1/ Địa dư của Đài Loan.
Đài Loan là một hòn đảo nằm trong biển Đông Trung Hoa (the East China Sea) giữa các vĩ độ 21 độ 45 và 25 độ 57 bắc, và giữa hai kinh tuyến 119 độ 18 và 24 độ 35 đông. Hòn đảo này trông giống như một chiếc lá với cuống lá hướng về phía nam, trải dài 402 cây số theo chiều dọc trong chí tuyến Bắc Giải (tropic of Cancer) và có bề ngang rộng nhất là 129 cây số. Diện tích của đảo Đài Loan là 35,571 cây số vuông, vào khoảng diện tích của nước Hòa Lan. Ngoài đảo lớn, chính quyền Trung Hoa Quốc Gia còn quản trị quần đảo Bành Hổ (Pescadores), đảo Kim Môn (Kinmen) và đảo Mã Tổ (Matsu) với diện tích tổng cộng là 596 cây số vuông.
Đảo Đài Loan cách lục địa Trung Hoa là tỉnh Phúc Kiến 193 cây số về phía đông, cách 595 cây số về phía tây nam của đảo Okinawa, Nhật Bản, và 355 cây số phía bắc của đảo Lữ Tống (Luzon) của Phi Luật Tân. Xương sống của đảo Đài Loan là rặng núi với hơn 62 đỉnh cao trên 10,000 feet (3,048 mét) và ngọn núi cao nhất có tên là Núi Morrison, 3997 mét, và được người Trung Hoa gọi là Yu-shan hay Núi Ngọc (Jade Mountain).
Đài Loan có thời tiết thay đổi bất thường, bán nhiệt đới tại mạn bắc và tại các miền núi cao, trong khi các phần đất bằng phẳng phía nam có khí hậu nhiệt đới với hai mùa rõ rệt: mùa nóng từ tháng 5 tới tháng 10 và mùa lạnh từ tháng 11 tới tháng 3. Hòn đảo này có độ ẩm rất cao khiến cho về mùa hè, khí hậu bên ngoài giống như một nhà tắm hơi dù cho nhiệt độ không quá 32 độ C (90 độ F), còn về mùa đông, trời lạnh cắt da ở 5 độ C (40 độ F). Thời tiết tốt đẹp nhất trong năm là giữa hai tháng 4 và 5 hay hai tháng 10 và 11, với bầu trời trong xanh, ngày ấm áp và đêm mát mẻ.
Tại Đài Loan, lượng mưa hàng năm là 259 cm và các miền núi cao còn có lượng mưa gấp 5 lần. Đầu năm 1983, phần lớn hòn đảo đã bị ngập mưa trong 45 ngày liên tiếp. Đài Loan còn gặp các trận gió mùa đông-bắc về mùa đông và tây-nam về mùa hè, nhưng đáng ngại nhất là các trận cuồng phong bắt nguồn từ Indonesia, thổi qua Phi Luật Tân và hướng tới Đài Loan với tốc độ gió trên 160 cây số/giờ, gây nên tổn hại rất to lớn. Trận cuồng phong năm 1968 đã làm cho thành phố Đài Bắc ngập dưới 4 mét nước khiến cho dân chúng chỉ có thể di chuyển bằng thuyền bè. Trận bão mạnh nhất ghi nhận được là vào tháng 8 năm 1911 với tốc độ gió 251 cây số/giờ. Tuy thế, Đài Loan vẫn có các cảnh biển, cảnh núi và các phong cảnh bốn mùa thay đổi, hấp dẫn hàng vạn du khách gốc Hoa cũng như từ các quốc gia khác.
Ngày nay, dân số Đài Loan lên tới 23.5 triệu người, phần lớn sống tại các đồng bằng phía tây. 85 phần trăm dân số có nguồn gốc Trung Hoa, di cư từ tỉnh Phúc Kiến và từ một số miền dọc theo bờ biển trong các năm từ 1600 tới 1949. Họ nói tiếng Quan Thoại và đôi khi cũng dùng tiếng Min-nam (Min-nan-hua) là thổ ngữ cổ của Phúc Kiến, một ngôn ngữ đã bị chính quyền Dân Quốc Đảng cấm đoán.
