Gửi những người đang sắp tự sát ở Việt Nam
Lê Nguyên Hồng
Đây là những lời thật gửi cho những con người có thật đang nung nấu ý định tự sát ở Việt nam bằng tự thiêu, bằng súng đạn và bằng vô vàn cách khác. Thông thường, khi bị dồn vào đường cùng, con người ta mới phải tìm đến cái chết để đòi sự công bằng, giải tỏa nỗi oan ức, đó là điều phải đến khi người ta bị bế tắc hoàn toàn…
Sự việc anh Đặng Ngọc Viết nổ súng tiêu diệt những tên cán bộ đảng viên Đảng Cộng Sản mà anh căm thù ở Thái Bình và đã tự sátngay sau đó trong ngày 11/09/2013, chính thức gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn tự sát của người dân thấp cổ bé miệng, họ không còn gì để mất, sẵn sàng tự thiêu để kêu oan, đổi mạng bằng cách trực tiếp nổ súng vào kẻ cầm quyền để tự đòi công lý cho mình.
Trước hết, người viết bài này xin có một lời khuyên: Bạn không nên tự sát vì không có bất cứ thứgì quý hơn cuộc sống của chính bạn. Nhưng nếu một khi bạn không còn cách nào khác, không còn con đường nào khác thì bạn hãy chọn cho mình một cái chết có ý nghĩa – đó chính là cách đánh đổi với giá cao nhất – Và bạn có thể thanh thản vì cuối cùng nếu có phải hy sinh mạng sống thì bạn vẫn là người chiến thắng!
Con giun xéo lắm cũng quằn – người xưa đã nói như vậy. Sức chịu đựng của con người có hạn, không thể làm con sâu cái kiến mãi được. Đến nước đường cùng, những người liều thân sẽ nghĩ: Đời người chẳng ai sống mãi được, đến khi quá già ắt con người phải chết, chết trước chết sau chẳng khác nhau là mấy, và họ sẽ làm liều…
Trường hợp anh Viết lại tương đối khác, anh đã chọn con đường phản kháng bằng bạo lực và chấp nhận đánh đổi mạng sống của bản thân với vài viên cán bộ nhà nước. Đây có lẽ là một kế hoạch có tính toán nghiêm túc nhiều ngày của anh Viết trước khi hành động, và đó chắc chắn là một hành động có logic hợp lý, nhưng chưa hoàn toàn thông minh.
Những người như anh Đặng Ngọc Viết cần phải nhìn thấy rõ đâu là căn nguyên gây nên sự bất công của gia đình anh, kẻ xứng đáng phải bị anh giết chết là kẻ nào? Cứ cho là anh Viết đã giết chết được dăm mười tên cán bộ tham nhũng áp bức nhân dân tại Thái Bình, nhưng còn hàng trăm ngàn kẻ khác từ Bộ chính trị Trung ương ĐCSVN đến cấp thôn xã, phường ấp, khắp cả nước, vẫn đang sống nhởn nhơ trên mồ hôi xương máu đồng bào thì làm sao mà giết hết được chúng?
Một khi đã dám chết như anh Viết thì nên chọn cho mình một cách đấu tranh khác có thể chết, nhưng rất nhiều khả năng không bị chết mà chỉ bị đàn áp, tù đày, nhưng cơ may chiến thắng là rất lớn đang rộng mở, đó là nhắm vào chế độ, nhắm vào cái nguồn gốc sinh ra những tên cán bộ tham lam tàn ác, là Đảng Cộng Sản Việt Nam, là nhà nước Việt Nam hiện nay do họ lãnh đạo.
Những người gánh chịu bất công nếu nổi loạn làm liều, nổ súng vào bọn cướp nhà cướp đất, cướp miếng cơm manh áo của người dân cùng khổ như gia đình anh Đoàn Văn Vươn hồi năm 2011 hay anh Đặng Ngọc Viết vừa qua, chỉ có thể giết được vài con tép riu, trong khi đó những con cá mập đáng chết lại nhởn nhơ ngoài tầm với của các anh, và chúng mới chính là kẻ đáng phải ăn đạn nếu không thể khác.
Đúng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nguồn gốc của mọi nguồn gốc dẫn đến bất công, bất bình đẳng, kẻ ăn không hết người lần không ra, đó chính là nước ta có sự cầm quyền của một tập đoàn độc tài độc đảng, là bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương gồm toàn cán bộ là những kẻ sâu dân mọt nước!
Nếu ai đó bị oan ức, bị hà hiếp, bị cướp nhà cướp đất, bị ngược đãi.., hãy đừng làm đơn xin xỏ chính quyền làm gì cho mất công tốn sức vì rốt cuộc sẽ chẳng đòi được sự công bằng. Cán bộ nhà nước các cấp công khai bao che cho nhau vì chúng là một guồng máy Mafia gồm 100% đảng viên Đảng Cộng Sản từ trung ương đến địa phương. Chúng không thể triệt hạ nhau vì quan hệ móc xích “tiền – quyền” đã gắn chặt chúng với nhau thành một thể thống nhất…
Vậy người dân phải nhắm vào những nhóm đầu sỏ, những kẻ có khả năng tác động vào hệ thống pháp luật và hệ thống công quyền ở thượng tầng bộ máy nhà nước. Muốn hạ đo ván chúng người dân phải làm gì, đây là câu hỏi rất dễ trả lời: Phải có đông người ủng hộ mình, phải có quốc tế ủng hộ mình và mình phải cương quyết, khôn khéo mới được…
Nhìn lại những phản kháng thành công tại một loạt các nước Cộng Sản Đông Âu cách nay trên dưới 20 năm, ta thấy chỉ khi có hàng trăm ngàn, hàng triệu người nhất tề đứng lên thì chế độ Cộng Sản mới chịu sụp đổ. Nhưng nói thì dễ còn khi hành động lại nảy sinh muôn vàn cái khó, một khi những người đấu tranh chưa có sự ủng hộ của số đông.
Những người đang có suy nghĩ trả thù rồi tự sát như anh Đặng Ngọc Viết hãy cố nghĩ rằng: Nếu dùng cái tay, ta chỉ diệt được vài con rận, còn nếu dùng cái đầu ta có thể giết được hàng trăm con hổ dữ. Và muốn làm vậy thì hoàn toàn không thể nóng vội. Đầu tiên ta hãy nói với những người anh em của ta, bạn bè của ta, người quen của ta (tất nhiên là nhất là cả những người ta quen trên mạng Internet) rằng hãy ủng hộ ta vì ta ghét lũ cán bộ ăn trên ngồi chốc, ghét những kẻ giàu có ngạo mạn khinh người, ta sẽ lên án bọn chúng mọi nơi mọi lúc có thể…
Bước thứ hai, ta hãy nói với mọi người là ta sẽ đòi thay đổi chế độ, ta bí mật đi rải truyền đơn tố cáo nhà nước cầm quyền, kêu gọi người dân cất tiếng nói chống áp bức bất công… Những việc làm đó thực ra là quyền bất khả xâm phạm của con người, nhưng với chế độ Cộng Sản thì chúng quy kết là tội “tuyên truyền chống nhà nước”, vì vậy phải khéo léo mà hoạt động.
Nhiều năm qua đã có những con người mạnh mẽ, dám hy sinh mạng sống, đã dũng cảm chống lại cường quyền như blogger Điếu Cày, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, chị Bùi Thị Minh Hằng, cô Phạm Thanh Nghiên, cô Hồ Thị Bích Khương, sinh viên Phương Uyên, Nguyên Kha vv… Thực tế chứng minh rằng họ là những người hoàn toàn không sợ chết giống như anh Đặng Ngọc Viết. Nhưng họ đã chọn con đường khác thông minh hơn…
Có người sẽ nói rằng làm như anh Viết mới đúng, còn làm như những nhà đấu tranh dân chủ kể trên chẳng bõ gãi ngứa cho chế độ. Đây là quan điểm rất sai lầm, vì những người như anh Viết chỉ giải tỏa cho bản thân chút căm giận ngắn ngủi, báo chí làm ồn ào lên, rồi sự việc sẽ lại chìm vào quên lãng. Nhưng chọn phương án hành động như các nhà đấu tranh ôn hòa đang làm mới khiến cho chế độ khiếp sợ và chỉ có con đường đó mới có thể thay đổi được gốc rễ vấn đề…
Tuy nhiên nếu trong tay bạn đang có hàng chục ngàn tay súng, có vũ khí khí tài hiện đại để “chiến” thì vấn đề lại khác. Vậy những việc làm nhỏ lẻ như của anh Viết rất ít giá trị. Mặc dù có thể nó cũng khiến cho nhà cầm quyền phải có những phương án đối phó, đôi khi là nhả ra cho dân (người liên quan trong vụ việc) đôi chút quyền lợi. Nhưng về cơ bản trên toàn quốc thì đâu vẫn hoàn đấy mà thôi. Bằng chứng về vụ án Đoàn Văn Vươn còn đó, nghĩa là chẳng thể thay đổi được gì nhiều. Ấy là chưa nói đến chuyện nếu anh em nhà anh Đoàn Văn Vươn ngày đó mà bắn chết vài ba viên cán bộ công quyền thì chắc chắn có người trong nhóm của họ sẽ phải lãnh án tử hình…
Mấy ngày gần đây trên mạng Internet cũng đã có nhiều phát biểu tung hô anh Đặng Ngọc Viết: Nào là anh hùng, nào là dũng cảm, nào là ghi tên vào lịch sử vv… Những hãy thử nhìn ra những nước và khu vực như Apganixtan, Iraq, miền nam Thái Lan, Pakistan vv.., liên tục có những vụ giết người hàng loạt nhằm vào cảnh sát, quân đội, chính quyền, nhưng họ không thể làm gì được hơn là vô tình giết hại những thường dân vô tội là chính, nhà cầm quyền tại các nước đó lại càng có cơ sở để lên án những người chống đối là những kẻ khủng bố…
Nếu hàng loạt những vụ bắn giết xảy ra như anh Viết đã làm thì cũng chỉ làm xáo trộn chút nào xã hội và gây hoang mang cho bản thân những người dân lành vô tội, còn những kẻ có thực quyền thì chúng có đủ lực lượng bảo vệ đến từng cọng tóc, chẳng ai làm gì chúng được. Điều đó còn tạo cơ hội cho nhà cầm quyền có cớ thẳng tay giết hại những người đấu tranh.
Như vậy nếu ai đã dám quên mạng sống của mình thì hãy dấn thân, vì họ coi như mình đã chết (thậm chí chẳng cần phải đến mức như vậy) nên hãy mạnh mẽ đương đầu với nhà cầm quyền. Họ chỉ cần biết học hỏi một số phương cách đấu tranh bất bạo động là sẽ có thể trở thành một ngôi sao thực thụ. Trong trường hợp bị bắt bớ tù tội thì đó vẫn sẽ là cơ hội cho họ tiếp tục đấu tranh tại các phiên tòa và ngay trong nhà tù như các anh Cù Huy Hà Vũ và Điếu Cày đã từng làm thành công…
Những người sắp tự tử vì thất bại, vì bị áp bức, vì bị cướp bóc, vì bế tắc trong cuộc sống, hãy chọn cho mình con đường hành động dài hơi có ích cho đất nước là hơn. Không những họ sẽ không chết vì ngày nay chẳng ai có thể kết tội tử hình cho một người đấu tranh ôn hòa, mà họ còn có cơ hội ghi tên mình vào lịch sử. Rồi mai đây, khi nước nhà có tự do dân chủ, những con người như Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Phương Uyên, Nguyên Kha vv.., sẽ được xã hội tấn phong.
Vẫn biết mọi người đều có quyền hành động theo ý mình muốn, ngay cả trong trường hợp tự sát. Nhưng theo bạn, giữa việc nổ súng giết vài tên cán bộ hạng ruồi muỗi và dấn thân vào con đường tranh đấu không bạo lực nắm chắc phần thắng, bạn nên chọn cách nào?
Lê Nguyên Hồng
Góp phần giải mã hiện tượng Lê Hiếu Đằng
Tiêu Dao Bảo Cự
Thời gian gần đây có một số “hiện tượng” mang sắc thái chính trị đáng cho mọi người quan tâm: Huy Đức xuất bản cuốn sách “Bên thắng cuộc” bạch hóa một giai đoạn lịch sử Việt Nam, Nguyễn Đắc Kiên gay gắt phê phán trực tiếp Tổng bí thư Đảng Cộng Sản, Nguyễn Phương Uyên tuyên bố quan điểm chính trị chống đảng trước tòa án, hoạt động của Mạng lưới blogger với Tuyên ngôn 258 tố cáo với thế giới điều luật phản dân chủ của luật hình sự… và gần đây nhất là hiện tượng Lê Hiếu Đằng. Những hiện tượng này không phải “đột xuất” mà có nhưng chính là sự tiếp nối của quá trình đấu tranh dân chủ hóa đất nước của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trí thức, qua mấy thập niên và cũng ghi dấu mở đầu cho một giai đoạn mới, trong đó điều nổi bật là một số người đã vượt qua nỗi sợ hãi do chế độ độc tài toàn trị áp đặt nặng nề lên toàn xã hội, nói lên chính kiến của mình ngược với quan điểm chính thống của chế độ.
Cũng đã gần một tháng trôi qua từ khi Lê Hiếu Đằng công bố bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” (17/8/2013), dư luận phản hồi từ nhiều phía đã phân tích, ủng hộ, phê phán bài viết cũng như tác giả, lại một lần nữa làm lộ rõ các loại “lập trường chính trị” trước hiện tình đất nước. Tuy nhiên trừ một số ít bài (như bài viết của Lữ Phương) nêu vấn đề một cách khách quan, sát thực tiễn, phần lớn các bài viết từ hai cực chính trị, tạm gọi là “chống cộng triệt để” và “cộng sản bảo thủ” đều không căn cứ vào bản chất của sự việc mà chỉ áp đặt cách suy luận và diễn dịch theo quan điểm chính trị của mình. Từ đó gán cho Lê Hiếu Đằng những gì ông không hề có như cò mồi lừa bịp của đảng, cơ hội chủ nghĩa… hay ngược lại như phản bội chống đảng, bị thế lực thù địch giật dây…
Thật đơn giản và rõ ràng khi người ta biết và chịu nhìn vào chính bản thân bài viết, ngay từ tựa đề “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh”. Trong những ngày nằm bệnh Lê Hiếu Đằng có thời gian suy nghĩ để “tính sổ” đời mình, một việc quá tự nhiên và thông thường. Hồi tưởng về thời tuổi trẻ và quá trình cuộc sống, đấu tranh qua hai chế độ với những kỷ niệm và nhận thức qua mỗi thời kỳ, ray rứt về hiện tình đất nước dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản và một vài gợi ý để tìm lối thoát cho đất nước. Với ý tưởng chân thành, hành văn mộc mạc, đề cập nhiều vấn đề, đây là bài viết của một người đang nằm bệnh có tính cách tự sự chứ không phải chính luận hay cương lĩnh. Sao có thể đòi hỏi những gì không thể có qua một bài viết trong hoàn cảnh này.
