Thursday, 3 April 2014

Ngô Nhân Dụng - Mưu mẹo của Putin

Ông Putin (Hình: internet)
Sau khi Nga thành công trong việc chiếm lại vùng Crimea, nhật báo Le Monde ở Pháp đã đăng tựa lớn, “Poutine:1, Merkel và Obama: 0;” mô tả ông “siêu tổng thống” - Super Poutine - đang đưa hai tay lên trời, cười sung sướng.

Phải công nhận, ông Putin đang sống những ngày vui. Người ta thường vui nhất khi cảm thấy tự hài lòng với chính mình. Mà ông Vladimir Putin hiện nay đang rất hài lòng. Vì ông đã chiếm lại Crimea bằng những mưu mẹo tài tình, không cần huy động một tiểu đoàn hay bắn một phát đại bác. Vốn là một nhân viên tình báo KGB, ông Putin vui nhất vì ông đã dùng thủ đoạn tài tình làm cho cả CIA lẫn cơ quan tình báo thuộc Bộ Quốc Phòng Mỹ lầm lẫn.

Trong vụ chiếm lại Crimea, tình báo Mỹ hoàn toàn bị qua mặt; không đoán trước được lúc nào ông Putin sẽ hành động. Thành ra, cả ông Obama lẫn bà Thủ Tướng Ðức Merkel cứ tốn thời giờ gọi điện thoại cho điện Kremlin, tính thuyết phục ông Putin vì tưởng ông ta chưa quyết định ra tay. Một nhân viên cao cấp tình báo Mỹ nói với ký giả của tờ Wall Street Journal: “Chúng tôi biết họ có một mưu đồ ở vùng này, nhưng không đủ tin tức chính xác để kết luận chuyện gì sắp xảy ra;” và kết luận rằng câu chuyện lý thú này sẽ được đem ra dạy ở các trường huấn luyện sĩ quan trong nhiều năm tới.

Mấy tháng trước khi Crimea tổ chức trưng cầu dân ý để xin trở về với nước Nga, tình báo Mỹ đã báo cho Tòa Bạch Ốc biết rằng ông Putin đang có âm mưu nào đó ở Crimea. Nhưng cho đến ngày chót, họ không thể cung cấp các tin tức xác thực, cụ thể, làm bằng chứng. Trong thời gian đó các vệ tinh nhân tạo của Mỹ vẫn theo dõi các cuộc chuyển quân gần biên giới Nga-Ukraine; cơ quan tình báo Bộ Quốc Phòng Mỹ vẫn chăm chú nghe lén các cuộc điện đàm từ bộ tổng tư lệnh quân đội Nga tới các đơn vị. Họ lắng nghe cả bộ chỉ huy hạm đội Nga ở Sevastopol nằm ở bờ biển Crimea, mà không thấy một dấu hiệu nào khả nghi cho thấy quân Nga đang chuẩn bị cái gì cả.

Ngay từ đầu Tháng Hai, khi dân Ukraine biểu tình ở Kiev, thủ đô Ukraine, đòi cựu tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych từ chức, tòa Ðại Sứ Mỹ đã gửi mấy sĩ quan tình báo qua Crimea thăm dò. Họ gặp gỡ những người Ukraine chống Nga, đặc biệt là các thủ lãnh của người Tartare, nhóm dân chiếm 12% dân số, trong lịch sử đã bị các Nga hoàng và Stalin bắt đày hàng loạt đi Siberia. Tin tức họ đem về, được báo cáo cho Washington biết, là có nhiều cuộc tụ họp của người gốc Nga chống lại cuộc cách mạng của dân Ukraine. Nhưng không có hành động quân sự nào đáng chú ý.

