Wednesday, 31 August 2016

Giải Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hà lan 2016: Vui lòng bỏ phiếu cho TS NGUYỄN Quang A




Dernier délai : 7/9/2016  hết hạn : 7/9/2016
je viens de voter pour lui,un ami courageux et responsable qui milite depuis fort longtemps pour la démocratie et les droits de l'homme au Vietnam, suivant la voie de la non violence.
Votez pour lui svp.
Merci.

Tôi vừa bỏ phiếu ủng hộ TS NGUYEN Quang A,một trí thức 70 tuổi, can đảm và trách nhiệm, một lãnh tụ phong trào Xã hội dân sự, tranh đấu từ lâu cho dân chủ và nhân quyền ở Việt nam theo phương thức bất bạo động.

Xin vui lòng bỏ phiếu cho TS Quang A nhằm khích lệ lòng can đảm và ủngn hộ xã hội dân sự dấn thân cho nhân dân đồng bào.

Hoa Tulip về Nhân quyền (Human Rights Tulip) là giải thưởng hàng năm của Hà Lan tặng cho cho tổ chức hay nhà hoạt động nhân quyền xuất sắc. Năm nay, trong số 91 ứng cử viên có 10 ứng viên được chọn cho công chúng bình bầu trực tuyến bắt đầu từ 12g ngày thứ Hai 29/8 và kết thúc lúc 23g59 ngày thứ Tư 7/9: Tổ chức Nhân quyền Mwatana (Yemen), ông Pierre Claver Mbonimpa (Burundi), bà/cô Nighat Dad (Pakistan), Trung tâm El Nadim (Ai Cập), Trung tâm Nhân quyền cho Phụ nữ (Mexico), Cộng đồng bản xứ Santa Clara de Uchunya (Peru), Centro Prodh (Mexico), ông Nguyễn Quang A (Vietnam), bà/cô Nahid Gabralla (Sudan) và Hội người Leban vì Bầu cử Dân chủ (LADE) (Lebanon).

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Lan Bert Koenders sẽ chọn một người trong số ba ứng viên cao phiếu nhất để trao giải, là một tượng đồng hình hoa tulip vào ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12. Trị giá về tiền của giải là 100.000 euro, giúp người thắng giải có điều kiện để mở rộng hoạt động vì quyền con người.




TS. Nguyễn Quang A: Trí thức thật sự không bao giờ làm nô lệ

 - Phía Trước: Tiến sĩ Nguyễn Quang A, đại diện của Diễn đàn Xã hội Dân sự, là một trong những trí thức đi đầu cho phong trào dân chủ trong nước hiện nay. Ông không phải chỉ là một trí thức bàn giấy, ông là một trí thức dấn thân. Phía Trước đã có buổi phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A về chủ đề: “Vai trò của trí thức – văn nghệ sĩ với xã hội”.
Trong những năm gần đây, tiếng nói của các trí thức trong tiến trình đổi mới đất nước trở nên rất mạnh mẽ. Bản thân ông cũng là một trí thức cấp tiến trong công cuộc ấy, mong ông có thể giúp cho các độc giả của Phía Trước biết được những gì các trí thức cấp tiến đã làm trong thời gian vừa qua để thúc đẩy quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam?

