Tình hình người Việt ở Cộng hoà Liên bang Đức
Tại Hoa Kỳ số người Việt quốc gia đông hơn hẳn số người Việt cộng sản. Tại Ba Lan số người Việt cộng sản đông hơn hẳn số người Việt quốc gia. Tại Đức số người Việt quốc gia thoạt tiên đông hơn số người Việt cộng sản nhưng càng ngày số người Việt cộng sản càng đông hơn số người Việt quốc gia. Ngoài ra người Việt quốc gia phần lớn đến Tây Đức trong khi người Việt cộng sản phần lớn đến Đông Đức, vào giai đoạn nước Đức còn chia đôi. Sau khi nước Đức thống nhất năm 1990, hai khối người Việt bỗng dưng cùng chung sống trên một quốc gia cho đến nay.
Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hoà Liên Bang Đức
Qui tụ những người Việt tỵ nạn cộng sản đang sinh sống tại Đức, Liên Hội Người Việt Tỵ nạn tại Cộng hoà Liên bang Đức được thành lập saunăm 1975 với sự yểm trợ bước đầu của một nhóm sinh viên quốc gia du học tại Tây Đức và với sự ủng hộ của chính quyền Tây Đức về các phương tiện liên lạc, di chuyển, hội họp. Tuy nhiên nhìn chung hoạt động của Liên Hội rất rời rạc yếu ớt. Điển hình là lời trình bày rất thành thực của vị cố Chủ tịch Ban Chấp hành Liên Hội trong thư riêng gửi cho bản thân người gõ những dòng này ngày 06.05.2012 : “Chúng tôi từng ở trong Ban Chấp hành liên tục trong 22 năm (từ năm 1990 đến năm 2012) giữ cho Liên Hội không chết nên đã cảm thấy quá đủ rồi.“
Hội Liên Hiệp Người Việt toàn Liên Bang Đức
Đại hội thành lập tổ chức mệnh danh là Hội Liên Hiệp người Việt toàn Liên bang Đức do Toà Đại sứ Việt cộng chỉ đạo được triệu tập ngày 22.10.2011 và đặt dưới quyền chủ toạ của Đại sứ Việt cộng tại Berlin Đỗ Hoà Bình và Tổng Lãnh sự Việt cộng ở Frankfurt am Main Trương Xuân Thanh. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành gồm Chủ tịch Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Thoại, Phó Chủ tịch Phụ trách Văn phòng Ông Vũ Quốc Nam và Chủ tịch Hội đồng Thành viên Bà Trịnh thị Mùi. Hội Liên Hiệp tập họp các hội đoàn địa phương hay các nhóm ái hữu chịu sự thống trị của Đại sứ quán Việt cộng. Nó trực tiếp công khai nhận chỉ thị của các nam nữ đại sứ Việt cộng ở nước Đức. Thỉnh thoảng nó tổ chức các “lễ hội“ văn hoá, ví dụ “Lễ hội Văn hoá Việt Nam“ ngày 03.08.2013 trên đảo Hữu nghị ở Potsdam, gần Berlin.
Được sự yểm trợ tối đa của Đại sứ quán Việt cộng không những về tài chánh mà còn về ngoại giao, Hội Liên Hiệp tìm cách luồn lọt không thiếu cửa nào thuộc xã hội Đức. Nó tham gia những ngày hội nhập do Phủ Thủ tướng tổ chức tại thủ đô Berlin, vào các dịp này, báo chí Việt ngữ phe cộng sản tha hồ quảng cáo rùm beng cho Hội Liên Hiệp. Nó lập hồ sơ xin Đức cấp ngân khoản cho những hoạt động văn hoá xã hội mà người ta lớn lối liệt kê trên giấy tờ như mở lớp học tiếng Việt, giúp đỡ đồng hương gặp khó khăn ngôn ngữ, tạo công ăn việc làm tự lập cho đồng bào v.v.. Đức nghe bùi tai nên cấp cho Hội Liên Hiệp cả mấy trăm ngàn Âu kim. Nhưng đây lại chính là bước đầu chấm dứt Hội Liên Hiệp do Việt cộng giật dây. Tiền vào tay, những người phụ trách Hội bèn chia chác với nhau. Người ta trả lương hàng tháng cả ngàn Euro cho người quen. Bất đồng ý kiến xảy ra, các phe phái đưa nhau đến trước tụng đình. Phe này tố cáo phe kia triệu tập khoáng đại hội nghị bất hợp lệ. Hết toà án Bochum đến toà án Charlottenburg rồi toà án Berlin. Kết quả không thể tránh khỏi : nền công lý Đức can thiệp và tuyên bố Hội Liên Hiệp Nguời Việt toàn Liên bang Đức phải tự giải thể, sau khi nhận đơn khai phá sản của Hội. Một tổ chức chính trị-văn hoá-xã hội mà lại khai phá sản!
Trực diện đối đầu với Việt cộng
Từ 2012 đến 2014, trong suốt nhiệm kỳ hai năm, rất nhiều lần Liên Hội Người Việt Tỵ nạn tại CHLB Đức phải trình bày cho người Đức rõ là cái tổ chức Hội Liên Hiệp chỉ là một công cụ của Toà Đại sứ Việt cộng, nó đang mạo danh cộng đồng tỵ nạn Việt Nam một cách rất đáng trách. Những vụ thành lập băng đảng mafia thanh toán nhau, những vụ trồng cần sa ma túy bất hợp pháp, những vụ rửa tiền trốn thuế, những vụ buôn lậu người, những vụ ăn cắp hàng siêu thị v.v..thậm chí cả vụ bắt mèo hàng xóm để quay mèo trên đèn Bunsen, tất cả đều do những người Việt đang mang hộ chiếu Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; chúng tôi, đa số đã gia nhập quốc tịch Đức và phần lớn đã từ bỏ quốc tịch Việt Nam do phía Đức yêu cầu, không dính dáng gì đến những hành vi phạm pháp cả hình lẫn hộ trên đất Đức.