Bài viết chứng tỏ tác giả là một con người có trải nghiệm thực tiễn, suy nghĩ tự do và tinh thần phản kháng. Mấy năm gần đây, Lê Hiếu Đằng nổi lên như một “nhân vật phản biện” với các bài viết, các cuộc trả lời phỏng vấn và cả việc tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Đối với những người có hiểu biết về ông, thực ra Lê Hiếu Đằng đã nổi tiếng phản biện từ nhiều năm trước trong các hoạt động ở guồng máy chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (mà ông đã có nhắc tới vài việc trong bài viết “Suy nghĩ…”) và điều này cũng là sự tiếp diễn của tinh thần đấu tranh và ý thức dấn thân thời trai trẻ. Đó không gì khác hơn là lòng yêu nước, tinh thần phản kháng trước bất công áp bức của rất nhiều thế hệ người Việt Nam.
Bài viết của Lê Hiếu Đằng có nhiều chi tiết dễ gây tranh luận nhưng điểm nút tạo ra cơn sốt chính là lời kêu gọi tập thể từ bỏ đảng Cộng sản và thành lập một đảng mới. Về đảng mới này ông chỉ viết “chẳng hạn như đảng Dân chủ Xã hội”. Rõ ràng đây chỉ là một gợi ý đầu tiên. Có thể sự gợi ý này bắt nguồn từ mấy nguyên nhân mà ông và bạn bè hay một số trí thức đã từng suy nghĩ : Đã từng có hai đảng Dân chủ và Xã hội hoạt động song song với đảng Cộng sản (cho dù chỉ là đảng cây cảnh); gốc gác của dân chủ xã hội cũng có chung cội nguồn với chủ nghĩa xã hội của cộng sản nên những đảng viên Cộng sản dễ chấp nhận; sự ưu việt hiện nay của các chế độ dân chủ xã hội, đặc biệt ở các quốc gia Bắc Âu đã được thừa nhận và có sức thuyết phục đối với toàn thế giới. Chỉ là một gợi ý, làm sao có thể đòi hỏi ông phải nêu cương lĩnh của đảng hay định hướng gì khác trong một bài viết tự sự khi đang nằm bệnh. Ông cũng không khẳng định đây là đảng mới duy nhất mà chỉ là thí dụ cho sự đối lập chính trị để kềm chế sự độc tài toàn trị của đảng Cộng sản.
Dĩ nhiên Lê Hiếu Đằng không còn ủng hộ đảng Cộng sản khi ông kêu gọi từ bỏ đảng nhưng ông cũng không kêu gọi lật đổ đảng Cộng sản. Đây không phải là thái độ lập lờ mà là căn cứ vào thực tiễn, không duy ý chí. Đảng CS còn tồn tại được bao lâu là điều không ai có thể nói trước chính xác nhưng thực tế là họ đang cầm quyền với một thế lực hùng mạnh, một bộ máy có mạng lưới rộng khắp, số đảng viên và những người ủng hộ chiếm thành phần không nhỏ trong dân số. Dĩ nhiên dù hùng mạnh tới đâu cũng có ngày sụp đổ như lịch sử của các đế quốc và các chế độ độc tài của loài người đã cho thấy. Giả thiết ngay cả khi đảng bị lật đổ, nghĩa là không còn nắm chính quyền, thì số đảng viên và những người ủng hộ họ vẫn còn đó như một thực thể chính trị. Trong công cuộc dân chủ hóa đất nước, thoát khỏi nạn độc tài toàn trị, như một ước mơ của đại bộ phận dân tộc, có nhiều cách nghĩ và phương thức để giải quyến nan đề này. Lê Hiếu Đằng chọn phương thức hình thành sức mạnh đối lập để chuyển hóa một cách hòa bình chứ không bạo loạn lật đổ. Không ai có thể đoan quyết phương thức nào là duy nhất đúng và lựa chọn là quyền của mỗi người. Nếu cùng một mục đích, các phương thức khác nhau có thể hỗ trợ cho nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Lê Hiếu Đằng chỉ gợi ý chứ không phải tuyện bố tự mình đứng ra thành lập đảng mới. Ông chưa chuẩn bị sẵn sàng cho điều này. Việc thành lập đảng mới chỉ có thể được thực hiện khi có rất nhiều người tán thành, liên lạc với nhau và cùng chung tay hành động. Thời gian sẽ trả lời cho điều này. Nếu việc này được thực hiện, hay sẽ gợi mở cho việc hình thành các tổ chức và hoạt động khác của xã hội dân sự, đây sẽ là một đóng góp đáng kể vào việc tạo nên sức mạnh đối lập với chế độ toàn trị.
Trong việc dân chủ hóa chế độ và dân chủ hóa đất nước, những người cộng sản cấp tiến có thể đóng một vai trò đáng kể. Tuy nhiên lại có người nói cộng sản không thể thay đổi, chỉ có thể xóa bỏ. Đây cũng là vấn đề cần thảo luận.
Trước đây khi những người cộng sản nói về cộng sản, người ta thường trích dẫn các “ông Tây cộng sản râu dài râu ngắn”. Bây giờ những người chống cộng lại trích dẫn các ông Tây khác, cộng sản cũng như không cộng sản. Các kiểu trích dẫn này thực chất cũng không khác mấy với các kiểu “Tử viết” (Khổng tử nói rằng) thời phong kiến, phần nào mang tính chất nô lệ về tư tưởng. Dĩ nhiên những tư tưởng lớn đáng cho mọi người suy gẫm nhưng không phải tất cả đều là chân lý phổ quát. Một tư tưởng cần hiểu trong bối cảnh của nó và khi áp dụng cần so sánh, đối chiếu với thực tiễn. Từ đó trở lại với câu hỏi cộng sản có thể thay đổi không?
Cộng sản từ Karl Marx đến Lenine, Staline, Khrutchov rồi Gorbachov, Eltsine có gì khác biệt và thay đổi? Cộng sản từ ước mơ thế giới đại đồng đến “chủ nghĩa xét lại hiện đại” rồi đế quốc cộng sản Nga, đế quốc cộng sản Tàu, chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc có gì thay đổi? Cộng sản Việt Nam từ kinh tế tập thể sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có thay đổi không? Người vạch trần rõ ràng nhất “bản chất phản động” của chủ nghĩa cộng sản trong tác phẩm “Giai cấp mới” có phải là Milovan Djilas, một lãnh tụ cộng sản cấp cao, Phó tổng thống nước Nam Tư? Người góp phần quyết định làm sụp đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới có phải là hai tay cộng sản gộc Gorbachov và Eltsine? Những công thần cộng sản kiên định như Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Hộ cuối đời đã khước từ chủ nghĩa cộng sản, những đảng viên cộng sản nhiệt thành cũ và mới đã quyết định từ bỏ đảng như Huỳnh Nhật Tấn, Huỳnh Nhật Hải, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Chí Đức có phải đã thay đổi? Đó là nói cộng sản một cách chung chung chứ đúng ra phải phân tích một cách rạch ròi về lý tưởng cộng sản, chủ nghĩa cộng sản, chế độ cộng sản, đảng cộng sản, đảng viên cộng sản ở từng quốc gia, từng thời kỳ mới có thể kết luận cộng sản có thay đổi hay không.
Sự vật trên đời này chẳng có gì không thay đổi sao lại khẳng quyết cộng sản không thể thay đổi trong khi thực tế đã không là như thế. Xóa bỏ được cộng sản là điều tốt nhưng khi không hoặc chưa xóa bỏ được thì làm cho nó thay đổi hướng về điều thiện phải chăng là việc cũng nên làm? Đó không phải là thỏa hiệp với cái ác mà chính là hóa giải cái ác một cách hòa bình.
Vấn đề trung tâm của đất nước ta là dân chủ hóa, thoát khỏi độc tài toàn trị. Chế độ này do đảng cộng sản cai trị nhưng thực ra hiện nay chất cộng sản còn rất ít, chỉ là một bộ máy thống trị hà khắc của những kẻ nắm quyền lực muốn “muôn năm trường trị” để trục lợi cho cá nhân và phe nhóm. Những người nắm quyền lực thống trị kiểu này không phải chỉ có cộng sản. Các “lãnh tụ độc tài” ở các nước Bắc Phi và Trung Đông đã và đang bị lật đổ gần đây đều từng là anh hùng dân tộc được nhân dân ủng hộ và tôn vinh nhưng về sau trở thành tội đồ dân tộc. Có người đã nói đại ý khi quyền lực tuyệt đối, tha hóa cũng tuyệt đối. Và lòng tham của con người là vô đáy, bất kể cộng sản hay tư bản. Chuyện “lương khủng” (lương một năm của giám đốc bằng 83 năm của nhân viên bình thường) của mấy công ty nhà nước ở TP/HCM vừa được phát hiện gợi nhớ đến chuyện các ông trùm ngân hàng gây ra khủng hoảng kinh tế ở Mỹ mấy năm trước khi ngân hàng phá sản còn tự thưởng cho mình hàng triệu đô la. Một số công ty tư bản nước ngoài hối lộ cho quan chức Việt Nam để trúng thầu, các công ty khác trốn thuế, gây ô nhiễm mội trường để tăng lợi nhuận và một viên chức Tòa Lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn cũng nhận hối lộ hàng triệu đô la để cấp visa lậu vào nước Mỹ. Chế độ nào cũng có kẻ xấu.
Việc cần làm là xây dựng một chế độ chính trị pháp trị thực sự có cơ chế hãm để ngăn chặn lạm dụng và lòng tham cá nhân. Trên thế giới có nhiều mô hình nhưng không có mô hình nào là tuyệt đối hoàn hảo và còn cần phải phù hợp với đặc điểm riêng của từng dân tộc, không thể bắt chước một cách máy móc. Với Việt Nam để tiến đến đó sẽ phải qua những bước nào? Chuyển hóa, diễn biến hòa bình hay bạo loạn lật đổ? Cách mạng nhung, cách mạng hoa lài hay diễn biến từ thượng tầng? Có nhiều phương thức nhưng chắc chắn điều tốt nhất là không hay ít tốn xương máu, không gây nội chiến, không kéo dài thù hận. Lê Hiếu Đằng chọn điều này nên ông đã đưa ra gợi ý thành lập đảng mới để đối lập với đảng cộng sản. Dĩ nhiên việc này không phải là lối thoát duy nhất cho tình hình và chưa biết lúc nào có thể được thực hiện nhưng đó là một gợi ý tốt và khả thi, ít ra đối với những đảng viên cộng sản cấp tiến, khi họ có đủ nhiệt tình, dũng cảm và số đông cần thiết. Gợi ý này cũng có thể “kích hoạt” hình thành các tổ chức xã hội dân sự để từng bước xây dựng xã hội công dân có khả năng kháng cự lại những lạm dụng của nhà cầm quyền.
Trong ba bài viết của Nguyễn Minh Cần nhân chuyện Lê Hiếu Đằng (Chuyện dài ra Đảng và đa đảng), tác giả có trích câu nói của Viện sĩ Andrei Sakharov khi trả lời phỏng vấn các phóng viên nước ngoài trong thời kỳ đen tối của phong trào dissident dưới chế độ toàn trị Liên Xô: “Giới trí thức biết làm gì? Họ chỉ biết làm một việc là xây dựng lý tưởng, cứ để cho mỗi người làm được điều gì anh ta có thể làm được”. Suy nghĩ một lúc, ông nói thêm: “Nên biết rằng những con chuột chũi đào hang ngầm dưới đất có thể làm sụp đổ những thành trì lịch sử”. Điều này có lẽ thật đúng cho Lê Hiếu Đằng và những trí thức có tâm huyết với đất nước như ông. Không thể đòi hỏi nhiều hơn vì chuyện đất nước là trách nhiệm của toàn xã hội, không của riêng ai.
Biến cố mới nhất (ngày 9/11/2013) là vụ Ông Đặng Ngọc Viết xông vào trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Thái Bình dùng súng bắn vào 5 cán bộ Trung tâm Phát triển Quỹ đất, làm hai người chết, sau đó tự sát. Nguyên nhân là do việc thu hồi đất, giải tỏa, đền bù không được đáp ứng thỏa đáng. Đây là sự phản kháng quyết liệt trong bước đường cùng, gióng lên một hồi chuông báo tử cho chính nạn nhân và cả chính sách thất nhân tâm của nhà cầm quyền. (Trong cùng thời gian này, hàng ngàn thanh niên nam nữ háo hức mong đợi gặp “Trai đẹp Ả Rập bị trục xuất” và đã đội mưa hàng giờ liền dưới sân khấu ngoài trời để chờ xem chàng trai đẹp người mẫu này xuất hiện chừng 10 phút ướm thử chiếc áo???!!!)
Có lẽ đã đến lúc những người cộng sản phải nghĩ đến khẩu hiệu “thay đổi hay là chết”. Tuy nhiên người dân không chỉ trông chờ vào sự thay đổi tự thân của nhà cầm quyền mà người dân cũng phải “thay đổi hay là chết”. Nếu đại bộ phận nhân dân cứ thờ ơ, vô cảm hay cúi đầu chấp nhận những bất công áp bức đè lên số phận mình thì không ai có thể cứu được.
Đà lạt 15/9/2013
T.D.B.C.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
Bài đăng : Thứ sáu 13 Tháng Chín 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 13 Tháng Chín 2013
Tranh chấp biển đảo: Bắc Kinh đòi Mỹ không nên ủng hộ các nước châu Á
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ James Miller (T) và tướng Vương Quán Trung ( Wang Guanzhong) trước cuộc họp ở bộ Quốc phòng tại Bắc Kinh, ngày 09/09/2013.
REUTERS/Alexander F. Yuan/Pool
Theo AFP, hôm nay, 13/09/2013, Bắc Kinh đã cảnh báo Washington không nên ủng hộ các nước láng giềng của Trung Quốc trong việc tranh chấp biển đảo tại biển Hoa Đông và Biển Đông.
Quan hệ Nhật-Trung đã trở nên tồi tệ từ khi Tokyo mua lại ba trong số năm hòn đảo của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông cách đây một năm.
Trung Quốc yêu sách chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, kể cả những vùng biển nằm gần duyên hải của các nước láng giềng, khiến căng thẳng tăng cao với Philippines và Việt Nam trong những năm gần đây.
Washington có hiệp định hỗ tương an ninh với cả Tokyo lẫn Manila, nhưng Vương Quán Trung (Wang Guanzhong), Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tuần này đã cảnh báo người đồng nhiệm Mỹ cần phải xử lý vấn đề « một cách thích hợp » để tránh thiệt hại cho « niềm tin chiến lược giữa đôi bên ».
Trong thông báo được đăng trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Vương Quán Trung nói với Thứ truởng Quốc phòng Mỹ James Miller đang viếng thăm Bắc Kinh : « Các chủ đề này không nên để trở thành vấn đề giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và Trung Quốc hy vọng Hoa Kỳ không trở thành bên thứ ba trong các tranh chấp. Hoa Kỳ cần duy trì quan điểm và chính sách nhất quán, không gởi đi các tín hiệu sai lầm ủng hộ hay thông đồng với các nước liên quan để hành động theo ý của họ».
Ông Vương Quán Trung nói thêm, quân đội Trung Quốc quyết tâm bảo vệ lãnh thổ và lợi ích trên biển của mình, cho dù Bắc Kinh đã cố gắng kìm chế trong việc giải quyết tranh chấp.
Ông James Miller nói với ông Vương là Hoa Kỳ không ủng hộ mọi biện pháp vũ lực, nhưng cũng có « nghĩa vụ ràng buộc qua hiệp ước » với một số quốc gia có mâu thuẫn với Trung Quốc. Trao đổi với báo chí vào đầu tuần, Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố : « Chúng tôi tin chắc rằng mọi tranh chấp lãnh hải cần phải được giải quyết không bằng cách đe dọa và sử dụng vũ lực. Đối với biển Hoa Đông và Biển Đông, chúng tôi nhắc nhở Trung Quốc là Hoa Kỳ có nghĩa vụ hỗ tương với một số nước liên quan ».
Các chiến hạm Trung Quốc thường diễu qua gần quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông, và năm ngoái Bắc Kinh đã sỉ nhục Manila khi giành quyền kiểm soát thực tế bãi cạn Scarborough nằm cách Philippines chỉ có 120 hải lý.
Nhật Bản và Hoa Kỳ có ký kết hiệp ước an ninh, theo đó Washington sẽ bảo vệ Tokyo trong trường hợp bị tấn công, và hàng chục ngàn lính Mỹ đang trấn đóng tại Nhật. Còn Philippines hồi tháng Sáu cho biết muốn tạo điều kiện cho Hoa Kỳ và Nhật Bản sử dụng các căn cứ quân sự của mình, nhằm đối phó với tình trạng mà theo Manila là sự đe dọa ngày càng lớn của Bắc Kinh.
Bản tin Tân Hoa Xã tối qua trích lời Phạm Trường Long (Fan Changlong), Phó chủ tịch Quân ủy trung ương, một trong ba tướng lĩnh cao cấp nhất của Trung Quốc khi đi thanh tra các đơn vị hải quân lúc gần đây đã kêu gọi quân đội « đẩy nhanh các hoạt động chuẩn bị cho các cuộc hải chiến » và « tăng cường răn đe trên biển cũng như năng lực chiến đấu ».
TỪ BI VỚI MÌNH
Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Ngậm ngùi bởi tiếc nuối tuổi trẻ đã trôi qua lúc nào không hay ! Ngậm ngùi phải chi hồi đó thế này thế khác... Hình như ta chẳng bao giờ thực sống. Lúc còn trẻ, ta mơ ước tương lai, sống cho tương lai. Nghĩ rằng phải đạt cái này cái nọ, có được cái kia cái khác mới là sống. Khi có tuổi, khi đã có được cái này cái nọ, cái kia cái khác thì ta lại sống cho quá khứ ! Nhỏ mong cho mau lớn, lớn mong cho nhỏ lại. Quả là lý thú ! Tóm lại, ta chẳng biết quý những giây phút hiện tại.
Từ ngày "thế giới phẳng", ta còn sống với đời sống ảo. Ta ngồi đây với bạn nhưng chuyện trò với một người nào khác, cười đùa, nhăn nhó, giận dữ, âu yếm với một người nào khác ở nơi xa. Khi bắt lại câu chuyện thì nhiều khi đã lỡ nhịp ! Hiểu ra những điều tầm thường đó, tôi biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn. Nhờ vậy mà không có thì giờ cho già nữa ! Hiện tại thì không có già, không có trẻ, không có quá khứ vị lai. Dĩ nhiên, không phải trốn chạy già mà hiểu nó, chấp nhận nó, thưởng thức nó. Khi biết "enjoy" nó thì quả có nhiều điều thú vị để phát hiện, để khám phá.
Một người 60, tiếc mãi tuổi 45 của mình, thì khi 75, họ sẽ tiếc mãi tuổi 60, rồi khi 80, họ sẽ càng tiếc 75 ! Vậy sao ta đang ở cái tuổi tuyệt vời nhất của mình lại không yêu thích nó đi, sao cứ phải....nguyền rủa, bất mãn với nó. Có phải tội nghiệp nó không ? Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa!
Ta cũng có thể gạt gẫm mình chút đỉnh như đi giải phẫu thẩm mỹ chẳng hạn. Xóa chỗ này, bơm chỗ nọ, lóc chỗ kia. Nhưng nhức mỏi vẫn cứ nhức mỏi, loãng xương vẫn cứ loãng xương, tim mạch vẫn cứ tim mạch... Cơ thể ta cứ tiến triển theo một "lộ trình" đã được vạch sãn của nó, không cần biết có ta ! Mà hình như, càng nguyền rủa, càng bất mãn với nó, nó càng làm dữ. Trái lại nếu biết thương yêu nó, chiều chuộng nó một chút, biết cách cho nó ăn, cho nó nghỉ, biết cách làm cho xương nó cứng cáp, làm cho mạch máu nó thông thoáng, làm cho các khớp nó trơn tru thì nó cũng sẽ tử tế với ta hơn. Anh chàng Alexis Zorba nói: " Cũng phải chăm nom đến thân thể nữa chứ, hãy thương nó một chút. Cho nó ăn với. Cho nó nghỉ với. Đó là con lừa kéo xe của ta, nếu không cho nó ăn, nó nghỉ, nó sẽ bỏ rơi mình ngang xương giữa đường cho mà coi" (Nikos Kazantzaki).
