Monday, 9 December 2013

CÁCH GỌI TÊN VÀI LOẠI CÁ VÙNG NƯỚC NGỌT- Lương Thư Trung

Mỗi khi có ai nhắc tới vài loài cá vùng nước ngọt, người ta không thể không phân biệt hai loài cá sông và cá đồng. Cá sông còn được hiểu là cá trắng và cá đồng còn được gọi là cá đen. Loài cá sông là loài cá sống trong các sông rạch; còn loài cá đồng là các loài cá sống trên các lung vũng, đìa bàu, nói chung là sống trên đồng. Phân biệt như vậy cũng chỉ là cách phân biệt khá tương đối mà thôi; vì sông nước Miền Tây và đồng ruộng nơi này có mùa nước lên và nước giựt, nên khi nước lên thì cá đen cá trắng gì cũng tràn lên đồng; đến khi nước giựt thì cá trắng về sông đã đành nhưng cá đen cũng theo nước giựt rút xuống các kinh rạch giống như cá trắng; chỉ còn một số thì kẹt lại các lung vũng, đìa bàu hoặc các ngọn mương, ngọn rạch còn chút ít nước.

Cá  trắng

Về cá sông, các loài cá thông dụng mà bất cứ cư dân nào thuộc vùng sông nước miền Tây ai ai cũng đều biết qua tên các giống cá này. Chẳng hạn loại cá nhỏ có mỏ nhọn, thân tròn dài chừng năm sáu phân tây, vảy rất nhỏ mới nhìn tưởng như không có vảy, thì có cá lìm kìm, có nơi còn gọi cá kìm, con lớn nhất bằng đầu đũa ăn, con nhỏ thì như cây tăm, cây nhang với câu ca dao: “Má ơi, con vịt chết chìm, Thò tay con vớt, cá lìm kìm nó cắn con.”, hoặc “ Lưới thưa mà bủa cá kìm, Lòng qua thương bậu, bậu tìm nơi nao?”

Cùng loài với cá lìm kìm, nhưng lớn con hơn, đó là cá nhái. Cá nhái có con dài tới hai tấc, mình tròn, vảy rất nhỏ hoặc có con lớn bằng ngón chưn cái. Loại cá này tới mùa nước cỏ tháng 11 âm lịch cá dại nổi đầy sông thì cá nhái nổi thành bầy trên mặt nước. Người ta thường làm chỉa xà di bằng kèo dù  hoặc bằng căm xe đạp, khoảng từ ba tới năm mũi tra vào cán dài đi dọc theo các bờ kinh rạch có cá nổi rình đăm cá nhái.

Ngoài cách đăm cá nhái bằng xà di, người ta còn dùng đăng kéo heo cá nhái. Bắt cá cách kéo heo này hơi cực và cần các vật dụng như một chiếc xuồng, một tay đăng trải dài một bên be xuồng và hai người lội xuống nước nắm hai đầu đăng cho chiếc xuồng nằm theo chiều ngang và kéo một khoảng dài chừng mười hoặc hai mươi thước thì cất đăng lên một lần. Có bao nhiêu cá vướng vô đăng đều bị mắc kẹt và hai người kéo cá chỉ cần đưa miệng đăng lên và trút cá vô xuồng. Xong mẻ đăng này, lại bắt đầu kéo mẻ đăng khác. Cách kéo cá nhái bằng đăng này gọi là kéo heo và được rất nhiều cá. Hồi đời xưa, cách nay sáu bảy chục năm, đi một hồi có khi được cả giạ cá nhái.


Cá nhái

Còn cách bắt cá nhái khác nữa là vào ban đêm ngồi nơi mũi xuồng với cái vợt bằng gai, hoặc bằng nilon có tra cán ngắn vừa tầm với mũi xuồng .  Cách này có thể một người vừa bơi xuồng vừa xúc cá vô vợt hoặc có người bơi giúp, người ngồi ở mũi xuồng chỉ cần canh các bầy cá nổi trên mặt nước và hạ vợt xuống để xúc cá. Cách xúc cá nhái bằng vợt này cũng dùng được cho cách xúc cá lòng tong, cá chốt nữa. Ngoài ra, các cách bắt cá bằng vó gạt, vó cất hoặc đóng đáy phần lớn nhằm vào cá linh và những loài cá khác trong đó có cá nhái bị dính đáy rất nhiều vì tháng cá ra, trên sông các miệng đáy, miệng vó nhiều lắm, có khi cách chưa đầy vài trăm thước lại có hai ba miệng vó cất cho nên cá không dính vào miệng đáy này cũng vướng vào miệng vó gạt, vó cất khác.

Vó cất trên sông Bắc Nam (An Phú, Châu Đốc)

Cá nhái, món ngon nhất là kho tiêu với tóp mỡ là hết sẩy; nhưng có lẽ món khô cá nhái là món mà nhiều người ưa nhất vì dễ làm và khô cá nhái nướng với lửa than thì đi đâu cũng nghe mùi thơm của khô cháy vàng thơm ngào ngạt cả một vùng, lại được ăn với cơm gạo lúa mới thì ôi thôi còn gì bằng. Chính vì khô cá nhái ngon nên các bạn nào ưa nhâm nhi chút rượu nếp thì khô cá nhái là mội nhậu hấp dẫn số 1.

Còn hai loài cá lòng tong và cá chốt cũng là hai loài cá nơi sông nước miền Tây nào cũng có. Do vậy trong dân gian có câu:“nước chảy tới đâu cá lòng tong lội tới đó.” Ngoài ra, còn có câu ca dao:“Buổi chợ đương đông, con cá lòng tong anh chê lạt, Buổi chợ tan rồi, con tép bạc anh cũng phải mua”.

Phân loại cá lòng tong có mấy loại chính:
Cá lòng tong bay là loại cá lòng tong con rất nhỏ, mình hơi giẹp, vảy nhỏ, hai vi trước dài, thường ăn mồi trên mặt nước thành từng bầy, hể gặp tiếng động ghe xuồng bơi gần hoặc ếch nhái rắn chuột chạy ngang, chúng vụt nhảy cao lên khỏi mặt nước như muốn bay lên, hoặc phóng tới phía trước. Hồi xưa cá tôm nhiều nên ít ai bắt cá lòng tong bay để ăn vì chúng quá nhỏ và nhiều xương. Cá lòng tong đá thì mình tròn, vảy trắng, có con lớn bằng ngón tay cái, có sọc đen ánh bạc chạy dài hai bên hông. Người ta bắt cá lòng tong đá bằng nhiều cách như câu bằng mồi gạch cua, bằng trứng kiến vàng; hoặc chận hầm, làm mùng, đặt dớn cặp theo các kinh rạch hoặc sông cái lớn chỗ nước chảy chậm. Ngày nay loại cá này cũng hiếm nhưng ngày trước mỗi lần đi thăm dớn miệt từ rạch Trà Ôn chạy dài xuồng tới Long Xuyên với khoảng vài ba chục nền dớn, cá có khi đầy các khoang xuồng.

