Thursday 3 April 2014

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc 4-4-2014

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc

Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta

Ngày 31 tháng 3 năm 2014
Bạn ta,
Vô tư, theo các từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh và Nguyễn Văn Khôn, là không tư vị, không thiên lệch, là công bình, là đối xử ngang bằng với tất cả mọi bên, mọi phe, là không vì lợi ích riêng.
Như vậy thì ngày nay, ở trong nước, hai chữ này đã bị đem ra hiểu hoàn toàn khác với các định nghĩa trước đây. Hay cũng có thể nói rõ hơn là cách hiểu mới này không thấy tại miền Nam trước năm 1975.
Ở hải ngoại, cách hiểu hai chữ vô tư theo lối mới cũng thấy xuất hiện khoảng trên dưới 10 năm trở lại đây. Lối nói ấy được những người từ trong nước mang ra hải ngoại dùng một cách rất vô tư. Mua cái thẻ điện thoại để gọi viễn liên với phí tổn rất nhẹ thì khi dùng cứ "vô tư", cứ gọi "vô tư". Gọi vô tư thì chắc chắn không có nghĩa là gọi không thiên lệch, gọi công bằng, gọi không vì lợi ích riêng.
Mua cái xe mới xong thì lái vô tư về nhà. Vào nhà hàng gọi vài chai bia uống vô tư...
Dần dần thì cái nghĩa mới của hai chữ vô tư cũng rõ ra, và cách dùng hai chữ này đang từ từ mất đi sự kinh ngạc nó tạo ra trong lúc ban đầu. Nó được đem dùng rất rộng rãi. Đâu cũng thấy ... vô tư. Hai chữ đó được dùng một cách thoải mái. Đó là về mặt tiếng nói. Cái gì cũng vô tư cả.
Cách đây mấy hôm, một tờ báo điện tử trong nước có phổ biến một video clip khá dài với những tai nạn giao thông kinh hoàng ở Việt Nam. Có những tai nạn xe hơi đụng nhau, xe vận tải đụng xe nhỏ, xe lớn đụng xe hai bánh, xe đạp đụng người đi bộ gây thiệt hại vật chất không nhỏ cho các xe bị tai nạn và luôn cả cho người đi đường. Nhưng có một chi tiết gây kinh ngạc cho người xem là thái độ vô tư (lại vô tư) của những người đi đường. Lái xe đụng xe người khác, cứ vô tư lách sang một bên, chạy tiếp. Xe nhỏ đụng xe lớn cũng vô tư bỏ đi ngay, nếu còn đi được. Xe lớn đụng xe nhỏ cũng bỏ đi, vô tư không thèm ngó lại. Không cả một cái nhún vai. Nạn nhân đứng dậy, dắt xe vào lề, rồi leo lên xe đi tiếp rất vô tư.
Mấy hôm trước, mụ bộ trưởng y tế bị chất vấn về những vụ tiêm chủng làm chết trẻ em thì trả lời thật khó là tránh được, và rất khó mà ngăn chặn được những chuyện như thế. Lại cũng vô tư.
Rất nhiều vụ học sinh đánh nhau lột áo của bạn học thì các bạn cùng lớp, bạn trai cũng như bạn gái đứng chung quanh cổ võ, lấy điện thoại cầm tay ra thu hình đưa lên internet rất vô tư.
Học sinh đi thi thì ngang nhiên quay cóp, dùng "phao" để... tham khảo rất vô tư. Thầy cô giáo làm giám thị trong phòng thi cũng đi lại ung dung trong lớp, thỉnh thoảng ghé lại bàn cố vấn cho các học sinh chép bài một cách rất vô tư như một vài video clip cho thấy.
