Trong lãnh vực thưởng thức thơ, có dạo tôi bị chao đảo giữa hai khuynh hướng:
Khuynh hướng thứ nhất là đọc thơ với sự giúp đỡ của lý trí, dùng đầu óc phân tích để tìm hiểu cặn kẽ ý nghĩa, nguồn cội, hoàn cảnh của từng tứ thơ, tức là những ý tưởng, những kỹ thuật xây dựng hình tượng, những xúc cảm khởi thủy, sự biến đổi theo từng câu thơ, lý do để tác giả có những cảm xúc đó... và hơn nữa mượn nhạc thuật, kiến thức trong ngành ngôn ngữ học hay âm học để tìm hiểu cái hay, cái dở của tính nhạc của một câu thơ .Sau đó dùng phép tổng hợp để nối kết tất cả những phân tích đó thành một hệ thống hầu có thể trình bày rõ ràng và hợp lý những nhận định đã tìm ra bởi sự phân tích.
Khuynh hướng thứ hai để sự nhận thức chủ quan điều khiển, đọc một bài thơ thấy hay, thấy đẹp, thấy xúc cảm là hay, không cần chẻ sợi tóc làm tư, làm tám, yêu là yêu theo như Xuân Diệu đã viết
"Nào ai phân tích một mùi hương ..."
(ghi theo trí nhớ)
Thơ Ðinh Hùng đã đến với tôi bằng con đường thứ hai. Tôi yêu thơ Ðinh Hùng dưới tác dụng của một tiếng sét ái tình. Sức quyến rũ tàn bạo của cái đẹp, cái lạ đến một cách đột ngột, sững sờ vào tuổi thiếu niên. Dù rằng tôi cũng thích những bài học về thơ Việt Nam ở trường, hay một số đoạn thơ trích ở sách giáo khoa. Chẳng hạn, những bài thơ thất ngôn bát cú của Lê Thánh Tôn với
"Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói sương
Miễu ai như miễu vợ chàng Trương ..."
Hay Chinh Phụ Ngâm với
"Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
Ðường bên cầu cỏ mọc còn non
Ðưa chàng lòng dặc dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa thủy khôn bằng thuyền ..."
Tuy nhiên, những câu thơ loại đó, hay thì hay đấy nhưng quá cổ, quá xa, tên thiếu niên 12-13 tuổi như tôi lại thích tìm đọc những bài thơ tình tiền chiến của Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu...hơn
Thú quá đi những câu thơ mang đầy hương đồng gió nội, đọc vào là hiểu ngay, là rung ngay tiếng lòng đơn sơ tình tứ
"Thôn Ðoài ngồi nhớ thôn Ðông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng ..."
("Tương tư", Nguyễn Bính)
Hay sao là hay nét lãng mạn với lối dùng chữ Tây phương mà lòng lại rất Ðông phương như Xuân Diệu
"Cây cỏ bình yên, khuya tĩnh mịch
Bỗng đâu lên khúc Lạc-âm-thiều...
Nhị hồ để bốc niềm cô tịch
Không khóc mà sao buồn hiu hiu..."
(Nhị Hồ)
Hồn tôi như được mở rộng để đón nhận nỗi buồn muôn thưở của các thi nhân đứng trước cảnh trường giang sóng vỗ, ngắm con thuyền xuôi, cành củi lạc:
"Sóng bủa tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy giòng"
("Tràng Giang", Huy Cận)
Vào những năm đầu thập niên 60, những thú tiêu khiển tinh thần chưa có nhiều như sau này, tủ sách nhà tôi thì nhỏ, quanh quẩn mãi với mấy cuốn truyện tàu, kiếm hiệp loại ba xu, mấy tập truyện ngắn của Tự Lực Văn Ðoàn. Một hôm tôi tự nhiên mượn được một tập báo Phổ Thông đóng bộ. Tôi tìm thấy trong những số báo này một đam mê văn học, có nhiều bài văn của ông Nguyễn Vỹ tôi không yêu lắm, nhưng cái tâm hồn yêu văn chương của ông ấy thì tác động mạnh trong tôi. Tờ Phổ Thông lúc đó có đăng những bài thơ hay, hiện đại hoặc tiền chiến. Hình như là tôi đã đọc bài thơ đầu tiên của Ðinh Hùng trong tập này thì phải, đó là bài "Gửi người dưới mộ".