Một loại cá lòng tong khác khá lớn con, có con lớn bằng ngón chân cái, dài hơn một tấc tây, mình tròn hơi giẹp, có hàng vảy hai bên hông màu hơi sậm, miệng hơi rộng và thường sống nơi các vàm kinh nước chảy mạnh, dân quê gọi loại cá lòng này là cá lòng tong mương. Có lẽ vì chúng ưa ở nơi các vàm mương nước chảy mạnh và thức ăn của loại cá lòng tong mương này là cá lòng tong bay hoặc các loài cá nhỏ khác. Thường thường dân quê hay câu cá này bằng mồi cá lòng tong bay hoặc dùng miếng thiếc mõng gắn vào lưỡi câu rồi kéo rê ngược nước nơi các vàm mương; cá lòng tong mương thấy miếng thiếc lấp lánh tưởng cá lòng tong bay nên chúng nhào theo và cắn miếng mồi giả này và dính câu. Vào mùa nước lên, nhất là vào thàng tám, tháng chín âm lịch, cá lòng tong mương rất béo. Cá câu về kho khô bỏ tiêu, thêm chút mỡ, nồi cá kho ăn với cơm gạo sóc so mới xay về, ngon hết biết.

Nói tới cá lòng tong, cũng nên nhắc luôn loại cá nhỏ mình giẹp, vảy nhỏ cũng béo như cá lòng tong; đó là cá thiểu. Trái lại, có loài cá lành canh cũng giống như cá thiểu mình cũng giẹp, vảy trắng nhưng vảy nhỏ hơn cá thiểu, thì lại có mùi tanh hơn cá thiểu, nên ít người thích món cá lành canh này. Cả hai loài cá này có thể cùng câu bằng cách dùng lưỡi câu uốn bằng kim may áo quần, gắn hột cườm màu đỏ vào lưỡi câu rồi rang cám cho thơm nhữ mồi và người câu cá chỉ cần chọn nền nào vừa êm, vừa mát và nhất là không có tàn nhánh cây vướng nhợ câu và cứ thế ngồi cầm cần câu vừa ném xuống vừa giựt lên và cá nghe mùi thơm của cám rang ùn ùn lội tới từng bầy, từng bầy và gặp hột cườm đỏ tưởng mồi ngon và nuốt mồi. Lúc bấy giờ người câu chỉ cần giưt lên và để lưỡi câu vào rỗ tự động cá sứt ra và cứ tiếp tục quăng câu xuống rồi giựt lưỡi câu lên và câu tiếp liên tục như vậy. Có khi mỗi một nền câu, người ta câu được vài ba cân cá. Chọn vài nền câu có khi gần đầy cả rỗ cá thiểu, cá lành canh như vậy; đôi khi cũng có cá he, cá lòng tong đá dính câu nữa.Ngoài cách câu bằng cách câu vụt như vậy, hai loại cá này người ta còn bắt bằng cách đặt dớn, làm mùng, chận hầm như bắt cá lòng tong đá.

Nói về cá chốt thì cũng được dân quê phân chia làm vài ba loại ; chẳng hạn như cá chốt trâu hay còn gọi cá chốt sọc, cá chốt giấy, cá chốt chuột.


Cá chốt giấy

Trước hết là cá chốt sọc còn gọi cá chốt trâu chiếm đa số. Loại cá này mình không vảy, đầu hơi giẹp, dưới hai mép có bốn sợi râu, hai bên mang có hai ngạnh và dọc theo hai bên hông có sọc màu sậm chạy dài từ mang chạy dài tới đuôi cá. Cá chốt giấy thì mình hơi giẹp, da láng màu trắng bạc, dài hơn cá chốt sọc. Tháng ba, tháng tư loại cá này ở các sông sắp tới mùa mưa nên cá chốt giấy con nào cũng mang một bụng trứng vàng nghính. Còn cá chốt chuột thì mình hình ống tròn, chiều dài lại ngắn hơn hai loại cá chốt sọc và cá chốt giấy; trên mình có các chấm đen và vàng, loài cá này thích ở các sông sâu hơn là lên trên đồng.

Vào mùa tháng ba, tháng tư thường thường dân ở ruộng hay quăng câu ngầm, móc mồi trùn; ở đầu giường câu kia buộc một cục đá, đầu này buộc vào một cây sào dài; người ta có thể đứng trên bờ quăng luồng câu ra xa ngoài dòng nước rồi cắm cây sào dài giữ luồng câu cho đừng bị trôi. Sau khoảng hút tàn điếu thuốc, lại nhổ cây sào thăm câu, phăng câu lên, cá chốt dính mỗi lưỡi mỗi con. Cách câu cá chốt như vừa kể gọi là câu quăng.

Trường hợp giường câu dài, không thể đứng trên bờ quăng hết luồng câu được, người ta móc mồi sẵn và khoanh tròn trong một cái sàng rộng nhằm giúp cho câu không bị rối rồi dùng xuồng bũa câu. Người ta ngồi ở mũi xuồng rồi từ từ lấy câu từng lớp từng lớp thả câu dài theo dòng sông cho chìm sát dưới đáy sông; khi bũa câu xong người ta mới cắm cây sào dài và buộc giường câu vào cây sào để giữ giường câu khỏi bị trôi. Khi thăm câu người ta cũng nhổ cây sào lên và phăng giường câu từ từ, rồi gỡ cá bỏ vào xuồng. Cách câu cá chốt như vừa kể chỉ thực hiện vào mùa tháng ba, tháng tư khi trời vào mùa mưa.

Ngoài cách bắt cá chốt bằng câu quăng, người ta còn nhữ mồi chận đăng nơi các miệng hầm, vàm mương, hoặc chận đăng cặp các mé cỏ (còn gọi là đăng mé) vào tháng cá sắp lên đồng. Trong các cách này thì cách đăng mương là được cá chốt nhiều nhất. Đăng mương có hai cách, đó là đăng cố định hoặc là đăng lưu động. Đăng cố định là người ta chọn vàm mương nào dự trù mình sẽ đăng bắt cá các loại trong đó nhiều nhất là cá chốt, thì người ta trải đăng sẵn nơi vàm mương đó, chừa cửa mương để xuồng ghe ra vào cho tới nước kém vừa tới nước đăng mương, tức là buổi chiều nước lớn và vào lúc nửa đêm nước bắt đầu ròng, thì người ta nhữ mồi cá vào lúc chạng vạng tối cho cá bắt hơi mồi kiếm ăn đặng cá vô mương. Chờ cá vô như vậy cho tới khi nước gần đứng ròng, người ta mới lội xuống nước trải đăng ra đăng vàm mương lại và nhớ kiểm soát các chưn đăng cho chắc chắn không bị trống để cá khỏi chun ra được. Xong xuôi đâu đấy họ lên xuồng nằm ngủ hoặc nhà gần mương thì về nhà ngủ nghỉ chờ sáng ra nước ròng lo bắt cá. Việc bắt cá đăng mương, trước nhất người ta dùng tay hoặc nôm bắt cá lớn như cá trê, cá kết, cá lóc; sau đó mới lấy rơm đánh thành con cuối, một loại như bó đuốc dài vừa bằng bề ngang lòng mương dùng để hai ba người căng ngang đẩy sát mặt bùn cho cá dồn về phía vàm mương. Theo sau những người đi trước đẩy trái lăn là các người lớn lo bắt cá lớn một lần nữa còn chúi lại trong bùn. Còn đăng mương lưu động, người ta không trải đăng cố định một vàm mương nào, mà chọn vàm mương nào nhắm có nhiều cá là người ta chở đăng cùng dụng cụ tới vàm mương ấy để trải đăng và cũng chờ nước lớn, nhữ mồi, chận đăng và bắt cá như cách đăng mương cố định nhưng cái khác là sau khi bắt cá xong xuôi người người ta nhổ đăng bỏ lên ghe chở về nhà và tối mai lại tìm vàm mương khác đăng tiếp.