- T.S Nguyễn Quang AGiới trí thức Việt Nam đã có một số đóng góp tích cực vào việc phản biện chính sách và các dự án lớn mà điển hình là dự án Bauxite Tây Nguyên (BTN) và dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT).
BTN là một dự án lớn (thực ra là để cho Trung Quốc vào đầu tư). Một tổ chức NGO đã dàn xếp cho nhà văn Nguyên Ngọc và cựu đại sứ Nguyễn Trung đi thực địa tìm hiểu (2 lần, mỗi lần vài tuần lễ) trên cơ sở những nghiên cứu của các nhà khoa học độc lập, gồm các anh Nguyên Ngọc và Nguyễn Trung, đã thúc đẩy nhiều cuộc tiếp xúc với các chính quyền địa phương, vạch rõ cho họ những nguy hại của dự án, đã cùng các nhà khoa học tổ chức nhiều hội thảo phản biện và có một báo cáo dài gửi cho các cơ quan hữu trách. Tuy nhiên, có vẻ như dự án vẫn tiếp tục, cho nên các trí thức đã vận động báo chí vào cuộc và tiếng nói phản đối ngày càng lên cao. Nhiều kiến nghị của tri thức đã được công bố và gửi cho các cơ quan hữu trách. Từ đó trang Bauxite Việt Nam ra đời và đến nay vẫn hoạt động tích cực.
Ts. Nguyễn Quang A
Dưới sức ép của tri thức, của dư luận, Nhà nước đã phải hạn chế dự án (lẽ ra là cả chục nhà máy với sự đầu tư của Trung Quốc trên quy mô rất lớn) ở mức thí điểm ở 2 nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ (và nhà đầu tư là TKV). Có thể thấy sự phản đối này đã có kết quả không nhỏ, tuy không dừng được toàn bộ. Tất cả các ý kiến phản biện đến nay đều tỏ ra đúng và là một khích lệ lớn cho việc lên tiếng của giới trí thức.
ĐSCT là một dự án khổng lồ với tổng vốn đầu tư dự tính khoảng 60 tỷ USD. Giới trí thức cũng đã lên tiếng mạnh mẽ phản bác bằng ý kiến, hội thảo, kiến nghị và huy động báo giới vào cuộc. Tuy người ta nói đến công nghệ TGV của Pháp và Shinkansen Nhật Bản nhưng họ đã đưa nhiều đại biểu quốc hội và lãnh đạo địa phương đi thăm tàu cao tốc Trung Quốc. Và rất có thể nếu dự án được thông qua thì sẽ là tàu và bằng tiền vay Trung Quốc. 
Sự lên tiếng đã mạnh mẽ đến mức Quốc hội đã quyết định không thông qua dự án.
Còn có thể nhắc đến nhiều dự án mà tiếng nói của giới trí thức đã mang lại kết quả (như dừng dự án thủy điện xâm hại đến rừng quốc gia Cát Tiên, vân vân).
Giới trí thức cũng có vai trò tích cực đến quá trình dân chủ hóa mà điển hình là Kiến nghị 72 về sửa đổi hiến pháp đã dấy lên một phong trào tìm hiểu, học tập về hiến pháp chưa từng có trong lịch sử Việt Nam (và đấy mới là mục đích chính của KN72 chứ không phải là để thay câu đổi chữ trong hiến pháp; tất nhiên nếu có sự thay đổi thì càng tốt, nhưng đó không phải là 3 hay 4 mục tiêu đầu tiên của KN72).
Trước KN72 giới trí thức đã đưa ra nhiều kiến nghị khác về nhân quyền nhưng nổi bật hơn trong số đó là kiến nghị thực thi quyền dân sự và chính trị vào tháng 9-2013 đi kèm với sự ra đời của Diễn đàn Xã hội Dân sự (CSF).
Mục tiêu của CSF là thúc đẩy sự phát triển của XHDS ở Việt Nam; góp phần vào sự chuyển đổi ôn hòa từ chế độ độc tài toàn trị hiện nay sang chế độ dân chủ (với hệ thống đa đảng, bầu cử tự do và nền pháp trị thực sự), bằng phương pháp bất bạo động; hoạt động theo phương châm của 4 khẩu hiệu với 16 chữ vàng thật:
1) Thực thi dân quyền
2) Nâng cao dân trí
3) Chấn hưng dân khí
4) Cải thiện dân sinh
Đây là những khẩu hiệu dựa hoàn toàn (3 khẩu hiệu sau) vào tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh cách đây 1 thế kỷ (có cải biến cho phù hợp với hiện nay). CSF tôn xưng cụ Phan Châu Trinh là cha đẻ tư tưởng của mình và bổ sung thêm ý tưởng hiện đại về nhân quyền. Người dân có các quyền tự nhiên, bẩm sinh của mình mà đã được Tuyên Ngôn Nhân quyền long trọng ghi nhận, thậm chí cũng được Hiến pháp hiện hành ghi nhận. Biết được quyền của mình người dân cứ thế thực hiện, cứ như chúng ta ở trong một nước thực sự tự do dân chủ, và không cầu xin bất cứ ai (kể cả Nhà nước) ban cho, không cần bất cứ sự cho phép của bất cứ ai. Việc hạn chế một quyền nào đó chỉ để nhằm bảo vệ quyền của những người khác, và phải được quy định tường minh trong luật (chứ không phải quy định pháp luật). Nhà nước phải có NGHĨA VỤ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân thực thi quyền của mình. Hiểu như vậy dẫu chưa có luật người dân vẫn cứ thực thi các quyền của mình (từ quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội, lập đảng, biểu tình, vân vân) mà không đợi sự cho phép của bất kể ai (nhà nước có thể yêu cầu đăng ký nhưng nếu thủ tục đăng ký ngăn cản việc thực thi các quyền đó thì LÀ LỖI CỦA NHÀ NƯỚC, chứ không phải lỗi của người dân.
Thực hiện 4 khẩu hiệu trên, nhất là khẩu hiệu thứ nhất vận động mọi người dân tìm hiểu để biết quyền của mình và thực thi các quyền đó ngay lập tức, cũng góp phần nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, là công việc lâu dài, bền bỉ. Và theo tôi số phận của chúng ta do chính chúng ta quyết định, việc thực hiện 4 khẩu hiệu trên là hết sức thiết thực cho cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta cũng như vận mệnh của cả dân tộc.

