Thursday 3 April 2014

DÂN TỘC VÀ DÂN CHỦ - Thế Việt

Trích Tạp Chí Cách Mạng Số 71 của Đại Việt Cách Mạng

Dân Tộc - nền tảng của Dân Tộc Chủ Nghĩa và Quyền Dân Tộc Tự Quyết - và Dân Chủ là hai nhân tố tạo ra những trào lưu chính trị, xã hội bùng phát từ nhiều thế kỷ trước và còn tiếp diễn. Kinh qua lịch sử, người ta dễ nhìn thấy một số hiện tượng mang tính dân tộc quá khích gây tai họa cho nhân loại vì thế một số học giả qui trách Dân Tộc Chủ Nghĩa, cho rằng là đối thủ của các phong trào dân chủ. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ lưỡng người ta vẫn tìm thấy Dân Chủ chính là tiềm lực của Dân Tộc, nói rõ hơn, một số mô thức chính trị lấy Dân Tộc làm gốc vẫn kết hợp chặt chẽ với Dân Chủ và Dân Tộc cũng là hướng đi của Dân Chủ.

1- Những yếu tố căn bản của Dân Tộc:

Dân Tộc là một kết hợp của nhiều cá nhân do những tương đồng về ngôn ngữ, giống nòi, tôn giáo, văn hoá, lịch sử, lãnh thổ...

     a) Ngôn ngữ: ngôn ngữ hay là tiếng nói gắn liền với con người từ khi có mặt trên địa cầu, là yếu tố đầu tiên để xác định sự tương cận giữa các cá nhân. Những người nói cùng một thứ tiếng hiểu nhau một cách dễ dàng, cảm thấy thân mật, sẵn sàng chấp nhận sự trao đổi, thông cảm, tạo ra sự thương yêu và đoàn kết. Lúc mới thành hình trong cơ cấu bộ lạc, sắc tộc, người ta đã kể nhau nghe những chuyện cổ tích, ngâm nga những câu ca dao, những bài vè về những cảnh đẹp thiên nhiên, ca tụng những chiến sĩ, anh hùng đã hy sinh cho dân tộc và những chiến thắng quân sự. Từ đó, ngôn ngữ ngày càng phát triển để diễn tả những vấn đề phức tạp, trừu tượng, chữ viết được phát minh và nền văn học ngày càng phát triển.  

Trong thế giới mở rộng ngày nay, những tác phẩm văn chương nổi tiếng được quần chúng khắp nơi biết đến và ngưỡng mộ cũng góp phần làm rạng rỡ dân tộc. Đây là trường hợp những thiên tài như Shakespear, Chaucer của nước Anh, Cervantes của Tây Ban Nha, Dante của Ý, Nguyễn Du của Việt Nam. Đặc biệt các nước Thụy Sĩ, Bỉ, Canada, Nam Phi có hơn một ngôn ngữ nhưng vẫn giữ được sự đoàn kết và ổn định.  

     b) Nòi giống:  là yếu tố quan trọng tạo nên thực thể dân tộc.  Thông thường bất cứ một bộ lạc, một sắc tộc, một dân tộc nào cũng  "truyền khẩu" với nhau hoặc xuyên qua sách vở để nhìn nhận mình thuộc về một nguồn gốc xuất phát. Hầu hết những con người hiện diện trong xã hội văn minh ngày nay vẫn có ít nhiều hãnh diện về nguồn cội tổ tiên, tạo nên niềm tin và ý chí để tồn tại trước những cạnh tranh, xâm lăng từ bên ngoài.