Thêm nữa vó cất cũng là dụng cụ bắt cá chốt vào những ngày mưa rất hữu hiệu. Hồi đời trước các vùng thuộc Long Xuyên, Châu Đốc cá chốt nhiều dữ lắm. Ở làng Mặc Cần Dưng (Bình Hòa) và các vùng lân cận những năm còn làm lúa mùa tới mùa mưa tháng tư, tháng năm, người ta cứ thui vài con chuột cho cháy khét rồi đem xuống bến sông, một tay cầm cái rỗ, tay kia cầm con chuột đưa qua đưa lại dưới nước, cá chốt bu lại cả bầy và cứ thế lấy rỗ xúc cá. Chúng rất dạn mồi, dù bị xúc như vậy nhưng cứ bu lấy miếng mồi và người ta tiếp tục xúc cho đến khi nào cá hết bu vào con chuột nữa mới thôi và dời đi bến khác.Trong ba loại cá chốt vừa kể, thì cá chốt giấy là loại cá ngon hơn hết.

Cách nhày hùm, cách quậy đìa cũng nhằm bắt cá chốt rất hữu nghiệm. Nhảy hùm thì cá chốt nghe tiếng động do có người quậy nước là bu lại và người ta cứ cầm rỗ, quậy nước động năm mười lần rồi bắt đầu úp rỗ xúc từ ngoài kéo vô mình một cái thật mạnh và xúc lên thì có cá chốt dính vô rỗ. Hồi xưa lúc cá nhiều nếu nhảy hùm năm ba bến cá chốt có cả cân. Còn quậy đìa khi nước đục các loài cá tép bị nước bùn làm cay mắt và nổi lờ đờ trên mặt nước, đặc biệt cá chốt nổi quơ râu qua lại rất chậm nên người ta cứ việc lấy rỗ xúc hoặc cái xịa xúc cá vô rỗ là xong. Mỗi miệng đìa vào mùa sắp mưa cá vô đìa rất nhiều nên quậy đìa như vậy có khi được cá cả thùng thiếc, ham lắm!

Loại cá trê cũng được chia ra làm hai loại: cá trê trắng và cá trê vàng. Cá trê trắng vì bụng nó hơi trắng, cũng như khi gọi cá trê vàng vì loại này có cái mình hơi ngà vàng mà nhất là cái bụng màu vàng thấy rất rõ. Cả hai loại cá trê này vừa ở đồng vừa ở sông. Ở trên đồng chúng thường ở các đìa bàu, lung vũng hoặc mùa nước lên chúng lội khắp các cánh đồng nhưng ưa nhất là chỗ nào có bờ kinh hoặc đất gò vì chúng thích ăn trùn nên các nơi ấy chúng dễ tìm mồi; hay nói cách khác là chúng hay ở chỗ nước cạn. Nhưng thường thường hai loại cá trê này ưa đẻ trong hang nơi các hồ ao, hoặc các miệng đìa; trái với cá lóc là thường quậy ổ nơi các bụi cỏ cặp các bờ bi, các giồng ranh giữa hai miếng ruộng.


Cá trê vàng và cá trê trắng chung một khênh ngoài chợ cá Châu Đốc.

Cá trê cũng như cá lóc lúc chúng mới đẻ, thì cá con lí nhí quay quần lại thành một mảng đen kịch bằng cái nón; trường hợp ổ cá lớn, cá con đông hơn có khi bằng cái miệng rổ, dân quê gọi chung hai giống cá mới đẻ này là cá đóng khói đèn. Đến khi lớn, cá lóc con lội kiếm ăn chung từng bầy, dân quê gọi những bầy cá lóc còn nhỏ bằng đầu đũa ăn là cá rồng rồng; nhưng cá trê con thì ở nhà quê không nghe ai gọi như vậy; có lẽ vì cá trê con cũng lội từng bầy nhưng ăn ngầm dưới mặt nước người ta không thấy chúng lội thành đàn như cá rồng rồng. Thành ra cá rồng rồng chỉ để gọi cá lóc còn nhỏ lúc chúng còn ở chung bầy với nhau.

Cá trê trắng, lúc chúng còn nhỏ cỡ ngón tay, ngón chưn, người ta còn gọi là cá trê đĩa; có lẽ vì chúng còn nhỏ nên dáng bơi lội lăng quăng như đĩa lội. Nên hồi xưa ít ai bắt cá trê trắng nhỏ để ăn; có khi câu được cá trê nhỏ người ta thả trở lại xuống nước cho nó lớn rồi mới bắt. Trái lại, hối đời trước khi cá trê trắng sống lâu năm có con lớn cỡ hơn một hoặc hai ký lô là thường; trong trường hợp cá lớn như vậy dân quê thường có thêm tên khác chỉ các cá trê trắng rất lớn này là cá trê dừa.


Cá lóc vùng Châu Đốc

Cách gọi cá lóc, như trên vừa nói, cá nhỏ sống từng bầy nổi theo mặt nước ăn bông cỏ hay các phiêu sinh vật nhỏ gọi chung tên là cá rồng rồng.
Đến khi cá lóc lớn bằng ngón chưn cái thì gọi là cá lóc con hoặc cá cò cững; lớn cỡ cườm tay, cán mác thì dân quê gọi cá theo tên mà người ta mường tượng với các vật vừa kể. Chẳng hạn như cá bằng cườm tay, cá bằng cán mác, cá bằng đầu gối, và cá lóc thiệt là lớn với lớp vảy đen ngòm và có thêm cặp râu ở ngay miệng cá, trường hợp này người ta gọi loại cá lóc này là cá lóc cối, hoặc cá lóc biết nói, tức là dùng những chữ tượng hình gợi lên loài cá rất lớn nhờ sống lâu năm nơi các lung vũng nước không bao giờ khô cạn...
“Trời mưa cá lóc đi xuôi,
Cá trê đi ngược, cá rô đi vòng”(ca dao).

