Thursday, 3 April 2014

Đức tặng Trung Quốc bản đồ cổ không có Hoàng Sa, Trường Sa


Trong chuyến thăm Đức vừa qua, ngày 28.3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tấm bản đồ Trung Quốc in năm 1735, trên đó biên giới Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam, theo tạp chí Foreign Policy ngày 1.4.

Thủ tướng Đức và Chủ tịch Trung Quốc xem bản đồ Trung Quốc cổ thế kỷ 18 do Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville (Pháp) vẽ, tại Phủ Thủ tướng Đức ở Berlin tối 28.3 - Ảnh: Cơ quan báo chí chính phủ Đức (BPA)


Tấm bản đồ này do nhà bản đồ học người Pháp, ông  Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville vẽ, được một nhà xuất bản Đức in năm 1735. Thủ tướng Đức tặng bản đồ cổ này cho Chủ tịch Trung Quốc trong buổi chiêu đãi tối, trong phần trao đổi quà tặng.

Bản đồ của d'Anville dựa trên những khảo sát địa lý của các đoàn truyền giáo Dòng Tên ở Trung Quốc và được xem là "tổng kết hiểu biết của châu Âu về Trung Quốc thế kỷ 18".

Tấm bản đồ này, theo chú thích tiếng Latinh trên đó, chỉ ra một "Trung Quốc đích thực", trong đó khu trung tâm Trung Quốc chủ yếu là người Hán, không có Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ, hay Mãn Châu. Còn hai đảo Đài Loan và Hải Nam được thể hiện bằng biên giới khác màu với biên giới Trung Quốc đích thực.

Dĩ nhiên là hoàn toàn không có Hoàng Sa, Trường Sa trong tấm bản đồ thế kỷ 18 này.

Báo chí Trung Quốc đã không công bố bản đồ d'Anville, mà lại đưa ra bản đồ khác và nói đó là bản đồ bà Merkel tặng (!). Bản đồ này của nhà bản đồ học người Anh tên John Dower, được nhà xuất bản Henry Teesdale & Co. in ở London năm 1844, trong đó bao gồm Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ và một phần lớn Siberia.

Tấm bản đồ Trung Quốc cổ, của nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville vẽ, được một nhà xuất bản Đức in năm 1735 - Ảnh: FP

Tuy nhiên trên các mạng xã hội Trung Quốc lại có thông tin về cả hai bản đồ này. Với bản đồ d'Anville, cư dân mạng Trung Quốc giận dữ với món quà bà Merkel tặng, cho rằng đó là "món quà vụng về", hoặc "Đức chắc có động cơ thầm kín", hay đi xa hơn là cáo buộc bà Merkel muốn hợp pháp hóa các phong trào đòi độc lập của Tây Tạng, Tân Cương v.v.

Còn bản đồ Dower trái lại được đón chào hơn, và có người còn tự hào về lãnh thổ cũng như quyền lực to lớn của đế quốc Trung Hoa trước đây.

THỦ TƯỚNG ĐỨC ANGELA MERKEL TẶNG CHỦ TỊCH TRUNG QUỐC TẬP CẬN BÌNH BẢN ĐỒ CỔ TRUNG QUỐC KHÔNG CÓ TÂY TẠNG, TÂN CƯƠNG VÀ MÃN CHÂU LÝ
 
TRẦN ĐỨC ANH SƠN
 
Trong hai ngày 1 và 2/4/2014 một số tờ báo uy tín trên thế giới như: TIME, FOREIGN POLICY, THE SYDNEY MORNING HERALD… đã đăng bài phản ánh sự kiện ngày 28/3/2014, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tấm bản đồ cổ Trung Quốc nhân chuyến thăm châu Âu của lãnh đạo Trung Quốc trong tuần vừa qua. Đây là tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc thời Càn Long (1736 - 1795) do nhà bản đồ học người Pháp là JEAN-BAPTISTE BOURGUIGNON D’ANVILLE vẽ, được 1 nhà xuất bản ở Đức xuất bản năm 1735. Trên tấm bản đồ này lãnh thổ Trung Quốc không bao gồm các vùng: Tibet (Tây Tạng), Xinjiang (Tân Cương), Manchuria (Mãn Châu Lý). Các đảo Hải Nam và Đài Loan trên bản đồ này thì được tô màu khác với lãnh thổ Trung Hoa. Tất nhiên, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng không hề có trong bản đồ này.
 
