Saturday, 12 April 2014

Nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam trong ngôi Chùa tù — Ký giả Francis Wade viết về Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ

**************************************************************************************************************************************
Logo IBIBPhòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế
Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
B.P. 60063 - 94472 Boissy Saint Léger cedex (France) - Tel.: (Paris) (331) 45 98 30 85
Fax : Paris (331) 45 98 32 61 - E-mail : 
pttpgqt@gmail.com
Web : http://www.pttpgqt.net - Facebook: https://www.facebook.com/queme.net
**************************************************************************************************************************************
 

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÁM TẠI PARIS NGÀY 10.4.2014
Nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam trong ngôi Chùa tù — Ký giả Francis Wade viết về Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ



PARIS, ngày 10.4.2014 (PTTPGQT) - Giữa tháng 3 vừa qua, Ký giả Francis Wade đến Việt Nam quan sát tình hình tôn giáo, và ông đã có dịp đến Thanh Minh Thiền viện gặp gỡ trao đổi với Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ. Trở về ông viết bài đăng tải hôm 27.3.2014 dưới đề mục “Nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam trong ngôi Chùa tù” với tiểu tựa “Tội phạm duy nhất của Hoà thượng Thích Quảng Độ là chống lại một Nhà nước đàn áp Phật giáo.

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế dịch bài ấy sang Việt ngữ và đăng tải sau đây để người Việt hải ngoại được nhìn cận cảnh đời sống của người có tín ngưỡng nói chung tại Việt Nam ngày nay, và Phật giáo đồ nói riêng, thông qua vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất : Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ.
 

Nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam trong ngôi Chùa tùTội phạm duy nhất của Hoà thượng Thích Quảng Độ là chống
lại một Nhà nước đàn áp Phật giáo
Bài viết của ký giả Francis Wade

Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền viện do Ký giả Francis Wade chụp
Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ
tại Thanh Minh Thiền viện do Ký giả Francis Wade chụp

Thiền viện nhỏ nằm bên rìa trung tâm thành phố là thế giới riêng của Hoà thượng Thích Quảng Độ từ hơn thập niên qua. Những gã đàn ông ngồi trên xe gắn máy bên kia đường, túc trực mỗi ngày trước thiền viện, là bọn mật vụ mặc thường phục, quan sát mọi di động, soi mói từng cử chỉ đám người tới lui viếng chùa hằng năm, săn đuổi ông già 87 tuổi hiếm khi được rời thiền viện đi khám bệnh.

Nhà lãnh đạo nổi danh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thương cảm cho mọi người. Hoà thượng nói :“Nhiều người trong đám mật vụ phải thương lo cho gia đình nên bị ép buộc phải theo Cộng sản. Tôi nghĩ rằng một số trong họ không còn ủng hộ ý thức hệ của giới cầm quyền ; họ chỉ lo cho gia đình họ mà thôi”. Hoà thượng quá quen thuộc những cuộc theo dõi, kiểm soát ngày đêm, vì sự quản chế tại Thanh Minh Thiền viện tiếp diễn con đường tù đày từ năm 1975, khi chính quyền Cộng sản đặt sự kiểm soát toàn bộ miền Nam Việt Nam, thu tập mọi phê phán để bắt người ta vào tù.

Liên hệ giữa chủ nghĩa cộng sản và tôn giáo luôn luôn thù nghịch, ở Việt Nam cũng thế thôi, nơi chính quyền rao bán chủ nghĩa vô thần trên mọi tín ngưỡng khác. Tuy nhiên cũng khó thực hiện chủ trương này, vì theo Diễn Đàn PEW về Tôn giáo và Đời sống chung, thì 16% dân chúng theo Phật giáo (số liệu này do nhà cầm quyền Cộng sản cung cấp ; còn theo Báo cáo viên LHQ về Tự do tôn giáo thì 75% dân chúng theo đạo Phật, PTTPGQT chú), 8% theo Thiên Chúa giáo ; các tôn giáo như Hoà Hảo và Cao Đài phát triển tại địa phương, được nhiều người ngưỡng mộ. Vào thời đại này kẻ có tín ngưỡng cần phải mặc áo giáp — theo phúc trình năm ngoái của Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới thì tự do tín ngưỡng “quá tệ” tại Việt Nam, qua sự kiện chính quyền sử dụng “lực lượng đặc tình tôn giáo và các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia” để đàn áp sự thờ phụng.

