II hồi năm 1905 tại eo biển Đối Mã  , trong thời gian ông làm Chỉ Huy Trưởng Trường Sĩ Quan Hải Quân Hoàng Gia Nhật có nghiên cứu trận Bạch Đằng lại cho rằng : tướng Trần Quốc Tuấn đã chuẩn bị cho chiến trường Bạch Đằng Giang rất lâu vì với phương tiện cơ giới hiện đại của Nhật Bản vào đầu thế kỷ 20, bản thân tướng Togo và quân đội Nhật Bản cũng không thể thực hiện nổi một công trình như vậy (nên nhớ , trường Sĩ Quan Hải Quân Hoàng Gia Nhật có sưu tập được một số cọc gỗ vót nhọn đầu bịt sắt lấy từ sông Bạch Đằng). Mặt khác, đây là cuộc rút quân lớn của quân Mông Cổ (quân nhà Trần bắt được hơn 400 chiến thuyền) nên về mặt an ninh , tướng Ô Mã Nhi không thể không biết đến những chuyển động của quân lính tướng Nguyễn Khoái, tướng Ô Mã Nhi mà đã biết tướng Trần Quốc Tuấn bày trận phục kích thì không bao giờ thủy quân của Mông Cổ lại lọt bẫy phục kích để rồi hoàn toàn bị đại bại.

2/Tháng hai năm 1289, vua Trần Nhân Tông ra lệnh các quan ta chuẩn bị trao trả tù binh cho nhà Nguyên (VNSL trang 159). Trích dẫn : “Duy chỉ có Ô Mã Nhi giết hại nhiều người, vua căm tức vô cùng, không muốn tha về, nhưng lại ngại đường hòa hiếu, bèn dùng mưu của Hưng Đạo Vương, sai người đưa đi đến giữa bể, đánh đắm thuyền, cho chết đuối, mà Nguyên triều cũng không trách vào đâu được.Về sau, vua Dực Tông triều Nguyễn (tức là vua Tự Đức) xem đến chỗ này, có phê 4 chữ “bất nhân phi nghĩa”. Tưởng lời phê ấy cũng là chính đáng.- Hết trích. VNSL trang 159 “. 

Theo ý kiến riêng của người viết, sự thực không hẳn giống như sách vở đã ghi bởi vì nhóm chữ giết hại nhiều người có tính cách mơ hồ quá. Sự thực, trong chiến tranh chỉ có 2 động từ “giết và bị giết”, cho nên các tướng lãnh khác của Mông Cổ có thể sát hại quân ta nhiều hơn tướng Ô Mã Nhi , nhưng tướng Ô Mã Nhi bị tướng Trần Quốc Tuấn chọn phải giết vì khả năng khá rành rẽ đường đi nước bước của Hải Quân nhà Trần cũng như rành rẽ các địa thế của các cửa biển của nước ta. Chúng ta nhìn lại quá trình hoạt động của tướng Ô Mã Nhi : ông  cùng với tướng Toa Đô đi theo đường biển tấn công vào mặt phía Nam của nước ta, sau trận Tây Kết do chính tướng Trần Quốc Tuấn chỉ huy , tướng Toa Đô tử trận, còn tướng Ô Mã Nhi phải nhảy lên một chiếc thuyền nhỏ trốn về Tàu (VNSL trang 149).

Khi Thái Tử Thoát Hoan tiến đánh nước ta lần thứ hai, chính tướng Ô Mã Nhi được chỉ định “dọn bãi” cho 300 chiếc thuyền tải lương của tướng Trương Văn Hổ, chính tướng Ô Mã Nhi đã đánh bại tướng Trần Khánh Dư tại bến Vân Đồn, nhưng vì đánh thắng nên tự kiêu tiến quá sâu vào nội địa, lại gặp tướng Trần khánh Dư là người quyết chiến (tướng Trần Khánh Dư và tướng Trần Quốc Tuấn là 2 người duy nhất bỏ phiếu quyết chiến tại hội nghị Bình Than do vua Trần Nhân Tông triệu tập) nên tướng Ô Mã Nhi không hoàn thành nhiệm vụ, đã để mất 300 chiếc thuyền tải lương khiến đạo quân viễn chinh phải tìm đường rút lui.

Trong trận Bạch Đằng, tướng Ô Mã Nhi cũng là tướng tổng chỉ huy của binh đội Mông Cổ rút về nước  theo đường biển. Sau cuộc lui binh năm 1288, không có gì bảo đảm rằng vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt sẽ ngưng vĩnh viễn không xâm lăng nước ta nữa, nếu quân nhà Nguyên xuất quân lần nữa chắc chắn cơ hội chiến thắng quân Mông Cổ bằng Hải Quân của nước ta sẽ rất mỏng manh vì Ô Mã Nhi còn sống, ông ta đem kinh nghiệm và hiểu biết của ông để khắc chế sở trường của quân đội nhà Trần. Theo tôi, đó là lý do tướng Trần Quốc Tuấn  yêu cầu vua Trần Nhân Tông ra quyết định giết bỏ tướng Ô Mã Nhi.

Là một vì vua sáng suốt, mặc dù thấm nhuần Phật pháp (vua Trần Nhân Tông là tổ sư môn phái Thiền Trúc Lâm) vua Trần Nhân Tông đã cân nhắc kỹ lưỡng quyết định hệ trọng của ông và ông chấp thuận lời yêu cầu của tướng Trần Quốc Tuấn vì quyết định này đã đem lại sự toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước Việt Nam và đem lại thái bình thật sự cho toàn thể  nhân dân nước Việt.

Lịch sử bao gồm nhiều sự kiện lập lại, nhưng không lập lại y hệt, tiếc thay tướng Dương Văn Minh nghe theo lời của các nhà sư Khối Ấn Quang quyết định đầu hàng Việt Cộng chỉ để được tiếng là người mang lại Hòa Bình cho miền Nam Việt Nam bất kể đến sự an nguy và hạnh phúc của 17 triệu người dân miền Nam và khổ nỗi Hòa Bình của tướng Dương Văn Minh chỉ là hòa bình trong ô nhục. Khi ông Dương Văn Minh vui mừng tuyên bố được làm công dân nước CHXHCN để được đi bầu “bỏ phiếu” , tôi chợt nghĩ đến lời của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố vào năm 1968 tại Lưỡng Viện Quốc Hội VNCH  : “…thà rằng chúng ta chết bây giờ để con cháu chúng ta được sống..” .

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chưa phải là người lãnh đạo toàn bích, nhưng những lời nói khí khái của ông cùng những sự kiện đã được giải mật, khiến cho Lễ Giỗ của ông vào năm 2013 được rất nhiều người tham dự (trong đó dĩ nhiên có cả những người trước đó đã đả kích ông). Trong khi đó, tro cốt của Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ không có chùa nào ở Nam Cali dám nhận, sau cùng gia đình phải để tro cốt của ông Kỳ ở một chùa của người Trung Hoa trong vùng Los Angeles County. Và cũng chẳng có ai nhớ đến ngày giỗ của tướng Dương Văn Minh để mà tham dự.

San José, ngày 24 tháng 11 năm 2013


Trần Trung Chính