TIME và THE SYDNEY MORNING HERALD bình luận đây là CÁI TÁT (a slap) của bà đầm thép Merkel dành cho ông Tập. FOREIGN POLICY thì nói đây là một THÔNG ĐIỆP (a message) của bà Merkel đối với chính sách bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc hiện nay.
Chủ tịch Trung Quốc không thể từ chối món quà của Thủ tướng Đức nên đành nhận bản đồ đưa về Bắc Kinh. Tuy nhiên, tờ NHÂN DÂN NHẬT BÁO của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi tường thuật về chuyến đi châu Âu của họ Tập đã “lờ tịt” món quà tặng là tấm bản đồ đặc biệt này. Trong khi đó nhiều phương tiện truyền thông khác của Trung Quốc, kể cả TÂN HOA XÃ, có tường thuật việc Chủ tịch Tập Cận Bình nhận bản đồ do Thủ tướng Angela Merkel tặng, thì không in hình tấm bản đồ của D’ ANVILLE mà thay thế bằng tấm bản đồ vẽ tay của nhà vẽ bản đồ người Anh JOHN DOWER vẽ, xuất bản tại London (Anh) năm 1844 với nhiều chi tiết có lợi cho Trung Quốc, trừ tờ TÂN VĂN TRUNG TÂM (NEWS SINA) đăng đúng hình tấm bản đồ bà Merken trao tặng.

Tấm bản đồ do D’ Anville vẽ năm 1735, quà tặng của bà Merkel cho ông Tập vào tối ngày 28/3/2014.

Bình luận sự kiện này, một số cây bút người Trung Quốc viết:  “Một món quà quá khó xử ” (Hoa Qian), “Merkel đang cố gắng hợp pháp hóa những phong trào đòi độc lập ở Tây Tạng và Tân Cương (Xiao Zheng), “Người Đức rõ ràng là đang có những cuộc vận động kín đáo” (Liu Kun), còn một độc giả internet khác thì đặt câu hỏi: Điều này là có thể được sao? Tây Tạng, Tân Cương, (lãnh thổ) Đông Bắc ở đâu? (Chủ tịch) Tập đã phản ứng như thế nào?” (Nguồn: “A Merkel, a Map, a Message to China”, FOREIGN POLICY, ngày 1/4/2014).
Tấm ảnh này bà Merkel đang chỉ tay vào đảo Hải Nam này được tờ TIME chú  thích rất hay: “So China stops here?” [Vậy là (ranh giới) Trung Quốc dừng lại ở đây sao?].
 
Theo tôi, đây không phải là một “sự cố ngoại giao” như một vài bình luận của báo chí nước ngoài mà là món quà có chủ đích của Thủ tướng Đức dành cho tham vọng bành trước của Trung Quốc, bởi người Đức làm gì cũng cẩn thận, tính toán tỉ mỉ, lường xét hậu quả rất nghiêm cẩn.
Quả là một CÁI TÁT ĐÍCH ĐÁNG cho ông Tập Cận Bình và ban lãnh đạo Trung Quốc trước những tham vọng bành trướng lãnh thổ của họ.
T.Đ.A.S.
Tin thêm: Tối qua tại địa chỉ: http://news.sina.com.cn/c/2014-03-31/031029827894.shtml  có phần bình luận trực tuyến về sự kiện này của Thôi Hồng Kiến, Chủ tịch Phòng nghiên cứu Hoan Minh thuộc Ban Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc. Ông ta đã  chỉ trích món quà này.
 
Xem thông tin liên quan tại các đường link dưới đây: