Saturday, 12 April 2014

RƠI TRÊN ĐẤT ĐỊCH *Chuyện thật xảy ra trong chiến tranh Việt Nam

Nguyễn Hữu Phước
(phóng tác theo nguyệt san Reader’s Digest)

Trong cuộc chiến chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản tại Việt Nam trước đây, bên cạnh những chiến tích hào hùng, những tấm gương can đảm của người quân nhân QLVNCH, chúng ta cũng không thể không nói đến sự chiến đấu của người bạn đồng minh.

Họ là những quân nhân đã vượt ngàn dặm để chiến đấu tại một vùng đất xa lạ chỉ vì lý tưởng bảo vệ tự do. Có những người ra đi để rồi không bao giờ trở lại, nhưng cũng có người may mắn sống sót. Và một trong những người may mắn nhất phải là Đại úy Locher của Không lực Hoa Kỳ.

Maj. Robert Lodge (left) and Capt. Roger Locher (right) in the cockpit of their F-4D, seen earlier in 1972: the team already had two MiG-kills to their credit when they clashed with MiG-19s and MiG-21s on the morning of May 10, 1972.

Sau đây mời quý bạn theo dõi câu chuyện về Đại úy Roger Locher, một sĩ quan phi hành, kiêm chuyên viên vũ khí, đã từng tham dự nhiều phi vụ trên không phận Bắc Việt trong chiến tranh Việt Nam.

Locher thường bay trên loại phi cơ phản lực F-4 Phantom và đã hạ được nhiều phản lực MiG của địch trước khi chính phi cơ của anh bị bắn hạ trên không phận Bắc Việt. Anh tìm cách lẩn trốn và sau 23 ngày đã được toán cấp cứu bốc ra khỏi miền Bắc một cách an toàn. Tên tuổi của Locher được ghi lại với một kỹ lục trong cuộc chiến Việt Nam: Sống sót và được cứu thoát sau 23 ngày kẹt trong lòng địch.

*****

Trong khi đang đu đưa với chiếc dù lơ lửng trên bầu trời phía Tây Bắc, cách Hà Nội 40 dặm, Đại úy Locher vẫn chưa thể tin đó là sự thật: mình bị bắn rơi. Tương tự như những người đi bay khác, anh không bao giờ nghĩ rằng chuyện đó có thể xảy ra cho mình.

Nhưng nó đã xảy ra. Một cảm giác nghẹt thở vì sự sợ hãi, bơ vơ đến càng lúc càng rõ rệt. Hai chiếc MiG màu bạc bóng loáng lướt qua phía trên Locher ở cao độ 10,000 bộ. Rồi những đám rừng cây hiện lờ mờ phía dưới. Anh đáp xuyên qua những ngọn cây và cuối cùng đôi bốt đã chạm đất…

Roger Locher là một sĩ quan trẻ mới 25 tuổi, vóc dáng cao lớn. Anh cất cánh vào sáng ngày 10 tháng 5 năm 1972 từ một căn cứ không quân bên Thái Lan. Mục tiêu: Hà Nội. Nhiệm vụ: ngăn chận và tiêu diệt các phi cơ MiG của địch trước khi chúng có thể tấn công các oanh tạc cơ của Hoa Kỳ.
Đây là phi vụ thứ 407 của Locher. Anh ngồi ghế sau của chiếc chiến đấu cơ phản lực F-4 Phantom hai chỗ ngồi, có nhiệm vụ điều khiển hệ thống vũ khí gồm các loại hỏa tiển, đại bác và bom. Trước đó không lâu, Locher đã bắn hạ được hai chiến đấu cơ MiG-21 của không quân Bắc Việt.

Lúc này, trước mặt Locher về phía Tây Hà Nội, một chiếc MiG đang nhào xuống một chiếc Phantom. Anh khai hỏa hai hỏa tiển không-đối-không, chiếc MiG bốc cháy. Thêm hai chiếc MiG nữa bị các Phantom của Hoa Kỳ bắn hạ trước khi người phi công lái chiếc Phantom của Locher thét lên : Chúng mình bị trúng đạn rồi !

Khi ngọn lửa đã lan dần và chiếc Phantom không còn kiểm soát được nữa, lao đi vùn vụt, Locher hét lên : Tôi sắp sửa rời phi cơ. Rồi anh kéo mạnh cần máy tống, sau một tiếng ‘ bụp’ khô khan, thân người anh bị bắn văng ra không gian và anh ngất đi vài giây đông hồ…

Sau khi chạm đất, Locher đã hoàn toàn tĩnh táo. Anh biết chắc hai chiếc MiG vừa bay ngang đã liên lạc vô tuyến thông báo cho các lực lượng dưới đất biết về vị trí của mình. Cái dù của Locher bị vướng trên những cành cây mà anh không thể kéo ra được sẽ khiến địch xác định được vị trí một cách dễ dàng. Locher vội vã tháo dù ra khỏi người và bắt đầu di chuyển một cách khó nhọc, tiến lên phía sườn núi. Anh cẩn thận không để lại một dấu vết sau những bước chân của mình.

Khoảng mười phút sau, Locher thở thật khó khăn, cảm thấy chóng mặt, đôi chân mềm tựa như cao-su, hai bàn chân lạnh ngắt. Anh nghĩ thầm ‘ Mình bị shock. Hãy dừng lại. Bình tĩnh. Hãy bắt bộ óc mình hoạt động’. Rồi anh bò sâu vào cánh rừng đầy cây lá rậm rạp và nằm rạp xuống theo tư thế đôi chân cao hơn đầu.

Nghĩ đến tình trạng nguy hiểm hiện tại, Locher biết rằng mọi việc đang diễn ra một cách tệ hại. Vị trí anh đang ở quá xa về hướng Bắc. Điểm gần nhất mà anh có thể dùng máy liên lạc cấp cứu loại bỏ túi với các phi cơ bạn đang bay trên bầu trời là 90 dặm về phía Nam. Locher tính toán : 90 dặm ! Tìm cách lẩn trốn và bám chặt theo sườn núi, làm sao đi bộ ít nhất hai dặm trong một ngày, trong vòng 45 ngày, không lương thực và trên một địa thế hoàn toàn xa lạ. Nhưng bắt buộc phải cố gắng. Nếu kẻ thù có bắt được mình thì cũng thể để chúng bắt được một cách dễ dàng!

Locher lấy bình nước từ trong áo cấp cứu mặc trên người và từ từ uống hết một nửa, sửa lại cái nón lưới chống muỗi đội trên đầu, rồi với một cái địa bàn cầm tay và bản đồ hướng dẫn, anh thận trọng khởi hành về hướng Tây Nam. Sau mỗi bước chân, anh phải xem xét lại để xóa bỏ mọi dấu vết của đôi giày bốt, của những cành cây nhỏ bị đạp gẩy và tất cả những dấu vết khác có thể làm lộ tung tích của mình.

Tới trưa, đang đi bỗng Locher khựng lại, chết điếng. Từ phía trước mặt có những tiếng réo gọi nhau và những tiếng la hét như giận dữ tiến thẳng về phía anh. Anh vội vã bò sâu vào một bụi cây và nằm yên, trong lúc bọn người lùng sục tiến đến càng lúc càng gần.

Locher bỗng nhớ lại thời niên thiếu của mình ở vùng quê Sabetha, tiểu bang Akansas, nơi mà anh thường chơi trò giả làm vịt trời trốn trong bụi lau, cố gắng ẩn náu, để người thợ săn đang đến gần không thể phát giác. Locher nhủ thầm: Hãy thở thật nhẹ, đừng đầu hàng…Mồ hôi đổ ướt lưng, anh thầm cầu nguyện. Mũi anh có thể ngữi thấy cả mùi thuốc lá của những người đang sục sạo chung quanh. Có lúc tiếng chân người bước qua sát chổ anh đang ẩn nấp…

Ngày kế tiếp, sự việc trên lại tái diễn. Nhưng lần này, ngoài tiếng người la hét, Locher còn nghe thấy tiếng súng nổ. Anh nghĩ thầm : Họ đang tìm cách làm mình phải rời khỏi chổ ẩn nấp, giống như xua đuổi một con vịt trời bay ra khỏi bụi để bắn. Mình phải nằm yên. Họ có đạp lên mình mới mong tìm thấy…
Kẻ thù đã suýt chút nữa thì làm được viêc đó : Locher nghe thấy tiếng cành lá bị nghiền nát bởi bước chân người, sau đó hai người đàn ông với súng tiểu liên trên tay tiến tới cách chỗ anh chỉ có vài mét và…ngồi xuống nghỉ mệt. Một lúc sau, họ bỏ đi. Tiếp theo là một sự yên lặng rất đáng nghi ngờ. Họ bỏ đi thật hay gài bẩy chờ con chim bay ra khỏi cành? Locher quyết định tiếp tục nằm im tại chổ cho đến hết ngày, thỉnh thoảng chỉ dám duổi nhẹ chân tay, để cho các bắp thịt đỡ mỏi.

Sang ngày thứ ba, Locher thử mở cái máy liên lạc dò tìm tần số cấp cứu và anh đã bắt được đối thoại của những phi công đang bay tìm kiếm một nhân viên phi hành vừa bị bắn rơi. Nhân viên này báo cáo rằng kẻ thù đang theo đuổi ông ta, đã rất gần và yêu cầu nên oanh tạc vị trí của mình. Ông ta đã chọn lựa cái chết hơn là bị cầm tù!...

Tín hiệu yếu dần, Locher tắt máy liên lạc. Sau đó anh nghe thấy tiếng nói chuyện của những tên cộng sản đang đi truy lùng mình, cách chỗ anh ẩn nấp khoảng 200 thước… Cái gì thế này ? Locher vừa thắc mắc tự hỏi vừa tìm cách tống khứ những con vắt đang lợi dụng tình thế ngặt nghèo này để tấn công cổ và cườm tay của anh. Rồi Locher nghĩ thầm : Trong ba ngày qua mình đã không đi đưọc quá một dặm. Có thể mình sẽ không thoát khỏi nơi này. Nhưng thôi, cứ hãy cố gắng xem mình sẽ trì hoãn bao lâu cái kết cuộc không thể nào tránh né được.

Sang ngày thứ tư, mặc dù phải bước đi một cách mệt nhọc, Locher vẫn kiên trì men theo sườn núi, lên xuống hết ngọn đồi này tới ngọn đồi khác. Nước không thành vấn đề. Trời mưa cách đêm, và vào buổi sáng anh phải hong quần áo cho khô, cẩn thận tránh không để cho giầy và vớ bị hôi thối.

Nhưng Locher không có lương thực. Anh đã thử ba loại trái cây rừng. Lúc đầu gậm nhấm một chút ít, rồi chờ khoảng nửa giờ xem phản ứng cơ thể ra sao. Kết quả, anh thấy những loại trái cây này không có hại. Nhưng số lượng tìm được cũng chẳng bao nhiêu…

Locher có thể cảm thấy sức lực trong người mình sa sút một cách rõ rệt theo từng ngày. Điều này rất dễ dàng đưa đến sự chấp nhận đầu hàng. Không, nhất định không. Locher tự nhủ mỗi ngày. Hãy để cho kẻ thù phải khổ công tìm kiếm mình !

Ngày thứ 12, sau khi trời hừng sáng, Locher tìm thấy một con đường mòn khá tốt dẫn về hướng Nam. Đối với Locher, con đường này thật tuyệt hảo, vì anh không còn phải dùng sức nhiều như khi đi xuyên rừng. Bất chợt, Locher nghe thấy nhều giọng nói đang tiến gần về phía mình. Những đứa trẻ chăn trâu đang lùa trâu về phía cánh đồng cỏ. Locher vội nhào vào một bụi rậm, bò đi cách đường mòn vài thước và nằm im. Nhưng những con trâu đã dừng lại gặm cỏ bên vệ đường, có con chỉ cách chổ chàng nằm vài thước. Thời gian trôi qua một cách chậm chạp, hành hạ Locher trong khi anh nằm im giờ này qua giờ khác.

Mãi tới gần hoàng hôn, Locher mới nghe thấy tiếng bọn trẻ gọi nhau, anh nghĩ : chúng bắt đầu lùa trâu về làng! Anh nghe thấy tiếng thở hồng hộc của từng con trâu và tiếng roi của bọn trẻ quất trên lưng những con vật để thúc chúng đi về. Một con trâu giận dữ khịt mũi, đạp chân vào một cành cây sát chỗ Locher nằm, khiến cành cây này đập mạnh vào mắt cá chân. Anh há hốc miệng vì đau, nhưng cố giữ không cho âm thanh thoát ra. Sau khi con trâu đi qua, lại tới đúa bé dẩm lên cành cây hồi nãy, khiến nó đập xuống đùi Locher. Cuối cùng là sự im lặng.

Sau khi trời tối, Locher lén đi bọc vòng quanh làng và tiến lên phía sườn núi để do xét tình hình chung quanh. Rồi anh lấy lá cây xếp thành một cái giường để ngủ. Thỉnh thoảng anh lại thức giấc, để tống khứ những con vắt đang hút máu mình. Mỗi con để lại một vết đau. Sau đó một trận mưa đổ xuống.
Trời sáng, Locher vừa sưởi nắng cho khô quần áo, vừa nghiên cứu cẩn thận lại bản đồ, rồi đi tới một kết luận kinh hoàng…là trong 12 ngày qua, anh chưa đi được quá 10 dặm đường chim bay! Nếu vẫn còn ở khu vực phía Bắc quá xa này, anh không có hy vọng được cứu thoát. Phải tiếp tục đi về phía Nam. Nhưng từ đây ra đồng bằng sông Hồng, với bề rộng chừng 20 dặm, khó lòng mà tìm được nơi trú ẩn khi hữu sự.

Không biết phải giải quyết ra sao, Locher đành ở lại vị trí ẩn náu của mình. Ngôi làng trải dài khoảng 500 mét dưới chân núi, và Locher có thể nghe thấy tiếng kẻng hàng ngày. Kẻng báo thức buổi sáng, kẻng đi làm, kẻng nghỉ giải lao, kẻng ăn trưa.v.v…

Ngày lại ngày trôi qua. Tới ngày thứ 20, Locher biết mình đã phí công sức. Anh sờ xuống đôi mông và cảm thấy chỉ còn da bọc xương. Đầu óc anh trống rỗng và chỉ còn nghĩ tới miếng ăn. Chỉ có hai giải pháp : một, nằm chết đói ở đây, hai, là đi xuống đồng bằng tìm cách lấy trộm thực phẩm.

Nhưng Locher cũng biết rằng, sau khi anh bắt đầu vượt qua cái thung lũng trống trải để xuống đồng bằng thì hầu như nắm chắc trong tay việc bị bắt làm tù binh. Locher nghĩ tới viễn tượng khủng khiếp khi bị giam cầm và xác định quyết tâm sẽ tự hành xử một cách danh dự, không để trở thành tù binh của địch. Thượng đế đã ban cho anh hai mươi lăm năm tự do và anh đã tận hưởng.

Vào tối ngày thứ 21, sau khi quyết định sẽ đi xuống đồng bằng vào trước rạng đông ngày hôm sau, Locher cảm thấy tâm hồn mình bình thản. Anh nhìn lên vần trăng vàng từ từ trôi ngang bầu trời, hít thở mùi vị tươi mát của không khí và thưởng thức sự cô quạnh của mình : anh vẫn còn tự do…

Một cơn mưa dài và nặng hạt làm Locher tĩnh giấc vào buổi sáng ngày thứ 22. Thì ra anh ngủ quên ! Mặt trời đã lên cao. Locher tức giận với chính mình. Dù đã có quyết định tự hành xử, nhưng anh không thể liều mạng một cách vô lý, đi ngang qua làng vào giữa thanh thiên bạch nhật. Thế là lại thêm một ngày chờ đợi và chiến đấu với đàn muỗi rừng…

Locher vừa thiếp đi thì chợt tĩnh vì những tiếng đạn. Anh nhìn thấy cả ánh chớp của những hỏa tiển địa-không được bắn lên từ ngôi làng kế cận, cách chỗ anh khoảng 8 dặm. Địch đang bắn lên các phi cơ Mỹ. Không chậm trể một giây, Locher vội vã nhấn nút máy liên lạc cấp cứu và nói : Bất cứ phi cơ Mỹ nào nghe tên OYSTER ONE BRAVO xin trả lời. (Oyster=tên hiệu anh trong phi vụ ; One=phi cơ dẫn đầu ; Bravo=ghế sau)
Sau đó, Locher nhấn nút nhận tín hiệu và nghe thấy tiếng người trả lời : Go ahead, Oyster One Bravo

" Ê anh bạn, tôi bị bắn hạ ở đây đã hơn 22 ngày. Chuyển tin dùm tôi vẫn bình an"
"Sẽ chuyển và tiếp tục liên lạc"
Mười phút sau, Locher nghe tiếng trả lời:
"Toán cấp cứu trên đường đến"

Toán cấp cứu đến liền sau đó nhưng đã bị các phi cơ MiG và đủ loại phòng không của địch đẩy lui. Locher tin tưởng một cách tuyệt đối rằng những người bạn của mình sẽ trở lại vào sáng hôm sau, và chắc chắn họ sẽ được địch ‘đón tiếp nồng hậu’.

Thực vậy, suốt buổi chiều và tối, Locher nghe thấy tiếng xe chở bộ đội tới và tiếng phi cơ MiG đáp xuống một phi trường gần đó. Như vậy, địch cũng đoán biết những gì sẽ xảy ra vào ngày hôm sau. Locher lo lắng không biết sự việc rồi đây sẽ ra sao…

Buổi sáng ngày thứ 23, kể từ ngày Đại úy Roger Locher bị bắn rơi, một lực lượng 38 phi cơ Mỹ gồm chiến đấu cơ, oanh tạc cơ phản lực, khu trục cánh quạt, trực thăng cấp cứu và phi cơ tiếp tế nhiên liệu trên không, cất cánh từ Thái Lan tới Bắc Việt để cứu người bị nạn. Đầu tiên, hai phi cơ mở tần số liên lạc với Locher và xử dụng các máy móc điện tử để xác định vị trí của anh. Một phi công nói qua máy: "Chúng tôi đã biết anh đang ở đâu rồi. Bây giờ anh cứ đúng tại chỗ, chúng tôi sắp kéo anh ra khỏi nơi này"

Captain Roger Locher returns to Udorn Air Force Base in Thailand, greeted by General John W. Vogt, Seven Air Force Commander. Locher was retrieved from behind enemy lines only 60 miles (97 km) from Hanoi after 23 days evading capture.

Bên dưới mặt đất, Locher lạnh và run rẩy: "Xin Thượng đế bảo vệ họ, đừng để ai bị bắn rơi vì con".
Khoảng 30 phút sau, hai trực thăng xuất hiện. Trong khi Locher làm dấu hiệu xác định vị trí của mình bằng kính phản chiếu, một trong hai chiếc bay về phía anh, chiếc còn lại chờ đợi tiếp cứu trong trường hợp khẩn cấp. Phía trên, các chiến đấu cơ vần vũ, gầm thét uy hiếp tinh thần địch.

Chiếc trực thăng dừng lại, lơ lửng phía trên vị trí của Locher khoảng 15 mét và thả xuống một ‘penetrator’ (dụng cụ có hình trái thủy lôi, có trọng lượng vừa đủ để làm xuyên thủng những tàng cây che phủ vị trí Locher đang ẩn nấp).

Tiếng súng liên thanh đồng loạt bắn ra từ ngôi làng dưới chân núi, nhưng sau đó đã vội im tiếng, vì bị trực thăng võ trang trả đũa.

Locher nhào về phia penetrator. Anh nhanh nhẹn kéo dây an toàn từ penetrator ra nịt vào người, và banh ba càng ngồi hình mỏ neo ra ngồi vào. Sau đó anh dơ ngón tay ra hiệu…

Trong khoảnh khắc, Locher đã được kéo lên và đưa vào trong thân trực thăng. Lực lượng cấp cứu trở về căn cứ. Một số MiG của địch bay lượn ở xa xa, hậm hực chứng kiến mà không dám lại gần, vì biết không thể địch lại lực lượng hùng hậu của Mỹ.

Về phần Đại úy Roger Locher, chuyến bay về Thái Lan phải là chuyến bay hạnh phúc nhất đời. Lúc đó anh không thể biết mình đã sút đi gần 15 kí-lô sau 23 ngày hoạn nạn, anh cũng không biết rằng mình là người sống sót lâu nhất trong số các phi công lâm nạn và đã được cứu thoát trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, và dĩ nhiên, anh cũng không thể biết rằng, cuộc cấp cứu anh là cuộc cấp cứu vào sâu trong lãnh thổ địch nhất và tất cả đã trở về an toàn.

Anh chỉ biết có một điều là mình đã được bạn bè cứu thoát. Họ đã liều chết để cứu anh. Bây giờ, ngồi trên phi cơ, họ luôn miệng cười đùa như thể đã quên mất việc mình vừa đi vào đất địch. Họ không cho Locher một dịp may nào để nói một lời cảm ơn. Anh chỉ biết nhìn họ với đôi mắt mở to, với nụ cười dễ thương, và những giọt lệ từ khóe mắt tràn ra, rồi từ từ lăn xuống bộ râu rậm của mình…

Nguyễn Hữu PhướcLTUC