SàiGòn đâu có mùa thu rõ rệt như ở Âu Châu, đâu có những con đường ngập đầy lá vàng khô trong cơn gió Bắc cuốn đi những kỷ niệm của năm tháng, những chiếc lá chết như trong thơ Jacques Prevert. Thế mà những giòng đầu của bài thơ Ðinh Hùng đã kéo tôi ngay vào không khí của một ngày cuối thu lạnh. Tôi run theo tiếng thủ thỉ của thi sĩ với âm hồn của mỹ nhân
"Trời cuối thu rồi em ở đâu
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu
Thu ơi đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu "
Thưở đó tôi nào đã đọc Baudelaire để mượn cái dòng thơ tượng trưng của Fleurs du Mal (Ác Hoa), hay không khí của truyện "Những chuyện lạ lùng" (Histoires extraordinaires)* của Edgar Poe để cảm thơ Ðinh Hùng. Tôi cảm nhận trực tiếp những giòng thơ đó không cần sử dụng từ điển hay sách giáo khoa.
Những lời nói mà Ðinh Hùng sử dụng để nói với thu, để gọi một hồn ma, đã có khả năng làm hồn tôi tách ra khỏi xác tôi trong một khoảng khắc thời gian nào đó, vượt ra cái vật chất để nhìn về nó, vượt lên trên cái thực mà vẫn sống với cái thực
"Em đã về chưa ?
Em sắp về chưa ?
Trăng sao tắt ngọn đèn mờ
Ta nằm rỏ lệ đọc thơ gọi hồn ..."
Cái sống và cái chết thoắt một cái về thành bạn với nhau, thần chết không còn nằm ở một cõi không đụng được, mà đến gần dương thế hơn
"Thần chết cười trong bộ ngực điên
Ta nghe em kể tiếng ưu phiền
Nỗi lòng xưa dậy tan Thanh Vắng
Hơi đất mê người - Trăng hiện lên"
Tôi đã bị nhập vào thế giới của Mê Hồn Ca mà không hiểu tại sao. Sau này mới biết Ðinh Hùng có những lời thơ trên có lẽ vì chúng đã tả một mối tình thật của ông. Theo lời Mai Thảo, thưở trẻ, Ðinh Hùng đã phải đi làm cậu giáo kèm học tư gia cho một ông quan huyện tỉnh Thái Bình, Ðinh Hùng gặp gỡ và yêu cô học trò tên Liên, là con gái của ông quan huyện. Cô này chết trẻ. Ðinh Hùng đau đớn lắm, có dạo đi đâu cũng mang theo di ảnh của cô Liên, nhưng không cho ai coi. Ðêm đêm ông quanh quẩn nơi ngôi nhà ở gần đê Yên Phụ, nơi cô Liên đã chết. Có đêm, ông đã chỉ uống nước lã và nằm ngủ ngoài đường để được gần gũi nơi mà người yêu đã trút linh hồn.
Có lẽ vì đã sống thực một cách lạ lùng như vậy mà lời thơ Ðinh Hùng mới có một sức mạnh tuyệt diệu, như thơ Hàn Mạc Tử, kéo độc giả vào một thế giới khác. Trong không khí của tập Mê Hồn Ca, đó là một thế giới siêu thực., tôi muốn nói một thế giới mà cảnh thực được xen kẽ với những hình ảnh của thế giới mộng và vô thức.
Sau khi đã yêu bài thơ trên, tôi dần chú ý đến những bài văn thơ, cũng như chương trình Tao Ðàn của Ðinh Hùng. Tôi đã đọc "Kỳ nữ gò Ôn Khâu", một chuyện dã sử của ông, dưới bút hiệu Hoài Ðiệp Thứ Lang và tôi không cho đó là một tác phẩm lớn. Chương trình thơ Tao Ðàn đã đưa tiếng thơ tới với mọi người yêu thơ miền Nam, một cách thực sự phục vụ nghệ thuật. Khác hẳn thơ miền Bắc đã bị ông Hồ đem thép cho vào. Những bài thơ hay của nhiều thi sĩ nổi danh trước và sau 1954 như Nguyễn Bính, Du Tử Lê, Nguyên Sa... đã được gửi qua làn sóng điện một tuần ba lần, mỗi tuần 45 phút. Giọng nói ngân nga, nghệ sĩ, rất "thơ" của Ðinh Hùng vẫn còn sâu đậm trong tôi "Ðây Tao Ðàn, tiếng nói của thơ văn miền Tự Do, do Ðinh Hùng phụ trách, với các giọng ngâm của Hồ Ðiệp, Hoàng Thư, Quách Ðàm... tiếng sáo Nguyễn Ðình Nghĩa ...". Vậy thì nguyên soái thi ca miền Nam trong những năm đó đã là Ðinh Hùng rồi.
Ðến khoảng đầu năm 1971, tôi mua được tại nhà sách Khai Trí hai tập thơ của Ðinh Hùng, với hết cả tiền còn có trước khi rời đất nước. Tôi đã cắn răng chọn lựa vì phải từ khước những tác phẩm khác. Nhưng không thể quyết định khác hơn.
Tập Mê Hồn Ca thật ra đã được xuất bản lần đầu ở Hà Nội, sau này nhà Khai Trí tái bản lại. Hình bìa của tập thơ này và của tập thơ thứ hai "Ðường vào tình sử" đều do Ðinh Hùng vẽ.
Bài thơ vào đầu "Bài ca man rợ" đã cho tôi cái cảm nhận khác biệt với các giòng thơ tiền chiến cũ, Ðinh Hùng không đi vào dấu đại lộ của những đàn anh thi sĩ mà Hoài Thanh đã hết lòng xưng tụng. Tiếng thơ Ðinh Hùng mới quá nên Hoài Thanh không hiểu chăng, mà chỉ xếp ông vào nhóm thi sĩ ngồi bàn nhì, bàn ba chung quanh Xuân Diệu - Huy Cận. Tôi lại thấy thơ Ðinh Hùng không những chỉ hay, mà còn độc đáo, ông lên tiếng kết án nền văn minh đô thị, với những xa hoa, phù phiếm đã giết chết mất những tình cảm hồn nhiên.
"Lòng đã khác ta trở về đô thị
Bỏ thiên nhiên huyền bí của ta xưa
Bóng ta đi trùm khắp lối hoang sơ
Và chân bước nghe chuyển rung đồi núi ...
Lòng lạ lùng tìm ảnh với tìm hương,
Nhưng lẫn lộn chỉ thấy màu xiêm áọ
Trán thì phẳng-ôi đâu là kiêu ngạo
Ðâu hồn nhiên trên nét vẽ râu mày "
Ông có thể đã là nhà thơ ecologist (truờng phái môi sinh) đầu tiên của Việt Nam, muốn trở về bảo vệ thiên nhiên, ông hung bạo với cuộc sống đô thị, máy móc.
"Em còn trái tim nào đang xúc động
Em còn gì, trong xác thịt như hoa
Lạc thiên nhiên đến cả bọn đàn bà,
Với những kẻ dung nhan kiều diễm nhất
Ta lảo đảo vùng đứng lên cười ngất,
Ghì chặt nàng cho chết giữa mê ly.
Rồi dầy xéo lên sông núi đô kỳ,
Bên thành quách ta ra tay tàn phá...."
Nhưng Ðinh Hùng còn muốn đi xa hơn nữa về một thời gian thăm thẳm trong thưở hồng hoang của nhân loại, nơi những dấu tích của nền văn minh con người không có mặt
"Khi Miếu Ðường kia phá bỏ rồi
Ta đi về những hướng sao rơi
Lạc loài theo dấu chân cầm thú
Từng vệt sương sa mọc khắp người
.Ta đến sườn non rẽ cỏ gai
Sống đây ghi trước mảnh hình hài
Lẫn trong kiến trúc tòa vân thạch,
Hồn cổ ngồi chung mộng vắn dài.
