Phan Hạnh
Bia là thức uống phổ thông nhứt của con người sau nước lã và trà. Bia cũng là thức uống do con người chế tạo ra sớm nhứt trong lịch sử (năm 9,000 trước Công Nguyên) trong vùng Lưỡng Hà Trung Ðông theo sách cổ Ai Cập. Giống như nhiều phát minh khác, rượu bia có lẽ cũng được ra đời do sự tình cờ. Giai thoại kể rằng người phát minh ra bia là một bệnh nhân nghèo bỏ bánh mì cứng trong ly nước cho mềm để ăn. Nhưng ông để quên. Hai ngày sau, bánh mì lên men trong ly như một món cháo đặc; ông ăn có cảm giác ngây ngất say vì hơi men. Nhờ vậy mà sau đó ông lành bệnh. Từ đó, bằng thí nghiệm, ông lần hồi tìm ra một công thức để chế bia và biến nó thành một thức uống vừa ngon miệng vừa giúp chữa bệnh.
Sáu ngàn năm sau nữa, châu Âu mới biết làm bia mà uống; rồi người Pháp đem theo thức uống ngon lành đó đến Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 19 giới thiệu cho phe ta. Nhưng ta uống la de chẳng giống như Tây. Tây uống la de ướp lạnh không thêm nước đá; ta bỏ nhiều đá, có khi còn để đông đặc. Bạn cứ vô các quán nhậu (bar, pub) của Tây mà coi, chỉ thấy họ ngồi nhậu khơi khơi, xem tivi, chơi banh bàn lặt vặt. Tây chỉ uống la de không hoặc cùng lắm là với vài món khai vị nhẹ như lạc rang, phó mát, hạt, chíp khoai tây hoặc thịt nướng. Ta uống la de với thức ăn ê hề và nặng nề, với cả các món có nước lỏng bỏng như phở, bò bảy món, lẩu thập cẩm đồ biển. Trường Kỳ gọi là đớp hít.
Bia Quân Tiếp Vụ
La de Con Cọp và la de 33 trước 1975 do hãng B.G.I. sản xuất. B.G.I. khởi nghiệp từ một nhà máy sản xuất chai thủy tinh và làm nước đá sáng lập bởi kỹ sư người Pháp Victor Larue . Ông nguyên là một sĩ quan hàng hải giải ngũ ở Saigon năm 1875. Năm 1909, B.G.I. sản xuất bia hai cỡ chai: chai lớn 0.66 lít nhãn Con Cọp (trên nhãn đề dung tích chỉ có 0.61 lít) và chai nhỏ 0.33 lít nhãn 33. Trong thời gian Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam, nhiều binh sĩ Mỹ cũng rất thích uống bia Con Cọp và họ đặt cho nó một cái tên thân mật dí dỏm cho vui là “Tiger’s Piss”, nước đái cọp. Chẳng lẽ họ có thấy hoặc có nếm qua nước đái cọp rồi chăng.
Remember the "old timers": Beer"Quan Tiep Vu" (ARVN's beer), "#33", and "Con Cop"(Tiger) ?
It tastes greater than Viet Cong "Bia Hoi"!
Sau tháng Tư 1975, Việt Cộng từ Bắc vô Nam hết sức tử tế, ban đầu mượn tạm mọi thứ thuộc về miền Nam để rồi sau đó mượn luôn. Tất cả công ty thuộc quyền sở hữu của 2,500 doanh nhân người Pháp cũng cùng chung số phận: Air France, U.T.A., Michelin, Citroen, Charner, Grall, Continental, Chargeurs Réunis, Messageries Maritimes, M.I.C., Bastos, Melia, v.v. Hãng la de Brasseries-Glacières d'Indochine (B.G.I.) bị trưng dụng và đổi tên thành Hãng Bia Saigon SABECO sản xuất các loại bia Saigon Special, Saigon Export (bao gồm bia lon 333 và bia Sài Gòn Đỏ) và Sài Gòn Xanh. Bia 33 tiếp tục được hãng Calsberg của Ðan Mạch sản xuất.
Năm 1977, Brasseries-Glacières d'Indochine đổi tên thành Brasseries-Glacières Internationales cho phù hợp với tình thế địa dư đã thay đổi với tầm hoạt động bao gồm nhiều châu lục và quay trở lại thị trường Việt Nam vào năm 1991, xây dựng nhà máy đầu tiên tại Tiền Giang và sau đó mở rộng ra Đà Nẵng. Khách hàng trung thành của G.B.I. chào đón và ủng hộ nồng nhiệt. Năm 1997, công ty Foster của Úc đã mua lại toàn bộ cơ sở của B.G.I., cùng Công Ty Bia Tiền Giang, Công Ty Bia Ðà Nẵng tiếp tục sản xuất la de Con Cọp (tên mới là Larue Export) mà cái tên thân yêu ấy vốn đã từng nằm mãi trong tâm thức của hơn 25 triệu con dân miền Nam trước 1975. Bia Larue Export nhãn hiệu Con Cọp xuất cảng sang một số nước Á châu và mẫu chai nhãn vẫn giữ dáng vẻ như xưa.
Người nhớ rõ La De Con Cọp nhất có lẽ đó là tiến sĩ Phan Văn Song, người từng làm việc cho công ty B.G.I. ở Saigon từ 1973 đến 1976 với chức vụ Giám Ðốc. Nhờ ông tiết lộ bí mật, chúng ta mới biết rằng La De Trái Thơm, La De Con Cọp và La De Quân Tiếp Vụ tất cả cũng giống nhau; chúng chỉ khác nhau có cái nhãn dán bên ngoài chai mà thôi. Hỡi các bạn cựu lính tráng của QÐVNCH từng uống la de Quân Tiếp Vụ có nghe rõ năm trên năm không?
Thật ra chẳng có thứ la de nào gọi là La De Trái Thơm cả. Ðó cũng chỉ là La De Con Cọp Bière Larue bình thường mà thôi nhưng có dán nhãn mới; nhãn mới nầy được thợ cây nhà lá vườn của hãng ở Saigon vẽ lại theo mẫu vẽ chính thức của nghệ nhân ngành ấn loát người Pháp. Vì thợ vẽ phe ta chưa thấy hoa bia houblon (“hop” trong Anh ngữ) bên Tây bao giờ cho nên vẽ nó lại giống trái thơm của ta. Quí độc giả xem lại hình nhãn La De Con Cọp trong bài viết nầy thì rõ.
Hoa Bia Houblon (Hop)
Tôi nghiệm ra rằng nồng độ rượu bia tỉ lệ thuận với mức độ ít hay nhiều, đơn sơ hay cầu kỳ, rẻ hay đắt của mồi nhậu. Bia nhẹ uống với thức ăn nhẹ; bia nặng với thức ăn nặng. Ðộ cồn trong bia Việt Nam ở mức 4.5%, tương đối là nhẹ so với bia ngoại quốc. Carlsberg, Corona: 4.6%; Budweiser, Coors, Labatt Blue, Molson Canadian: 5%; Heineken: 5.4%. Tôi nghe nói bên Boston có bia Samuel Adams Utopias có độ cồn lên tới 25%. Vậy uống La De Con Cọp ăn những thức ăn nhẹ sẽ thấy ngon. Bia ngon cần có chất tươi, tức phải đúng độ lạnh phù hợp với khung cảnh và thời tiết. Tốt hơn hết, nếu uống bia sản xuất ở Việt Nam thì phải dùng mồi nhậu Việt Nam mới ngon vì cả hai thứ đều có cùng hương vị của quê hương.
Sống nơi xứ lạ quê người mà thèm La De Con Cọp cũng phải đành chịu nhịn cái thèm đó; thôi thì ra tiệm bia xách về một “six pack” Molson Canadian hoặc Labatt Blue uống đỡ. Cuối tuần cùng với vài ba người bạn gom lại vừa uống vừa đấu hót kể chuyện tiếu lâm vui vẻ một hồi rượu hết không hay. “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” mà lị, hỏi Châu Hiền Quang với Đăng Sơn thì biết liền.
Xin kể quí bạn đọc một số chuyện tiếu lâm về nhậu nữa nhé! Nhưng nhớ phải vừa đọc vừa uống mới phê đó nghe. Cái gì chớ vừa nhậu nhẹt vừa nghe chuyện tiếu lâm thì vui hết biết.
Một nàng kiều Ngã Ba Chú Ía ra mở cửa tiếp khách, thấy một anh thương phế binh cụt cả hai tay. Ái ngại, nàng ngập ngừng hỏi:
- Anh muốn...?
- Ừ!
- Nhưng anh cụt hai tay rồi làm sao...
- Ðừng khi dễ nghe cô em... Biết tui gõ cửa bằng gì không?
- ???
.....
Một phế binh cụt cả hai tay vô quán kêu một chai bia. Người phục vụ bưng ra, nhanh nhẹn rót bia ra ly. Anh thương binh nói:
- Anh làm ơn...
Nhân viên phục vụ hiểu ý, bưng ly đưa lên miệng anh phế binh. Uống hết chai bia, anh phế binh đứng dậy nói:
- Có tờ hai chục trong túi quần bên phải, anh làm ơn...
- Dạ không sao... Tiền chai bia 15 đồng.
- Anh giữ luôn tiền lẻ. Tôi muốn đi washroom. Anh làm ơn...
- ???
.....
Theo kết quả của một cuộc khảo cứu khoa học gần đây mà không biết là của ai (mấy ông nhậu người Mỹ chế ra chuyện vui cười này đó các bạn ơi, tui lượm dịch), người ta khám phá ra rằng trong rượu bia có chứa nhiều kích thích tố nữ tính khiến cho mấy ông nhậu có thể hành xử giống như phụ nữ. Cuộc trắc nghiệm thực hiện trên một trăm người đàn ông thuộc nhiều lứa tuổi, mỗi người uống bốn chai bia cỡ 375ml trong vòng một giờ đồng hồ. Kết quả là tất cả 100 người đàn ông đó đều:
1) lên cân,
2) nói tùm lum và nói dở,
3) dễ xúc cảm,
4) lái xe lạng quạng,
5) hay cãi và không chịu xin lỗi dù biết mình nói sai.
.....
Một chàng vào quán gọi bia uống, cứ uống hết mỗi chai lại móc một tấm hình trong túi ra ngắm. Chủ quán lấy làm lạ hỏi:
- Hình ai mà anh ngắm hoài vậy?
- Hình vợ tôi. Khi nào mà tôi thấy vợ tôi tươi lên trong hình thì tôi về nhà.
.....
Một ông chồng được vợ dặn có đi nhậu với bạn thì đi nhưng nhớ phải về nhà trước 12 giờ đêm. Vừa ham vui vừa bị bạn nhậu cầm giữ, ông về nhà thì đồng hồ con cú treo trên tường cũng vừa “cúc-cu” ba tiếng. Giở mánh, ông ta “cúc-cu” thêm chín tiếng nữa rồi rón rén đi ngủ. Sáng ra vợ hỏi:
- Ðêm qua ông về mấy giờ?
- Thì... mười hai giờ. Sao?
- Ðồng hồ con cú dường như bị hư rồi.
- Hư chỗ nào?
- Nó kêu ba tiếng, tằng hắng, kêu thêm bốn tiếng, nấc cục, kêu thêm năm tiếng và còn thêm một tiếng b...ộ...p!.
......
Mấy ông nhậu khi say thì trở nên bạo mồm bạo miệng, dám nói ra những ý nghĩ mà lúc bình thường không dám nói. Ngoài ra các vị đó còn bịa chuyện rất bất ngờ.
Một chàng nhậu say quắt cần câu cho chó ăn chè bẩn hết áo không biết rồi về nhà sẽ ăn nói làm sao với vợ. Một bạn nhậu khôn vặt bày cách:
- Anh để trong túi áo hai chục đồng, về nhà nói với vợ là có thằng say nào đó lỡ làm bẩn áo và đền anh hai chục, thế là xong.
Nghe bạn hiến kế hay, chàng nọ y lời hí hửng về nhà. Vợ hỏi:
- Sao áo anh hôi bẩn thế này?
- Tại thằng bạn say lỡ nôn trúng. Nó đền anh 20 trong túi áo đây nầy.
Vợ móc túi thấy 2 tờ 20 và 1 tờ 10 đồng nên hỏi:
- Sao ở đây có 50 lận?
- À... tại vì... tại vì nó cũng ị trong quần của anh nữa.
- ??? .....
……………….
Một chàng nọ đi siêu thị mua sữa, trứng, bánh mì, gà, sườn cốt lết, và một ít trái cây rau cải. Vừa bỏ hết các thứ lên quầy tính tiền, chàng ta nghe một giọng nhừa nhựa như say rượu của một khứa ăn mặc luộm thuộm đứng ngay phía sau nói:
- Sống độc thân phải không?
Chàng lấy làm lạ sao khứa lại biết mình sống độc thân. Thức ăn chàng mua cũng bình thường như mọi người thôi chớ có gì đặc biệt đâu.Tính tiền xong chờ thằng chả ra ngoài, chàng hỏi:
- Sao ông biết tôi sống độc thân?
- Dễ ợt! Xấu vậy ma nào chịu lấy!
.....
Một chàng trẻ nhút nhát vào quán uống bia cạnh bàn một nàng trẻ đẹp ngồi một mình. Sau vài chai lấy can đảm, chàng đến bên cô gái nhỏ nhẹ hỏi:
- Tôi có thể ngồi nói chuyện với cô được không?
Cô ta sừng sộ la lớn lên:
- Cái gì? Ông bảo tôi ngủ với ông đêm nay? Bộ ông điên rồi hả!
Mọi người trong quán cười ồ lên. Chàng ú ớ và ngượng đỏ mặt, tự hỏi tại sao cô ta lại có phản ứng lạ lùng như thế. Chàng ta kêu thêm mấy chai uống cho hết quê. Một lúc sau cô gái qua bàn chàng dịu dàng nói:
- Ông cho tôi xin lỗi là lúc nãy tôi đã làm cho ông xấu hổ. Thật ra tôi là sinh viên tâm lý học đang tìm hiểu xem phản ứng của người xấu hổ ra sao.
Anh chàng được dịp trả thù nên la lên:
- Cái gì? Ngủ có một đêm mà cô đòi một ngàn đô? Bộ cô điên rồi hả!
......................
Một chàng lính nọ lần nào đi nhậu cũng đi có một mình mà kêu dọn hai chén hai đũa hai ly và hai chai la de Con Cọp. Chủ quán thắc mắc hỏi, chàng đáp:
- Phần kia cho người bạn thân của tôi đã tử trận.
Một thời gian sau chàng kêu dọn chỉ có một phần. Chủ quán thắc mắc hỏi, chàng nói:
- Bây giờ tôi đã bỏ rượu, nhưng bạn tôi thì không thể bỏ.
...............................
Một chàng nọ ngồi trong quán buồn bã nhìn ly rượu trước mặt đã lâu mà không uống. Một tay hảo hớn bước tới tự nhiên bưng ly nốc cạn. Chàng nọ chợt òa lên khóc. Tay hảo hớn nói:
- Có gì mà buồn vậy bạn. Tôi sẽ mua cho bạn hai ly khác.
Chàng nọ đáp:
- Không buồn sao được. Trọn ngày nay toàn chuyện xui xẻo xảy ra, hết bị chủ đuổi việc về nhà còn bắt gặp vợ ngoại tình; bây giờ định uống thuốc độc tự tử thì bị ông phá đám!
.......................
Một anh lính trẻ đi hành quân lượm được một ve chai trong rừng. Anh mở nắp. Thần Ve Chai hiện ra, cho anh hai điều ước. Ðang khát nước và lâu ngày thèm bia, anh lính nói ngay:
- Xin thần cho một chai la de Con Cọp.
- Có ngay! Ðây là chai la de thần, hễ uống cạn là sẽ đầy lại. Còn điều ước thứ hai?
- Xin thần cho chai nữa để con làm quà tặng cho bạn con.
…….
Bạn nhậu thương nhau vậy đó. Gặp trường hợp tui, chắc tui cũng vậy. Hihihi…
Phan Hạnh.
VÀO HÈ NÓI DÓC CHUYỆN LA VE (LA DE) |
Phan Văn Song | |
Đã từ lâu rồi anh chị em bạn bè khi gặp tôi, sau khi biết tôi đã từng làm việc tại Hảng BGI, Sàigòn, tức là Hảng Brasseries, Glacières d'Indochine, công ty chủ nhà máy nấu La De ở Chợ lớn, cạnh sân vận động Cộng Hòa, đều yêu cầu tôi phải viết về La De, kể những giai thoại về La De.
Câu chuyện thường được mọi người nhớ về La De, thường hỏi tôi, là chuyện Chai La De lớn đặc biệt gọi là La De Trái Thơm. Theo lời đồn, trong mỗi thùng 6 chai chỉ có một chai Trái Thơm, giá đặc biệt và cũng là quà tặng đặc biệt mỗi khi có khách quý. Ai đã được uống La De Trái Thơm đều khen là ngon đặc biệt, và khen ngon hơn chai La De thường. Thiệt tình mà nói là La De Trái Thơm, La De thường, La De Quân tiếp Vụ cũng là một thứ, Vô chai có hình trái thơm thì nó Trái Thơm, vô chai thường thì nó là La De thường, gặp chai Quân tiếp Vụ thì nó biến thành La De Quân tiếp Vụ. Hảng BGI lúc ấy chỉ có nấu hai loại La De thôi: 1) La De thường, vào chai lớn (dung tích 66) thường gọi La De Con Cọp vì chai có cái đầu con cọp màu vàng và để nhãn hiệu Bière Larue, và 2) La De 33, nấu thơm hơn, độ rượu nhiều hơn, vị uống đậm đà hơn, vô chai nhỏ (dung tích 33), tên thường gọi là Bia BămBa , nhãn hiệu là Bière 33 Export.
Vậy mà có người khen chê cho La De Trái thơm là ngon nhứt, xong đến La De Con Cọp và hạng chót là La De Quân tiếp Vụ. QTV dỡ nhứt vì là cho Quân đội uống. Chẳng qua là cái mã ở ngoài cả. Thế mới biết ở đời chỉ trọng cái bề ngoài. Quý vị nghĩ coi nấu 2 loại Bia đã tóe phở, học xì dầu hơi đâu, BGI đâu có quởn nấu ba bốn loại còn vô chai vô cộ, đổi kíp đổi người. Phức tạp lắm. Nội cách đổi võ chai cho hạp với rượu cũng đủ hao tiền. Nhưng cắt nghĩa hổng ai tin. Ông Cụ Bà Cụ tui, hể tui khi đến nhà chơi, chẳng may lấy La De Quân Tiếp Vụ uống, vì Ổng có hàng QTV do mấy chú em tui đem về, thì Bà bảo. “Nhà hết La De để Mẹ đưa tiền Chú Thanh, chú Thanh là anh tài xế phục vụ Ông Cụ đi mua La De về cho con uống chứ uống chi đồ QTV dỡ lắm, để các em của con lính tráng nó uống, nó quen rồi.”. Tôi có trả lời cắt nghĩa cho Bà hiểu là chỉ có một thứ Bả không tin. Thiệt “Bụt nhà hổng thiêng”!.
Sau đây là câu chuyện của La De Trái thơm. Lúc ấy là năm 1973, tôi làm chánh sở Tiếp thị (Chef du Service Marketing), coi luôn phân Quảng cáo. Để hà tiện tiền làm nhãn ở Pháp, tôi sử dụng Văn phòng quảng cáo của Hảng, tôi nghĩ anh Họa sĩ văn phòng quảng cáo (chuyên vẽ những fond cho các xe của Hảng rồi các anh thợ sơn đồ chép lại) đủ tài nghệ chép lại cái nhãn đặt ở Pháp. Và tôi nhờ anh Họa sĩ vẽ lại cái nhãn. Trên nhãn cái đầu con cọp vàng ở giữa hai bên có hai tràng hoa houblons, là loại hoa dùng để thêm cái vị nhẫn đắng vào Bia. Nấu Bia ngon dỡ là do cái tài thêm ít hoa houblon, cũng như gia vị ngũ vị hương trong nghề bếp núc Việt nam ta vậy.
Nhãn vẽ xong đại khái cũng tạm ỗn, vì anh Họa sĩ nhà chưa bao giờ nhìn thấy hoa houblon, nên đinh ninh thấy hoa houblon giống trái thơm, cho là Trái thơm, và vẽ giống trái thơm. Các ông Giám đốc tây cũng ba chớp ba nháng, kể cả anh Chánh sở trách nhiệm là tui, cũng thế.
Vì thiệt tình mà nói thì có ông nội nào thấy hoa houblon tươi đâu? Biết là houblon nhưng chỉ nhìn thấy hoa dưới dạng khô. Còn các anh kỹ sư nhà máy, các anh nấu rượu (brasseurs – đây là một cái nghề riêng) dân La De thiệt, thì ở nhà máy. Bọn quyết định là dân Văn phòng, dân làm Marketing quyết định mọi việc, bổn phận các anh kỹ sư là sản xuất, chỉ sao làm đúng vậy thôi. Quý vị thấy không, không phải chỉ có trong Quân đội mới có cảnh lính văn phòng và lính chiến trường.Nhãn Ô kê, gởi đi làm décalques đưa qua Công ty Thủy tinh Việtnam, (Khánh hội) dán vào chai: 100 ngàn chai mới.
Khi đưa vào nhà máy Chợ lớn, các lão kỹ sư cười vỡ bụng, “hoa houblon sao giống trái thơm thế nầy”. Nhưng đã nói các quan Văn phóng là chánh mà , nên quyết định, cứ trộn chai mới vào với đám chai cũ, lẫn lộn chả ai biết gì đâu, người ta uống La De có ai thèm nhìn nhãn đâu. Chẳng lẽ vất bỏ 100 ngàn chai hay sao? Vài ông Giám đốc còn thày lay dạy đời “Dân Việtnam không biết uống Bia, uống quá lạnh, nhiều khi còn để đông đặc lại (Bia đặc), còn thêm nước đá, ngon lành gì, vì vậy trái thơm hay hoa houblon có ai biết chi mô mà ngại ngùng, a -lê ta cứ thế mà làm”. Chàng Chánh sở biết thân, im miệng thinh thích, ngậm miệng ăn tiền, phải bảo vệ danh dự anh Họa sĩ nhà và danh phong Marketing, dù sao cũng...quê rồi.
Nhưng không ai lường được cái tài doanh nhơn của người Hoa, của con Buôn. Các chú Chệt nhà mình ở Hảng (rất nhiều nhơn viên người Việt gốc Hoa, buôn bán ở Sàigòn phải biết “cỏn Tung Hỏa”, chẳng những biết nói “(Quảng)Đông Ngữ” mà cũng phải vài tiếng Tiều châu ngữ nữa cũng phải “Kít tèo” hay “Mai xín xắn bù chằn ếch” cho giống người ta, nói tóm lại con buôn giới thương mại phần đông là người gốc Hoa nếu không nói là một số rất đông. Thế là tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn gần, Hảng La De vừa sản xuầt được một thứ La De hảo hạng, La De trái thơm, một thùng chỉ một chai, để tặng các bạn hàng thứ thiệt, thứ ngon lành, thứ chịu chơi.
Cái luật may rủi, tình cờ, thì khi ra chai và vào thùng thì bao giờ Trái thơm cũng có mặt ở mỗi ngày sản xuất, mấy tay cao thủ bán hàng của Hảng cứ thế mà sắp cho mỗi thùng một chai, rất là điệu nghệ, và tuyên truyền nguyên tắc của Hảng mỗi thùng một chai. Nhung khi đi giao hàng (bán sỉ) quý vịấy tự nhiên đề nghị với các bạn hàng biết điệu nghệ thì có thể thêm 2 hoẵc 3, thậm chí cả thùng toàn La De trái thơm tùy theo nét điệu nghệ và chịu chơi của thân chủ, “phép Vua thua lệ làng” mà lỵ, phép Hảng đấy, nhưng thua nghề của chàng. Và cứ thế giòng sông thương mại trôi theo giòng điệu nghệ, ăn nhậu.
Các Bars, các quán nhậu cũng tùy điệu nghệ với các ông Thầy, ông Xếp, đàn Anh... mà điệu nghệ giành chai La De Trái thơm cho người mình muốn nâng bi, ca tụng hay ca bài con cá. Cá nhơn tui đây, dân La De thứ thiệt, thế mà khi đi nhậu vẫn được bạn hàng và nhiều khi cả nhơn viên (cho biết khi cái dỏm trở thành huyền thoại thì cái dỏm trở thành cái thiệt) thương tình tặng một chai Trái Thơm. Nhưng mình cũng phải ngậm miệng khen ngon và cám ơn các cảm tình giành riêng ây, và vì huyền thoại đã đến hồi quyết liệt, làm vỡ “mộng ban đầu”, e có thể “lãnh thẹo”. Huyền thoại vẫn dai dẳng đến sau 30 tháng Tư, dân Bộ đôi, hay người HàLội cũng bị huyền thoại Trái Thơm. Nhiếu tay, sao vàng bảng đỏ, nón cối dép râu, cũng chạy vào Văn phòng ông Giám Đốc, (sau Tết 1975, tôi được bổ nhiệm làm Giám Đốc Thương mại.) làm quen, và xin ông GĐ đặc biệt “tặng không” vài chai Trái Thơm, hoặc thưởng thức Bia Trái thơm, “cho biết”. Tội nghiệp, rất nhiều tay vượt Trường Sơn chỉ muốn uống Coca Cola “cho biết” (Tiếng Tây có thành ngữ “pour ne pas mourir idiot” - để khỏi chết ngu đần). Vì ta là quân chiến thắng nên chỉ xin thôi, và chỉ nhận quà cáp, của tặng, chứ không có mua bán gì cả.
Bực mình. Suốt thời gian từ ngay những ngày đầu Quân Quản K9, tôi tốn rát nhiều thì giờ vì những cái “ghé thăm, tham quan” và “xin uống Coca Cola và Bia Trái thơm” cho biết, Nhưng Nhà máy Bia HàNội vẫn nói phét là to gấp 5 lần nhà máy các anh. (Nhà máy Bia Hà Nội là Nhà máy Bia Hommel cũ, công xuất không bằng một phần mười nhà máy Sàigòn chỉ biết làm Bia Hơi nhạt như nước bọt). Tôi bực mình vì cái láo khoét ấy, nên nhiều khi cũng bực mình và gắt gỏng. Qua ngày Thống Nhứt (Tháng Bảy 1976) tôi bị băt và bị bỏ tù (4 năm, vì tội Phá hoại nền Kinh tế Xã hội chủ nghĩa), họ có trách tôi vế cái hách dịch của tôi.Tôi lặng thinh không trả lời.
Biết rằng trước sau gì mình cũng đi tù, nên tôi vẫn tiếp tục đi giầy, áo vẫn bỏ vào quần, vẫn đi xe hơi (Peugeot 504), máy lạnh, tài xê, tôi không đi họp tổ công nhơn, không sanh hoạt tổ phường,.... , tổ xóm nào cả, tôi chỉ không mang cravatte cho nó “bình dân” tí thối, Tôi là một Giám Đốc một Hảng với 4000 công nhơn, tôi chỉ họp làm việc với Ban Quân Quản K9 là Cơ quan quản lý và Bộ Kinh tế thôi, vì đấy là những cơ quan quản lý Công ty tôi. Nguyên tắc ấy tôi có nói thẳng với các cán bộ đến làm việc với tôi, và đã được chấp thuận. Ngày nay tôi vẫn không tiếc, vẫn hãnh diện vì vẫn giữ cái tác phong người đàng hoàng ấy, trong thời nhiễu nhương ấy.
Văn phòng BGI, Brasseries Glacières d'Indochine nằm trên đường Hai Bà Trưng cạnh hảng Nước Đá. Đấy là tên cúng cơm. Sau năm 1954, sau khi hết Indochine (ĐôngDương), BGI bèn biến chữ I thành Internationales (Quốc tế). Mà Công ty Brasseries, Glacières Internationales thiệt sự internationales thứ thiệt. Một ông cựu Tổng Giám đốc, ông Grandjean, con một cựu quan chức thuộc địa ở Hànội, còn cá nhơn ông lại là một cựu luật sư thuộc Luật sưđoàn Hànội, đã tả BGI bằng một câu xanh dờn, ví BGI như đế quốc của Đại đế Charle Quint thời Phục Hưng ở Âu Châu “Mặt Trời không bao giờ lặn trên đất của Hảng BGI”. Mà thiệt vậy, BGI có nhà máy nấu La De từ Tân Đảo (Nouvelle Calédonie) đến Guayane nằm cạnh Brazil, thì không đi vòng thế giới sao? Chưa kể ở Phi Châu, Đông dương và thậm chí có mặt ở một nước Hồi giáo, Indonésia, nhà máy do tôi thương thuyết thành lập ở thành phố Médan trên đảo Sumatra. (đây là một tư hào của cá nhơn tôi, thành tích bán rượu cho dân Hồi giáo).
