Rõ ràng là EU (Liên minh châu Âu) đã có một bước chuyển mình lớn trong thời gian vài năm qua về quan niệm về nhân quyền và cách thức đối xử với những quốc gia vi phạm nhân quyền trầm trọng như Campuchia và Việt Nam.
Campuchia!
Vào tháng Mười Một năm 2018, EU đã phát động một thủ tục chính thức để tước quyền của Campuchia được tham gia sáng kiến “Mọi thứ trừ vũ khí” (EBA), sau khi Thủ tướng Hun Sen trở lại nắm quyền trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Bảy năm 2018, trong đó đảng của ông giành được tất cả các ghế trong quốc hội (nguồn tin từ đài VOA).
“Mọi thứ trừ vũ khí” (EBA) là một sáng kiến của Liên minh châu Âu, theo đó tất cả hàng nhập khẩu vào EU từ các nước kém phát triển nhất, ngoại trừ vũ khí, sẽ được miễn thuế và không có hạn ngạch. EBA có hiệu lực từ ngày 5 tháng 3 năm 2001.
Cả Hoa Kỳ lẫn EU đều ngưng tài trợ cho cuộc bầu cử của Campuchia vào năm 2018. Washington đã ghi tên hàng chục quan chức chính phủ nước này vào danh sách hạn chế thị thực như một phản ứng chống chiến dịch đàn áp phe đối lập, xã hội dân sự và truyền thông của chính phủ Campuchia hiện nay. Còn Thụy Điển đã đình tất cả các chương trình viện trợ mới cấp chính phủ cho Campuchia trừ giáo dục hoặc nghiên cứu.
Mỹ và EU chiếm phần lớn lượng xuất khẩu của Campuchia – trị giá hàng tỷ đô la. EU, khối thương mại lớn nhất thế giới, đã tiến hành quy trình thẩm định theo định kỵ sáu tháng về quyền miễn thuế của Campuchia, có nghĩa là hàng may mặc, đường và các mặt hàng xuất khẩu khác của Campuchia có thể bị EU áp thuế quan nội trong vòng 12 tháng tới.
Chiến dịch đàn áp kéo dài của Thủ tướng Hun Sen đối với các lãnh đạo đối lập được hậu thuẫn bằng những cáo buộc rằng họ đã âm mưu với Mỹ để lật đổ ông ta trong một cuộc cách mạng màu. Nhưng thủ tướng Campuchia đã không đưa ra được bằng chứng đáng tin cậy nào để củng cố thuyết âm mưu này và các nhà quan sát nói chế độ của ông đã tiêu diệt đối thủ trước kỳ bầu cử vì họ hoảng sợ trước các kết quả thăm dò tốt của đảng đối lập CNPR trong 2 cuộc trưng cầu trước đây.
Vào năm 2017, áp lực của Hoa Kỳ và EU đã không khiến Hun Sen quá lo ngại. Viện dẫn chỗ dựa vật chất về viện trợ và đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, Hun Sen thậm chí còn lên tiếng thách thức phương Tây.
Nhưng tình hình giờ đây đã đổi khác nhiều. Campuchia rơi vào thế cô lập và có triển vọng phải nhận những cú trừng phạt kinh tế như trường hợp Bắc Triều Tiên.
Kết quả là vào tháng Mười Hai năm 2018, Sau khi EU phát động một thủ tục chính thức để tước quyền của Campuchia được tham gia sáng kiến “Mọi thứ trừ vũ khí” (EBA), Quốc hội Campuchia đã phải xét lại lệnh cấm hoạt động 5 năm áp dụng cho hơn 100 thành viên đảng đối lập chính trong nước.
Vào lần này, Bộ ngoại giao Campuchia viện lý do: "Để thúc đẩy dân chủ và quyền pháp trị, Quốc hội đang xem xét các quy định pháp lý để cho phép những cá nhân bị cấm được tiếp tục các hoạt động chính trị."
Đó là lệnh cấm hoạt động chính trị do Tòa án tối cao Campuchia ban hành, áp dụng đối với 118 thành viên của đảng đối lập CNRP. Đảng này đã bị giải tán hồi năm ngoái theo yêu cầu của chính phủ Hun Sen sau khi đảng này bị cáo buộc là âm mưu lên chiếm quyền với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.
Cũng theo Bộ ngoại giao Campuchia, chính phủ “luôn luôn trân trọng và cổ vũ cho tự do báo chí và tự do ngôn luận”. Bộ này nói thêm rằng RFA và VOA được tự do mở cửa văn phòng trở lại ở Campuchia.
Trong thời gian qua, truyền thông độc lập của Campuchia cũng đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ ông Hun Sen và các đồng minh của ông trước cuộc bầu cử tháng Bảy.
Báo Campuchia Thời báo bằng tiếng Anh đã đóng cửa hồi năm ngoái sau khi chính phủ Hun Sen đòi họ trả hàng triệu đô la tiền thuế, bằng không sẽ bị đóng cửa. Khoảng 30 đài phát thanh cũng đã đóng cửa trong năm ngoái.
Đài phát thanh Á châu Tự do (RFA) có trụ sở tại Washington đóng cửa văn phòng tại Phnom Penh hồi tháng 9, phàn nàn về một "chiến dịch đàn áp không ngừng chống lại những tiếng nói độc lập".
Nếu phát ngôn trên của Bộ ngoại giao Campuchia được thực hiện, điều này có thể cho phép các chính khách đối lập trở lại chính trường, sau khi Liên minh châu Âu đe dọa sẽ không cho Campuchia giao dịch miễn thuế.