Từng buổi hoàng hôn xuống lạ kỳ,
Ta nằm trên cỏ lắng tai nghe ...
Thèm ăn một chút hoa man dại,
Rồi ngủ như loài muông thú kia."
("Những hướng sao rơi")
Khi đã sống với thiên nhiên, bỏ mặc những quan niệm gò bó của kiếp sống văn minh đô thị, tình yêu mới có thể được diễn tả đến tuyệt mức của nó
"Những buổi đó ta nhìn em kinh ngạc
Hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly
Ôi mắt xa khơi ! Ôi mặt dị kỳ !
Ta trông đó thấy trời ta mơ ước
Thấy cả bóng một vừng đông thưở trước
Cả con đường sao mọc lúc ta đi
Cả chiều sương mây phủ lúc ta về,
Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ"
Người thơ đã vượt ra khỏi cái thế giới bình thường để đắm đuối trước tình yêu
"Ta run sợ cho yêu là mệnh số
Mặc tay em định hộ kiếp ngày sau.
Vì người em có bao phép nhiệm mầu
Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc
Ta đặt em trên ngai thờ Nữ Sắc
Trong âm thầm chiêm ngưỡng một làn da.
Buổi em về, xác thịt tẩm hương hoa
Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết..." ("Kỳ Nữ")
Ðinh Hùng là người sống dâng hiến tất cả cho tâm hồn mình, cho tiếng thơ của mình, không chịu phục tòng tiếng nói của xã hội lúc bấy giờ là giai đoạn kháng chiến. Ðến nỗi vào năm 1947, Ðinh Hùng khoảng 26 tuổi và cùng Vũ Hoàng Chương tham gia Hội Văn Nghệ Liên Khu Ba, thế mà ông ta đã không biết lá cờ đỏ sao vàng là lá cờ của đảng Cộng Sản Việt Nam. Một sáng đi dạo phố Chợ Ðại Cống Thần, tình cờ nhìn thấy lá cờ đó phất phới trên kỳ đài, Ðinh Hùng sửng sốt hỏi "Cờ của nước nào thế kia?". Ði kháng chiến mà hai ông nhà thơ vẫn quần lượt áo là, và có cả tiểu đồng đi theo bưng bàn đèn thuốc phiện. Nhưng theo Phạm Duy thì lúc đó, có tới 90% các văn nghệ sĩ vào lớp tuổi đó hoặc già hơn, mắc vào tật hút thuốc phiện, riêng Ðinh Hùng thì nghiện nặng, và không giấu diếm chuyện hút của mình.
Giai đoạn này thơ của Ðinh Hùng nói lên sự lạc loài kinh rợn, có lẽ đó là tiếng cô đơn của con người thơ trước một cận ảnh xáo động.
"Trăng ơi ! Ðừng bỏ kinh thành!
Hồn cố đô vẫn yên bình như xưa.
Nhỡn tiền chợt sáng thiên cơ.
Biết chăng ảo phố mê đồ là đâu?"
("Sông núi giao thần")
"Hãy ra sa mạc, cõi Thơ Vàng
Vào trận cuồng phong, loạn hỗn mang
Nghìn lá cờ ma sầu địa chấn.
Hát lên, ôi dòng máu Bình Vương !"
…
"Bộ lạc ta xưa mất hải tần
Buồn nghiêng nội địa cháy tà luân
Ðêm thiêng thổn thức hồn du mục
Ta vọng lên non tiếng ác thần"
("Lạc Hồn Ca")
Thơ Ðinh Hùng lúc đó đầy những hình ảnh hỗn độn của bóng dáng thanh bình kề bên bạo chúa
"Thời đại Hoàng Kim sắp phục hồi
Ta mừng Bạo Chúa sắp lên ngôi ..."
Có lẽ vì lý do đó mà có người đã cho rằng trong thơ Ðinh Hùng có ẩn tính tiên tri. Lời thơ đã báo những biến động xã hội sắp xẩy ra, và những tư tưởng nhân bản bị đe dọa bởi chiến tranh và một nền văn minh vật chất quá độ.