2/ Đài Loan thời xưa.
Sử liệu của Trung Hoa đã ghi nhận về Đài Loan vào thời kỳ trước Nhà Hán, 206 năm trước Tây Lịch, và theo cuốn Sử Ký của Tư Mã Thiên (Ssu-ma Chien), nhà sử học Trung Hoa đã sống từ năm 145 tới năm 86 trước Tây Lịch thì vào thời đó đã có các nhóm người đi khám phá hòn đảo Đài Loan.
Theo Tam Quốc Chí (San Kuo Chi), Vua nhà Ngô cũng đã gửi một lực lượng 10 ngàn quân viễn chinh qua Đài Loan vào năm 239 sau Tây Lịch. Năm 1430, một hoạn quan của triều Minh và cũng là một nhà hàng hải, tên là Trịnh Hòa (Cheng Ho) đã báo cáo với Hoàng Đế Trung Hoa sự khám phá của ông ta về hòn đảo Đài Loan nhưng vào thời đó, triều đình nhà Minh đã cấm đoán dân Trung Hoa không được di cư qua đảo này cũng như đi tới các nơi khác.
Thổ dân của Đài Loan gồm có hai loại: nhóm chuyên sống về nông nghiệp tại các đồng bằng ở giữa và phía tây nam và nhóm thứ hai sống trên núi cao, có tục xăm mình và săn đầu người. Nhóm di dân đầu tiên từ lục địa Trung Hoa có tên gọi là Hakka, có nghĩa là “người lạ”. Đây là số người thuộc tỉnh Hồ Nam bị ngược đãi vào khoảng 15 thế kỷ trước, nên đã bỏ chạy tới các tỉnh bờ biển Quảng Đông và Phúc Kiến. Họ làm nghề đánh cá và buôn bán nhờ vậy họ đã tới được quần đảo Bành Hổ (Pescadores) rồi tới Đài Loan. Vào khoảng 1,000 năm sau Tây Lịch, người Hakka đã định cư tại phía nam hòn đảo, chiếm giữ các cánh đồng phì nhiêu và đẩy thổ dân lên mạn bắc. Nhóm người này đã trồng lúa, đường và trà và cũng buôn bán với lục địa Trung Hoa.
Trong thời Nhà Minh (1368-1644), các người di dân từ tỉnh Phúc Kiến cũng bắt đầu băng qua eo biển, tới Đài Loan, chiếm các nơi phì nhiêu và đẩy người Hakka vào sâu trong đất liền. Những người định cư mới này tự gọi mình là dân bản xứ (ben-di-ren) để phân biệt với thổ dân cũ và người Hakka, được gọi là “người lạ”.
3/ Đài Loan thời thực dân.
Sang thế kỷ 16, các người Bồ Đào Nha trên đường đi tới Nhật Bản, đã trông thấy hòn đảo Đài Loan và đã thốt lên câu “Isla Formosa” tức là “Hòn đảo đẹp” (Formosa: đẹp, theo tiếng Bồ), do vậy hòn đảo có tên là Formosa từ đó.
Trong hai thế kỷ 15 và 16, dân đảo Đài Loan đã sản xuất ra thực phẩm và các đồ dùng khác. Họ không bị kiểm soát bởi chính quyền Trung Hoa lục địa trong khi hòn đảo này lại nằm gần với con đường buôn bán đi tới Nhật Bản, Trung Hoa và Hồng Kông. Vì vậy Đài Loan đã trở nên địa điểm trú ẩn lý tưởng của các kẻ cướp biển. Vào năm 1593, vị Tướng Quân của Nhật Bản thời bấy giờ là Toyotomi Hideyoshi đã tìm cách sáp nhập hòn đảo này vào nước Nhật nhưng dự định không thành. Đài Loan cũng bị các nhà thuộc địa châu Âu dòm ngó. Sau khi không giành giật được Macao từ tay người Bồ Đào Nha, người Hòa Lan đã thiết lập vào năm 1624 một căn cứ tại phía nam hòn đảo với 3 pháo đài. Ngày nay pháo đài Zeelandia gần thành phố Đài Nam (Tainan) vẫn còn là một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách.