Từ ngày biết thương "con lừa" của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì có vẻ tôi... cũng khác tôi xưa. Tôi biết cho con lừa của mình ăn khi đói, không ép nó ăn lúc đang no, không cần phải cười cười nói nói trong lúc ăn. Món gì khoái khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt. Cá khô, mắm ruốc gì cũng được, miễn là đừng nhiều muối quá ! Một người cô tôi mắc bệnh "ăn không được", "ăn không biết ngon" vậy mà vẫn béo phì, đi không nổi, là bởi vì các con thương bà quá, mua toàn sữa Mỹ mắc tiền cho uống ! Sữa giàu năng lượng, nhiều chất béo bổ quá, làm sao còn có thể ăn ngon, làm sao không béo phì cho được? Giá nghèo một chút còn hay hơn! Cá kho quẹt, rau muống mà tốt, miễn bà ăn thấy ngon, thấy sướng ! Tôi cũng biết cho con lừa của mình ngủ hơn. Ngủ đầy giấc, đủ giấc. Ngủ đủ giấc là cơ hội tốt nhất cho các tế bào não phục hồi, như sạc pin vậy. Sạc không đủ mà đòi pin ngon lành sao được !
Bảy trăm năm trước, Trần Nhân Tông viết: Cơ tắc xan hề khốn tắc miên! (Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền!) trong bài Cư trần lạc đạo, (ở đời mà vui đạo)! Ông là vị vua nhà Trần sớm nhường ngôi cho con, lên tu ở núi Yên Tử, Tổ sư thiền phái Trúc Lâm. Tu hành như vậy mà khi quân Nguyên xâm lấn nước ta, ông liền xuống núi, ra tay dẹp giặc, xong, phủi tay lên núi tu tiếp !
Mỗi người có đồng hồ sinh học của riêng mình, không ai giống ai, như vân tay vậy, cho nên không cần bắt chước, chỉ cần lắng nghe mình. Phương pháp này, phương pháp nọ của người này người kia bày vẽ chẳng qua cũng chỉ để tham khảo, nắm lấy nguyên tắc chung thôi, rồi áp dụng vào hoàn cảnh riêng cụ thể của mình, tính cách mình, sinh lý mình. Phương pháp nào có sự ép buộc cứng ngắc quá thì phải cảnh giác!
Cũng nhớ rằng tới tuổi nào đó, tai ta sẽ bắt đầu kém nhạy, mắt bắt đầu kém tinh, đấu óc bắt đầu kém sắc sảo. Tai kém nhạy để bớt nghe những điều chướng tai. Mắt kém tinh để bớt thấy những điều gai mắt. Đầu óc cứ sắc sảo hoài ai chịu cho nổi! Tuy vậy, tai kém mà muốn nghe gì thì nghe, không thì đóng lại mắt kém mà muốn thấy gì thì thấy, không thì khép lại. Thế là "căn" hết tiếp xúc được với "trần". Tự dưng không tu hành gì cả mà cũng như tu, cũng thực tập ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm!
Rồi một hôm đẹp trời nào đó ta còn có thể phát hiện mắt mình chẳng những nhìn kém mà còn thấy những ngôi sao lấm chấm, những lốm đốm hoa trên bầu trời trong xanh vời vợi kia. Nếu không phải do một thứ bệnh mắt nào đó thì đây hẳn là hiện tượng thoái hóa của tuổi già, nói nôm na là xài lâu quá, hết thời hạn bảo hành. Cái mà người xưa gọi là "hoa đốm hư không" chính là nó. Tưởng hoa đốm của trời, ai dè trong mắt mình! Chỉnh cái "tưởng" của ta nhiều khi làm hại ta. Biết vậy ta bớt mất thì giờ cho những cuộc tranh tụng, bớt tiêu hao năng lượng vào những chuyện hơn thua. Dĩ nhiên có những chuyện phải ra ngô ra khoai, nhưng cái cách cũng đã khác, cái nhìn đã khác, biết tôn trọng ý kiến người khác, biết chấp nhận và nhìn lại mình.
Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình. Đến 40 thì ai nghĩ gì mặc họ. Đến 60 mới biết chả có ai nghĩ gì về mình cả ! Tóm lại, chấp nhận mình là mình và từ bi với mình một chút. Nhưng muốn vậy, phải... chuyển đổi cách thở. Thở ư ? Đúng vậy! Một bác sĩ có thể biết rất nhiều về bộ máy hô hấp, về cơ thể học, sinh lý học, bệnh lý học của bộ máy hô hấp nhưng chưa chắc đã biết thở !
Biết là thế,mà con người vẫn...không làm được ?!
Hay là..."tham,sân,si" còn...nhiều quá !
Tấm hình này Đức Đạt Lai Lạt Ma
trông thật hồn nhiên, an lạc và đầy trí huệ.
Học làm người...
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA1. Thứ nhất, “học nhận lỗi”.Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng. Thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.2. Thứ hai, “học nhu hòa”.Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên. Cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được.3. Thứ ba, " học nhẫn nhục”.Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.4. Thứ tư, “học thấu hiểu”.Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm.Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?5. Thứ năm, “học buông bỏ”.Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, biết buông bỏ thì mới tự tại được!6. Thứ sáu, “học cảm động”.Cảm động là tâm thương yêu, tâm Bồ tát, tâm Bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.7. Thứ bảy, “học sinh tồn”.Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.