Căn nhà cổ mà Ðinh Hùng sống ở cửa Ô cầu Rền là nơi ông đã đốt đời với thuốc phiện, cộng thêm những đêm trác táng với men rượu và ả đào. Dạo đó có một số thi sĩ trẻ ái mộ thơ của Ðinh Hùng, trong đó có hai người sau này trở nên nổi tiếng nhờ tính khảng khái, và thành thật của mình là Trần Dần, và Phùng Quán. Vào năm 1988, trong một buổi đối thoại tại Bến Ngự, Trần Dần, tác giả những câu thơ nổi tiếng "Tôi đi không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ" đã công khai nói rằng "Tiền chiến Việt Nam tôi thích Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng và Vũ Trọng Phụng, vớt vát thêm thì còn Thạch Lam ...". Hoàng Phủ Ngọc Tường có vẻ không hài lòng, ông ta lên tiếng"Cho phép tôi quay lại trước một chút. Tôi e rằng anh đánh giá Ðinh Hùng hơi quá, ngoại trừ việc thích hoặc không thích. Tôi có dịp đọc Ðinh Hùng khá nhiều, tôi thấy văn chương ông ta lòe loẹt , có cái gì ghê ghê, như là son phấn. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì ngay trong "Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh cũng chỉ xếp Ðinh Hùng ngồi ở "chiếu ba" trong làng văn lúc đó". Trần Dần, cán bộ Việt Minh chính gốc, trả lời Hoàng Phủ Ngọc Tường như sau "Ðinh Hùng thời đó là không có chiếu gì. Nhưng Ngõ Bò (gần Bạch Mai, thời đó là nhà ông Ðinh Hùng và Vũ Hoàng Chương) là trung tâm thu hút. Ai cũng thấy Ðinh Hùng là thi sĩ tượng trưng đầu tiên của Việt Nam trong Mê Hồn Ca, Lạc Hồn Ca, v.v... Thơ Ðinh Hùng như thế này: Nửa mặt mày hoa nép hậu trường. Tôi thích là vậy". Phùng Quán có mặt trong đêm ấy, nhưng không bàn về đề tài này.
Tôi cho rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã hiểu méo mó câu trả lời của Trần Dần. Câu hỏi mà Ngô Minh đã đặt cho Trần Dần là "Ðộc giả ở Hội hỏi anh: thế giới anh thích ai nhất? Tiền chiến ai nhất? Thời anh, anh nể ai nhất? Sau anh, anh đọc aỉ". Trần Dần trả lời như vậy có nghĩa là chỉ nói về Ðinh Hùng tiền chiến. Dạo tiền chiến, Ðinh Hùng chỉ có in hai tác phẩm, một là tập thơ văn xuôi "Ðám ma tôi", ký tên Hồ Ðiệp, xuất bản khoảng năm 1943-1944 (theo Mai Thảo), và sau đó là tập Mê Hồn Ca. Làm gì mà có nhiều tác phẩm để Hoàng Phủ Ngọc Tường nói là đã đọc khá nhiều. Câu thơ Trần Dần đã dẫn trong đoạn trả lời đã trích trong bài cuối của tập Mê Hồn Ca
"Hồn phách thanh tuyền dáng ảo hương
Bâng khuâng thần chủ lạ thiên đường
Gợn trong nhân ảnh màu hư cấu.
Lạc thổ hồng lên tuổi thái dương
Thức ngủ huyền vi, điềm ngọc sáng.
Lửa đâu hoài niệm: Ðất phong vương?
Hiện thân động mái chèo kim cổ,
Nửa mặt phù sinh nép hậu trường."
Quả tính siêu thực và tượng trưng (theo nghĩa dùng hình tượng, màu sắc để gợi ý) rất mạnh. Có thể những chữ "hồng lên tuổi thái dương", hay "điềm ngọc sáng" đã cho cảm giác sáng bừng, chói nhưng không lòe loẹt. Có thể là khó hiểu nhưng không điểm trang kiểu hát bộ, đầy nét phấn son.
