Friday, 14 December 2018

Y Dịch Lê Đình Điểu Một đời cất giấu hồn thơ - Thụy Khuê


Mỗi Tết là một chuyển biến, là một lần đi. Mỗi người thân văn nghệ của tôi ra đi một cách khác nhau. Họ cũng không chết một cách "thông thường" như những người khác. Dường như với "người thường" một lần đi là vĩnh viễn, một đi không trở lại. Người văn nghệ đi nhưng vẫn còn một cái gì đó -ngoài thể xác- ở lại. Mỗi lần đọc bài thơ cũ xem bức tranh xưa là lại có "đối thoại", như thể người đi, kẻ ở chưa hề đoạn trở âm dương.

 Cuộc tạ từ họa sĩ Lê Thị Lựu thật đơn giản, tôi đến chào bà ở bệnh viện Antibes, vùng bờ biếc Côte d'Azur để mai lên đường về Paris, mừng bà bệnh tim đã đỡ, ngày mai sẽ ra viện. Không nghi ngờ gì đến chuyến đi sắp tới trong vài giờ nữa của bà, không mảy may nghĩ đến ngày mai không lại, chúng tôi đã tiêu dùng những giờ khắc cuối một cách rộng rãi, gần như xa xỉ. Bà cười, nụ cười đẹp như ảnh chụp thời xưa: nụ cười giai nhân mười tám trên đôi môi tám mươi. Bà vẫn kể những tâm sự dí dỏm như muốn múc cạn quá khứ của mình. Miền Lê Thị Lựu đã qua là mảnh đất trồng rất nhiều nghệ sĩ, bấy giờ đã thưa thớt, đã tan hàng nhiều lắm.

Bà nhắc tên những Thẩm Oánh, Tường Tam, Tường Lân trong màu sắc Mai Thứ, Lê Phổ, thành một hợp âm thủy tinh. Tiếng bà nổ ran trong đám học trò tinh nghịch Mai Thảo, Thúc Linh như một tổ khúc. Thế giới xưa trở về trong giao hưởng âm thanh, mầu sắc, tạo nên những bức ấn tượng đặc biệt, nửa mơ nửa thực, nửa hội họa nửa thi ca.


Tôi vẫn trách sao bà không viết hồi ký. Bởi cách tạo hình bằng âm thanh -ngoài bút vẽ- của bà có ma lực xoáy vào lòng người. Nhờ một cơ duyên may mắn, tôi là kẻ duy nhất được tham dự. Nói "duy nhất" bởi không ai lắng nghe chuyện bà như tôi. Không ai vừa nghe vừa thưởng thức cái đẹp trong âm thanh và màu sắc phát ra từ giọng nói ấy, tiếng cười ấy. Ông Tân, chồng bà, cũng hay kể những chuyện ly kỳ thời trẻ của hai người, thời 30-40, đối với tôi như một thế giới khác, một giấc mộng. Nhưng lạ là khi ông đi, kỷ niệm cũng trôi theo, không còn gì đọng lại. Bởi ông không phải là nghệ sĩ, ông không tạo được hoạt cảnh Ðồ Sơn với những nét chấm phá đậm nhạt, những đổi thay mầu sắc. Còn Ðồ Sơn, Sầm Sơn của bà, đã là một Ðồ Sơn, Sầm Sơn Lê Thị Lựu, như Ðoan Hùng Thế Lữ, như Long Giáng Khái Hưng. Nhưng vùng đất Thế Lữ, Khái Hưng đã nhiều người thăm viếng. Riêng mảnh trời Lê Thị Lựu đơn lạc của tôi, chưa mấy ai tạt vào.

*

Hội họa, đơn lạccái chết, Y Dịch Lê Đình Điểu, dường như cũng có đôi chút duyên nợ. Cả đời làm thơ. Cả đời giấu thơ mình. Nhiều người biết nhà báo Lê Đình Điểu, nhưng có mấy ai biết Y Dịch nhà thơ. Bà cụ anh kể: Hồi nhỏ Ðiểu giấu thơ trên nóc nhà.