- Phía Trước: Nhiều người cho rằng trí thức không nên dính dáng đến chính trị, ông nghĩ sao về quan điểm này? 

- T.S Nguyễn Quang A: Nếu hiểu chính trị theo nghĩa rộng là mọi hoạt động liên quan đến các quyết định tập thể, thì không ai không thể dính đến chính trị, và dính đến chính trị là rất tốt, là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân. Và tôi rất tích cực tham gia chính trị theo nghĩa rộng đó.
Còn hiểu theo nghĩa hẹp về chính trị: tham gia đảng phái chính trị với mục đích nắm quyền lực thì lại khác. Tôi cũng không muốn dính đến cái chính trị theo nghĩa hẹp này. Quyền lựa chọn là của mỗi người và chúng ta nên tôn trọng lựa chọn của họ. Và việc tham gia vào chính trị theo nghĩa hẹp này cũng rất cần thiết cho xã hội, thiếu nó xã hội không thể phát triển.
Vấn đề ở đây là hiểu thế nào là chính trị mà thôi. Tôi ủng hộ và tôn trọng sự tham gia, sự dính líu đến chính trị của tất cả mọi người dù hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp.

- Phía Trước: Tôi thấy rằng trí thức luôn ở vị thế rất khó có được sự ủng hộ của số đông, sở dĩ bởi bản tính ôn hòa và thích những hành động ôn hòa. Điều này khiến cho nhiều bên đánh giá là kém dấn thân. Xin ông cho biết ý kiến của ông?

- T.S Nguyễn Quang AHoàn toàn ngược lại. Nếu trung thực, thẳng thắn, chân thành và biết cách, trí thức hoàn toàn có thể có sự ủng hộ của số đông. Chính bản tính ôn hòa và thích hành động ôn hòa là thế mạnh vô song của trí thức. Sự dấn thân đích thực hoàn toàn chẳng liên quan gì đến đặc tính đó cả

- Phía Trước: Trong rất nhiều bài viết và nhiều lần nói chuyện, ông đều nhắc đến những thay đổi rất nhỏ, nhưng lại mang ý nghĩa lớn lao. Đó có phải là hiệu ứng Domino? Và liệu đó có phải là những hoạt động mà ông và đồng sự đang thực hiện?

- T.S Nguyễn Quang AKhông phải tất cả những thay đổi rất nhỏ đều có ý nghĩa lớn, nhưng tôi ủng hộ tất cả những thay đổi nhỏ nhất theo hướng cải thiện cuộc sống của người dân, nếu theo hướng cải thiện thì những thay đổi nhỏ dễ thực hiện hơn, khả thi hơn, sát sườn hơn, thực tế hơn và người dân cảm thấy luôn và như thế nó khuyến khích những việc như vậy. Nhiều thay đổi nhỏ sẽ tạo ra thay đổi lớn.
Tất nhiên phải tận dụng mọi cơ hội để có những thay đổi lớn theo hướng cải thiện và ngăn những thay đổi lớn theo hướng ngược lại.
Xã hội là một hệ thống rất phức tạp và những thay đổi (nhất là thay đổi chính trị) luôn rất khó lường. Chúng ta có thể dự đoán xu hướng dài hạn khá dễ, song trong ngắn hạn, hầu hết những dự đoán đều rất khó. Và những biến đổi có ý nghĩa to lớn không thể xảy ra nếu không có vô vàn những thay đổi nhỏ xảy ra trước đó, rồi đột ngột nó “lật” trạng thái (mà người ta hay gọi là “cách mạng” nhưng tôi ghét từ này). Người ta đã nghiên cứu rất nhiều và khá kỹ hiện tượng “lật” trạng thái như vậy trong các hệ thống phức tạp dưới các thuật ngữ như tipping phenomenon (hiện tượng lật).
Hiểu là hiệu ứng domino như bạn nói cũng có phần đúng, song tôi không thích dùng từ đó, tôi ưa tipping hơn, giống như cái cân nhạy ở trạng thái cân bằng chỉ cần cho thêm một chút vào một bên là nó lật nghiêng sang bên đó.
Hiện tượng tipping rất quan trọng trong bất kỳ hệ thống phức tạp nào và vô cùng quan trọng trong những thay đổi xã hội và chính trị. Cho nên tôi khuyên các bạn hãy tìm hiểu kỹ nó. Hãy kiên trì làm những việc nho nhỏ và nó có thể mang lại những ý nghĩa hết sức lớn (vì không có chúng thì không thể có sự thay đổi lớn có ý nghĩa và thiếu chúng thì sự thay đổi lớn chưa chắc đã bền vững).