Tuy nhiên cũng có một dịp duy nhất Liên Hội Người Việt Tỵ nạn tại CHLB Đức đã hợp tác với Bà Trịnh thị Mùi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Hội Liên Hiệp, Tổng Giám đốc Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương tức chợ Đồng Xuân ở Đông Berlin cũ. Theo yêu cầu của Bà Trịnh thị Mùi, chúng tôi chấp nhận để một số người Việt bên phe bà cùng tham gia biểu tình chống Trung cộng khi chúng thiết trí giàn khoan dầu xâm phạm lãnh hải Việt Nam, với điều kiện các thành phần do Bà Mùi gửi đến cũng cùng đứng chung với chúng tôi dưới quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà nền vàng ba sọc đỏ. Bà Trịnh thị Mùi đồng ý đòi hỏi của chúng tôi.
Quá trình tự hủy của Hội Liên Hiệp Người Việt toàn Liên bang Đức
Những điều tôi vừa trình bày liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cá nhân tôi và tôi chịu trách nhiệm về mức độ chính xác của chúng. Những điều tôi sắp kể thì lại là những dữ kiện thu thập được qua báo chí Việt ngữ ở Đức vì cho đến nay, báo giới Đức chưa loan tin gì về vụ Hội Liên Hiệp khai phá sản trước toà. Tôi chép ra đây một đoạn văn trần thuật tổng hợp của phóng viên Linh Nhân trên báo mạng Tiếng Dân ngày 10.12.2018. Theo bản tin này thì ngày 27.11.2018 Bộ phận phụ trách hồ sơ pháp lý của các hội đoàn ghi tên tại Berlin thuộc Toà án Charlottenburg đã ghi vào hồ sơ Hội Liên Hiệp Người Việt toàn Liên bang Đức như sau : “Căn cứ vào điều § 42 Bộ luật Dân sự (BGB), Hội Liên Hiệp bị buộc phải giải thể qua Quyết định đã có hiệu lực của toà án bác bỏ việc mở thủ tục phá sản vì Hội Liên Hiệp thiếu hụt tài sản để chi trả phí tổn của thủ tục.“ Cũng theo cùng bài báo, Ông Nguyễn Văn Thoại thay mặt Hội Liên Hiệp đã đệ đơn kiện lên toà án cấp cao hơn là toà Berlin. Ngày 01.11.2018 Toà Berlin bác đơn khiếu nại của Hội Liên Hiệp, quyết định bác đơn này có hiệu lực pháp lý ngay lập tức và không thể đảo ngược.
Theo luật Đức, những công ty kinh doanh, những cơ sở sản xuất khi gặp khó khăn tài chánh nghiêm trọng có thể khai phá sản, tuy nhiên, như chính Chủ tịch Quốc hội Liên bang đương chức Wolfgang Schäuble – khi còn giữ chức Bộ trưởng Tài chánh - đã nói, theo luật Đức, khai phá sản không phải là sạt nghiệp. Khi đáo hạn tuổi nghỉ hưu, tôi xin được việc làm ở một bệnh viện tư mới khai trương. Trong giai đoạn đầu, số bệnh nhân nhập viện không đạt mức yêu cầu nên bệnh viện gặp khó khăn lớn, cuối cùng phải khai phá sản. Mỗi nhân viên trong bệnh viện phải làm đơn tự nguyện chấp nhận các điều kiện luơng bỗng và quyền lợi khác do tiểu ban thanh lý phá sản qui định. Từ giám đốc đến nữ nhân viên phụ trách vệ sinh mỗi người tình nguyện làm việc một tháng không lương. Nhưng tháng kế tiếp lương được trả đầy đủ và rất đúng ngày. Rồi số lượng bệnh nhân tăng gia đều đều, bệnh viện sắm thêm thiết bị chuyên môn, mỗi ngày mỗi mở thêm chi nhánh. Hiện nay bệnh viện đang hoạt động rất thành công tại ba bốn điạ điểm. Độc đáo hơn nữa, tôi nghỉ hưu hẳn và rời bệnh viện năm 2012 thì vài tháng sau được thông báo là tiểu ban thanh lý tài sản của bệnh viện sẽ bồi hoàn lại cho tôi khoản tiền lương một tháng mà trước kia tôi đã tự nguyện không nhận. Tiền từ trên trời rơi xuống!
Ứng dụng những điều bản thân đã trải qua, tôi đâm ra thắc mắc về sự kiện được báo chí Việt ngữ mô tả là quá trình tự giải thể của Hội Liên Hiệp Người Việt toàn Liên bang Đức.
Luật pháp vốn do con người soạn thảo, ban hành, áp dụng và giải thích. Tôi không hiểu biết nhiều về luật pháp Đức. Cho nên tôi chỉ muốn thêm một dấu hỏi vào ngay sau hai chữ “giải thể“ khi bàn về tình trạng pháp lý hiện thời của Hội Liên Hiệp của Việt cộng. Ngoài ra tôi viết bài này còn do sự hối thúc của nhiều bạn bè khắp nơi muốn biết rõ hơn về nội vụ, đồng thời cũng để cố gắng giải toả một số nghi vấn do người ngoại cuộc – và “ngoại quốc“ - nêu lên. Chẳng hạn có anh bạn bên Na Uy tự hỏi phải chăng Hội Liên Hiệp chịu vạ lây vì vụ mật vụ ViXi ngang nhiên bắt cóc Trịnh Xuân Thanh giữa ban ngày và ngay tại thủ đô nuớc Đức!