Ngoài ra, trong các vùng nước ngọt còn có hai giống cá tương cận với cá lóc, đó là cá dầy, cá bông. Cá dầy có cái đầu giẹp, mỏ dài, vảy nhuyễn, mình màu nâu, nhỏ con; con lớn nhất chừng nửa ký ; miệt Long Xuyên, Châu Đốc ngày xưa cũng có cá dầy, thường sống nơi đìa bàu nhưng không nhiều bằng các miền nước trầm thủy vùng rừng tràm miệt Cà Mau, Rạch Giá… Cá bông hình giống cá lóc, lớn con, vảy lớn và mình có vằn đen, đầu hơi nhọn, miệng rộng, ăn tạp và lội rất mạnh; con lớn nhất có khi bằng cái gối ôm. Những năm nước lụt lớn vùng Mặc Cần Dưng (Long Xuyên) vào tháng nước cỏ trong vắt, dọc theo hai bờ rạch Mặc Cần Dưng- Xà Tón người ta thường lựa những gốc cây gáo lớn rồi lấy lá chuối che một cái chòi làm tum ngồi chờ cá bông lội vào tum nghỉ mát với cái chỉa xà búp ba mũi để đâm cá bông. Mỗi ngày ngồi tum gặp lúc cá vô tum nhiều, có người đâm cả chục ký là thường. Vào mùa vó gạt lúc cá ra, không có cách nào bắt cá bông nhiều bằng cách này vì vó gạt căng ngang mặt sông nên cá ít khi lọt vó. Cả ba giống cá lóc, cá dầy, cá bông thì giống cá lóc là ngon nhất, kể cả các loài khô của ba giống cá này thì khô cá lóc vẫn là số 1 so với hai loại khô cá dầy và cá bông.

Vùng sông rạch nước ngọt, cá chạch được chia ra làm hai loại. Cá chạch cơm là loại cá chạch nhỏ, bụng trắng hếu; con lớn nhất bằng ngón chưn cái, dài cỡ gang tay. Còn cá chạch lấu là loại cá chạch khá lớn, mình có bông rằn ri, dài cỡ từ ba tới bốn tấc, có con dài tới năm tấc, cân nặng từ nửa ký lô trở lên. Cả hai loại cá chạch này có cái ngon giống nhau là chúng rất béo, nhất là cá chạch lấu béo dữ lắm. Nếu làm sạch cặp gắp nướng thì cả hai loại này đều thơm như nhau; nhưng nếu kho cà rì, hoặc kho nghệ thì cá chạch lấu hay cá chạch cơm đều là món ngon trong các bữa cơm gia đình nơi miền quê.

Việc bắt cá chạch cơm thì có cào cá chạch tháng hai, tháng ba bằng bàn cào làm bằng sắt tra vào cái cán dài bằng ngọn tầm vông. Khi cào mình đưa bàn cào ra xa và ghì tay hơi nặng một chút cho bàn cào bám sâu xuống đất bùn rồi giữ ở mức bàn cào bám vào bùn như vậy và kéo bàn cào vào phía mình đang đứng. Khi bàn cào được kéo sâu như vậy gặp cá chạch trong bùn chúng bị mắc vào các răng cào bằng sắt và khi bàn cào kéo sát đến chỗ mình đứng, người ta mới lấy bàn cào lên và gỡ cá bỏ vào xuồng. Một con nước ròng, nếu cào cá chạch như vậy có khi được cả nửa thùng thiếc hoặc nhiều hơn…

Cách bắt cá chạch cơm ngon nhất là đặt lọp vào mùa nước lên trên các cánh đồng. Cách đặt lọp này tuy cực nhưng cũng rất nhàn. Cứ xế chiều là lo làm mồi. Mồi thì chỉ có cám rang cho thơm, hoặc cua đồng tách ra rồi trộn với xác mắm cá linh, vò với đất sét làm mồi cá chạch rất thích. Sau này người ta còn thêm đại hồi, tiểu hồi trộn chung với cám rang, xác mắm, cua, trùn…, cá chạch càng khoái dữ. Lo mồi xong xuôi đến xế chiều bắt đầu chất lọp xuống xuồng và chống xuồng vô vạt đất nào mình muốn đặt thì bắt đầu rời xuồng và lội xuống nước dắt chiếc xuồng theo mình. Vừa dắt xuồng vừa lấy bàn chưn dọn nền lọp bằng cách chà cho nền lọp trủng xuống một chút và tay lấy lọp đặt xuống chỗ nền mình vừa mới chà láng xong, rồi cắm một cây ghim cho lọp đừng bị trôi. Nhớ trở miệng lọp xuôi theo dòng nước chảy cho mồi trong lọp trôi mùi thơm theo nước và cá bắt được mùi thơm ấy và lội ngược nước tìm miệng lọp chun vô. Và cũng nhớ gom cỏ hoặc lúa rài thành cái gù nhằm làm dấu để khi đi dỡ lọp không bị sót. Nếu không làm dấu như vậy lọp dễ bị lạc mất vì mỗi người đặt lọp cách này họ có từ vài trăm lọp là thường; có người lọp nhiều có khi họ sắm vài ba trăm lọp nhỏ như vậy. Nhưng cách bắt cá chạch cơm lý thú nhất có lẽ là cách buộc lùm lá chuối khô xúc cá chạch tháng tư, tháng năm âm lịch. Tuy nhiên xúc cá chạch theo các dề lục bình trôi trên các kinh rạch vào mùa nước cỏ lúc cá ra sông tháng mười một, tháng chạp cũng thú vị hổng thua gì xúc lùm cá chạch tháng tư, tháng năm.

Còn bắt cá chạch lấu có hai cách là đặt rù hay câu bằng câu cần. Tháng nước giựt người ta câu cá chạch lấu bằng mồi tép. Cá chạch lấu ưa dựa vào các gốc cây lớn như cây gáo, cây bảy thưa, cây bần và người ta cứ đậu xuồng cặp mấy gốc cây ấy rồi móc mồi tép vào lưỡi câu có gắn cục chì cách lưỡi câu chừng vài ba tấc với mục đích để cho lưỡi câu mau chìm xuống nước và không bị trôi. Mấy chàng cá chạch lấu này dạn ăn lắm, hễ gặp mồi là chúng tới ăn câu liền; nhưng có điều loại cá chạch lấu này rất mạnh, khi ăn câu nếu mình giựt chậm một chút là chúng lôi lưỡi câu dính tuốt trong gốc cây, nên nếu mình không nhanh tay câu dễ bị mắc gốc và khó bắt được cá nhất là gặp những con cá lớn cỡ từ nửa kilô trở lên lại càng khó bắt. Thành ra, câu cá chạch lấu cũng đòi hỏi nhanh tay nhưng kinh nghiệm trong cách bắt cá bằng câu cần này cũng cần phải có và tùy mỗi người mỗi cách, không kinh nghiệm của người nào giống người nào.

Cách đặt rù hay còn gọi đặt lu, đặt khạp, đặt bộng, hoặc kéo bò thì tùy vật dụng mỗi cách bắt cá chạch nên có các tên gọi như vậy, và chỉ đặt rù hoặc kéo bò bắt đầu từ tháng nước giựt tới hết tháng tư mưa già vì khi mưa già cá bỏ sông về đồng, nên rù không còn có cá nữa người ta bắt đầu đem rù lên lấy chà phơi làm củi. Thường thường cách bắt cá chạch lấu bằng rù, người ta cũng bắt được cá rô biển, cá trê, cá lóc vì các loài cá này ưa ở chỗ có chà nên chúng thấy mấy cái rù này êm quá thì vô ở chơi cho vui. Có thể mỗi ngày người ta dỡ rù một lần vì hồi xưa cá nhiều nhưng chắc ăn nhất cách hai ba ngày dỡ rù một lần thì cá vô nhiều lắm vì rù êm, ít ai động đậy thì cá dạn vô trú ẩn hơn.


Cá linh ống móc hầu sẵn bán ở chợ.

Cá linh miệt sông nước Cửu Long vùng Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cao Lãnh thì có hai loại: cá linh ống và cá linh rìa. Cá linh ống như trong hình, có thân hình ống tròn, vảy nhuyễn; còn cá linh rìa thân hình hơi giẹp, hai bên hông có lằn vảy màu sậm đen. Khi nhắc tới cá linh người ta nghĩ nhiều tới cá linh ống vì loại cá này chiếm phần lớn trong các bầy cá linh; cá linh rìa thì số lượng ít hơn. Cả hai giống cá này khi còn nhỏ bằng đầu đũa ăn thì gọi tên chung là cá linh non. Chúng có thói quen sống thành đàn, ưa ăn rong ngầm dưới mặt nước. Chính vì thế dân quê mới tìm cách bắt cá linh bằng đăng đó, giăng lưới, đặt dớn, đóng đáy giữa sông lớn, lưới gạt, vó cất…Vì cá linh cũng như cá sặt miệng chúng rất nhỏ, ít ăn câu nên không ai đi câu hai loại cá này.

Cá he thì đuôi và kỳ màu đỏ. Khi cá he lớn, ngoài đuôi và kỳ màu đỏ chúng còn có cái mang và vảy cá ửng màu vàng, nên dân quê thường gọi loại cá he này là cá he nghệ. Cá he nghệ trên các kinh rạch miền Tây cũng nhiều nhưng so với các loại cá khác thì cá he tương đối ít hơn. Cách bắt cá he nơi sông Cái như sông Tiền Giang, Hậu Giang người ta thường chất chà bó nơi những khúc sông không sâu lắm. Qua kinh nghiệm người ta biết cá he ưa trú ẩn trong những nhánh tre bó lại thành từng bó bằng một vòng ôm; thành ra người ta mới bó nhánh tre và chất chà bó để dụ cá he vô ở và mỗi tháng hoặc hai tháng dỡ chà một lần tùy theo chỗ cá nhiều hoặc ít. Cá he nghệ thích ăn cám rang, hột trái ké, dây cứt quạ, lúa rang. Câu cá he người ta thường dùng những loại mồi vừa kể nhưng các miệt Tân Châu, Châu Đốc cá he được nuôi trong các bè nổi trên sông và mồi cho cá he ăn ngoài cám rang, các chủ bè còn cho cá ăn bằng bí rợ, cà chua hoặc các loại rau cải vụn bán ở các chợ người ta mua về cho cá ăn. Riêng các vùng Lấp Vò, Sá Đéc cá he được nuôi chung với các loại cá trắng khác như cá mè vinh, cá dảnh, cá éc, cá hô trong các ao hồ trong vườn; mồi cho cá he và các loại cá này bằng cơm nguội trộn với cám rang; nếu nhằm mùa tháng ba tháng tư có chuột đồng thì ruột chuột, da chuột làm mồi cho cá trong ao hồ rất tốt; nếu nhằm mùa tháng mưa hoặc tháng nước lên có cua ốc nhiều người ta bằm cua ốc cho cá ăn cá mau lớn trông thấy.


Cá he nghệ(*)(1)

Trong sông rạch vùng Long Xuyên-Châu Đốc vào tháng nước giựt còn có loại cá heo với hai ngạnh rất bén bên hai bên mang. Thân cá da láng màu ửng vàng có vằn ngang màu đen, rất béo. Loại cá này phần nhiều bắt được bằng cách đóng đáy giữa sông hoặc vó gạt; còn các cách bắt cá khác như câu, lưới, kể cả vó cất, đặt dớn cũng chỉ bắt một số ít thôi chứ không nhiều bằng hai cách vó gạt hay đóng đáy giữa sông. Sở dĩ có tình trạng như vậy vì loại cá này cũng hiếm so với các loài cá khác trong vùng nước ngọt này. Thêm vào đó cá heo có đặc tính đi ngầm dưới nước và thích ăn rong nên mấy cách câu hoặc giăng lưới đối với loại cá mình da trơn này không được bao nhiêu. Cá heo mà kho tiêu là ngon hết sẩy vì nó vừa béo vừa thơm, ngon lắm!


Cá linh rìa nằm phơi mình giữa các bạn cá trắng cùng một bến sông…

Riêng về cá bống cũng có nhiều loại như cá bống mọi, cá bống trứng, cá bống cát, cá bống mú hay còn gọi là cá bóng tượng. Cá bống mọi thân nó nhỏ bằng ngón tay, con lớn nhất bằng ngón tay cái, dài chừng bốn năm phân có vảy màu sậm. Cá bống trứng cũng nhỏ như cá bống mọi nhưng cái bụng màu lợt và có cặp trứng bên trong ửng vàng lộ ra bên ngoài. Cá bống cát mình dài có vảy thưa và thịt hơi trong. Cá bống mú (còn gọi cá mú hay cá bống tượng) là loại cá bống lớn, múp đầu múp đuôi, mình ngắn, trên mình vảy có bông hoa rất đặc biệt và là cá ngon trong các loài cá sông.


Cá bống mú (cá bống tượng)

Cá dảnh là loại cá trắng có tiếng trong các loài cá trắng vùng nước ngọt. Dịp này xin nhắc lại một chút về nơi ở của loài cá dảnh. Đây là loại cá sông chứ không phải là cá biển như vài quyển tự điển nhầm lẫn. Ngày trước lúc cá tôm vùng nước ngọt còn nhiều, cá dảnh câu được có con lớn bằng cái dĩa bàn. Cá dảnh có hình hơi giẹp, vảy nhuyễn, nhiều xương nạng còn gọi là xương hom, lúc còn nhỏ thịt ít nhưng cá lớn có con cả ký lô, cặp gắp nướng là món ăn ngon hết sẩy. Cũng như nhiều loại cá trắng khác, cá dảnh là cá sông nhưng tới mùa nước lên cá cũng sống trên đồng và ưa cư ngụ nơi các láng trống có nhiều rong đuôi chồn hay mã đề.


Rong đuôi chồn(*)

Chúng rất thích ăn những loài rong ấy cũng như thích ăn lúa hột rang cho vàng hoặc dây cứt quạ cũng là món loại cá dảnh này rất ưa. Biết được sở thích ấy nên các chủ chất chà thường nhử cá bằng cách rang lúa hoặc bứt dây cứt quạ rồi bó lại thành chùm và đem buộc nơi các đóng chà cá sẽ tụ hội lại rút các lá cứt quạ một cách say đắm lắm.