- Phía Trước: Những cản trở từ chính quyền Việt Nam hiện nay cho thấy rằng họ không những không chấp nhận những cuộc chuyển đổi lớn, mà ngay cả những chuyển dịch từ từ như các hoạt động xã hội dân sự cũng bị đặt vào nguy cơ cần phải đối phó. Theo ông nguyên nhân do đâu? Có phải chỉ vì họ không muốn thay đổi? Hay còn vì một mâu thuẫn bấy lâu nay giữa chính quyền và giới trí thức?

- T.S Nguyễn Quang AThực ra ở Việt Nam trong một phần tư thế kỷ qua đã có những thay đổi rất lớn. Chính quyền nào cũng muốn giữ quyền cai trị của mình, họ chỉ buộc phải từ bỏ khi bị sức ép (do luật định trong các nước dân chủ khi thua trong bầu cử, do cạnh tranh, do sức ép của nhân dân và quốc tế). Tôi không thấy vấn đề và giải pháp ở phía chính quyền, hoàn toàn ngược lại nó ở phía chúng ta: nhân dân.
Chúng ta chịu để cho chính quyền làm vậy thì chính quyền tất nhiên sẽ làm vậy vì lợi ích của họ xui khiến họ làm vậy. Nếu chúng ta sợ hãi, thụ động và để mặc chính quyền làm trái pháp luật vi hiến thì chúng ta đành phải cam chịu với số phận nô lệ thôi. Hãy đừng đợi có một ông vưa hiền hay một ông đảng chân chính nào đó ban cho chúng ta tự do. Tự do, dân chủ phải giành lấy, nó không phải là của bố thí!
Hãy lên tiếng, hãy gây sức ép lên chính quyền 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, chính quyền nào cũng sẽ thay đổi, không sớm thì muộn. Chính vì thế hãy tích cực thực hiện khẩu hiệu số 1 của chúng tôi: đừng sợ và hãy thực thi quyền của mình (dù đó là quyền kinh tế, sức khỏe, văn hóa hay chính trị). Tương lai của chúng ta là hoàn toàn do chúng ta chứ không phải ở chính quyền.
- Phía Trước: Vị thế của giới trí thức bấy lâu nay luôn bị đánh giá thấp, đặc biệt là sau sự kiện Nhân văn giai phẩm. Theo ông, liệu giới trí thức có thể lấy lại vị thế quan trọng của mình hay không? Các điều kiện nào cần thiết để người trí thức của thể phát huy được hết khả năng cho vai trò của mình?

- T.S Nguyễn Quang A: Tôi không tin vậy. Trí thức luôn là tầng lớp đi đầu. Chỉ có những kẻ điên mới đánh giá thấp trí thức. Điều kiện nào ư? Hãy tạo ra các điều kiện ấy, còn nếu chờ nếu có điều kiện thế này thế nó thì chúng tôi mới phát huy được vai trò là hoàn toàn sai. Người luôn nghĩ như thế vẫn là một nô lệ, dẫu là trí thức cũng là trí thức nô lệ (mà không ít đâu vì cái chế độ này nó có động cơ tạo ra các văn nô, nhà khoa học nô như vậy). Trí thức phải đi đầu trong dẫn dắt nhân dân hiểu và thực thi quyền vốn có của mình, khi đó họ có vai trò lãnh đạo, còn vẫn chờ ai đó tạo điều kiện thì đó chưa phải là trí thức thật.

- Phía Trước: Rất mong ông chia sẻ những kỳ vọng của ông về lớp trí thức trẻ của ViệtNam trong 10, 20 năm nữa?

- T.S Nguyễn Quang A: Tôi rất tin vào họ và mong họ chăm chỉ làm ăn, học tập, cải thiện cuộc sống của bản thân mình và gia đình mình, sống vui, sống khỏe (đừng tưởng những việc bình thường và có vẻ “chẳng dấn thân” chút nào đó là không quan trọng, chúng vô cùng quan trọng.) Không phải đặt mục tiêu quá to tát làm gì. Hãy thực tế, đặt ra cho mình những mục tiêu vừa sức vì mục tiêu viển vông sẽ chắc chắn thất bại và làm bạn nản lòng. Và tất nhiên tôi cũng chúc họ tham gia chính trị (theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp) một cách tích cực, nhất là trong việc vượt qua nỗi sợ, nỗi ám ảnh và cứ thế thực thi các quyền của mình và một điều cuối đừng sợ cả thất bại nữa.