Bây giờ nhìn lại, tình báo Mỹ tin rằng ông Putin đã cho biệt kích xâm nhập bằng nhiều toán nhỏ, mặc thường phục, che mắt cả thế giới. Ở một nơi người Nga chiếm 55% trong dân số hai triệu, có thêm vài trăm người nói tiếng Nga nữa, vào ngủ trong trại lính Nga, không làm ai phải chú ý. Nhưng các biệt kích này đã được huấn luyện nghề tuyên truyền, xách động, sau đó mặc quân phục không mang phù hiệu, tự gọi là “dân quân người Crimea.” Họ tổ chức biểu tình chống chính phủ mới ở Kiev, rồi mang súng tới chiếm trụ sở Quốc Hội, trông cảnh các dân biểu thân Nga bỏ phiếu đòi tách khỏi Ukraine. Người Nga gọi mưu mô này là “maskirovka,” nghĩa là ngụy trang, trá hình.

Trong Tháng Hai, tình báo Mỹ lên tiếng báo động: Nga có thể sẽ đưa quân vào Ukraine nếu chính quyền Yanukovych bị lật đổ. Ngày 16 Tháng Hai, ông Yanukovych ra lệnh công an vũ trang Berkut tàn sát dân biểu tình. Tổ chức Berkut này gồm những sĩ quan được Nga huấn luyện, có cố vấn Nga bên cạnh. Bây giờ người ta biết họ đã dùng những xạ thủ lành nghề, nấp trên các ngôi nhà, nhắm bắn trúng vào đầu từng người biểu tình, khiêu khích cho dân nổi giận, tấn công lại công an. Ngày 18, dân chúng phản ứng mạnh, tiếm chiếm các cơ quan chính phủ; rồi Quốc Hội Ukraine yêu cầu công an ngừng bắn, sau đó Yanukovych bỏ trốn.

Nhưng ông Putin vẫn không cho ai thấy quân bài ông sắp đánh ra. Ngày 25, Bộ Quốc Phòng Nga mời tùy viên quân sự sứ quán Mỹ đến, thông báo họ sẽ tổ chức một cuộc thao diễn quân sự gần biên giới Ukraine, với 150,000 quân, 900 chiến xa, và phi cơ chiến đấu. Ai cũng còn nhớ năm 2008, quân Nga đã thao diễn gần biên giới Georgia trước khi tiến đánh nước này, thúc đẩy hai vùng ly khai tách khỏi Georgia! Nhưng năm nay, Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov trấn an Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry, rằng Nga vẫn tôn trọng sự toàn vẹn của lãnh thổ Ukraine. Khi “dân quân” Nga ở Ukraine chiếm các cơ quan chính quyền, ông Putin còn nói với nhà báo rằng Nga không có tham vọng nào ở Crimea cả.

Ngày 26, Tòa Bạch Ốc họp với các cơ quan tình báo, kết luận rằng Nga đang có âm mưu ở Crimea, nhưng qua các cuộc nghe lén, họ không thấy tin tức chính xác về hành động quân sự nào cả. Ngay khi nghe lén các cuộc điện đàm trong hạm đội Nga đóng ở Sevatopol, trên bờ biển Crimea, cũng không thấy họ nói đến một cuộc chuyển quân nào cả. Không có điệp viên nào ở Crimea để cho biết tin tức; vệ tinh Mỹ cũng không chụp được hình ảnh nào khả nghi. Crimea đã nằm trong tay các “dân quân” do ông Putin chỉ huy. Trong khi đó thì các tin tức tình báo của Mỹ tập trung tại Sứ Quán Mỹ ở Kiev để chuyển về nước. Họ đã làm việc ngày đêm dùng điện thoại liên lạc với các đội quân biên phòng của Ukraine, được biết người ta đang đốt các tài liệu bí mật, đề phòng quân Nga tiến đánh. Bộ Quốc Phòng Mỹ liên lạc trực tiếp với phía Nga để hỏi thẳng, các quan chức Nga nói họ không biết gì cả, mà chắc họ không biết thật!