BGI phát xuất từ một nhà máy nước đá do một anh kỷ sư Công Nghiệp (Arts et Métiers ¬Paris) sĩ quan hàng hải, Victor Larue, giải ngũ tại Sài gòn năm 1875 thành lập. Năm 1975, miền Nam mất BGI cũng vừa đủ 100 tuổi, tiêu tùng theo vận nước phe ta. Vì cùng với Việt Nam tự do, BGI cũng từ từ rút các cơ sở nhà máy, bán dần dần và nay không cón gì cả. Chỉ còn có mỗi Bia 33, chai nhỏ 33 phân khối. Tên Bia 33 khai sanh tại HàNội năm 1949, cùng tuổi với Quốc Gia Việt Nam (tự do). Ngày hôm nay Bia 33 cũng tỵ nạn tại ĐanMạch (do Hảng Carlsberg – ĐanMạch sản xuất). Bia 33 vì sanh ở HàNội nên dân Sàigòn vẫn gọi “Bia 33”, hay vắn tắt “BămBa”. Còn chai bia lớn gọi La De Con Cọp, hay La De lớn (vì dung tích 66 phân khối). Nói thì La De , nhưng viết LA Ve, cũng vì một anh Tây ở Hảng đã viết và cho in trên cuốn lịch phát hằng năm, màu vàng với con cọp nằm ngang màu đen và viết LA VE LARUE. Dân Tây hồi đó khi mới đến Sàigòn khi vào những quán ăn gặp cái lịch ấy thường đặt câu hỏi cái Hảng nào mà “Rửa Đường, rửa Phổ nhưng vậy, vì học đọc Lave (động từ Laver, rửa, to clean, to wash) la rue (rue là đường phố -street). Để tránh cái ngộ nhận ấy , cá nhơn tôi Trưởng Marketing bèn đề nghị thay đổi cách gọi trên tấm lịch ấy. Cũng vì trong cùng thời gian ấy, đang có một chương trình sản xuất một loại Bia Màu, Bia màu Nâu (Bière Brune), nên tôi thưòng dùng chữ Bia hơn chữ La De, gọi Bia Đen, Bia Nâu, Bia Màu nó dễ nghe hơn, cho nên Tết năm 1975, cái lịch cố hữu màu vàng, con cọp đen được in lại với chữ BIA LARUE. Năm ấy, năm mất nước, mất luôn chữ La De hay LA Ve, ôi thôi đó cũng là cái điềm. Có một cái an ủi, là có những bạn hàng không bằng lòng chữ Bia nói là ở dưới quê (guê) người hổng biết Bia là gì nên phải giữ chữ La De. Tôi có cho in thêm 5000 tấm La Ve Larue. Ôi thương là sao cái tình “miệt Dườn” của “guê hương mình”.
Năm 1976, tôi không ra lịch ra liết gì cả. Chế độ phân phối mà làm gì có marketing. Tên Anh Victor Larue cha đẻ Hảng BGI chỉ có ở Chai La De lớn thôi, phần còn lại không ai nói tới. Mà cũng nực cười Ổng đẻ ra hảng Nước đá, như tên Ổng lại đặt cho La De.
Đó là vài mẫu chuyện của Hảng La De, Nuớc Ngọt, Nước Đá thời của mình. Nay tình cờ có một bài báo viết về La De hay Bia tôi xin phỏng dịch và viết lại hầu quý độc giả, gọi là quà tặng khi vào Mùa Hè.
Hương Vị Nhẹ Nhàng của La De
Phỏng theo bài tra cứu của Laure Gasporotto (Tuần báo Express) ra ngày 25 tháng 6 2009.
“Bịt mắt lại, một tay thợ nghề nấu Bia khi nếm không thể biết được Bia nào là Bia hơi, và Bia nào là Bia chai”.
Đây là một lời thú tội của một tay nấu Bia nhà nghề (Maître Brasseur) của Hảng Kronenbourg, Hãng Bia nỗi tiếng ở nước Pháp.
Thật là một huyền thoại đang sụp đỗ trên bầu trời LaDe.
Ngày nay, Bia Hơi đang được thương mại đến tận gia đình. Những thùng Bia hơi với những hệ thống bơm hơi đang được bình dân hóa đến tận gia đình. Không còn bắt buộc dắt nhau ra quán nhậu Bia Hơi, để thưởng thức các hương vị Bia Tươi, với cái bọt mềm dịu trong miệng, đưa tay chùi đôi mép vướng bọt. Ngày nay đem một thùng Bia Hơi và dụng cụ về nhà, rũ vài bạn bè về, tìm cái thú vui của hương vị, thưởng thức cả vị giác và cả thính giác nữa.. tiếng pxììì kéo dài khi Bia xủi bọt... Đo cái bọt đang sủi, gạt cái bọt đang thừa...
Cả một chương trình điệu nghệ như khi ta nâng niu ly rượu đỏ, cẩn thận xoay vòng, cẩn thẩn đưa lên mủi cho khứu giác tràn đầy mùi thơm, xong đưa vào miệng thử một miếng, súc miệng cho đầy vị giác, tìm những cảm xúc... Ly rượu ngọt ngào, thơm tho, đầy tất cả bầu trời thiên nhiên hương vị vùng Bordeaux hay vùng Bourgogne... Ôi tôi đã đi lạc vào động Thiên Thai của rượu đỏ rồi...