Chỉ khi vào tới miền Nam, và cho đến năm 1961, Nam Chí Tùng Thư mới xuất bản tập "Ðường vào tình sử", trong đó những mỹ từ được Ðinh Hùng trau chuốt rất nhiều. Trong bài thơ đầu, Ðinh Hùng đã dùng màu sắc rất chói và những hình ảnh lạ lùng
"Ngón tay thơm vàng phấn bướm đa tình
Anh sẽ tìm em như tìm một hành tinh
Mặt trái đất sắp tan vào mộng ảo
Trên đường ta đi,
Những đóa hoa nở mặt trời xích đạo
Những làn hương mang giông tố bình sa
Những sắc cầu vồng nghiêng cánh chim sa
....
Em ơi ! Vệt nắng phù kiều uốn mình ô thước
Ta, suốt đời ngư phủ,
Thả con thuyền trên mái tóc em buồn lênh đênh..."
Nếu những hình ảnh này mà có người cảm nhận là làm dáng quá thì có thể hiểu được.
Nhưng cũng trong tập thơ này, có nhiều câu thơ rất trong, không có những mỹ từ nào quá đáng
"Tôi hết thơ hoa, mộng bướm rồi
Bây giờ lòng kể chuyện lòng thôi
Bởi em mơ dáng sầu đôi chút,
Tôi mới bâng khuâng ngỏ mấy lời" ("Truyện lòng")
hay
"Hai người có buổi bâng khuâng quá
Kể truyện mưa xuân với nắng hè
Chắc hẳn đôi lòng lơ đãng cả
Vì chưng cùng nói chẳng cùng nghe"
Và có rất nhiều câu thơ đã được phổ nhạc, rất đẹp và không quá cầu kỳ như
"Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng:
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng,
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại,
Thăm thẳm nhìn tôi, không nói năng.
Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay
Ôi mộng nào hơn giấc mộng này ?
Mùi phấn em thơm mùi hạ cũ
Nửa như hoài vọng, nửa như say "
("Tự tình dưới hoa")
Hoặc
"Từ giã hoàng hôn trong mắt em
Ta đi tìm những phố không đèn
Gió mùa thu sớm bao dư vị
Của chút hương thầm kia mới quen "
("Một tiếng em")
"- Nếu bước chân ngà có mỏi
Xin em dựa sát lòng anh
Ta đi vào tận rừng xanh,
Vớt cánh rong vàng bên suối" ("Suối dòng mộng ảo")
Ðinh Hùng của những phút loạn hồn, mê hồn của thời tiền chiến giờ đã chỉ ca tụng truyện lòng trong cả một tập thơ đẹp. Tôi được cái may mắn đã đến với thơ của Ðinh Hùng chỉ với một tấm lòng cảm nhận, nhờ đó giờ đây còn có được bao nhiêu cái đẹp còn sót trong trí nhớ trong mỗi độ tâm hồn rảnh rỗi để chỉ sống với thơ.
Thơ Ðinh Hùng dùng chữ cầu kỳ và rất mới, nghe như sáo mà không rỗng. Những hình tượng huyền ảo lẫn lộn cho thấy những thoáng mỹ nhân, thiên nhiên, loạn hồn, mê đắm. Những hình ảnh có thể đã đến được trong óc của ông nhờ tác dụng của thuốc phiện. Nhưng phải có một tinh thần rất trật tự có óc tổ chức, thông minh thì mới ghép được chúng mà thành những tác phẩm nghệ thuật. Câu "Nửa mặt phù sinh nép hậu trường" cho tôi một cảm giác nửa thực, nửa siêu thoát, chữ phù sinh mang lại một ảo giác của cánh bướm Trang Tử, nhưng chữ hậu trường lại bao một thực tại. Chữ nép khéo lắm vì tỏ được cái ý nửa này, nửa nọ, một mong muốn xa cách, nhưng vẫn bị chường ra, không có vùng không gian thoải mái để hoạt động.