Cứ như thế, ông Putin đặt cả thế giới trước một “sự đã rồi;” Crimea xin nhập vào Liên Bang Nga, như trước năm 1954. Bây giờ, chính phủ Mỹ thấy ba lối giải thích tại sao họ bị đặt trước tình trạng bất ngờ. Thứ nhất, người Nga cố ý tránh không nói gì để bị Mỹ nghe lén. Thứ hai, Nga có sẵn một kế hoạch chiếm lại Crimea, cứ thế thi hành mà không đợi lệnh mới. Thứ ba, có thể ông Putin một mình biết kế hoạch đã trao cho một nhóm nhỏ các biệt kích đóng vai “dân quân” nổi lên ở Crimea, và chỉ một mình ông ta quyết định khi nào ra tay hành động.

Vì vậy, khi Quốc Hội Crimea tổ chức trưng cầu dân ý, ngày 28 Tháng Hai, ông Obama chỉ có thể cảnh cáo Nga một cách chung chung mà không thể cảnh cáo chính phủ Nga đang chiếm Crimea! Nếu ông Obama biết trước chắc cũng vậy thôi, vì Mỹ và các nước Châu Âu không thể làm gì khác được là sẽ trừng phạt ông Putin bằng các biện pháp kinh tế.

Có thể nói, ông Vladimir Putin đã đánh lừa được tất cả hệ thống tình báo của Mỹ, và của các nước Châu Âu. Vốn là một sĩ quan tình báo trú đóng tại Dresden, Ðông Ðức, ông Putin đã trải qua kinh nghiệm nhục nhã khi nghe tin tường Berlin sụp đổ. Cơ quan KGB ở Dresden lo đốt các tài liệu suốt ngày đêm, đến nỗi lò hơi đốt quá tải, ống dẫn hơi bị hư và ông bị sở cung cấp hơi đốt cảnh cáo sẽ cắt hơi đốt! Bây giờ, ông đã phục thù các nước Tây phương. Nhân đó ông cũng trả hận tất cả những người muốn đề cao các nguyên lý của lối sống dân chủ tự do.

Có thể chính người cố vấn Nga của cựu Tổng Thống Yanukovych, do ông Putin cử tới Kiev, đã xúi ông ta bắn dân Ukraine biểu tình ở công trường Maidan, vì họ thấy sẽ gây hai hậu quả, mà đằng nào cũng có lợi. Hoặc Yanukovych sẽ thành công, củng cố quyền hành, và vẫn đặt Ukraine trong vòng kiểm soát của Nga; hoặc dân mạnh hơn, sẽ lật đổ chính phủ Ukraine, nhân đó sẽ sách động dân gốc Nga ở Crimea nổi dậy đòi ly khai. Mưu kế của Vladimir Putin chắc Khổng Minh hay Tào Tháo cũng phải khen là tài tình. Ông Putin phải cảm thấy tự hài lòng!

Tại sao Vladimir Putin thành công, còn bà Merkel và ông Obama thất bại trong trận chiến tình báo vừa qua? Ông Putin được đào tạo trong guồng máy tình báo Xô Viết. Hiện nay, đám tài phiệt chung quanh ông, các cố vấn kinh tế của ông phần lớn là các cựu sĩ quan KGB. Sức mạnh của các chế độ cộng sản nằm trong guồng máy tình báo, đó là bộ phận quan trọng nhất trong các cuộc tranh chấp quân sự. Các lãnh tụ cộng sản thường hãnh diện về các âm mưu đánh lừa đối thủ, thời chiến cũng như thời bình. Nhà văn Mai Thảo, lúc sinh thời đã nhiều lần kể chuyện ông gặp lại người bạn cũ là nhà văn Hữu Mai, trong quân đội miền Bắc. Hai người là bạn rất thân khi Mai Thảo còn đi kháng chiến. Hữu Mai cho Mai Thảo biết điều “các cụ” trong Bộ Chính Trị thích thú nhất là mưu mẹo của họ bày ra khiến hàng trăm ngàn cựu quân nhân và công chức miền Nam tự mình đi trình diện để vào tù. Họ hãnh diện là đã bày ra được mưu mô bỏ tù được tất cả thành phần những người nguy hiểm cho chế độ, mà không cần tốn công đi bắt từng người một. Ông Putin cũng đang hãnh diện về thành tích đánh lừa tình báo Mỹ để chiếm được Crimea mà không cần hành động quân sự nào cả!