 Điểu chối tội thơ. Như thể làm thơ là một tội. Nếu biết tôi đang viết những dòng này, ở đâu đó trên kia chắc anh ngượng lắm. Kệ. Cứ viết. Tôi còn nhớ, cách đây mấy chục năm, trong một bữa cơm văn bút tại Washington D.C. Tôi lúc ấy lính mới tò te vào làng văn, từ Paris sang. Lê Ðình Ðiểu đã là nhà báo thời danh, từ Cali lại. Gặp nhau lần đầu, anh tự nhiên như đã quen từ lâu lắm. Cười cười, tôi đọc:

 Ðời tổng hợp bởi muôn nghìn mặt phẳng
Mà tình ta là quỹ tích không gian.
Kiếp nhân sinh những hàm số tuần hoàn
Quanh quẩn chỉ trong một vòng lượng giác.
Anh không muốn cuộc đời toàn sin cos
Sống khép tròn công thức cộng nhân cung
Cạnh góc đời ôi phức tạp vô cùng
Mà hạnh phúc chính là đường biểu diễn
Sống yên bình chờ dòng đời tịnh tiến
Ðâu phải là nghiệm số của lòng trai
Anh muốn lên tận cực của thiên tài
Ðể đo lấy bán kính trần gian vũ trụ... (Tình Toán Học)

 Còn mấy câu sau cùng, tôi quên rồi, ông nhớ không? Tôi hỏi. Anh bối rối. Mặt đỏ bừng, một dòng sáng long lanh chảy trong mắt. Không lắc. Không gật. Tôi bực, hơi gắt: "Thơ mình mà cũng quên?". Bấy giờ anh mới lừng khừng: "Thế à? Chịu." Không phủ nhận. Không xác nhận. Tôi đâm ngờ vực ký ức: Hay mình nhớ nhầm? Hay không phải thơ hắn? Có đâu mà lầm. Rõ ràng "tác phẩm bất hủ" của Lê Đình Điểu hồi đó mà những đứa học ban B đều thuộc lòng: Mỗi câu có ít nhất một từ toán, đặt đúng chỗ, đúng nghiã, rất đắc địa. Bài thơ đăng trên báo xuân Chu Văn An, tờ báo bán chạy nhất trong các tờ xuân học trò. "Kiệt tác" của Lê Đình Điểu được nhiều đứa chép lại trong sổ tay như kinh thi, như sở từ. Và "kiệt tác" đã theo du học đi xa. Từ hơn 30 năm nay, mình vẫn nhớ thơ hắn. Phải là thơ hắn, "ngôi sao văn đàn" thời đó. Nay gặp đích mặt, phải hỏi hắn mấy câu cuối, để chép vào ký ức dở dang. Gặp. Hắn chối. Như chưa bao giờ làm thơ. Như một kỷ niệm chưa bao giờ hiện hữu. Như một Sàigòn văn nghệ học sinh toán loạn "đầy sức sống" những năm 60 chưa bao giờ có thực. Như những tập báo xuân Chu Văn An chưa bao giờ được in ra...

 Mà làm sao xóa được. Cả đám học trò con gái thời đó đều "nhất trí" rằng bọn "Chu Văn Ôn" tuy có ăn phải cái bả Trứ-Quát "thông minh nhất nam tử, yếu vi thiên hạ kỳ", có trót làm những câu thơ huênh hoang nhảm nhí "viết ngang trời ba chữ Chu Văn An", bọn đó nhiều tội lắm, nhưng chúng cũng có chút tài mọn, ít ra là tài làm báo Xuân, hay hơn bọn con gái. Cứ đến những ngày gần Tết là chúng lại hì hục đem báo Xuân vào trường con gái bán. Không chỉ bán báo mà lợi dụng tình thế làm quen, dăm ba tên lăm le chờ chực cổng trường để hộ tống (xe đạp) giai nhân xa giá. Ở chỗ đó, Thầy Nguyên Sa của chúng đã đi guốc vào bụng học trò: Nàng đến gần tôi chỉ muốn quay đi, cả những giờ bên lớp học trường thi, tà áo khuất thì thầm chưa phải lúc...

Thời đi học trôi nhanh, chúng tôi mỗi người một ngả, không còn dịp gặp lại tuổi học trò. Ngoài Tình toán học, Điểu có nhiều bài thơ ký tên Y Dịch, thỉnh thoảng đăng đâu đó.

