Friday 14 December 2018

Hoa Vi, kẻ thù công khai số 1 của Hoa Kỳ - Minh Anh RFI


Gian hàng công nghệ 5G của Hoa Vi (Huawei) tại một hội chợ ở Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 28/09/2018.REUTERS/Stringer

Tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc từ một thập niên này là mục tiêu chỉ trích mạnh mẽ của Mỹ. Vụ bắt giữ giám đốc tài chính của Hoa Vi tại Canada cho thấy một sự leo thang trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung.

Nhân vật bị Canada bắt không đơn giản chỉ là một giám đốc tài chính tầm thường. Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) còn là con gái của ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), nhà sáng lập và tổng giám đốc đầy quyền lực của hãng điện tử lớn nhất nước.

Trả lời các câu hỏi của kênh truyền hình France 24, ông Jean-François Dufour, giám đốc văn phòng Hội đồng DCA phân tích về Trung Quốc cho rằng mấu chốt vấn đề nằm ở chính ông Nhậm Chính Phi.


Vì sao Washington lại nhắm vào Hoa Vi ?

Hoa Kỳ nghi ngờ Mạnh Vãn Châu vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran. Bà có nguy cơ bị dẫn độ theo yêu cầu của Washington. Nhưng vụ bắt giữ này không đơn giản có liên quan đến Iran. Đó còn là một bước mới trong cuộc chiến mà Hoa Kỳ và một số đồng minh đang tiến hành từ gần một thập niên nay chống lại tập đoàn to lớn này có quan hệ chặt chẽ với đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Chuyên gia Jean-François Dufour nhắc lại « Vụ ngăn chặn một tập đoàn Trung Quốc mua lại một doanh nghiệp Mỹ đầu tiên đã có liên quan đến Hoa Vi năm 2008 ». Nhà cung cấp trang thiết bị điện tử hàng đầu cho thế giới sau đó còn bị Ủy ban Tình báo của Quốc Hội Mỹ điểm mặt chỉ tên năm 2011.

Mỗi lần như thế, chính quyền Washington đều nhấn mạnh đến nguy cơ đối mặt với một tập đoàn được cho là tuân theo chỉ thị của Bắc Kinh, có thể cài đặt các chương trình dọ thám trong các linh kiện.

Tội lỗi chính của Hoa Vi là đã được thành lập bởi một người từng là sĩ quan của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân trong vòng 8 năm. Nhậm Chính Phi chưa bao giờ phủ nhận quá khứ và mối liên hệ của ông với bộ máy chính quyền. Năm 2013, chủ nhân của tập đoàn này từng tuyên bố « nếu như chúng tôi không có được sự bảo trợ của chính phủ, có lẽ chúng tôi đã bị đánh sập từ lâu rồi ».

Hoa Vi không chỉ đơn giản được bảo vệ. Tập đoàn này còn được Bắc Kinh chăm lo về mặt tài chính. Hoa Vi đã được chọn để đưa quân đội Trung Quốc bước vào kỷ nguyên điện tử và trong giai đoạn 2005-2010, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã cấp cho hãng một khoản tín dụng to lớn đến 35 tỷ đô la để tài trợ cho việc chinh phục thị trường quốc tế.

Cuộc đua 5G

Đối với các cơ quan tình báo phương Tây và nhất là Hoa Kỳ, ngần ấy dấu hiệu cho thấy Hoa Vi chẳng khác gì con ngựa thành Troie phục vụ chế độ Bắc Kinh, tiến triển trong lĩnh vực chiến lược cao vì an ninh quốc gia. Tuy nhiên, ông Jean-François Dufour lưu ý : « Tất cả các tập đoàn quan trọng của Trung Quốc và hiện diện trên trường quốc tế đều có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, và điều đó gần như là chắc chắn ». Mã Vân (Jack Ma), ông chủ có uy tín của trang bán hàng qua mạng Alibaba còn là đảng viên đảng Cộng Sản. Điều đó không ngăn cản ông trở thành một trong những ông chủ được tôn trọng nhất tại Mỹ.
Vậy vì sao chỉ có Hoa Vi bị Washington gán cái mác kẻ thù Trung Quốc số 1? Chuyên gia Jean-François Dufour cho rằng đó là do cuộc chiến công nghệ mà cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều lao vào. Thách thức lúc này nằm ở một ký hiệu : 5G, nghĩa là bước phát triển sắp tới một mạng lưới internet di động đường truyền tốc độ cao.

Song song với việc bắt giữ nữ giám đốc tài chính Hoa Vi, Luân Đôn thông báo Hoa Vi sẽ không được tham gia vào việc phát triển công nghệ này trên lãnh thổ Anh Quốc. Trước đó, New Zealand cũng có quyết định tương tự.

Ông Jean-François Dufour giải thích : « Hoa Kỳ và các đồng minh không muốn một doanh nghiệp Trung Quốc tiến xa về công nghệ này, xem như là trọng tâm của ngành công nghiệp tương lai ». Mạng 5G được cho là có một vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nha xe ô tô có kết nối, điện thoại, hàng không hay các chuỗi dây chuyền sản xuất tự động hóa.

Hoa Vi, với những hiểu biết trong lĩnh vực điện tử và nguồn quỹ dồi dào vô giới hạn, nắm trong tay các lá chủ bài để trở thành tác nhân chủ đạo của cuộc cách mạng này. Vì vậy, theo ông Jean-François Dufour, Washington phản đối Hoa Vi vừa vì những nguyên nhân mang tính biểu tượng vừa có tính chất thực tế.

« Đó có lẽ sẽ dấu hiệu của sự đảo thế bởi vì Hoa Kỳ từ trước đến giờ vẫn luôn đi trước mở đường trong khi Trung Quốc buộc phải đi theo xu thế ». Đối với Mỹ, đó một sự thay đổi trục không thể nào chấp nhận được.

Nhất là, nếu Hoa Vi có được công nghệ 5G, một lượng lớn các doanh nghiệp Mỹ bắt buộc sẽ phải nhờ đến tác nhân gây tranh cãi này cung cấp trang thiết bị. « Washington không hề muốn bị rơi vào tình trạng một tập đoàn có quan hệ với chế độ Bắc Kinh có thể đặt ra các chuẩn cho toàn bộ ngành công nghiệp của Mỹ », như kết luận của chuyên gia kinh tế Dufour.

Do vậy, theo chuyên gia người Pháp, việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu là bằng chứng rõ nét nhất cho thấy Washington sẽ làm mọi cách để ngăn cản xu thế phát triển này. Con gái của tổng giám đốc tập đoàn Hoa Vi chỉ là nạn nhân của cuộc chiến Trung – Mỹ giành quyền thống trị công nghệ.