Giòng thơ Ðinh Hùng còn cho thấy cái hùng khí nhiều khi tàn bạo
"Ta lảo đảo vùng đứng lên cười ngất,
Ghì chặt nàng cho chết giữa mê ly
Rồi dầy xéo lên sông núi đô kỳ
Bên thành quách ta ra tay tàn phá"
("Bài ca man rợ")
Những hình ảnh y như trong những phim quái vật khổng lồ loại KingKong của Nhật, và của Mỹ vào những năm 1950, những sinh vật man rợ, hồng hoang về tàn phá đô thị, Trong đó nào thiếu những nét mỹ nhân mà Ðinh Hùng đã tả. Ðinh Hùng đã thấy những hình ảnh đó trước thế chiến thứ hai, Sự cảm xúc kỳ dị của thơ là vậy, người thi sĩ có khả năng viễn kiến so với người đương thời.
Cùng với Hàn Mạc Tử, Ðinh Hùng đã vượt qua cái sợ chết, nhờ vậy ông mới dứt được những cái bó buộc, chật hẹp của cõi sống mà đi xa được trong hai khoảng không gian và thời gian như thế.
Tất cả điều tôi vừa viết đều đến với tôi bằng cảm nhận, không qua một hệ thống phân tích ý thức nào.
Tôi thấy những lời khuyên của Ainer Maria Rilke rất đúng với lòng tôi, trong lúc thưởng thức thơ Ðinh Hùng. Ông đã viết như sau trong bức thư thứ nhất gửi người thi sĩ trẻ tuổi:
"...Tôi không thể đi vào được thể chất của những vần thơ ông, bởi vì tôi hoàn toàn xa lạ với tất cả việc bình phẩm phê bình. Hơn nữa, muốn lãnh hội ý nghĩa một tác phẩm, không gì tai hại nguy hiểm cho bằng những lời lẽ của sự phê bình văn nghệ. Những lời lẽ phê bình đó chỉ đưa đến những ngộ nhận ít nhiều quá đáng. Không thể nắm lấy tất cả hay nói tất cả về những sự vật, như người ta thường ngỡ thế đâu. Phần lớn những gì xảy đến đều không thể diễn tả được và đã được xảy ra trong một lãnh vực mà không có một ngôn ngữ nào có thể dẫm tới được; những tác phẩm nghệ thuật lại còn không thể nào diễn tả hơn mọi sự khác, những tác phẩm nghệ thuật là những sinh thể kín đáo bí mật mà đời sống của chúng thì còn lại không cùng trong khi đời sống chúng ta phải lướt trôi qua nhanh chóng."
Vì đời sống của con người bị bó trong một khoảng thời gian và không gian hữu hạn. Nhu cầu muốn đi xa hơn, đi lâu hơn trong tư tưởng và tâm hồn tạo những thôi thúc âm thầm nhưng mãi có. Những bài thơ tuyệt tác đã thay cho những phi thuyền có tốc độ vượt ánh sáng để đi ngược vào quá khứ hoặc trổ trước tới tương lai, hoặc vượt ra khỏi vũ trụ bao la, đến những tinh cầu hay galaxies thăm thẳm. Vượt không gian tôi đã mượn những lời thơ Hàn Mạc Tử để "thoát ly ra ngoài thế giới" bay tới một chỗ chưa có mà thi sĩ gọi là "Phượng Trì" kề cạnh với một cõi siêu linh. Mặt khác, tôi nhờ cánh thơ Ðinh Hùng để vượt thời gian quay về cõi hồng hoang hát bài ca man rợ, hay vào cõi mộng để
"Em muốn như ta mộng chốn nào
Ước nguyền đã có gác trăng sao.
Truyện tâm tình: dưới hoa thiên lý,
Còn lối bâng khuâng: Ngõ trúc đào."
Vào những nơi mà thi sĩ đã đối thoại với linh hồn của người yêu cũ, hay một người bạn ông mến thương là Thạch Lam
"Nhớ xưa, gần bóng Dạ Lan Hương
Anh với tôi nằm mộng canh trường.
Giăng kề song cửa, hoa kề gối,
Anh chuyện sầu, tôi truyện mến thương.