Cá dảnh

Còn cá mè vinh thì có những đặc tính giống như cá dảnh nhưng cá mè vinh vảy lớn hơn vảy cá dảnh, thân cá mè vinh có bề dầy dầy hơn cá dảnh và cũng nhiều xương nạng; kỳ cá dảnh màu trắng nhưng kỳ cá mè vinh màu hơi sậm hơn và ửng đỏ. Cá mè vinh lớn với bộ vảy càng đậm hơn, khi chúng lội dưới nước, lớp vảy lấp lánh trong nước như hột cườm chiếu sáng nên dân ruộng gọi cá mè vinh lớn lá cá mè vinh cườm; có con lớn gần bằng cái dĩa bàn. Thường thường giặng lưới vào mùa nước lên là cách bắt hai loại cá mè vinh và cá dảnh nơi đồng ruộng thông dụng nhất. Còn chất chà, vải chài, đóng đáy, vó cất, vó gạt cũng là những cách bắt cá dảnh cá mè vinh mà dân quê thường áp dụng; nhưng câu hai loại cá này bằng mồi rong đuôi chồn hoặc lá cứt quạ vào tháng cá ra sông cũng là cách bắt cá vô cùng hấp dẫn…

Cá mè vinh

Trong sông nước miền Tây còn có loại cá lưỡi trâu cũng hấp dẫn không kém các loài cá khác. Như trong hình, cá lưỡi trâu phía trên lung vảy màu vàng lợt, bụng vảy màu trắng. Cách bắt cá lưỡi trâu có đóng đáy và vó gạt là hữu hiệu; ngoài ra còn các cách bắt khác như câu, chài hoặc giăng lưới cũng được cá nhưng không nhiều; và lại loại cá này ngay cả hồi xưa lúc cá tôm nhiều, cá lưỡi trâu cũng không nhiều như các giống cá khác.


Cá lưỡi trâu

Trong các sông rạch nước ngọt có hai loại cá rô: cá rô biển và cá rô đồng. Cá rô biển ở dưới sông nhiều, nhất là mùa nước giựt cá rô biển ưa dựa theo mấy gốc cây lớn. Kỳ trên và kỳ dưới cá rô biển đều bén nhưng không đâm; có thể nói cá rô biển thuộc loại cá rất hiền. Cá rô biển nhỏ bằng hai ba ngón tay trở xuống có tên là cá rô biển dăm; ngược lại cá rô biển lớn cỡ bằng bàn tay hoặc có con lớn bằng cái dĩa bàn thì được gọi là cá rô biển bà. Cá rô biển dăm thường thường được làm mắm hoặc làm khô; cá rô biển bà thì chiên chấm nước mắm gừng là hết sẩy. Cách bắt cá rô biển tùy theo mùa. Nếu mùa tháng mười một tháng chạp lúc cá dại người ta đi đâm cá bằng chĩa xà di hoặc câu cá bằng mồi tép; nhưng tới mùa tháng giêng tháng hai thì đặt rù, kéo bò. Cá rô biển ưa dựa gốc, dựa chà nên chất chà cũng là cách bắt cá rô biển rất hữu hiệu. Tháng nước giựt gần khô đồng thì cá rô biển dính lưới giăng trên đồng rất nhiều, đây cũng là dấu hiệu đồng ruộng gần cạn nước . Điều đó cho thấy cá rô biển là loại cá ra sông sau cùng khi nước giựt.


Cá rô đồng

Cá rô đồng như tên gọi là loại cá đồng để phân biệt với cá rô biển ở sông nhiều hơn. Khi nhỏ cá rô đồng có tên là cá rô cam tích hoặc cá rô non. Sở dĩ người  nhà quê gọi loại cá rô này như vậy vì cá nhỏ ham ăn nên cái bụng no tròn giống như trẻ nhỏ mắc bịnh cam tích với cái bụng binh rỉnh. Ngoài ra do cách bắt cá rô mà người ta còn đặt thêm ra nhiều tên gọi khác nữa như cá câu thì có tên là cá rô câu, cá lưới lại có tên cá rô lưới. Gọi cá rô câu gồm có cá lớn cá nhỏ lẫn lộn, trái lại cá rô lưới thì cá cùng một cỡ với nhau. Chẳng hạn lưới năm phân thì cá rô dính lưới có bề ngang đồng đều cỡ từ năm phân sắp lên vì cá rô nhỏ hơn năm phân thì sẽ bị lọt lưới.   Còn cá rô lớn sống lâu năm trong các đìa bàu lung vũng có con gần bằng cườm tay được dân quê gọi là cá rô mề.


Cá thác lác và cá cơm

Ở sông rạch miền Tây mặt cá thác lác, mà trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí gọi là cá “phát lác”, chiếm phần lớn trong các loại cá trắng, cá sông ở vùng này. Cá thác lác ưa ở các đống chà, mà nhất là chà chất bằng nhánh me nước ca ưa dựa hơn các loại chà khác. Dù ở sông nhưng tới mùa nước lên cá thác lác cũng như nhiều loài cá sông khác cũng theo nước lên đồng. Vào mùa này, giăng lưới cá trắng với lổ lưới bảy hoặc tám phân thì dính cá thác lác cũng bộn, nhất là lúc nước gần giựt tháng 10, tháng 11 cá thác lác ra mé kinh, các tay lưới bủa các cựa gà chỗ nước đổ ra kinh rạch cá thác lác dính guộn viền lưới bắt ham. Cá thác lác là tên chung chỉ giống cá mình giẹp giống như lưỡi dao, có kỳ dưới mỏng, vảy cá màu trắng và nhuyễn . Tuy vậy, dân quê cũng dựa vào hình dáng để phân biệt vài loại cá thác lác. Nếu cá thác lác còn nhỏ với đuôi cá rất mỏng người ta gọi cá thác lác lưỡi mèo. Khi chúng lên ngớp, cái đuôi mỏng ấy đánh vào nước nghe cái rẹt rất nhỏ. Trường hợp cá thác lác có lưng cong xuống và hai bên hông có nhiều chấm đen (từ 7 tới 9 chấm hoặc nhiều hơn) xếp thành hàng chạy dài từ chỗ cách mang cá vài phân tới gần đuôi cá, thì loại cá thác lác này gọi là cá thác lác còm hay cá còm.


Cá thác lác còm(*)

Còn cá trèn là loại cá không vảy, thịt trong có đuôi mỏng với đầu cá có lớp sụn rất giòn với hai râu cá ở hai bên mép miệng. Vào những năm còn làm lúa mùa lọai cá trèn rất nhiều nhất là vào những ngày cá dại tháng 11, tháng chạp cá trèn cùng các loài cá khác nổi đầy mặt nước. Trẻ con hồi ấy ưa đi đăm cá trèn với chỉa xà di bằng căm xe máy, đi đăm một hồi như vậy có cả một xâu cá dài. Cá trén có hai loại, loại đuôi rất mỏng thì được kêu tên là cá trèn lá; loại có cái bụng lớn thì được gọi là cá trèn bầu. Cả hai loại cá trén lá và cá trèn bầu đều thích mồi tép, nên vào những ngày nước gần giựt người ta thường giăng câu cá trèn bằng mồi tép. Lưỡi câu giăng loại cá này hình dáng thuộc loại lưỡi câu dấu ó giăng cá trê nhưng vọng lưỡi câu rất nhỏ vừa bằng miệng cá trèn. Thông thường người ta bũa câu từ hồi chiều, có người bũa sớm hơn nếu câu nhiều cỡ năm ba trăm lưỡi. Bũa câu xong đâu đấy mới bắt đầu móc mồi tép canh thế nào vừa móc mồi xong là trời vừa sụp tối vì loại cá này cũng như cá trê, cá lóc thường ăn mồi vào ban đêm. Móc mồi xong là ngủ nghỉ một hồi cho tới khoảng vài tiếng đồng hồ sau là bắt đầu thăm câu và móc mồi lại một lượt nữa, rồi chờ tới gần sáng là cuốn câu chuẩn bị chống xuồng về nhà. Hồi đời trước giăng câu cá trèn bằng mồi tép dính cá dữ lắm, đôi lúc cũng dính cá thác lác, cá trê nữa vì mấy loài cá này rất ưa mồi tép.