Từ thuở ban sơ, người Việt đã có huyền thoại "Cha Rồng Mẹ Tiên", "Một Mẹ Trăm Con" để giữ gìn giềng mối dân tộc từ rừng núi đến sông ngòi, biển cả. Đến khi lập quốc, các triều đại thanh toán lẫn nhau những vẫn nối tiếp ghi nhận nòi giống Việt tộc, không thay đổi quốc hiệu "Việt".  Ngày nay, với những khai phá các di chỉ trong lòng đất, nghiên cứu DNA của các sinh vật, minh chứng rằng các dân tộc trong  khu vực Đông Nam Á đều có sự tương đồng về huyết thống của một đại tộc khác hẳn với Hoa Hán.

     c) Dân tộc tính. Một yếu tố đáng lưu ý trong sự tiến hoá của Dân Tộc là sự phát triển dân tộc tính. Các nhà nghiên cứu thường tìm thấy những sắc thái đặc thù của mỗi dân tộc nhưng vẫn dè dặt về sự xuất phát do tính thuần chủng hoặc nguyên thuỷ. Họ giải thích dân tộc tính hình thành do ảnh hưởng môi trường, hệ quả của sự chung sống qua nhiều thế hệ, cùng một chế độ chính trị, luật pháp, đời sống văn hoá và kinh tế, trong một vị trí lãnh thổ, địa vị của dân tộc trên thế giới...

Dân tộc tính không hoàn toàn cố định, bất biến. Vào thế kỷ 17, người  Đức lười biếng và hiếu hoà trong khi người Anh Cát Lợi thì thích nổi loạn và hiếu động. Người Mỹ sau chiến tranh dành độc lập, sự giao thông qua đại dương còn hạn chế it giao thiệp với Âu Châu, mang mặc cảm tự ty và vẫn còn lưu lại một vài dấu vết tế nhị.

Dân tộc tính giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển lương tri dân tộc (national consciousness). Những mẫu mực đặc biệt về định chế, phong tục, tín ngưỡng, nghệ thuật, góp phần tạo ra phẩm cách một đời sống tập thể, ý thức quan hệ lẫn nhau, đó là cơ sở của tinh thần dân tộc.

     d) Lãnh thổ là một khu vực địa lý để một dân tộc yên tâm sinh sống trong biên giới xác định. Lãnh thổ, nơi cung cấp tài nguyên thiên nhiên cho đời sống thể chất sung mãn cũng là môi trường để ươm mầm văn minh, văn hoá; tinh thần dân tộc nhờ đó đâm hoa, kết trái. Đáp lại, tinh thần dân tộc cũng là sức mạnh bảo vệ lãnh thổ trước nạn ngoại xâm, gìn giữ sự phân hoá nội bộ hoặc bị áp lực phải chiụ thua thiệt với người ngoại chủng.

     e) Tôn Giáo giữ vai trò chính trong tiến trình của Chủ Nghĩa Dân Tộc. Tinh thần dân tộc cổ thời thường biểu lộ bằng những nghi lễ tôn giáo. Ngày nay, một số quốc gia như Ái Nhĩ Lan, Ba Lan vẫn nhờ vào Thiên Chúa Giáo để giữ sự đoàn kết làm sức mạnh của dân tộc, riêng sự Sinh Tồn của dân tộc Do Thái với Do Thái Giáo là điều bất khả phân ly.  

2- Dân Tộc Chủ Nghĩa.

Dân Tộc Chủ Nghĩa là một trạng thái tinh thần hoặc là một điều kiện lý trí đặc trưng của một nhóm người có sự tương đồng về chủng tộc, văn hoá, lãnh thổ chung sống, kề vai sát cánh với nhau trong cuộc sinh tồn. Dân Tộc Chủ Nghĩa bao hàm sự trung thành và ca ngợi thực thể dân tộc vượt lên hẳn bất cứ sự tôn vinh nào khác, tự hào về những thành quả của người cùng chung huyết thống, tạo nên tình cảm sôi nổi sẵn sàng chống trả truớc những xúc phạm hoặc nguy cơ làm tổn hại đến sự vươn lên của dân tộc.

Dân Tộc Chủ Nghĩa là nguồn cảm hứng của giới trí thức, cũng là động lực lôi cuốn đại đa số quần chúng vì họ tin rằng lòng yêu mến dân tộc do bẩm sinh, thiên phú phù hợp với luân lý và nghĩa vụ trần thế. Trạng thái tinh thần nầy có thể thay đổi từ bản chất đến cường độ tùy theo không gian và thời gian. Hai thái cực biến chuyển thường được nhìn thấy từ lòng yêu nước lành mạnh của quốc gia Thụy Sĩ đến mức độ quá khích của nước Đức dưới thời quốc xã. Guiseppe Mazzini (1805- 1872) một nhà cách mạng ái quốc người Ý nói về Dân Tộc Chủ Nghĩa "là sự tận tâm hoàn thành sứ mạng vì lợi ích của loài người. Nó không phụ thuộc vào nòi giống hoặc nguồn cội nhưng do tư tưởng chung và mục tiêu chung ".

Dân tộc Chủ Nghĩa hiện diện trong các quốc gia theo bốn hình thức:

     a) Chủ Nghĩa Dân Tộc Nòi Giống (Ethnic Nationalism) hiện diện trong những dân tộc tin rằng huyết thống của họ bắt nguồn từ một dòng giống và từ đó sinh sôi nảy nở trở thành một dân tộc. Tổ tiên đã lập quốc và xác định thành phần nhân sự,  đây là một định mệnh và không thay đổi. Dân tộc là một thực thể hữu cơ (organic entity) và Dân Tộc Chủ Nghĩa Nòi Giống dĩ nhiên tìm cách thành lập và duy trì một quốc gia chủng tộc thuần nhất. Chủ Nghĩa dân tộc nòi giống thường tìm cách lấn ép hoặc đồng hoá những đơn vị chủng tộc và chính trị khác biệt.

Đây là truyền thống của các nước Đức, Nhật và một trong những nguyên nhân gây nên Đệ Nhị Thế Chiến, cũng là thực trạng của nước DoThái hiện nay. Ngay cả Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ trước năm 1941trên thực tế lại nhấn mạnh đến yếu tố dân tộc, nòi giống và được định danh là Chủ Nghĩa Nguồn Gốc (Nativism) có những hành vi khước từ người Mỹ gốc Phi Châu và những công dân được chấp nhận vì những lý do chính trị. Chủ Nghĩa Dân Tộc Nòi Giống Hoa Kỳ (American Nativist Ethnic Nationalism) xuất phát từ những lãnh tụ khai sáng nước Mỹ như là George Washington, John Adams, Thomas Jefferson ... vì họ nghĩ rằng những di dân từ những chế độ quân chủ chuyên chế sẽ đem đến Hiệp Chủng Quốc tư tưởng vả lối suy nghĩ phản dân chủ. Mãi đến năm 1965 khi có những Tu Chính Án về Luật Quốc Tịch và Di Dân (The Immigration and Nationality Act) hủy bỏ hệ thống định mức chủng tộc (ethnic quota system) và thay thế bằng hệ thống không quan tâm đến chủng tộc (ethnic-blind system).

     b) Chủ Nghĩa Dân Tộc Văn Hoá (Cultural Nationalism) nhìn nhận dân tộc là một cộng đồng văn hoá, kết quả do sự thừa kế từ một lịch sử duy nhất. Đây là kiểu mẫu của một quan niệm dân tộc với một nền văn minh bao trùm lên những mẫu mực chung về ngôn ngữ, phong tục, qui phạm, lễ nghi, huyền thoại, biều tượng... So với Chủ Nghĩa Dân Tộc Nòi Giống, Chủ Nghĩa Dân Tộc Văn Hoá có tính cách thoả mái và toàn bộ. Ngay cả những ngoại nhân không cùng nguồn cội cũng dễ dàng hội nhập vào cộng đồng dân tộc nếu chấp nhận và thích nghi với cung cách, nghi thức trong đời sống.