Còn Việt Nam?
Từ giữa năm 2016, bàn cờ đối thoại và đàm phán về nhân quyền đã dần chuyển từ tay người Mỹ sang Liên Minh Châu Âu.
Vào tháng Sáu năm 2016, Nghị viện châu Âu đã lần đầu tiên phải thể hiện quan điểm và thái độ của mình khi tung ra bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam - mang số hiệu 2016/2755 (RSP), với những lời lẽ cứng rắn chưa từng có, vào lúc chính quyền Việt Nam bắt đầu một chiến dịch đàn áp khốc liệt kéo dài 17 tháng liên tiếp đối với giới đấu tranh nhân quyền ở quốc gia “lệ rơi hình chữ S” này.
Trong vòng 4 tháng của năm 2018, Liên minh châu Âu đã ‘kết án’ nhà cầm quyền Việt Nam bằng cụm từ ‘vi phạm trực tiếp đối với các nghĩa vụ quốc tế’ khi chính quyền này bắt bớ và xử án khốc liệt và dã man hàng loạt thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ - một tổ chức xã hội dân sự đã làm được nhiều hơn bất cứ tổ chức xã hội dân sự nào khác, và hơn hẳn toàn bộ khối tổ chức hội đoàn nhà nước như Mặt trận Tổ quốc, Tổng liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên cộng sản… trong mục tiêu hỗ trợ ngư dân và giáo dân 4 tỉnh miền Trung đòi lại công lý và tiền đền bù sau thảm họa xả thải ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra vào hai năm 2016 và 2017.
Sau nhiều năm giữ thái độ nhu hòa với chính quyền Việt Nam và thậm chí còn bị cho là khá mềm yếu trước quá nhiều vi phạm nhân quyền, từ giữa năm 2016 đến nay EU ngày càng quan tâm đặc biệt đến chủ đề nhân quyền cho Việt Nam và nói thẳng đây là một trong những điều kiện bắt buộc, để nếu Việt Nam không chịu cải thiện nhân quyền thì sẽ không có cơ hội nào có được EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu).
Từ nửa cuối năm 2016 đến nay, một số nghị sĩ của EU đã đến Hà Nội làm việc về EVFTA và luôn kèm dẫn những điều kiện về nhân quyền - vấn đề trước đây chỉ là yếu tố phụ thì nay đã trở thành một trọng tâm của EVFTA. Đặc biệt là vai trò của Nhà nước Đức khi đàm phán với Việt Nam không chỉ về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà cả về tù nhân lương tâm và quyền tự do xuất cảnh của những người bất đồng chính kiến đang nằm trong ‘nhà tù lớn’.
Nhưng trong nguyên năm 2017, chủ đề nhân quyền đã hoàn toàn không được Việt Nam quan tâm và phản hồi. Thậm chí ngược lại, nhà cầm quyền Việt Nam còn bắt giam đến gần ba chục người bất đồng chính kiến vào năm đó - một “thành tích” tương đương với thời kỳ “khủng bố trắng” từ năm 2008 đến năm 2012.
Kết quả hầu như là con số 0 của Đối thoại nhân quyền EU - Việt Nam vào tháng 12/2017 cùng bản nghị quyết nhân quyền đầy sắc thái cứng rắn của Quốc hội EU trong cùng tháng đó đã cho thấy châu Âu không còn chấp nhận tư thế dễ bị “ăn hiếp” bởi giới chóp bu Việt Nam quá quen mặc cả nhân quyền đổi lấy lợi ích thương mại, đồng thời dựng lên một bức tường đủ cao trước Hà Nội nếu muốn đạt được EVFTA.
Vào tháng Mười Một năm 2018, trong lúc chính thể độc đảng ở Việt Nam đang kỳ vọng chưa từng có về triển vọng sắp được ‘ăn’ EVFTA, Nghị viện châu Âu đã tung ra một bản nghị quyết nhân quyền với lời lẽ cứng rắn chưa từng có, hàm ý như một thông điệp trực tiếp cho Cộng đồng châu Âu về quan điểm ‘nhân quyền trước hết’, trước khi cơ quan này họp để quyết định có cho phép Ủy ban châu Âu ký EVFTA với Việt Nam hay không.
Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…
Bản nghị quyết trên cũng chính thức xác lập quan điểm rất rõ ràng của Nghị viện châu Âu về EVFTA. Điều đó có nghĩa là cho dù EVFTA có được Cộng đồng châu Âu cho phép ký kết, nhưng tại cuộc họp vào tháng Ba năm 2019, rất có thể Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu bác bỏ hiệp định này.
Không chỉ có thể chấm dứt giấc mơ của chính thể Việt Nam về EVFTA, EU có thể sẽ xem xét lại và chế tài thương mại đối với Việt Nam như với trường hợp Campuchia. Vụ việc ngành thủy sản Việt Nam bị EU phạt ‘thẻ vàng’ vào năm 2017 và kéo dài cho đến nay, thậm chí còn có nguy cơ phải chịu ‘thẻ đỏ’, chỉ là bước đi đầu tiên trong cơ chế cấm vận thương mại mà EU rất có thể sẽ áp dụng đối với Việt Nam nếu chế độ này tiếp tục đàn áp nhân quyền nặng nề mà không có một kế hoạch và hành động kèm theo có thể chứng minh được về cải thiện nhân quyền trong những năm tới.