Cùng hình dạng như cá trèn, vùng nước ngọt có các loài cá giống như cá trèn nhưng lớn con hơn thì có hai loại cá kết và cá leo. Cá kết mình giẹp, đuôi mỏng, trái lại cá leo mình đầy đặn hơn và lớn con. Hai loại cá này thích ăn mồi tép nhưng vào tháng bảy, tháng tám nơi các rạch nhiều cỏ người ta giăng câu hoặc cắm câu với mồi cá linh hoặc cá sặt non thì ưa dính cá leo, cá kết và cá lăng. Những loại cá ăn câu vào mùa này con nào cũng lớn và nặng có khi cả ký lô, ít khi có cá nhỏ như ngày nay qua các hình vừ đính kèm

  
Cá kết                                      Cá lăng còn nhỏ

     
Cá trèn bầu                           Cá bụng

Cùng loại cá không vảy, các vùng sông rạch vừa kễ còn có cá tra, cá vồ, cá bông lau, cá ba sa, cá bụng, cá soát (có người còn gọi cá sát). Các giống cá này hồi còn nhỏ trông rất giống nhau, rất khó phân biệt được loại nào là cá nào, đến khi cá lớn người ta nhận ra sự khác biệt của mỗi giống rất rõ.

Chẳng hạn cá vồ thì mình ngắn hơn so với cá tra mình dài hơn; ngoài ra có nhiều con cá vồ sông Cái lớn có kỳ trên giương cao mà dân quê còn gọi cá vồ cờ; hoặc hai bên mang cá vồ có hai chấm đen người ta gọi là cá vồ đém. Riêng cá bông lau so với cá tra thì chiều dài cũng ngắn hơn nhưng đặc điểm giống cá bông lau là có cái bụng rất béo; còn cá ba sa thì chiều dài ngắn hơn cá vồ và cá tra, da bụng dày như đầy mỡ. Trái lại cá bụng dù có tên gọi như vậy nhưng loại cá này không lớn như bốn loại cá tra, cá vồ, cá ba sa, cá bông lau vừa kể. Cá bụng con lớn nhất cũng độ chừng nửa cườm tay, ít khi lớn hơn cỡ đó. Cá soát hay cá sát gần giống như cá bụng nhưng mình giẹp hơn. Loại cá soát và cá bụng thích ăn mồi con gián. Vào mùa nước lên tháng tám, tháng chín dân quê thường câu hai loại cá này bằng mồi con gián. Người ta chọn những bến sông nào êm êm, ngồi nơi mũi xuồng, tay trái cầm cái miểng vùa có đục lổ nhỏ múc đầy nước cho nó chảy xuống mặt nước như tiếng người đi tiểu, tay mặt cầm cần câu móc mồi con gián thả ngầm trong nước. Cá nghe tiếng nước chảy từ nơi gần nào đó rồi xúm nhau lội lại chỗ có nước xao động kiếm ăn và gặp lưỡi câu có mồi gián là chúng thích lắm. Ở bến câu này có bao nhiêu cá soát, cá bụng chúng đều dính câu hết, vì chúng vừa dạn ăn và vừa thích loại mồi gián này. Tóm lại, cá vồ, cá tra là hai loại cá lớn nhất trong các loại cá vừa kể nhưng cá bông lau là cá ngon nhất.

Nhắc đến sông Cái, những năm 1940-1950 vào tháng Hai, tháng Ba âm lịch, dân câu chuyên nghiệp họ thường thả câu hoặc thả lưới dọc theo sông Tiền hoặc sông Hậu người ta thường bắt được cá hô, có con lớn vảy bằng miệng chén. Cá hô khi còn nhỏ dân quê hay gọi cá hô đất với lớp vảy phản chiếu nhiều màu sắc long lánh rất đẹp. Người ta có thể nuôi cá hô trong ao hồ; chúng ăn cua ốc, tấm cám rang và lần hồi cá hô đất lớn dần thành cá hô lớn giống cá hô trên các sông Cái, có con lớn bằng cái lu đựng đường. . Thịt cá hô rất ngon, nhất là đầu cá hô với lớp sụn rất béo và giòn. Cá hô nấu canh chua thì hết sẩy. Ca dao có câu:
Vàm Nao có tự thuở nào,
Cá hô kéo đến, bông lau rủ về.”

Vùng nước ngọt còn có hai loại cá trắng cũng khá lớn con là cá mè hôi và cá chẻm. Cá mè hôi tương tự như cá mè vinh nhưng lớn con hơn, mình dài hơn, có con cân nặng vài ký lô và đặc biệt mỡ của loại cá này có mùi hôi; do vậy mỗi khi làm cá người ta nhớ lấy mỡ cá này bỏ, nếu không, dù nêm nếm gia vị thế nào đi nữa món ăn làm bằng cá mè hôi sẽ bị hôi không hấp dẫn như các loài cá khác. Còn cá chẻm là loại cá ngon trong các loại cá trắng vùng nước ngọt. Cá chẻm dài chừng ba tấc, có con dài tới bốn tấc, mình có vảy nhuyễn; đặc biệt hai mang cá chẻm rất bén như lưỡi dao cạo. Mỗi khi dỡ chà, cá chẻm thường lội lên trên nước chỗ đầu trên đống chà mà dân chuyên nghiệp gọi là ổ cá. Chúng cố lội dựa vào mặt lưới và dùng hai cái mang rất bén ấy rạch lổ lưới chui ra ngoài. Do vậy, qua kinh nghiệm dỡ chà, người ta phân công một người lo canh cá chẻm lội gần mép lưới để trông chừng cá chẻm chém lưới; vì nếu không canh chừng như vậy chẳng những cá chẻm chém lưới chun ra ngoài mà các loại cá khác cũng theo lổ lưới rách ấy mà tìm đường thoát thân ráo trọi.