Lịch sử các dân tộc Phương Đông ghi nhậnTrung Hoa có truyền thống và kinh nghiệm với Chủ Nghĩa Dân Tộc Văn Hoá như là một trong những sách lược vừa phát triển Trung Nguyên vừa chế ngự, chinh phục, đồng hoá, các dân tộc láng giềng.

     c) Chủ Nghĩa Dân Tộc Quốc Gia (State Nationalism) nhấn mạnh vào yếu tố pháp lý và lãnh thổ của quốc gia. Những con người sống chung trong một đơn vị, cùng chung lãnh thổ, luật pháp, chế độ chính trị đều được xem như là một dân tộc mặc dù họ không giống nhau về chủng tộc, ngôn ngữ, văn hoá. Tuy tách rời dân tộc ra khỏi phạm trù huyết thống và văn hoá, nhưng Chủ Nghĩa Dân Tộc Quốc Gia vẫn có một chủng tộc làm trung tâm, đồng thời xác định rằng dân tộc là một cộng đồng của những người góp phần vào sự bảo tồn, phát triển quốc gia và mỗi cá nhân phải thi hành nhiệm vụ nầy.

     d) Chủ Nghĩa Dân Tộc Dân Sự (Civic Nationalism) là một loại Chủ Nghĩa Dân Tộc được những triết gia chính trị xác định không có tính chất bài ngoại và xếp hạng chủ nghĩa nầy tương hợp với sự tự do, khoan dung, bình đẳng và nhân quyền. Các lý thuyết gia thế kỷ 19, Ernest Renan với biên khảo  "Dân Tộc Là Gì?" (Qu'est-ce qu'une nation?) và Stuart Mill với tác phẩm "Những Quan Niệm về  Một Chính Quyền Đại Diện" (Considerations on Representation Government) được xem là những nhà  hoạt động cho Dân Tộc Dân Sự đầu tiên. Họ bảo vệ giá trị của thực thể dân tộc bằng lý luận rằng tất cả cá nhân đều cần một căn cước dân tộc để sống một cuộc đời tự lập và ý Nghĩa, và chính thể dân chủ cũng cần căn cước dân tộc để hoạt động chính xác.

Chủ Nghĩa Dân Tộc Dân Sự có giới hạn giữa Chủ Nghĩa Duy Lý (Rationalism) và Chủ Nghĩa Tự Do (Liberalism) và chống lại Chủ  Nghĩa Dân Tộc Chủng Tộc. Những tư tưởng của Dân Tộc Dân Sự ảnh hưởng đến sự phát triển chế độ dân chủ đại nghị tại những quốc gia Âu Châu và chiếm ưu thế trong những tân quốc gia cựu thuộc địa di dân (ex-settler colonies) Mỹ Châu như là Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Brazil, Argentina ... vì công dân gồm nhiều chủng tộc khác nhau. Một trường hợp ngoại lệ đáng lưu ý là Ấn Độ, một quốc gia cựu thuộc địa nông nghiệp (ex-plantation colony) ở đó Chủ Nghĩa Dân Tộc Dân Sự chiếm ưu thế do sự khác biệt về chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ ...

     3- Dân Tộc Chủ Nghĩa và Dân Chủ

Dựa theo lịch sử, Dân Tộc Chủ Nghĩa có những nối kết thân thiết với Dân Chủ. Sự liên hệ nầy được tìm thấy nơi Cách Mạng Pháp, một khởi điểm cho Tân DânTộc Chủ Nghĩa và Dân Chủ. Khi tuyên bố nguyên tắc chủ quyền thuộc về toàn dân, Cách Mạng Pháp lần đầu tiên trao quyền hợp pháp chính trị vào tay người dân. Người Dân và Dân Tộc là một và đồng nhất. Emmanuel Joseph Sieyes (1748-1836) đã lên tiếng rằng "tất cả thẩm quyền công cộng đều phát khởi từ ý chí chung, đến từ dân chúng được gọi là Dân Tộc. Hai từ ngữ Dân Chúng và Dân Tộc là đồng Nghĩa".