Trong tập Lưu bút ngày xanh, tôi chép hai bài thơ Y Dịch, nhưng không đề tên. Thơ trong Lưu bút ngày xanh có lệ không ghi tên tác giả. Nghiã là dù anh là Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, hay Huy Cận gì, đối với chúng tôi cũng như nhau tuốt. Câu thơ nào chúng tôi thích thì chúng tôi chép, không cần biết tên tác giả. Và đã được chép vào Lưu bút ngày xanh là hân hạnh lắm vì chúng tôi sẽ nhớ suốt đời.

Lưu bút ngày xanh rồi cũng phôi pha, thất tán, trong ly hương, mấy ai còn giữ, nhưng phần lưu tâm khó tuyệt bản trong lòng.

Hôm chị Ðiểu gửi tặng tập thơ Y Dịch, tôi tình cờ tìm thấy trong Chiều Mimosa, những câu thơ đã được mình "tuyển" vào lưu bút:

Ta ngồi đây nhìn chiều hồng nhẹ chết
Áo hoàng hôn trùm kín không gian sầu
Ôi mắt em bụi đêm mờ lấp cả
Phút giây sau tìm chẳng thấy chiều đâu (Chiều)

 Bài Mimosa dài hơn, có đoạn tôi đã chép lên trang đầu làm lời "tựa" cho tập lưu bút.

Người đã yêu ai? mười lăm hay mười sáu
Muốn ngỏ lời bằng lưu bút ngày xanh
Bằng trang thư màu tím giấy mong manh
Nhưng vẫn ngại, vẫn run, hay vẫn thẹn?
Ôi, đắm say tuổi yêu đương hò hẹn
Xin mách người hãy thổ lộ bằng hoa.
Xin mách người một đóa Mimosa
"Tình thứ nhất và từ lâu câm nín" (Mimosa)

Mimosa Y Dịch là đóa mimosa đầu tiên của tuổi trẻ. Sau này trên đường đời tôi còn gặp nhiều mimosa khác, sâu sắc và đớn đau hơn, nhưng đóa hoa đầu được "tuyển" vẫn đẹp như một di tích cảm xúc nguyên khai, như một lựa chọn lâu dài cho thời còn lại.

Thơ học trò của Y Dịch đậm dấu Nguyên Sa. Những bài Mimosa, Giãi Bày, Chiều Tưởng Nhớ, Khi Em Chết, ... mang dư âm Cần Thiết, Tuổi Mười Ba... bởi tuổi học trò cần những bài thơ như thế, nhiều bài như thế, của một tác giả học trò:

 Cho dáng em đi tha thướt trong chiều thu
 Cho môi em buồn cho mắt em thơ
Ðể anh xuyến xao suốt ngày bỏ bê sách vở (Giãi Bày)

Chùm hoa học trò của Ðiểu không phải là không có những câu thật hay, thật sâu, thoát khỏi ảnh hưởng của thầy để trở thành thơ Y Dịch trọn vẹn: "Dăm bông nở muộn lạnh lưng nhà", đẹp như một vọng ảnh xót xa, một bức tranh buốt giá.

Rồi những khổ đau đã thấm dần vào thơ. Y Dịch bỏ không gian mười tám, để trầm mình dưới những đợt sóng ngầm trong huyết quản, lạc loài và ngơ ngác:

 Tỉnh ra trên một chuyến tầu
 Giật mình vội hỏi đi đâu bây giờ?  (Hiện Kiếp)

  Hiện Kiếp viết từ hồi trẻ mà đã từng trải, đã có những trăn trở bao trùm cả một kiếp người:

 Mưa nghiêng mặt lộ đèn buồn
 Hàng cây tức tưởi linh hồn nước dâng
 Trán nhăn hiện kiếp một vầng
 Ðường không dưng chắn mấy tầng building.
 Ðiệu buồn bốc tự tay xanh
 Hay từ vô thức một mình đi hoang?
 Mưa nghiêng mặt lộ đèn vàng
 Những luồng bên ấy thổi sang bên này
 Ði về đâu nốt đêm nay
 Ði về đâu nốt kiếp này người ơi? (Hiện Kiếp)

Năm 60 cũng là năm Điểu viết nhiều thơ nhất. Có lẽ vì báo xuân Chu Văn An bán chạy, anh được nhiều nàng ngưỡng mộ, lên tinh thần. Có lẽ vì lúc đó anh đang yêu. Có lẽ vì... hàng trăm lẽ nhưng chỉ biết sau này vào đời, anh ít làm thơ, hầu như không làm thơ nữa, trừ một vài bài tặng vợ, chung tình và tha thiết:

 Nợ em một sáng mù sương
 Một trưa lộng gió, một đường lá bay
 Nợ em hơi ấm bàn tay
 Nợ em tóc xõa phủ đầy vai đêm. (Nợ Em)

 Bài Mê Cuồng Ca chắc chắn anh đã chịu ảnh hưởng của Ðinh Hùng. Nhưng từ Mê Hồn Ca Đinh Hùng, Y Dịch đã tạo được những mê cuồng đớn đau, hoang lạc rất lạ trong âm thanh và cảnh sắc:

 Nghe rùng mình nghiến xiết điệu ca xanh
 Ứ đọng thời gian gió dựng mây thành
 Nghe nhón bước mà bỗng dưng vắng ngắt
 Lá không trở mình hoa vàng nín bặt
 Áo liêu trai nửa vạt xõa sương lu
 Nghìn lối đi bạc trắng những sa mù
 Trong ớn lạnh trở mình quên tất cả. (Mê Cuồng Ca)

 Ở bài Tóc, vẫn thấy ảnh hưởng Đinh Hùng, nhưng những ngọn triều dâng trong thể xác đã trở thành một thứ ma quái khác:

 Và sẽ nuốt mây đêm đồi núi cũ
 Nghe tê mê rờn rợn suốt làn da...
 Trong khi đêm hờ hững phủ da ngà
 Hồn ngất lịm, gục đầu trên mái tóc. (Tóc)

 Giang hồ, cõi chết, mộ sâu... là những nét chính trong thơ Lê Đình Điểu. Y Dịch là Tay Ði, Tên Ði, Kẻ Ði. Người con trai mười lăm, mười tám ấy, lấy tên Y Dịch, vì ôm mộng giang hồ như Nguyễn Tuân. Không biết trong thực tế, Ðiểu có đi nhiều, nhưng thơ anh chìm đắm trong một chữ đi. Thế giới viễn du trong tưởng tượng của cậu trai hai mươi ấy, là hành trình vào gian nan tìm mất mát:

 Tầu nhổ neo rồi đưa người đi
 Cây bờ sông xõa tóc quay về
 Người đi nao nức khung trời lạ
 Bỏ lại đằng sau một-cái-gì? (Khởi Hành)

 Bên cạnh nỗi "đi" là nỗi "buồn" và nỗi "chết". Tất cả giao nhau trong những ngõ hẻm thị thành, đen sâu, ngậm ngùi, chói buốt:

 Bước chân chập chững đường lầy
 Áo bay nửa vạt gót giầy bâng khuâng.
 Ðiệu liêu trai rỏ thì thầm
 Xòe que diêm lại tối tăm hơn nhiều. (Buồn Kinh Ðô)

 Sắc sầu trong thơ Y Dịch chỉ là những biến sắc, lạc sắc của cuộc đời. Và hiện sinh chỉ là con đường đi về mộ tối:

 Nằm sâu nghe điệu tạ từ
 Tiếng côn trùng cũng là hư không rồi
 Lửa xanh còn chút này thôi
 Thắp hồn thơ sáng lướt ngôi mộ tàn
 Có gì đâu chuyện thế gian
 Tỉnh trăm năm vẫn trắng bàn tay mơ. (Hiện Sinh)

 Thơ Y Dịch đi từ hồn nhiên trong sáng đến bi quan, u tối, đêm, mộ, như một tất yếu. Sau khi anh mất, tôi mới biết bài Tốt Ðỏ, Tốt Ðen là của Y Dịch. Bài này đám học trò Chu Văn An cũ chuyền tay nhau, thu băng với giọng ngâm truyền cảm của một anh học trò đã thành thượng tọa. Bài này là một truyện thơ, thơ học trò, tự nhiên, vào đề là lời đối thoại của hai đứa trẻ:

 - Tốt đỏ mà đè tốt đen
 Kết nhất bội nhị là em phải đền.
 - Ứ ừ người ta đang đen,
 Không thèm chơi nữa, giả tiền tôi đây.
 - Ơ ơ, bêu chửa cô này
 Bị đè còn khóc giơ tay đòi tiền

Hoạt cảnh đánh tam cúc trong ngày Tết đang bày ra sôi nổi, vui tươi, chí chóe, anh được, em thua, cãi nhau, giận dỗi, dỗ dành... Tự nhiên Y Dịch ném vào một câu thực lãng mạn: Mắt em như có sương mù đọng mi. Và từ đây là gian nan, là tan vỡ: Chiếu xô, bài vỡ. Tạ từ thơ ngây để vào đời: Ván bài đời có tốt đen, trăm lần để kết phải đền cả trăm. Rồi họ xa nhau. Trong bao nhiêu năm? Mươi năm? Mười năm? Tình cờ gặp lại trong một ván bài khác:

Chiếu điều lại giải ra ngồi
Cỗ bài sắp lại, em ngồi tay trên
Tha hồ để kết tốt đen
Anh chui tốt đỏ cho em đây này.
Run run ép chặt bàn tay
Sợ làng bắt được biết ngay ... chúng mình.
Anh chui cho lấp điêu linh
Anh chui cho hết lênh đênh cuộc đời...

Bài thơ làm năm 57, ở tuổi hai mươi, anh đã muốn kết toán đời người. Nay anh đã xa, mỗi lần nhẩm lại những khúc độ đau thương ấy, tôi vẫn thầm hỏi Ðiểu: Thơ ông đấy à? Và như thường lệ, anh lại trả lời bằng mắt. Không lắc. Không gật. Lại hỏi: Sao chui sớm thế? Sao lại ra đi? Điểu vẫn làm thinh.

Những người thân của tôi ra đi đều thế, không ai trả lời về việc bên ấy. Khi còn bà Lựu, tôi thường dặn: Khi nào bà đi, nhớ về báo cho cháu biết tình hình bên ấy nhá. Bà gật: Ừ, bà sẽ tìm cách. Nhưng từ hồi ấy không thấy bà về lần nào. Chắc không có cách.

 Anh Tạ Trọng Hiệp, hình như biết trước nên không hứa gì. Trước hôm đi, anh vẫn còn nhắc: Hôm nay thứ tư, TK không đi trông cháu còn vào đây làm gì? Anh nhớ thời biểu của anh, của bạn anh đến chót, anh giữ lễ đến phút chót. Không rên la. Mặc dù đớn đau khủng khiếp. Anh đi như bậc túc nho, coi cái chết nhẹ như cánh lông hồng.

 Ngọc Khôi thì không muốn chết. Em sợ lắm. Trên gò má, trũng mắt, những cơn đau đẽo dần em. Trùng nuốt dần em. Ba tháng cuối, hầu như mỗi ngày em đều nắm chặt tay tôi vặn hỏi: Tại sao em phải chết? Em chưa muốn chết. Chết là như thế nào? Làm sao trả lời em được. Chị đã chết lần nào đâu. Mà chị còn phản bội em. Cầu cho em thoát nạn. Chóng đi. Chóng dứt. Em đi rồi, chẳng thấy về nói cho chị biết chết như thế nào. Chắc không nói được nên ai cũng làm thinh.

Với Lê Đình Ðiểu, câu chuyện hơi khác. Tôi ở xa. Thỉnh thoảng hỏi thăm qua điện thoại. Thường được anh trấn an: Tôi đang đổi thuốc. Ðau còn chịu được. Mọi việc đều đã sắp đặt xong. Nhưng tiếng Rồi mạnh mẽ, quen thuộc của Ðiểu mỗi ngày một vắng. Ngày trước, mỗi lần nhờ anh việc gì, khi trong điện thoại vang lên một độc âm Rồi dứt khoát, là biết việc đã xong. Tôi đã gặp Rồi trong văn chương Bình Nguyên Lộc, rồi Võ Phiến. Ngoài đời chỉ có một Rồi của Ðiểu. Rồi của tình bạn, Rồi sống với nghĩa, tín. Nay Rồi đã đi xa, không còn vang lên nữa... Anh chui cho lấp điêu linh. Anh chui cho hết lênh đênh cuộc đời. Điểu ơi, sao chui sớm thế?  Anh đi thuyền lướt vào đêm, chúc anh thuận buồm xuôi gió.

 Nửa khuya sông bạc sa mù
 Con thuyền mất hút nghìn thu khôn tìm.

Thụy Khuê
Paris 30/8/2000- 30/1/2011- Tết Tân Mão

© Copyright Thuy Khue 2000, 2011