Friday 14 December 2018

Qua Vụ Bắt Giữ CFO Meng Wanzhou của công ty Huawei - Phạm Gia Đại

Vụ bắt giữ Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Châu), một nhân vật cao cấp nhất và là Giám Đốc Tài Chánh (CFO:Chief Financial Officer) của công ty Huawei Technologies, 46 tuổi và là con gái của người sáng lập công ty, tại Vancouver vào đầu tháng 12 năm 2018 đã gây ra một cơn bão táp về chính trị như cơn địa chấn, không phải chỉ tại Canada mà còn với đối với đảng Cộng Sản Trung Hoa và Chủ Tịch Tập Cận Bình, và là một bản tin được đăng tải, đề cập đến nhiều nhất, với những tít lớn trên khắp mặt báo chí, và các đài truyền thanh, truyền hình trên thế giới. Người cha là Ren zhengfei (Nhậm Chính Phi), đảng viên cộng sản từ năm 1958, lập công ty Huawei năm 1987, và năm 2005 được tạp chí Time bầu chọn là 1 trong 500 người có thế lực nhất trên thế giới. Bà Meng Wanzhou được xem là người kế vị. Bà Meng Wanzhou đã bị bắt tại một phi trường tại Vancouver khi đang trên đường di chuyển từ Hong Kong đến Mễ Tây Cơ vào ngày 01-12-2018 – cùng ngày mà Tổng Thống Donald Trump đang hội đàm bên lề cuộc họp thượng đỉnh G-20 với Chủ Tịch Tập Cận Bình tại Buenos Aires, Argentina để bàn thảo về sự căng thẳng mậu dịch giữa hai nước. Canada đã bắt giữ CFO Meng Wanzhou theo yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ. Lệnh bắt giữ này đã có từ ngày 22 tháng 8, và Canada đã sẵn sàng thi hành lệnh từ tháng 11, nhưng còn phải chờ dịp bà Meng Wanzhou quá cảnh Vancouver vào ngày đầu tháng 12 mới thực hiện được.
Phía Trung Cộng qua Ngoại Trưởng Vương Nghị đã phản ứng gay gắt và đòi chính phủ Canada phải thả ngay Meng Wanzhou, và triệu tập hai đại sứ của Canada và Hoa Kỳ tại Bắc Kinh đến để đưa ra tuyên bố phản đối, và lập tức trả đũa bằng cách bắt giam một cựu nhân viên ngoại giao tại Bắc Kinh. Theo Reuters đó là ông Michael Kovrig, cựu ngoại giao và nhân viên của The International Crisis Group.
Phía chính phủ Canada đã hồi đáp rằng Canada là một nước dân chủ có ba ngành hoàn toàn độc lập là Hành Pháp-Tư Pháp-Lập Pháp, và quyết định bắt giữ là thuộc về Tòa Án của Canada. Tuy nhiên sau 10 ngày bị giam giữ, luật sư của bà Meng Wanzhou là David Martin đã thành công trong việc xin cho bà được tại ngoại hầu tra (bailed out) với số tiền đóng thế chân $7.5 triệu. Theo phóng viên Stephen Engle của Bloomberg, và Emily Rauhala của Washington Post, tòa án Canada đã cho phép bà Meng Wanzhou được về sống tại căn nhà của bà ở Vancouver trong khi chờ đợi thủ tục dẫn giải qua Hoa kỳ vì các gian lận của công ty Huawei Technologies trong nhiều năm qua, và vì đã vi phạm lệnh cấm vận của Hoa kỳ đối với Iran. Nhưng tại sao mũi tên lại nhắm vào công ty Huawei và CFO Meng Wanzhou trong thời điểm G-20 đàm phán Mỹ-Hoa đã cho “hưu chiến” 90 ngày trước khi quyết định sẽ nâng thuế mới lên 25% cho hàng Trung Cộng?
Công tố viên Canada cho biết Meng Wanzhou đã vi phạm lệnh cấm vận từ những năm 2013 để vẫn tiếp tục buôn bán với Iran qua công ty Mỹ Skycom tại Hồng Kong. Việc bắt giữ này đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước, có những nguyên do phức tạp cả về kinh tế, chính trị, và cả trên mặt trận gián điệp, và không hề có liên quan gì đến cuộc chiến mậu dịch đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Việc bắt giữ này chỉ trùng hợp với thời điểm họp G-20 mà thôi, và đây là nước cờ mới nhất của Hoa Kỳ nhằm chặn đứng lại ý đồ muốn làm bá chủ hoàn cầu của Bắc Kinh qua những chiến lược như “Một Vành Đai-Một Con Đường” và thả vòi bạch tuộc khắp nơi. Đó cũng là hành động để giữ ngôi vị siêu cường trên thế giới của Hoa Kỳ, và xóa bỏ ảo vọng của China muốn vươn lên thành đối trọng hiển thực (viable counterweight) của Mỹ. Hành động này của Mỹ nằm trong chiến lược vượt xa ra ngoài cuộc chiến mậu dịch. Vì sau khi China vào được Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO, China đã không giữ lời hứa đã cam kết phải tuân thủ, và China đã lợi dụng cơ hội này làm giầu mau chóng, lôi kéo các công ty Mỹ và phương Tây vào Hoa Lục, ăn cắp các kỹ thuật, và tạo ra những lỗ hổng lớn cho kinh tế Mỹ và những đe dọa cả về kỹ thuật và quân sự, và Tổng Thống Trump muốn cắt đi các mối giây mơ rễ má này để kéo các công ty Mỹ về lại Hoa Kỳ, theo giáo sư Nick Bisley của đại học La Trobe University tại Melbourne, Úc Châu. Toán chuyên viên của Tổng Thống Trump còn chỉ ra rằng chiến lược đưa nhãn hiệu “Made in China năm 2025” trở thành đứng đầu thế giới của China về không gian và người máy là một đe dọa khiến cho Tổng Thống muốn tăng thuế lên. Và công ty Huawei là tiêu biểu cho mối đe dọa này đang muốn thống trị thế giới về các con chíp computer và kỹ thuật viễn thông. Mỹ cũng e ngại rằng trước sức ép của  Bắc Kinh,các công ty ngoại quốc về viễn thông có thể sang nhượng lại kỹ thuật 5G cho China. Cũng vì lẽ đó, theo văn phòng luật sư Gibson Dunn, ngay trong năm đầu, chính quyền của Tổng Thống Trump đã tăng thêm 1,000 công ty và cá nhân vào danh sách cấm vận, nhiều hơn 30% so với chính quyền Obama trong năm cuối, là biện pháp khống chế lại các đối thủ như Bắc Triều Tiên hay Iran. Về chiến lược “Một Vành Đai-Một con Đường”, theo Morgan Stanley, Bắc Kinh sẽ cho vay lên đến 1,300 ngàn tỷ USD cho các nước nằm trên vành đai này để xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến năm 2027, và Tập Cận bình đã trấn an các nước ven biển thái Bình Dương APEC rằng đây không phải là “bẫy nợ” mà yên tâm hợp tác với China. Tuy nhiên, Ngũ Giác Đài đã lên tiếng cảnh cáo các nước APEC là hải cảng của họ có thể bị Bắc Kinh sử dụng làm căn cứ quân sự trong tương lai, mà Sri Lanka là một thí dụ không trả được nợ đã phải nhượng một cảng của họ trên Ấn Độ Dương cho China trong 99 năm. Để chống lại âm mưu này của Bắc Kinh, Phó Tổng Thống Mike Pence cảnh tỉnh các nước APEC chớ để chìm trong biển nợ, và hứa Hoa kỳ sẽ tháo khoán $60 tỷ USD để tài trợ cho họ phát triển hạ tầng.
Cũng theo Washington Post, Năm 2012, Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện ra thông cáo về hai công ty Huawei và ZTE đã trợ giúp cho các cơ quan tình báo của Trung Cộng để làm gián điệp với các công ty Mỹ sử dụng các trang bị của họ. Vì thế mà bốn nước chia sẻ về hệ thống tình báo là Mỹ, Anh, Úc, và Tân Tây Lan đã block không cho công ty Huawei vào được hệ thống 5G của họ. Nhật cũng chính thức cấm những hợp đồng chính thức với ZTE và Huawei, dù rằng Huawei và China chối bỏ nói họ không làm gì sai.
Theo Gordon Chang, tác giả cuốn “Sự Sụp Đổ Sắp Đến của Tầu” (The Coming Collapse of China), cho biết nhờ vào thủ đoạn ăn cắp kỹ thuật của công ty Cisco, công ty Huawei đã trở thành sức mạnh, và chính Trung Cộng đã yểm trợ cho các hoạt động thương mại của Huawei Technologies. Ngoài ra, từ nhiều năm trước, các cơ quan tình báo của Hoa kỳ bắt đầu theo dõi Huawei như đã làm với công ty ZTE, rằng Huawei đã có những mối liên hệ với chính quyền Trung Cộng và các thiết bị của họ có thể mở ngỏ cho các điệp viên China sử dụng. Được biết, công ty ZTE đã bị tòa phán quyết có tội năm 2017 vì vi phạm lệnh cấm vận của Hoa kỳ với iran, và đã phải nộp phạt $892 triệu.
Ngoài ra, theo các nguồn tin tình báo của Mỹ, bà Meng Wanzhou riêng hai năm 2017 và 2018, đã ra vào đất Mỹ rất nhiều lần với các sổ thông hành khác nhau để thi hành các mệnh lệnh từ Bắc Kinh trong việc phá hoại nước Mỹ, đặc biệt nhắm vào Tổng Thống Donald Trump và cuộc bầu cử tổng thống sắp đến. Bà còn bị nghi là thủ lãnh của một cơ quan tình báo hải ngoại nổi tiếng của China với các hoạt động nhắm vào Bắc Mỹ. Theo một bản tin đặc biệt của Reuters, ngày Thứ Ba vừa qua, Tổng Thống Donald Trump đã họp báo với các phóng viên của Reuters tại Phòng Họp Bầu Dục cùng với Giám Đốc về Thông Tin của Tòa Bạch Ốc, và ông nói rằng ông sẽ can thiệp với Bộ Tư Pháp trong vụ bắt giam CFO của Huawei Technologies, nếu nó ảnh hưởng đến những quyền lợi về an ninh quốc gia, hay giúp hoàn thành trade deal với China. Tổng Thống Trump nói những gì tốt cho quốc gia ông sẽ làm: "Whatever's good for this country, I would do".
Phạm Gia Đại

Tin Tổng Hợp trên VietcarolinaTV: Qua vụ Bắt giữ CFO Meng Wanzhou của Công Ty Huawei :
Trên Việt Báo: