Saturday 12 April 2014

Lại một chuyến đi đêm hay cuộc gặp gỡ Ngô Thanh Hải - Nguyễn Thanh Sơn ở Canada

Trước nhứt xin nói rõ về cái tựa "đi đêm", vì Cộng đồng người Việt chỉ biết có cuộc gặp gỡ này qua tiết lộ của Nguyễn Thanh Sơn [NTS] (2), cũng xin lưu ý thêm ngoài chức vụ thứ trưởng, NTS còn là Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tức là nhân vật chủ chốt của chế độ trong việc thi hành Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nên nhớ đây là một nghị quyết của đảng cộng sản chớ không phải của chính phủ hay quốc hội, ban hành cả chục năm nay rồi, có rất nhiều bài phân tích, nhiều cuộc tranh luận về mức độ tác hại của nó, còn với tư cách là lãnh tụ một nhánh của tổ chức chính trị Liên minh dân chủ Việt Nam (LM, được biết hiện có ba nhánh), ông Ngô Thanh Hải (NTH) há chẳng biết gì về nghị quyết này và ai đang trực tiếp thi hành nghị quyết đó?
 NTS_NTHai.jpg
Kế đến là về tiếng "lại" vì đây không phải là lần đầu mà là một tiếp nối logique chủ trương của tổ chức này từ mấy chục năm nay. 
Thật vậy, ngay sau khi Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy vừa nằm xuống (28-7-1990), một số thành viên ở Mỹ đã lái hoạt động của Liên Minh Dân Chủ (LMDC) theo chủ trương hòa hợp hòa giải trái ngược với lập trường 5 không của LMDC (không công nhận chế độ CSVN, không tiếp xúc, không liên lạc, không thương thuyết và không hợp tác với chế độ đó) nêu trong Thông cáo ngày 17-9-1989, âm mưu này gặp sự phản kháng quyết liệt của Giáo sư Thái Tường, lúc đó là Chủ tịch Liên khu bộ (LKB) Âu châu, đồng thời cũng đang nắm giữ vai trò Phối trí viên, tức chức vụ lãnh đạo Tổ chức.
Nhằm thực hiện ý đồ đen tối đó, họ không từ nan mọi thủ đoạn mờ ám để loại bỏ bất cứ ai cản trở con đường của họ (bầu bán gian lận, khai trừ nhiều đoàn viên, kể cả việc khai trừ tập thể một số cơ sở), ngay trong cuốn Bạch thư LMDCVN năm 1992) ghi rõ: - "Ngô Thanh Hải, gốc dạy học, sau chuyển sang ngành ngoại giao, Chủ tịch Liên khu bộ Gia nã đại, một cánh tay đắc lực của nhóm, người có tai tiếng về những việc đi đêm.", ...
Bước kế tiếp là Phong trào thống nhất dân tộc và xây dựng dân chủ (PT) được dựng lên, rình rang ra mắt ở thủ đô Hoa thạnh đốn ngày 11-12-1992, chủ tịch là ông Nguyễn Đình Huy (NĐH) ở trong nước, đây là "giai đoạn 2 (12/1992-4-1993): thành lập Phong trào thống nhất dân tộc và xây dựng dân chủ như là người đối thoại đầu tiên với Bộ chính trị; chấp thuận phong trào bởi Bộ chính trị." theo một kế hoạch 6 giai đoạn của đạo diễn Stephen Young, coi như đã thỏa hiệp với Cộng sản qua các chuyến đi đêm, theo ông NĐH thì "việc tổ chức hội thảo đối với chúng tôi là một hình thức để công khai ra mắt cái lực lượng của chúng tôi mà không cần phải tuyên bố." (3), coi đã chắc ăn như bắp, đương sự còn huênh hoang nói:"chúng tôi nằm tù ở đây 17 năm, chúng tôi hiểu tình hình Việt Nam, chúng tôi hiểu đảng cộng sản Việt Nam bây giờ là cái gì. Không phải là con ngáo ộp như người ta tưởng đâu." (3)
Có thể nói cao điểm là việc tổ chức một cuộc Hội thảo quốc tế phát triển Việt Nam tại "khách sạn Métropole thành phố Hồ Chí Minh" (ghi nguyên văn theo tờ chương trình) vào ngày 27-11-1993, trong đó nêu rõ nhiều chính khách quốc tế tham dự như trùm mật vụ W. Colby, tướng W. Westmoreland, thượng nghị sĩ J. Mc Cain, giám đốc đài SBS Úc châu Lưu Tường Quan, ..., có cả Phó chủ tịch quốc hội VC Vũ Mão, kết quả là "xù", lý do hợp đồng thuê mướn khách sạn bị hủy bỏ, nhiều người trong Ban tổ chức lần lượt chui vào rọ của VC, nhà đạo diễn kiêm tổ chức S Young bị trục xuất, NĐH và một số nhân vật nồng cốt của PT bị bắt, kết án nhiều năm tù, mấy người Mỹ giấy (Nguyễn Tấn Trí, Trần Quang Liêm) thì bị trục xuất sau một thời gian thọ án, đó là kết quả của các cuộc đi đêm, hệ quả của sự ngây thơ chính trị, tin cộng sản một cách mù quáng.
Tuy nhiên chứng nào tật nấy, cách nay mấy năm, trong một cuộc hội thảo ở Paris về để tài Hiểm họa Bắc phương, cũng chừng ấy bộ mặt (NTH [Canada], Lê Phát Minh, Nguyễn Tấn Trí [Mỹ], Nguyễn Quốc Nam [Pháp]), họ hô hào "chúng ta phải đứng cùng CSVN" để bảo vệ tổ quốc, không cho về thì làm sao đứng cùng được (?), phải chăng lần gặp gỡ giữa NTH với NTS là để thương thảo việc ấy.
  
Trong cuộc phỏng vấn của Tường An đài RFA ngày 6-4-2014, NTH phủ nhận tin ông mong được mời về Việt Nam như NTS tiết lộ, trong đó đương sự cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác, tựu trung đều chống cộng cả (không chấp nhận chế độ Cộng sản Việt Nam và đòi giải thể đảng Cộng sản Việt Nam, đòi hỏi các tổ chức tranh đấu cho tự do dân chủ, tự do báo chí, tự do ngôn luận cho Việt Nam ở trong nước), nhưng không hiểu tại sao NTS lại đánh giá tích cực (có nhiều đồng thuận giữa hai bên), điều này khiến có nhiều thắc mắc:
- Lập trường trong sáng như thế sao lại giấu giếm Cộng đồng? Chống cộng mà sao được cộng khen?
- NTS đặt chuyện để đốt cháy NTH chăng?
- Hay NTH chỉ mới nói có một phần? Một nửa sự thật kia là gì? Quả thật như thế thì một nửa sự thật đâu phải là sự thật (4).
Thật là tai hại, điều này đã được Gs Nguyễn Ngọc Huy tiên liệu, các cuộc gặp gỡ như thế "chẳng những hoàn toàn vô ích mà còn làm mất chánh nghĩa tranh đấu của người quốc gia VN."(5) 
Rất tiếc! Những người tự nhận là kế thừa sự nghiệp của Giáo sư lại phản thùng:
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy ơi!
Đàn em ông nó đã chơi phản thùng!
Đứa quay đón gió mánh mung,
Đứa lòi mặt nạ nằm vùng hại dân.
Đứa quỳ gối, đứa ôm chân,
Lòn trôn cổng hậu, đội quần tung hô,
Đứa xách dép, đứa bưng bô,
Chạy theo nón cối, vác ô, kéo màn.
Đằng Phương ơi hỡi Đằng Phương
Có buồn trong cõi vô thường u minh!
HCT (12-92)

Lãnh tụ một đoàn thể tranh đấu lại non tay ấn như vậy sao? Nhìn khả năng lãnh tụ tất biết khả năng của tổ chức, mấy ai còn dám tin tưởng họ nữa? 
Trong chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, NTS quả đã hoàn thành xuất sắc công tác đảng giao phó.
Lê Văn Tư
Ghi chú:
(1)Để tránh mọi ngộ nhận, xin nói rõ là nội dung bài này chỉ đề cập đến Ngô Thanh Hải, thủ lãnh của một nhánh Liên minh dân chủ Việt Nam, tuyệt nhiên không đá động đến vai trò thương nghị sĩ Canada của ông ấy.
(2)Tin đài RFA [Á châu tự do] ngày 6-4-2014: Ngày 12 tháng 3 vừa qua. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và đại sứ Việt Nam tại Canada có cuộc gặp gỡ riêng với Thượng Nghị sĩ Canada gốc Việt Ngô Thanh Hải. Sau đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với đài Phố Bolsa TV, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã tiết lộ về nội dung cuộc gặp gỡ này, trong đó có những chi tiết đã làm một số người Việt trong cộng đồng hải ngoại bất mãn và nghi ngờ về quan điểm của Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải.
(3)Đối thoại qua điện thoại giữa Chử Bá Anh, thông tấn CBA ở Washington và Nguyễn Đình Huy, Chủ tịch PTTN & XDDC ở Saigon, tháng 10-1993
(4)Phỏng theo ý "nửa ổ bánh mi vẫn là bánh mì còn một phần sự thật không phải là sự thật"
(5)Gs Nguyễn Ngọc Huy trả lời trên báo Thế kỷ 21 ngày 12-8-89: Trong trường hợp Trịnh Xuân Lãng hoặc Nguyễn Cơ Thạch hay một nhơn vật nào khác của chánh quyền CSVN ngỏ ý được gặp, tôi sẽ từ chối không gặp vì hai lý do:
1. Tôi không công nhận chánh quyền CSVN
2. Tôi không tin là CSVN thật sự chấp nhận dân chủ hóa chế độ của họ.
Do đó, tôi nghĩ rằng gặp người của họ chẳng những hoàn toàn vô ích mà còn làm mất chánh nghĩa tranh đấu của người quốc gia VN).