Người Hòa Lan đã áp dụng chính sách thuộc địa cổ điển, đánh thuế rất nặng lên người dân trên đảo, khai thác sức lao động của họ và qua các nhà truyền giáo, chuyển họ sang đạo Thiên Chúa. Vào thời kỳ này, Công Ty Đông Ấn Hòa Lan (the Dutch East Indian Company) đã nắm độc quyền về thương mại. Họ đã nhập cảng thuốc phiện từ Java, Indonesia, dạy cho người dân địa phương Đài Loan hút thuốc phiện trộn với thuốc lá. Thói nghiện này đã mọc rễ tại Đài Loan, lan sang đảo Áo Môn mà vào lục địa Trung Hoa, khiến cho hai thế kỷ sau xẩy ra Cuộc Chiến Tranh Nha Phiến.
Trong khi người Hòa Lan chiếm giữ phía nam của đảo, thì người Tây Ban Nha cũng cho thiết lập hai trại lính tại mạn bắc. Sự xung đột giữa hai lớp người thực dân này đã khiến cho người Tây Ban Nha bị đẩy ra khỏi Đài Loan vào năm 1642. Cũng vào dịp này, người Mãn Châu bắt đầu thôn tính lục địa Trung Hoa. Nhà Minh đã cai trị Trung Hoa trong 176 năm với 16 vị Hoàng Đế. Khoa học và nghệ thuật đã phát triển rực rỡ vào thời đại này nhưng càng về sau, sự tham nhũng đã làm suy sụp chế độ. Lực lượng Mãn Châu xuất phát từ mạn đông bắc Trung Hoa, đã tiến dần về Bắc Kinh. Vào lúc này, vị Hoàng Đế cuối cùng của nhà Minh là Sùng Trinh (Sze Tsung) phải gọi đến một tên cướp đặt căn cứ tại Đài Loan tên là Trịnh Kỳ Long (Cheng Chi-lung) tập hợp lại các đạo quân rời rạc của nhà Minh để chống lại lực lượng Mãn Châu. Nhưng băng đảng của tên tướng cướp đã cướp bóc Bắc Kinh, mở cửa cho đội quân Mãn Thanh tiến vào Kinh Đô và nắm quyền. Hoàng Đế Sùng Trinh vì thế đã treo cổ tự tử.
Vào thời gian lực lượng Mãn Châu mới chiếm được Bắc Kinh và lập nên nhà Thanh (the Qing dynasty, 1644-1911), Trịnh Kỳ Long vẫn duy trì được quân đội còn lại của nhà Minh. Nhân vật này đã lấy một người vợ Nhật, sinh ra một người con trai có tên là Trịnh Thành Công (Cheng Cheng-kung) mà người Tây phương thường gọi bằng tên Koxinga. Thừa hưởng nghiệp cha, Trịnh Thành Công đã dùng đội quân 100 ngàn lính với 3 ngàn chiến thuyền để chống nhau với đội quân Mãn Thanh từ năm 1646 tới năm 1658, và đã có lần sắp chiếm được thành phố Nam Kinh. Cuối cùng, lực lượng của Trịnh Thành Công cũng bị thất bại và phải bỏ chạy qua hòn đảo Đài Loan.
4/ Đài Loan và Trịnh Thành Công.
Trịnh Thành Công |
Sau đó các người Tây Ban Nha và Nhật Bản cũng phải rút lui và đảo Đài Loan đã trở thành phần đất cuối cùng của nhà Minh chống lại chính quyền Mãn Thanh. Trịnh Thành Công đã thiết lập triều đình tại pháo đài Zeelandia gần Đài Nam và làm phát triển hệ thống giao thông cũng như giáo dục trên đảo này. Sản phẩm nông nghiệp dồi dào, Đài Nam trở nên một trung tâm chính trị và thương mại và cảng An Bình (An-ping) trở nên rất trù phú. Tuy nhiên công lao lớn nhất của Trịnh Thành Công là đã mang tới Đài Loan Văn Hóa, Luật Pháp, các phong tục và tập quán Trung Hoa. Chung quanh ông ta là cả ngàn học giả, tu sĩ, nghệ sĩ và các bậc thầy về mọi ngành văn hóa. Trịnh Thành Công chết ở tuổi 38, một năm sau khi đã chinh phục được đảo Đài Loan. Ông được tôn thờ tại Đài Loan như một người quân tử.
Về sau, con và cháu của Trịnh Thành Công còn tiếp tục cai trị Đài Loan cho tới năm 1684, khi nhà Thanh chinh phục được hòn đảo này và đổi thành một phủ của tỉnh Phúc Kiến và trong 150 năm đầu kế tiếp, các người Trung Hoa lục địa vẫn tiếp tục di cư qua Đài Loan, khiến cho dân số của hải đảo này tăng lên gấp 7 lần.
5/ Đài Loan và Nhật Bản.
Tới đầu thế kỷ 19, Đài Loan lại là một nơi quan tâm của các nhà thuộc địa phương Tây. Các người bị đắm tầu, trôi dạt vào hòn đảo này thường bị đánh đập, chặt đầu bởi chính quyền Trung Hoa địa phương hay thổ dân. Các lực lượng phương Tây thường phản đối với Bắc Kinh biết đâu rằng chính quyền trung ương của Trung Hoa thời đó đã trở nên bất lực đối với hòn đảo này. Ngoài ra, nhiều nước phương Tây cũng chú ý tới Đài Loan trong đó có cả nước Anh và Hoa Kỳ. Hòa Ước Thiên Tân (Tientsin) ký vào năm 1860 chấm dứt cuộc Chiến Tranh Nha Phiến và đã bắt Trung Hoa phải mở 4 cảng tại Đài Loan: Kỳ Long (Keelung) và Túc Ngao (Suao) ở miền bắc, Đài Nam (Tainan) và Cao Hùng (Kaohsiung) ở mạn nam.
Trong thập niên kế tiếp, ngoại thương tại Đài Loan đã phát triển mạnh và đã liên hệ với các công ty của người Anh và người Mỹ. Các sản phẩm xuất cảng bao gồm gạo, trà, đường, long não, gỗ và than đá. Món nhập cảng duy nhất là thuốc phiện với trị giá có khi cao hơn cả các hàng xuất cảng.
Vào năm 1867, đã có 25 thương nhân ngoại quốc sống tại Đạm Thủy (Tamshui) và Kỳ Long (Keelung) thuộc miền bắc Đài Loan và hơn một chục người khác cư ngụ tại Đài Nam (Tainan). Thương mại gia tăng gấp hai từng năm một khiến cho cộng đồng người Hoa phát triển và họ đã buôn bán với các cộng đồng khác tại Hồng Kông, Áo Môn và Quảng Đông. Tuy nhiên, tại đây các trách nhiệm chính trị và luật pháp không được thi hành. Thủy thủ từ các tầu buôn ngoại quốc ghé các cảng Đài Loan đã xung đột với dân địa phương và các vụ thanh toán lẫn nhau đã không được giải quyết. Đồng thời các giáo phái ngoại quốc cũng muốn tranh giành ảnh hưởng và các thương nhân xung đột vì muốn giành độc quyền về xuất và nhập cảng. Đã có các cuộc tấn công các nhà truyền giáo và các người Hoa cải đạo. Trật tự xã hội đang bị đe dọa trong khi Đài Loan lại là một hòn đảo giàu tài nguyên thiên nhiên, nằm tại một vị trí chiến lược rất quan trọng. Luật pháp và trật tự cần được vãn hồi và chính vào lúc này, người Nhật Bản đã ra tay.