Một đoạn trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền ghi chép: "Nguồn gốc của tất cả chủ quyền chính yếu thuộc về Dân Tộc. Không một nhóm nào, không một cá nhân nào có thể thực thi quyền hạn mà không xuất phát rõ ràng từ Dân Tộc". Dân chúng không còn là chủ thể thụ động của vua, chúa hay tên độc tài. Ngoài ra, Dân Chủ có quyển lật đổ những chế độ tàn bạo và nắm lấy chính quyền. Nói rộng ra, Chủ Nghĩa Dân Tộc có mục tiêu chuyển giao quyền lực từ kẻ nắm quyền đền người dân là hoàn toàn tương hợp với ý Nghĩa dân chủ hay là nguyên tắc "do dân cai trị".

Theo sau cuộc Cách Mạng Pháp là những phong trào cách mạng kết hợp giữa Dân Tộc và Dân Chủ gồm những biểu tượng đáng trân quí xảy ra tại Ý, Ba Lan, Đức, Hy Lạp. Từ đó, nhiều chính trị gia thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 nhận định rằng có sự liên hệ mật thiết giữa Dân Tộc Chủ Nghĩa và Dân Chủ. John Stuart Mill không phải là lý thuyết gia Dân Tộc Chủ Nghĩa đa cảm nhưng vẫn tin rằng "nơi nào có tình cảm dân tộc hiện hữu, thoạt nhìn qua đều thấy có sự đoàn kết tất cả các thành phần trong một dân tộc, cùng chung trong một chính quyền". Mill cũng biện hộ cho Dân Tộc rằng  "không có chọn lựa nào ngoài sự ủng hộ Chủ Nghĩa Dân Tộc và căn cước dân tộc là điều cần thiết cho những định chế dân chủ hoạt động".

     4- Dân Tộc Việt Nam không chấp nhận cộng sản.

Kể từ khi tiếng súng của thực dân Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng (1856) mở đầu cuộc xâm chiếm Việt Nam làm thuộc địa, dân tộc Việt Nam khắp nơi trên lãnh thổ đều tìm cách nổi lên dành lại độc lập.

1- Các phong trào Cần Vương, Đông Du, Duy Tân, Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy ..., kể cả hành động quyết tử của liệt sĩ Phạm HồngThái (1924) đã đánh trả những trận đòn thù đích đáng, nhưng thời cơ của Dân Tộc chưa đến trong bối cảnh chung của thế giới. Mãi đến khi hai quả bom nguyên tử rơi xuống đất Phù Tang, chấm dứt cuộc Thế Chiến thứ hai tại chiến trường Châu Á, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình chính trị Việt Nam thời bấy giờ. Đảng Cộng Sản Việt Nam đuợc Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế MạcTư Khoa nuôi dưỡng, huấn luyện từ lâu, nhân cơ hội nhảy ra cướp chính quyền.

Hơn một năm kể từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946, Cộng sảnViệt Nam với luân lý "cứu cánh biện minh phương tiện", "giết lầm hơn bỏ sót" đã ra tay tàn sát tất cả các lực lượng dân tộc đã góp phần đánh Pháp dành độc lập nhưng không phải cộng sản từ trí thức, tu sĩ, đến nông dân, công nhân. Trong tập sách"Nhận Định về những sai lầm tai hại của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với Dân Tộc và Phật Giáo", trang 17, Hoà Thượng Thích Quảng Độ kể lại sự việc Sư Phụ của ngài là "Hòa Thượng Thích Đức Hải, trụ trì chùa Linh Quang, xã Thanh Sam, Phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông, đã bị cộng sản giết chết vào hồi 10 giờ sáng ngày 19.8.45, ngày cách mạng thành công, trên bãi cỏ trước đình làng Bặt vì bị gán cho tội 'Việt gian bán nước". Tiếp theo, Sư Bá (Hoà Thượng Thích Đại Hải), Sư Tổ (Hoà Thượng Thích Thanh Quyết) của ngài cũng lần lượt bị Cộng Sản giết chết vì các tội "đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng", "dùng thuốc phiện tôn giáo ru ngủ nhân dân". Theo tài liệu chính thức được công bố, kể từ biến động Bolchevik Nga tháng 10 năm 1917 đến cuối thế kỷ 20, Đệ Tam Quốc Tế đã làm thiệt hại gần một trăm triệu sinh mạng! Riêng Cộng Sản Việt Nam trong âm mưu giữ vững ngôi vị toàn trị từ tháng 8,1945 đến nay đã hy sinh hơn hai triệu đồng bào từ núi rừng, đến đất liền, biển cả.


