Monday, 9 December 2013

Chân lý sẽ thắng ở Tây Tạng

Lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng là Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện đang lưu vong ở Ấn Độ cho biết ông đang ‘chờ xem’ quá trình chuyển giao quyền lực từ Hồ Cẩm Đào sang Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 sắp tới trước khi có lời kêu gọi Trung Quốc thay đổi cách hành xử đối với Tây Tạng.
‘Ông Hồ nuốt lời’

Đức Đạt Lai Lạt Ma
Trung Quốc xem Đạt Lai Lạt Ma là kẻ thù nguy hiểm của họ
“Khó mà nói trước liệu Trung Quốc sẽ có lập trường ôn hòa hơn với Tây Tạng dưới thời ông Tập Cận Bình hay không khi mà lúc Hồ Cẩm Đào tiếp quản quyền lực từ tay Giang Trạch Dân 10 năm trước đây đã từng nói về ‘một Trung Quốc hài hòa’,” Đức Đạt Lai Lạt Ma nói trong một cuộc phỏng vấn được nhật báo Ấn Độ Hindustan Times đăng tải hôm thứ Bảy ngày 3/11 khi ông trên đường đến Tokyo.“Vào lúc đó, tôi hoan nghênh lời tuyên bố của ông Hồ nhưng trên thực tế 10 năm qua là giai đoạn hết sức khó khăn với Tây Tạng,” ông nói, “Hãy để ông Tập tiếp quản và có lẽ tôi sẽ đưa ra lời kêu gọi sau khi nhìn thấy ông ấy có chính sách như thế nào với Tây Tạng trong những tháng tới đây.”
Nói về kênh đối thoại hiện đang bị đóng băng giữa Chính phủ Tây Tạng lưu vong và chính quyền Trung Quốc, Đức Đạt Lai Lạt Ma than phiền: “Họ gọi tôi là con quỷ và là kẻ ly khai, nhưng thật ra Giải phóng quân Trung Quốc mới hành động nhưng những kẻ ly khai ở Tây Tạng.”
"Ở Tây Tạng đó là một cuộc đấu tranh giữa quyền lực của họng súng và sức mạnh của sự thật. Vào lúc này họng súng đang ngự trị nhưng cuối cùng thì chân lý sẽ chiến thắng."
Đức Đạt Lai Lạt Ma
Khi được hỏi liệu Chính phủ Trung Quốc có hy vọng cuộc đấu tranh của người Tạng sẽ dần tan rã sau khi ông qua đời hay không, Đạt Lai Lạt Ma trả lời rằng ông sẽ tiếp tục sống ít nhất là 15-20 năm nữa.
“Ở Tây Tạng đó là một cuộc đấu tranh giữa quyền lực của họng súng và sức mạnh của sự thật. Vào lúc này họng súng đang ngự trị nhưng cuối cùng thì chân lý sẽ chiến thắng,” ông khẳng định.
Về các vụ tự thiêu mà hiện nay đã lên đến gần 70 vụ chỉ tính từ năm ngoái với 7 vụ liên tiếp chỉ trong vòng một tuần lễ cuối tháng 10 năm nay, Đạt Lai Lạt Ma nói rằng đó chính là hậu quả của sự đàn áp và phân biệt sắc tộc của chính quyền Trung Quốc.
Ông cũng bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc rằng chính ông đã kích động các vụ tự thiêu này.
An ninh trên đường phố Tây Tạng
Đạt Lai Lạt Ma chỉ trích chính sách cứng rắn của Trung Quốc
“Tình trạng khốn khổ quá mức chịu đựng ở Tây Tạng là nguyên nhân của những vụ việc bất hạnh này. Tôi rất đau buồn trước những việc như vậy. Đó là triệu chứng của sự sợ hãi, của chính sách đàn áp cứng rắn mà chính quyền Trung Quốc thực hiện ở Tây Tạng,” ông nói thêm.
“Đã đến lúc Trung Quốc nên suy nghĩ thực tế hơn,” ông kêu gọi.
Ông cũng nói ông hoan nghênh Chính phủ Trung Quốc gửi phái đoàn đến Dharamshala, thủ phủ của Chính phủ Tây Tạng lưu vong, để dự thính các buổi pháp thoại của ông để dẹp bỏ những hoài nghi rằng chính ông đã kích động các vụ tự thiêu ở Tây Tạng.
“Tôi là một phát ngôn nhân tự do trên vấn đề Tây Tạng. Tôi nhận mệnh lệnh từ những đồng bào Tây Tạng của tôi và tôi không chỉ thị cho họ phải hành động gì,” ông nói.

Bảo hiểm miễn phí

"Động thái này (bảo hiểm miễn phí) của chính quyền Tây Tạng cho thấy người dân nơi đây đang được thụ hưởng một chế độ an sinh xã hội ưu việt mà cho đến nay đã bao gồm lương hưu, chăm sóc sức khoẻ, thất nghiệp, tai nạn nghề nghiệp và thai sản."
Tiểu Hậu Câu, quan chức an sinh xã hội của Tây Tạng
Trong lúc này, chính quyền khu tự trị Tây Tạng vừa đưa ra một chương trình an sinh xã hội mà theo đó tất cả người dân và tăng sỹ ở nơi đây đều được bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm tai nạn miễn phí, Tân Hoa Xã dẫn lời một nguồn tin Chính phủ cho biết.
Theo đó, chính quyền ở đây sẽ dành ra 44 triệu nhân dân tệ, tương ứng với khoảng 7 triệu Mỹ kim mỗi năm, để chi trả bảo hiểm cho các cư dân ở thành thị và nông thôn cũng như các tăng ni có đăng ký, ông Tiểu Hậu Câu, một quan chức an sinh xã hội của Sở Tài chính Tây Tạng cho biết.
Chương trình này đã đi vào hoạt động kể từ ngày 18/10, vị quan chức này cho biết. Theo chương trình này, nếu xảy ra tử vong thì người thụ hưởng quyền lợi sẽ được chi trả 50.000 tệ sau khi đã đóng phí bảo hiểm thường niên là 11,5 tệ mà số tiền này sẽ do chính quyền địa phương bỏ ra cho người dân.
“Động thái này của chính quyền Tây Tạng cho thấy người dân nơi đây đang được thụ hưởng một chế độ an sinh xã hội ưu việt mà cho đến nay đã bao gồm lương hưu, chăm sóc sức khoẻ, thất nghiệp, tai nạn nghề nghiệp và thai sản,” ông Tiểu nói với Tân Hoa Xã.