Saturday, 12 April 2014

Hòa giải dân tộc, một ước mơ không có thật của người cộng sản

VRNs (11.04.2014) – Sài Gòn – Mới hôm 19 tháng 1 năm 2014 người dân Hà Nội tập trung tại tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội để kỷ niệm biến cố Trường Sa, và tôn vinh những chiến sĩ đã xã thân để bảo vệ biển đảo của Việt Nam đã gặp phải những công nhân cưa đã phủ bụi mịt mù. Ấy vậy mà chiều ngay 4 tháng 4, ông Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Thanh Sơn cho biết sẽ có lễ cầu siêu tại đảo Trường Sa Lớn để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ quân độ nhân dân, chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã tử trận để bảo vệ Hoàng Sa và các thuyền nhân tử nạn, để gọi là ‘lấy chân thành xóa hố sâu hận thù’(?)
1404100003Tuy nhiên, người viết tự hỏi, có thật chăng việc nhà nước tổ chức lễ cầu siêu như thế là để “Lấy chân thành xóa hố sâu hận thù”? Thường thì chỉ có những ai tin vào sự sống đời sau, mới cầu nguyện cho người đã chết mà thôi. Không biết bạn đọc nghĩ gì khi biết những người vô thần không tin vào sự sống đời sau, không tin vào những gì thiêng liêng, mà lại đi cầu siêu cho những người đã chết? trong đó có những tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa và các thuyền nhân tử nạn.
Nếu thành thật muốn cầu siêu cho những chiến sĩ đã tử trận ở Trường Sa, tức là tin vào sự sống đời sau, ông Nguyễn Thanh Sơn và các lãnh đạo đảng Cộng sản hãy thành thật với chính mình là từ bỏ ngay chủ nghĩa vô thần. Còn nếu quý vị không thành thật với chính mình, thì đừng nên đi cầu siêu hay tổ chức cầu siêu, vì chỉ là đóng kịch mà thôi.
Người dân Việt Nam rất nhạy cảm và có cái nhìn công tâm, họ sẽ tôn vinh những ai hết mình hy sinh vì dân vì nước dù họ thuộc chế độ nào. Ngược lại, đối với những kẻ bán nước cầu vinh, muôn đời sẽ bị lên án, khinh khi.
Hẳn là, trong tháng tư này, khi nhắc đến các thuyền nhân tử nạn, và những người đã từng sống trong cảnh ly biệt, tan thương là đụng chạm một vết thương lòng của họ và có thể làm dấy lên những niềm đau và sự uất hận.
Có lẽ các đảng viên cộng sản không thể nào thấu cảm được nỗi đau của những người đã bị tịch thu nhà cửa, ruộng vườn, bị trắng tay vì bị dán cho cái mác “tư bản”. Đã vậy, họ còn bị đẩy vào các vùng kinh tế mới, đối mặt với bao nhiêu khốn khó. Bên cạnh đó, cũng có biết bao gia đình lâm vào cảnh tan thương. Những bà mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, rồi cũng có biết bao gia đình ly biệt, vì người cha, người chồng của họ bị đưa đi vào các trại học tập cải tạo (bản chất là nhà tù) vì bị gán cho cái tên ‘phản động’, ‘ngụy quân’, ‘ngụy quyền’. Việc đưa đi các trại cải tạo nhưng thực chất là đi lưu đày. Những người đó phải lao động khổ sai, bị đối xử một cách tồi tệ. Ngoài ra, có những người đã bỏ nước ra đi đối mặt với những nguy hiểm ngoài khơi, cướp biển. Trong đó co biết bao nhiêu người đã gởi thân xác trong lòng cá, những người nào may mắn sống sót, thì bị gán cho cái tên là ‘phản bội tổ quốc’.
Những gì đã xảy ra thuộc về quá khứ, trong đó có những sự kiện đã đi vào lịch sử. Nhưng những nỗi đau trong quá khứ đó là những vết thương hằn sâu trong da thịt, khó lành.
Đến ngày 27 tháng 7 hàng năm, nhà nước tập trung vào việc giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ, giúp đỡ các bà mẹ liệt sĩ, giúp đỡ các thương binh liệt sĩ, nhưng chẳng ai buồn nhắc tới số cuộc đời nghiệt ngã của những ông thương binh của Việt Nam cộng hòa. Những bà mẹ, bà vợ của các tử sĩ đã hy sinh đang sống trong cảnh neo đơn khốn khó không được nhà nước đoái hoài. Họ chẳng phải là những người đáng được nhận sự giúp đỡ? Họ chẳng xứng đáng nhận lòng thương xót của những người thắng cuộc sao? Chẳng phải Karl Marx đã từng nói: “Chỉ có những con thú mới quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại mà chăm sóc cho bộ lông của nó.”
Xã hội hiện nay có biết bao kẻ đã từng tham gia “đánh tư sản”, giờ lại trở thành những tư sản mới, những “ông tư sản mới”.
Tất cả những gì tốt xấu đã diễn ra dưới các chế độ từ Việt Nam dân chủ cộng hòa đến Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được người dân Việt Nam ghi nhớ từng chi tiết, và không dễ dàng bỏ qua bởi một vài cách nói tuyên truyền, đánh lừa công chúng.
Do đó, phải chăng việc tổ chức buổi cầu siêu cho các chiến sĩ đã hy sinh ở Trường Sa là đã thể hiện tinh thần hòa giải dân tộc?
Nếu thật tâm muốn có sự hòa giải dân tộc, thiết nghĩ nhà nước cần phải có sự đính chính chính thức trên các phương tiên truyền thông về những tên gọi đã dán nhãn khi xưa. Hãy trả lại nhà cửa, tài san đã tịch thu của những người bị gán là tư sản, ngụy quân ngụy quyền và hãy quan tâm giúp đỡ đến những cựu chiến binh, những bà mẹ neo đơn không phân biệt họ thuộc chính thể nào trước đây.
Hà Bông