2- Được nhồi sọ bằng lý thuyết Marxism và thủ đoạn chính trị bá đạo của Lenin, Stalin và Mao Trạch Đông, Cộng Sản Việt Nam rất xảo quyệt và tàn bạo. Cộng Sản tự hào chúng nó có một tự điển riêng để hiểu, để giải thích mỗi từ, mỗi ý và cách ứng dụng. Chúng luôn luôn cao rao tinh thần dân tộc, quyền lợi dân tộc, đoàn kết dân tộc đề nắm giữ người dân trong chế độ, lừa gạt những thành phần chống đối nhẹ dạ, trong khi bọn cộng sản cốt lõi đều hiểu rằng "giải phóng dân tộc khỏi đế quốc cai trị, tư bản bóc lột là giai đoạn quá độ để tiến lên thế giới đại đồng".  Khu vực Đông Á và Đông Nam Á nếu không còn biên cương, lãnh thổ, không thấm nhuần một tư tưởng dân tộc nhân bản, thì chỉ một thoáng thời gian hai thập niên, 90 triệu người Việt Nam sẽ hòa tan trong biển một tỉ rưỡi người Hoa Hán, không còn lưu lại một dấu vết của Hùng Vương, LýThường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung.

Điều 4/ Hiến Pháp cộng sàn 1992 chỉ một câu văn thô kệch như một cái mã tấu. Điều 4/ Hiến Pháp cộng sản 2013 gồm ba đoạn và đọan 1 là phần sao chép từ điều 4 cũ với lời văn trau chuốt hơn như một con dao được chạm trổ, nguyên văn: "Đảng Cộng Sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, lấy chủ Nghĩa Mac-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước". Một minh chứng rõ ràng Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn nắm quyền toàn trị với giáo điều Mac-Lê và Dân Tộc Việt Nam được xếp vào hàng thứ ba sau giai cấp công nhân, nhân dân lao động.

3- Hiến Pháp Việt Cộng 2013 cũng trang trí đầy đủ những điều khoản về Nhân Quyền, Dân Quyền tại Chương II. Chương V nói về Quốc Hội từ Điều 69 đến Điều 85 nhưng không có Điều hoặc Khoản nào nhắc đến tư cách độc lập của đại biều quốc hội bằng cách không cho kiêm nhiệm một chức vụ công cử hay dân cử nào khác, vì vậy các phiên họp Quốc Hội vẫn lổn nhổn những khuông mặt của Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng vả nhiều nhân viên hành pháp khác. Như vậy nguyên tắc phân quyền của chế độ dân chủ bị vi phạn hoàn toàn. Ngoài ra tự do bầu cử là nền tảng của Dân Chủ, thì câu thần chú chiến lược của Đảng Cộng Sản  "Đảng cử, Dân bầu", "Ý Đảng, Lòng Dân" sẽ được áp dụng để hoá giải tất cả và tất cả đều đi vào quỹ đạo của Điều 4 Hiến Pháp 2013: Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước.

Tóm lại, Đảng Cộng Sản Việt Nam là một tổ chức chính trị vẫn giữ nguyên truyền thống toàn trị, gian manh, phản dân tộc, giả mạo dân chủ.

Sự sống còn của nhân loại dựa trên hai trụ cột Dân Tộc và Dân chủ. Dân Tộc là cội rễ ươm mầm Dân Chủ và Dân Chủ là hoa lá đón nhận ánh sáng văn minh nuôi sống cây Dân Tộc. Dân tộc Việt Nam không những không chấp nhận cộng sản mà phải lật đổ chế độ cộng sản hiện hành để tồn tại, tiến kịp với trào lưu của thế giới 

Thế Việt (1/14)