Tôi với anh giường chung mộng chung,
Vì duyên thơ mới có duyên lòng
Anh buồn từ thưở giăng lên núi
Ấy độ tôi hoài ước lại mong"
("Cặp mắt ngày xưa", Gửi hương hồn Thạch Lam)
Những chốn ấy là chốn của thơ, của thế giới thơ, không có chính trị Nơi mà những cặp mắt khe khắt, những ngòi bút sắc mài để đâm nhau, những đòi hỏi phục tùng, những bắt buộc nghĩa vụ ... không có cơ hội tung hoành.
Phạm thế Ðịnh
* Nguyễn Hiến Lê dịch tựa này là ‘Chuyện quái đản’
Sơ lược về Ðinh Hùng: Tài liệu về tiểu sử Ðinh Hùng tôi có được, không đưa những dữ kiện chính xác, xin ghi tạm đây một số điều đã đọc:
Ðinh Hùng hình như là tên thật của thi sỹ, sinh vào khoảng 1921, thưở trẻ đẹp trai, mặc dầu dáng dấp nhỏ thó, bạn thân của Huyền Kiêu, biết và ái mộ nữ họa sĩ Nguyễn thị Lựu. Ông học trường Bưởi và có biết chơi măng cầm (mandoline) và vĩ cầm (violon). Nổi tiếng ngay khi thơ chưa được in, bạn thân với thi sĩ Vũ Hoàng Chương, ông này sau lấy chị Ðinh Hùng.
Nghiện hút thuốc phiện từ thưở rất trẻ, ngay từ năm 1942-1943, Phạm Duy đã gặp Ðinh Hùng đi hút cùng chỗ với nhà thơ Tychia Ðái Ðức Tuấn, nhà văn Ðàm Quang Thiện ...
Năm 1943-44 xuất bản tập "Ðám ma tôi" với bút hiệu Hồ Ðiệp, sau đó là tập thơ "Mê Hồn Ca".
Năm 1947 Phạm Duy và Tạ Tỵ có gặp Ðinh Hùng trong vùng kháng chiến với Vũ Hoàng Chương.
Năm 1950 Ðình Hùng rời khu kháng chiến về Tề.
Di cư vào Nam, Ðinh Hùng cộng tác với báo Tự Do (chủ nhiệm là Phạm Việt Tuyền) làm thơ trào phúng mục "Ðàn Ngang Cung" với bút hiệu Thần Ðăng, viết phiếm trong mục "Nói hay đừng", ông thực hiện chương trình thơ Tao Ðàn cho đài phát thanh Sài Gòn cho đến khi chết. Chương trình này sau vẫn được tiếp tục cho đến 1975, do bà Ðinh Hùng thực hiện với sự giúp đỡ của các nghệ sĩ thân hữu.
Trong Nam, Ðinh Hùng cho xuất bản ba tập thơ "Mê Hồn Ca" (tái bản), "Ðường vào tình sử" và "Ngày đó có em" (theo Phạm Duy).
Ông cũng viết những chuyện dã sử như "Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu", "Ðường Kiếm họ Hoàng", văn ông không được ái mộ bằng thơ của ông.
Ðinh Hùng mất vào năm 1969, thân hình teo lại như một đứa bé. Khi ông mất, nhà rất nghèo vì cả hai vợ chồng đều nghiện hút. Lúc đó nhờ ông tướng Nguyễn Bảo Trị can thiệp nên xác ông mới được chôn tại nghĩa trang Ðô Thành. Số người đã đến đưa người thi sĩ tài hoa này tới phần mộ đi sau xe
tang dài khoảng 1 cây số. Người thi sĩ của những thi sĩ, nhà thơ của những nhà thơ miền Nam đã để lại nhiều tiếc thương cho những người yêu thơ của ông, điển hình là hình ảnh của thi sĩ Hoàng Anh Tuấn đã ôm mặt khóc nức nở ngay cả sau khi mọi người đã tản mác ra về.
Tài liệu tham khảo:
Ðinh Hùng Tác Giả và tác phẩm (nhà xuất bản Ðờ)
Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân
Tìm hiểu thơ Việt Nam của Nguyễn Hưng Quốc
Thư gởi người thi sĩ trẻ tuổi của Rainer Maria Rilker (Phạm Công Thiện dịch)
Trăm Hoa vẫn nở trên quê hương