Trở về La De vậy. Ngày nay với kỹ thuật mới Bia hơi bán trong thùng sắt có thể giữ được 6 tháng. Còn Bia chai giữ được một năm. Chả bù vào những năm 1970 ở Sàigòn chúng tôi chỉ bán Bia Hơi cho những quán nào bảo đảm bán hết thùng Bia trong 24 giờ. Sau đó đỗi thùng mới, súc hệ thống hơi và vòi, mà phải để nhơn viên BGI làm, mới bảo đảm, vì chúng tôi, hảng BGI bảo đảm an toàn , vệ sanh, và dỉ nhiên hương vị của Bia. Vì thế ở Sàigòn lúc bấy giờ rất ít quán có Bia hơi.
Quý bạn chắc còn nhớ Quán bán Bia Bock ở Chợ cũ đường Hàm Nghi cạnh Ty Ngân Khố không? Chiều chiều ra đấy làm vài ly Bock, ăn một hai hột vịt lộn, hay Bò Bía hết xẩy.
Ở Pháp thi uống một ly demi (đọc là đờ mi), tưởng là nữa lít, thật sự chỉ có ¼ lít thôi, vì có 25 centi litres. Uống demi thường ăn một cái trừng gà luột. Trên quầy nào ở Pháp đều có một cái giò trứng gà luột, và một cái phầu bán đậu phụng rang muối. Đậu phụng rang muối nhậu với La De cũng hết xảy. Có hai trường phái ăn đậu phụng rang muối, trường phái ăn cả vỏ, vỏđây là cái vỏ trong, da màu đỏ đó. Và trường phái bóc vỏ. Với tôi cái nào cũng ngon cả. Tất cả cái vịấy trôn với cái nhẫn cái đắng của La De đều ngon cả.
Cái nhứt của La De là chất tươi, (la fraîcheur). Chất tươi, chất mát, không phải là cái lạnh, Chất tươi là cái ta lựa chọn lúc ta thưởng thức. Nó có thề là tùy vào hàn thử biểu, ướp lạnh thế nào, để độ lạnh hạp vào khẩu vị của người uống, cũng tùy vào khí trời, nhiệt độ căn phòng ăn, quán uống. Tay Đầu Bếp nỗi tiếng Ba Sao Michelin Alain Passard của Nhà hàng Arpège, Paris giảng dạy: “Nhiệt độ của Bia khi bắt đầu uống rất quan trọng. Chúng ta nếu biết sử dụng nó đúng chúng ta có thể khai thác mọi khía cạnh khác nhau của Bia đối với những thức ăn khác nhau.”.
Một tay nghề có thể nói đến chất tươi của rượu đỏ hay trắng (vin) để nói đến cái chất thiên nhiên là đất nước nơi cây nho được trồng trọt (cũng như chất quê hương nơi con người) nói chất tươi của rượu là nói đến những vị của quê hương của những cây nho tròng trên ấy, nào là cát có chất đát sét không? nào là sườn núi có đủ nằng không? nào là có mùi mận, mùi táo không??? Khi ta nói miệt vườn, quê hương chùm khế ngọt, nó như vậy, uống ly rượu nho vùng Bordeaux ta uống cả quê hương bầu trới Bordeaux... La De cũng vậy.
Tại sao ta không quên 33 Viẹtnam, làm tại Sàigòn, vì trong 33 có chất gạo, khi biến thành rượu nó là đế. Bia ở Pháp nó xài bắp.
Bia nhiều vị tươi nhứt la Bia mới (Bière primeur). La De mới khác với rượu Vin primeur là một bảo đảm vị tươi mát. Rươu đỏ cần thời gian để già, thêm tuổi, thêm tác cho chửng chạc. La De cần cái tươi mát, vừa đủ tuổi là đẹp rồi. La De primeure hội đủ chất tươi mát, tất cả những vị thơm mát của đồng nội. Đừng lẫn lộn với Bia tháng Ba (Biềre de Mars) - La De Tháng Ba, đã cất ủ cả mùa Đông không còn cây đồng cỏ nội nữa. Bière de Noël, Bia No - ên , La De Giáng Sanh là một loại La De mới, vừa đủ tuổi, sung sức, đầy dủ những hương vị của đời.
Ngoài cái tươi mát, để giải khát, La De còn có thể hạp khẩu theo các món ăn. Nếu rượu Vin đỏ hay trắng hay hường có thể có đến 6 000 chất vị khác nhau giúp đở chúng ta có muôn ngàn cách ráp đặt những cách thức thường thức món ăn và rượu. La De chỉ có phân nữa thôi. Ngày nay những tay lựa rượu nhà nghề ở những quán rượu và tiệm ăn (sommelier – đây là một cái nghề đặc biệt, những tiệm ăn lớn đều phải có nhửng tay nhà nghề nầy) đều biết phân tách những mùi vị trong La De như những mùi lúa chín, mùi đường nấu (caramel), mùi hoa quả từ mùi chuối đến mùi mận, táo và hoa đào... chưa kể những cam những quýt, và cả mùi cỏ cháy.
Bia Nâu với Chocolat, Bia Vàng với trái cây
Ôi thôi muôn hình vạn trạng. Bài nghiên cứu tác giả đi vào chi tiết những món ăn đi chung với tên loại La De, viết cho độc giả Việt nam mình sẽ bở ngở. Nhưng tôi cũng ráng đưa một thí dụ, một món gỏi tôm thịt tươi mát, uống với một nhụm La De mát lạnh, vị đậm đà, rót cho sủi bọt vừa phải, loại Heineken chẳng hạn. Còn nếu quý vị uống một Bud nhạt nhẻo, hay một Miller quý vị sẽ thấy chán phèo. Quý vịăn phở; nhạt và nóng, uống La De không hạp, uống nước trà nóng ngon hơn.... Nhưng nói như vậy cái quan trọng khi quý vịăn và uống cố gắng tim những hương vịẩn trong những các vị bề ngoài. Vì La De và Rượu có nhiều vị Tây nên nhiều món ta không hạp. Nóng quá, cay quá, nước mắm quá..... dưa chua chua quá...