Cá éc của sông nước Miền Tây. (nguồn: answers.com)

Ngoài các loại cá trắng lớn con như cá chẻm, cá mè hôi, v.v…, vùng nước ngọt còn có cá éc, cá cóc, cá chài, cá ngựa nữa. Cả bốn giống cá này đều có đặc điểm chung giống nhau là chúng rất nhiều xương hom, còn gọi là xương nạng nên ngon thì có ngon nhưng ăn bốn loại cá này dễ bị mắc xương. Ngoài ra, chỉ có cá éc có vảy màu đen sậm, còn lại ba giống cá kia vảy của chúng màu trắng. Cá chài có môi và đuôi màu đỏ. Loại cá này ưa mồi bắp hầm và hột bưởi. Mùa nước lên tháng chín người ta giăng câu cá chai bằng hai loại mồi này cá dính rất nhạy. Cá cóc mình thon dài, vảy trắng nhuyễn, khi lên khỏi mặt nước hai mang nó thở phát ra tiếng kêu như cóc kêu nên dân quê gọi cá cóc.  Cá éc khi lên khỏi mặt nước hai mang cá cũng thở và phát ra tiếng “éc”, “éc” nên tiện thể dân quê cũng gọi loại cá này là cá éc. Còn cá ngựa hình dáng giống cá cóc nhưng vảy to hơn và hai bên hông cách mang cá chừng vài phân có hai hàng vảy ngang màu sậm bề ngang chừng nửa phân, dài chừng hai phân. Cá ngựa thích rượt cá lòng tong khi kiếm mồi nên chúng thường nhảy lên khỏi mặt nước ngay các vàm mương nước chảy mạnh như ngựa bay, ngựa nhảy; có lẽ do vậy mà dân quê đặt tên cho chúng là cá ngựa.

Cá sặt(*)

Nhắc đến cá vùng nước ngọt, không thể không kề đến loài cá sặt và cá rằm. Cá sặt là giống cá đồng, còn cá rằm là cá sông nhưng cả hai loại cá này có vảy trắng ngoại trừ giống cá sặt rằn vảy có sọc ngang màu hơi sậm vì loại này ưa ở các vùng lung vũng nước ngập quanh năm, còn hầu như các loại cá sặt điệp, sặt bướm hết thảy chúng đều có vảy màu trắng. Hai giống cá này có cái nét đặc biệt là chúng ra sông sau cùng khi mùa nước trên đồng sắp cạn. Cá rằm theo nước xuống các kinh rạch; còn cá sặt một số cũng rút xuống kinh nhưng đa phần chúng rút xuống các lung vũng hoặc đìa bàu và ở đó cho tới mùa tát đìa rồi chịu trận…


Cá rằm (*)

Thiết tưởng trước khi kết thúc bài viết này, cũng nên nhắc qua một chút về vài loại cá vùng nước pha chè. Sông nước miền Tây phần nhiều là thuộc vùng nước ngọt, chỉ trừ một vài tỉnh tiếp giáp với các tỉnh vùng duyên hải thì nước thường bị pha chè tức là lúc nước thủy triều dâng lên, nước biển tràn vào các cửa sông và nước mặn của biển và nước ngọt của sông pha trộn nhau nên dân quê gọi là nước pha chè. Vị của loại nước này hơi lơ lớ lờ lợ tức là nó nặng mùi nước biển, tuy không mặn lắm mà cũng không hoàn toàn ngọt như nước các vùng Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Cao Lãnh… Trong các vùng nước pha chè thường có nhiều cá đối. Chúng ăn bọt nước và các phiêu sinh vật nhỏ và nhiều nhất tập trung vào các vùng ngã ba Nước Trong, Hỏa Lựu, Long Mỹ (Chương Thiện), Vĩnh Thuận (Rạch Giá). Ở các vùng nước pha chè này còn có loại cá nâu hình dạng giống như cá chim ở biển, hoặc cá rô biển ở sông rạch nhưng trên mình có những lấm chấm màu đen giống như cá mê rổ ở nước ngọt. Loại cá nâu này có đặc điểm là các kỳ nó nhọn và mỗi khi người làm cá bị mấy kỳ này xước vào thì chỗ bị xước ấy rất nhức nhối giống như bị cá có gai đâm vậy. Ngoài ra, vùng nước pha chè cũng có nhiều cá ngác. Loài cá này hình dáng giồng cá trê trắng, chỉ khác cá trê là chúng có thêm kỳ trên rất bén. Cả hai giống cá trê trắng và cá ngác đều có ngạnh và đâm rất nhức nhưng với cá ngác kỳ trên đâm còn nhức hơn cá trê trắng gắp bội. Một vết đâm của cá ngác nhức khoảng 24 giờ và vết sưng kéo dài cả tháng. Trị chứng cá ngác đâm người ta ngâm tay hoặc chân bị cá đâm vào cái nồi hoặc cái thau cơm mẻ nấu cho ấm lên thì hy vọng mới đỡ bị nhức. Trong các loài cá gai, thì loài cá ngác là loài cá đâm nhức hơn bất cứ loài cá nào khác...
Ngoài ra, còn vài loài cá khác nữa như cá nóc, cá sơn, cá bã trầu, cá lia thia, cá thòi lòi, cá vằn vện… vân… vân… mà tên gọi như vừa nêu cũng là do các nét đặc sắc riêng của mỗi loài mà có tên như vừa kể…

Học giả Vương Hồng Sển khi bàn về cách đặt tên chim, Cụ đã viết: “Bởi ở xa triều đình nên lời nói mộc mạc quê mùa, cứ thấy con chim nầy đặc sắc có bộ lông đen thì gọi con chim lông ô, và cũng vì thấy đầu chim sói sọi, nên gọi đó là con chim gà sói , hoặc cũng gọi con chim già đãy , vì đã già mà chớ, thêm nơi cổ có kèm một cái túi đeo lòng thòng nhỏng nhảnh nơi cần cổ trụi lủi lông, trông dị hộm như lão thầy rùa đeo bầu trên sân khấu hát bội.”(2) Khi đặt tên từng loại cá vùng nước ngọt cũng vậy, dân quê ở đây họ gọi tên cá theo hình dạng lớn nhỏ, theo màu sắc trên lớp vảy, theo thói quen kiếm ăn, theo từng giai đoạn cá vừa mới nở, cá mới lớn, cá sống lưu niên nơi các vùng nước ngập lưu lai không bao giờ cạn mà có những tên cho phù hợp với các đặc điểm ấy. Ngoài ra người ta cũng còn căn cứ vào cách giăng câu, cách giăng lưới, đặt lọp, đặt lờ, tát đìa, làm lóng, v.v… mà có thêm rất nhiều tên để gọi từng loại cá cho từng loại riêng như vậy…

Nói một cách khác, từ rất xa xưa, dân quê nơi các vùng sông rạch nước ngọt dù ít học, dù không có chút kiến thức nào về khoa học cùng các nghiên cứu các loài cá trên các kinh rạch một cách chuyên môn nhưng họ biết nhận ra những đặc tính riêng của mỗi loại cá mà đặt ra những tên gọi các loài cá như vừa kể vừa tượng thanh, tượng hình mà giản dị, phổ quát vô cùng , đến đỗi nói ra ai cũng biết và dù ở bất cứ vùng nào, bất cứ đời nào, bất cứ thời nào đi chăng nữa thì mỗi loài cá có tên riêng của chúng vẫn như cũ mãi mãi, không có gì thay đổi!

Lương Thư Trung
Houston, ngày 22 tháng 11 năm 2013 

Cước chú:
1/ Ngoài các hình có dấu (*), các hình còn lại trong bài do bạn Thái Lý chụp và gởi tặng.
2/ “Ăn Cơm Mới Nói Chuyện Cũ:Hậu Giang Ba Thắc” (di cảo) của Vương Hồng Sển do nhà xuất bản Trẻ ấn hành, năm 2012, trang 162.