Công cụ hăm doạ và kiểm soát, mài nhọn gần nửa thế kỷ cộng sản cai trị, đã giam giữ Hoà thượng Thích Quảng Độ và hàng giáo phẩm của ngài trong vòng luân hồi không dứt của sự tù đày. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hình thành năm 1964, đã không ngừng phê phán chính quyền, và không bao giờ được hiện hữu như một thực thể chính thức, khác với “Tăng Đoàn Phật giáo Việt Nam” được nhà nước công nhận. Những nỗ lực muốn thoát ly sự khống chế của nhà nước đều bị dập tắt : hồi tháng Giêng, lãnh đạo tổ chức Gia Đình Phật tử, Lê Công Cầu, lên máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh với dự tính gặp gỡ Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, đã bị bắt. Hiện ông bị quản chế.

Mặc dù được xem như nhà bất đồng chính kiến, Hoà thượng Thích Quảng Độ kiên định trong tư thế phi chính trị. Dù vậy, lằn ranh quá mỏng giữa chính trị và tôn giáo trong chủ nghĩa vô thần, dưới chế độ độc đoán, chính quyền xem Hoà thượng như cái gai cho giới lãnh đạo cộng sản. Hoà thượng nói “Tôi phải được quyền sinh hoạt tôn giáo, nhưng ở đây, Đảng Cộng sản không cho chúng tôi thực hiện ước muốn của chúng tôi. Tôi không được quyền thuyết pháp cho Phật giáo đồ để hoằng pháp giáo lý đạo Phật. Cộng sản muốn kiểm soát mọi sự, nhưng chúng tôi khước từ”.

Chạy xe quanh thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận, người ta có thể quên đi và nghĩ rằng tự do tôn giáo đang rộ nở. Gần Biên Hoà, một cộng đồng Thiên chúa giáo đông đảo, sử dụng một tá nhà thờ loè loẹt, sâu thẳm, thành hàng dài lộ liễu, một số được xây sau thời Cộng sản cướp chính quyền. Một số người sùng bái hớn hở vô tư trong Đại Thánh đường Dòng Chúa Cứu thế ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, xem như thảnh thơi với chuyện quốc gia của đất nước. Tuy nhiên, trong văn phòng thánh đường, Cha Joseph Thoại, linh mục dòng Chúa Cứu thế, ra hiệu cho những người bước vào cổng chính, xem xét kẻ ra người vào.

Cha Joseph nói “Không ai có thể tiêu diệt tôn giáo. Vì nơi nào có con người, nơi đó tôn giáo hiện hữu”. Thay vào đó, chính quyền tìm cách kiềm chế sự phát triển tôn giáo. “Họ sợ rằng khi tôn giáo trở thành tổ chức lớn, tất sẽ có ảnh hưởng tới quần chúng. Họ nắm một đảng độc tài, và họ không muốn có những quyền lực khác cai quản quần chúng”.

Các linh mục Dòng Chúa Cứu thế vốn có thái độ gay gắt trong quan hệ với Hà Nội, qua nhiều thập niên họ thường lên tiếng phê phán chính quyền về việc cưỡng chiếm tài sản, đất đai giáo hội. Đứng ngoài văn phòng nói trên, một nhóm 20 người, toàn là Dân oan, đứng chờ xin cố vấn cho những khiếu nại của họ. Những báo cáo việc công an tấn công và bắt bớ tuỳ tiện Dòng Chúa Cứu thế là chuyện thường tình — Cha Joseph gần đây bị bắt hai lần, trong năm 2011 và năm 2013, lần cuối khi cha tham dự phiên xử blogger Đinh Nhật Huy. Người đồng sự, Cha Anthony, từng bị công an đánh đập.

Chính quyền đang đối diện với cuộc đấu tranh vất vả để ngăn chận các nhà bất đồng chính kiến phát triển, xuất phát từ nguồn tôn giáo hay chính trị. Tự do tôn giáo được ghi trong Hiến pháp Việt Nam, Cha Joseph ghi nhận, nhưng từ lâu bản Hiến Pháp này chẳng có giá trị gì. Các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị thường bị chính quyền vu cáo, trong nỗ lực làm mất uy tín họ trước mắt tín đồ : tháng Hai vừa qua, toà án ở Hà Nội xử Lê Quốc Quân, một luật sư và blogger Công giáo chống chính quyền, với cái tội sai lầm nghiêm trọng là trốn thuế. Các tổ chức nhân quyền trên thế giới đã kêu gọi trả tự do cho ông.

Thế nhưng sự gia tăng bắt bớ các nhà bất đồng chính kiến mấy năm vừa qua được xem như dấu hiệu của một quần chúng lớn mạnh trong sự nói thẳng điều họ nghĩ, và họ đã sử dụng những nguồn như Internet mà chính quyền nỗ lực kiểm soát.

Hoà thượng Thích Quảng Độ nói rằng “Mười năm trước, chẳng ai dám lên tiếng, nhưng bây giờ đã bắt đầu thay đổi”.

“Thời gian trôi qua, dân chúng xem Truyền hình để biết những chi xẩy ra trong thế giới ; 20 năm trước họ chỉ biết chuyện xẩy ra tại Việt Nam. Thời đó, họ như con chim trong lồng”, Hoà thượng cười nói một cách bình thản, như muốn che giấu con người khắc kỷ phải chịu sống suốt 40 năm ròng trong tù tội. Hoà thượng nói tiếp “Chính quyền không thể kiểm soát dễ dàng tất cả mọi người, tuy nhiên quần chúng cũng biết rằng nếu họ sử dụng quyền ăn nói để biểu tỏ ý kiến họ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tôn giáo, vân vân, là họ phải vào tù”.

Chẳng sợ chính quyền trừng phạt khi tiếp xúc với các nhà nhà báo đến thăm, Hoà thượng luôn đón chào mọi cơ hội để trao đổi. Hoà thượng nói “Họ có thể bắt bỏ tù tôi bất cứ lúc nào họ muốn. Tôi chẳng sợ hãi, cho nên họ cũng chẳng cần bắt tù tôi. Tôi đã già rồi — nếu tôi chết trong tù sẽ là điều chẳng hay ho gì trên công luận thế giới”.

Dường như chính quyền biết điều đó. Vị cao tăng đầy biểu tượng đã được nhiều lần đề cử Giải Nobel Hoà Bình. Sau những cuộc đàn áp mấy năm qua, chính quyền cảm nhận áp lực quốc tế trước những án tù đối với các nhà bất đồng chính kiến, nên chính quyền tô vẽ lớp sơn tự do có giới hạn cho Hoà thượng trong khuôn viên thiền viện của ngài.

Hoà thượng Thích Quảng Độ có thể còn ở mãi nơi ngôi Chùa tù cho đến khi, hoặc Hoà thượng hay chính quyền mất đi. Hoà thượng không biết rõ ai sẽ đi trước. Hoà thượng nói “Muốn hay không muốn họ đã mất quyền kiểm soát chính trị — bây giờ có đông người đòi hỏi cho dân chủ Việt Nam, và cuối cùng, nếu Đảng Cộng sản muốn tồn tại, họ phải thay đổi. Mọi sự chuyển biến mỗi ngày — đặc biệt chính trị luôn đổi thay. Một ngày nào đó trong tương lai họ phải chấp nhận những quan điểm khác, những đảng phái khác. Tôi nghĩ như thế và tôi muốn như thế”.

(Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế dịch từ bản Anh ngữ,The Vietnamese Buddhist leader whose temple is his prison)