Nhưng ngày nay La De bắt đầu chiếm một địa vị trên bàn ăn, không còn là ly giải khát của những buổi chiều vàng đứng bóng nóng nực của mùa hè nữa. Đặc biệt là nhửng bửa ăn trưa, vì nhẹ nhàng và ít đô rượu hơn rượu đỏ.
La De muôn màu muôn vẽ muôn sắc muôn hương
L'orge (hobbs), lúa mạch để nấu bia phải được rang (torréfier) như rang hột cà phê vậy; và độ rang và thời gian rang sẽ tô màu cho La De.
-La De Vàng, hay Bia Vàng Bière Blonde. Màu Blonde,Vàng ánh, trong vắt và bóng láng, Bia màu vàng là màu rất thường gặp ở nơi Bia. Nấu (brassée) với lúa mạch vàng nhạt, Bia Vàng có mặt ở mọi nơi trên cùng thế giới và là thường thường là những thương hiệu cột trụ, với tất cả những nhãn thương hiệu lớn.
Bia Vàng thường là Bia giải khát, uống trưe chiều tối. Ít độ rượu, thơm mát, với một vị chát đắng nhẫn nhẹ nhàng. Heineken, 33 export, Carlsberg, Kronenbourg là một vài ví dụ.
Món Ăn hạp: khai vị chung chung, gỏi với tôm thịt, thịt gà, phó mát nhẹ lạt loại đầu bò.
-La De Vàng Sẩm, Bia màu thau đồng: Bière Ambrée -Amber. Màu thau đồng đậm, Nấu với lúa mạch được rang lâu hơn Bia Vàng. Cũng là một Bia giải khát, vị đậm hơn Bia Vàng. Ngày nay không được chuộng lắm, chỉ được phổ biến ở các xứ anglô – saxons thôi.
Món Ăn hạp: Gan ngổng, thịt rừng, cá hong khói, pho mát có Rau cần tây (persil), tráng miệng có chất caramel. Nói tóm lại những món gọi là có “mùi”.
-La De Nâu, Bia Nâu, Bière Brune. Lúa mạch được rang đến gần cháy. Bia có màu đi từ màu gạch cua đến đen tuyền. Vì vậy ta tìm trong Bia những mùi rang cháy, mùi cà phê, mùi caramel, mùi cacao. Có những loại Bia gọi là Vieilles Brunes, những Bà Già Nâu, được cất trong những thùng tô - nô bằng gỗ xưa. Mùi vị chua chua, đắng nhẫn đậm đà, vừa giải khát vừa để lại trong miệng một khẩu vị bất hủ. Thí dụ nổi tiếng là Guiness.
Món Ăn hạp: những món Á đông có vị mạnh, sò huyết, ốc trai, cá sống, tráng miệng có chất Chocolat
-La De Trắng, Bia Trắng Bière Blanche. Bia trắng không nấu với toàn lúa mạch, thường được thêm lúa mì để làm trắng Bia. Rất thơm vì có bỏ thêm Ngò Gai - Coriandre, và võ trái cây.
Món Ăn hạp: đồ biển, cá hong khói hay cá nướng. Trái cây.
Thử Nấu Bia
Để nấu một lít Bia, ta cần:
Nước (95 %), 20 gr lúa mạch, 1gr hoa houblon (một chiếc hoa thôi) và bột nỗi (levure).
1/ Làm Mạch: Hãy ngâm lúa mạch (orge ¬hobbs) trong ba ngày. Xong nấu xào (brasser) trong nước nóng. Lấy lúa ra và để lúa lên mầm trong vòng 8 ngày. Những mầm ấy mới cho ta nhửng chất enzymes, biến thành Mạch (Ta tạm gọi là Mạch Nha)
Các tay nâu Bia (Brasseurs) ít khi làm giai đoạn nầy. Ở Việtnam trước có làm. Ngày nay các nhà Nấu Bia (Brasseries) mua Mạch Nha thẳng với các nhà bán Mạch Nha (Malteries).
Các bạn muốn nấu Bia nên mua thẳng Mạch để khỏi mắc công, vì giai đoạn lên mầm rất khó.
2/ Nấu xào: Nghiền Mạch và trộn với nước: gọi là brassin, vì phải khuấy đều không cho lóng xuống. Đun nóng lên để chất amidon trong mạch biến thành đường nhờ những enzymes. Lọc kỹ. Đó là bã rượu (moût)
3/ Bỏ Hoa Houblon: Sau khi đun sôi Bã vào khoản nửa giờ, bò hoa houblon vào.
4/ Cất: Cất là để cho lên men (fermentation) . Để nguôi, và bỏ bột nỗi vào.
Đường sẽ biến thành Rượu. Để lóng xuống 8 ngày.
Nếu Bia của quý vị lên men trong một nhiệt độ thấp thì Bia ấy ít mùi thơm hơn khi lên men ở nhiệt độ cao hơn.
Giữ tất cả trong nhiệt độ lạnh trong vài tuần lễ để tạo cái Vị.
5/ Vào chai: Lọc Bia cho vào chai để vứt bỏ chất men.
6/ Nếm thử: Đừng bao giờ quên, nếm thử sau mỗi quá trình, giống như Anh nấu Bia chuyên nghiệp (Maître Brasseur)
Xin chúc quý vị cạn ly.
Phan Văn Song / Nam Kỳ Lục Tỉnh
|