Mở báo ra đọc, mỗi ngày, không báo nào có dưới 10 tin giết người, cha giết con, cháu giết bà lấy tiền đi chơi game, chồng giết vợ, hàng xóm giết nhau rồi ... đi nhậu vô tư như không có chuyện gì xẩy ra.
Giải phẫu thẩm mỹ không xong gây tử vong thì đem xác ném xuống sống rồi vô tư về nhà. Thanh niên lừa bạn gái đem bán cho các ổ điếm ở Trung quốc. Hàng xóm bán hàng xóm sang Trung quốc, dụ người đưa sang các nước bên cạnh để bán thân cũng một cách vô tư. Hàng hóa, thực phẩm nhập cảng từ Trung quốc vào chứa toàn hóa chất độc hại vẫn bầy bán vô tư trước mắt công an. Người dân vô tư mua những thứ ấy về ăn uống với nhau một cách vô tư. Cầu cống đường xá xây cất cẩu thả, vừa xây vừa chấm mút với nhau khiến cầu sập, đường đầy ổ gà, xa lộ hầm hố trong lúc quan chức (chữ của bọn huênh hoang là bài trừ phong kiến) vẫn vô tư làm như không có chuyện gì xẩy ra.
Ăn cắp từ trên xuống dưới, hở ra là ăn cắp trong cũng như ngoài nước. Lộ chuyện thì tuyên bố vài ba câu huề vốn rằng sẽ xử lý nghiêm túc rồi lại vô tư ăn cắp tiếp. Bằng giả đầy đường, bằng lớn bằng nhỏ đều giả cả, muốn gì có nấy mua về đem dùng vô tư. Chính quyền cũng vô tư nói là bằng giả chỉ có thể kiếm việc với nhà nước. Có đứa không học luật bao giờ, vẫn khai là có bằng luật rồi nhơn nhơn cái mặt và vô tư làm tới thủ tướng. Một con ranh tên là Kiều Trinh cứ xuất ngoại là giở trò ăn cắp, vậy mà vẫn tiếp tục được trao việc dẫn chương trình Văn Hóa Dân Tộc trên truyền hình một cách rất vô tư vì bố nó làm tới ủy viên trung ương đảng. Sao mà không vô tư cho được. Rồi con ranh con lại còn vô tư nhận là bệnh tâm thần để khỏi bị Thụy Điển và Anh quốc tha tội ăn cắp vật. Rất vô tư.
Bọn chó dại mở hết công ty này, công ty nọ để làm ăn nhưng chính ra là chỉ để ăn cắp với nhau cho các cơ sở ấy lỗ chỏng gọng rồi phủi tay. Lại cũng vô tư.
Ngày kỷ niệm giặc Tầu đánh phá mấy tỉnh miền Bắc thì bọn ngợm lôi nhau ra múa đôi ăn mừng rất vô tư. Ngư dân bị bọn khốn nạn Tầu ô bắt nạt, cướp tầu, bắn giết thì vô tư gọi đó là những tầu ... lạ. Bỏ bạc tỉ ra mua mấy cái tầu ngầm mang về Cam Ranh chưng chơi rồi để đó lại cũng rất vô tư.
Thành ra Việt Nam bây giờ đã trở thành một quốc gia vô tư nhất thế giới. Cho nên cái gì cũng vô tư là vậy.
Người ta thấy là chỉ cần thay vài ba chữ trong một bài viết của cụ Nguyễn Văn Vĩnh đăng trong Đông Dương Tạp Chí số 23 là đúng ngay: "Việt Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng ... vô tư. Người ta khen cũng vô tư, người ta chê cũng vô tư. Hay cũng vô tư, mà dở cũng vô tư; quấy cũng vô tư. Nhăn răng vô tư một tiếng mọi việc hết nghiêm trang."
Thật là khốn nạn cho cái nước ta.

Ngày 2 tháng 4 năm 2014
Bạn ta,
Đáng lẽ ra, việc này phải làm cho các cụ Tản Đà, Phạm Quỳnh vui lắm mới phải.
Cụ Tản Đà thì cho rằng "Chữ quốc ngữ, chữ nước ta, con cái nhà, đều phải học..." Cụ Phạm Quỳnh thì yêu truyện Kiều đến nỗi quả quyết chừng nào còn truyện Kiều thì tiếng Việt của chúng ta sẽ còn và đất nước của chúng ta cũng còn theo...
Việc đem tiếng Việt dậy cho người nước ngoài đã được thực hiện từ mấy chục năm trước. Nhờ đó, một số người đã học được tiếng Việt để nghiên cứu các vấn đề Việt Nam trong nhiều lãnh vực như văn chương, chính trị lịch sử và văn hóa. Giáo sư Patrick Honey, giáo sư Douglas Pike ... là những trường hợp như thế.
Mới đây, theo một nguồn tin từ Nhật Bản, tiếng Việt cũng được cấp tốc đem dậy ở Nhật. Và những người được dậy tiếng Việt thì lại không phải là những thành phần như các giáo sư Honey và Pike, mà là một số cảnh sát Nhật. Tiếng Việt mà họ học cũng không phải là thứ tiếng Việt academic, kiểu trường ốc như thứ tiếng Việt mà các giáo sư Nguyễn Đình Hòa của đại học Southern Illinois University, và khách viên giáo thụ Nguyễn Khắc Kham của đại học Ngoại Ngữ Đông Kinh dậy cho các sinh viên của các ông.
Cảnh sát Nhật được cho học tiếng Việt để giải quyết những vấn đề liên quan đến người Việt Nam ở Nhật mà cảnh sát Nhật đang càng ngày càng gặp phải nhiều hơn.
Như vậy, rõ ràng là những tấm bảng cảnh cáo tệ nạn ăn cắp viết bằng tiếng Việt ở một số siêu thị ở Nhật đã không làm được việc, tức là đã không ngăn chặn được những vụ ăn cắp vặt của người Việt tại các cửa hàng của người Nhật. Không lẽ mỗi khi có chuyện thì lại phải lôi tấm bảng viết bằng tiếng Việt ra dí vào mặt các đồng bào của chúng ta. Vậy nên người ta phải huấn luyện cho cảnh sát ở những nơi có nhiều người Việt một ít câu tiếng Việt để dùng khi hữu sự. Một cơ quan ngôn luận của Nhật, Jiji Press, cho biết người Việt đứng đầu danh sách các vụ trộm cắp ở các cơ sở thương mại của Nhật. Trong năm qua , năm 2013, con số những vụ trộm cắp của người Việt ở Nhật đã tăng khoảng 60%. Con số chính xác là 1.118 vụ.
Thế nên, nhu cầu biết dăm ba "câu tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi" là một nhu cầu của cảnh sát Nhật. Không lẽ khi bị bắt, lại cứ ú ớ nói là không biết nói tiếng của quốc gia sở tại như Lê Văn Bàng, đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc khi bị bắt quả tang đang mò sò bất hợp pháp tại New Jersey dạo nào.
Vừa mới tuần trước, một cô tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines đã bị bắt về tội mang đồ ăn cắp về Việt Nam tiêu thụ và báo chí Nhật đang làm ầm lên về vụ này khiến nhu cầu biết tiếng Việt của cảnh sát Nhật lại càng cấp bách hơn. Thứ tiếng Việt này đâu phải thứ được dậy ở Tokyo Gaigo Daigaku hay Osaka Gaigo Daigaku... mà chỉ là thứ tiếng Việt đầu đường xó chợ dậy đại cho cảnh sát Nhật.
Tưởng tượng những đoạn đối thoại được dậy cho cảnh sát Nhật để thẩm vấn các nghi can người Việt sẽ có những câu ngô nghê như thế này và mong tiếng Việt của các cảnh sát viên Nhật sẽ không là thứ tiếng Việt quái đản như vậy:
Mày là người Việt Nam phải không?
Tao là cảnh sát Nhật đây.
Tại sao người Việt chúng mày hay ăn cắp thế?
Hồi xưa bọn sinh viên đi sang đây du học đâu có như chúng mày.
Mày mà cũng nhận là con cháu cụ Phan Bội Châu à? Hồi ấy các ông Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi) , Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu) của chúng tao kể lại là người Việt đâu có thứ ăn cắp vặt như chúng mày bây giờ.
Hồi ấy, các cụ Đông Du Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính ... là những ngươi đàng hoàng lắm chứ.
Nói thật đi, mày ăn cắp bao nhiêu lần rồi?
Mày lấy những thứ mỹ phẩm này đem đi đâu? Đem gửi cho con mẹ ở Tokyo rồi chuyển về Hà Nội phải không?
Luật nước tao sẽ xử nặng những vụ như mày.
Tao cũng muốn biết tại sao "bệt tơ nam sàn" hay xả rác như vậy? Sao chúng mày ở dơ thế. Tokyo đâu có phải như cái nhà mồ của thằng già chết khô ở Ba Đình đâu mà phóng uế bừa bãi?
Chúng tao sẽ đuổi cổ mày về nước nghe chửa...
Chỉ tưởng tượng ra mấy câu như trên là đã thấy uất lên rồi. Nếu được có ý kiến về tài liệu dậy Việt ngữ cho cảnh sát Nhật, tôi nghĩ tôi chỉ xin bỏ những chữ xưng hô "mày tao" như trong bài học mà thôi. Còn tất cả cứ để nguyên mà dậy cũng được.
Cũng may, người Nhật sau thời Minh Trị không biết ăn nói thô tục, chi dùng toàn kính ngữ với nhau nên mới còn được như thế.

Nhưng mà vẫn đau cho tiếng Việt của chúng ta biết là chừng nào!