Các cán bộ cộng sản biết tập luyện được cách bày ra những mưu mẹo “tuyệt vời” như vậy, nhưng chế độ cộng sản đã sụp đổ ở Nga, vì các khả năng bày mưu lập kế này không ích lợi gì trong việc điều hành nền kinh tế quốc gia. Họ hoàn toàn bất lực không tìm ra cách nào kích thích cho các công nhân làm việc tận tụy gia tăng năng suất cao hơn, cũng không khích lệ được người ta nẩy ra những sáng kiến cải thiện năng suất. Nhiều âm mưu và thủ đoạn lừa gạt, nhưng họ hoàn toàn bất lực trong việc nâng cao đời sống kinh tế! Ðó là tình trạng ông Vladimir Putin đang lâm vào, khi đối đầu với các nước Tây phương trong cuộc “chiến tranh lạnh kinh tế” sắp diễn ra. Thời chiến Tranh Lạnh cũ, nước Mỹ đã theo chủ thuyết “ngăn chặn” (containment) mà nhà ngoại giao George F. Kennan đã đề nghị với chính phủ Mỹ từ năm 1947.

Chiến lược này, phỏng theo thuyết “vòng đai an toàn” (cordon sanitaire) của Pháp trong thập niên 1920, chủ trương rằng khối tư bản chỉ cần ngăn chặn sự bành trướng của các chủ nghĩa cộng sản; rồi cứ chờ đó, sẽ đến ngày chế độ cộng sản tự nó tan rã. Ngày nay, chủ thuyết “ngăn chặn” sẽ được áp dụng trong lãnh vực kinh tế.

Cách hành xử của ông Putin khác chính phủ các nước Tây phương cũng phản ảnh nền văn hóa mà ông đang sống. Chính quyền một nước tự do dân chủ rất khó bày đặt mưu mô đánh lừa đối thủ. Vì đánh lừa người nước khác cũng phải giấu diếm cả dân chúng của mình, mà các hành động của một chính quyền dân chủ đặt trên căn bản công khai và minh bạch. Người cầm quyền cũng bị hạn chế bằng cơ chế kiểm soát, qua các đại biểu của dân. Mỗi khoản chi của nhà nước phải được quốc hội phê chuẩn, ngay cả các hoạt động tình báo bí mật cũng phải được kê khai thì mới có tiền chi; ít nhất phải có một số đại biểu trong các ủy ban đặc biệt được thông báo đầy đủ!

Sống trong một chế độ chuyên chế, người ta tập thói quen nghi ngờ. Từ đó, suy ra nguyên tắc là thà phạt oan mười người còn hơn là tha nhầm một người. Ðánh lừa được một người cũng thú vị, đáng hãnh diện về thành công của mình, và dễ dàng hơn là khi muốn chinh phục lòng tin của mươi người. Khi tất cả nghi ngờ lẫn nhau, thì khi đánh lừa được một người khác ai cũng thích thú hơn. Vladimir Putin sống trong nền văn hóa KGB, chắc hẳn là ông ta thấm nhuần thói quen suy nghĩ này,

Ngược lại, sống trong xã hội tự do sống với luật pháp rõ ràng người ta có khuynh hướng giả thiết tất cả mọi người chung quanh đều đáng tin cậy. Nghĩ cho cùng thì sống với lòng tin tưởng có lợi hơn. Trong 100 người mình gặp có mươi người gian trá, mình có thể bị lừa dăm, ba lần, nhưng còn 95 lần gặp những người còn lại mình vẫn sống hạnh phúc hơn. Vì vậy loài người thường có khuynh hướng xây dựng lòng tín nhiệm, bằng cách sống có đạo đức và thiết lập những xã hội luật pháp công minh; coi không khí nghi ngờ là một tình trạng bệnh hoạn nên tránh.