Năm 1872, một tầu biển Nhật Bản bị đắm ở ngoài khơi Đài Loan. Trong số 69 thủy thủ, 12 người sống sót nhưng đã bị thổ dân Botan giết hại. Tin tức này về tới Tokyo và giới quân sự Nhật thời bấy giờ bèn chuẩn bị một cuộc hành quân trừng phạt. Sau cuộc thương lượng với Bắc Kinh thất bại, ngày 27 tháng 4 năm đó, 2,500 quân Nhật với 1,000 cu-li đã đổ bộ vào hai điểm phía nam của Đài Loan và tiếp tục chiếm giữ vùng đất mặc dù các phản đối của chính quyền Trung Hoa. Cuối cùng, chính phủ Trung Hoa tại Bắc Kinh phải bồi thường 100 ngàn lạng bạc cho gia đình các nạn nhân và 400 ngàn lạng bạc để trả chi phí cho cuộc hành quân. Quân đội Nhật Bản sau đó rút lui vẻ vang.
Việc tạm chiếm đóng Đài Loan của Nhật Bản đã làm vừa lòng vài quốc gia tây phương vì đã loại bỏ được cuộc tấn công vào các nhà thuộc địa, trong khi đó tại Nhật Bản, giới quân sự lại chủ trương phải sáp nhập vào Nhật Bản quần đảo Lưu Cầu (Ryukyu), đảo Đài Loan và bán đảo Triều Tiên. Vào năm 1895, việc Nhật Bản xâm lăng Triều Tiên đã làm bùng nổ cuộc chiến tranh giữa hai nước Trung Hoa và Nhật Bản. Trung Hoa gửi tầu chiến tới giúp đồng minh Triều Tiên của mình, song đoàn tầu này đã bị Nhật Bản đánh chìm. Số tiền dành cho Hải Quân Trung Hoa đã bị cắt xén đi, một phần lớn để xây dựng Cung Điện Mùa Hè của Từ Hi Thái Hậu (Tze Hsi) tại phía bắc thành phố Bắc Kinh. Sự thất trận này đã khiến Trung Hoa phải ký Hòa Ước Mã Quan (Shimonoseki) vào ngày 17/4/1895, nhường quyền cả quần đảo Lưu Cầu và lẫn đảo Đài Loan cho Nhật Bản và sau đó 15 năm, Triều Tiên cũng bị sáp nhập vào đế quốc Nhật Bản.
Dưới quyền thống trị của Nhật Bản, luật lệ nghiêm khắc đã được áp đặt tại Đài Loan. Mọi người dân phải học và nói tiếng Nhật, dùng tên Nhật. Người Nhật Bản đã mở mang các đường lộ và đường xe lửa, cho xây dựng các trường học và bệnh viện, thiết lập các nhà máy để khai thác các tài nguyên của Đài Loan sao cho có lợi cho Nhật Bản. Các quan lại địa phương vì được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi, nên đã bỏ quên đa số quần chúng, để mặc cho người Nhật nhào nặn đất nước theo kiểu mẫu của Nhật Bản và tách rời khỏi nguồn gốc Trung Hoa. Người dân đảo Đài Loan đã cam chịu cực khổ của một dân tộc nô lệ cho tới khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt và quyền cai trị hành chánh Trung Hoa được vãn hồi kể từ ngày 25 tháng 10 năm 1945. Ngày Phục Hưng (Restoration Day) này vẫn còn được cử hành hàng năm tại Đài Loan.
Sau Thế Chiến Thứ Hai, Đài Loan đã gặp phải một nhóm người có thế lực từ lục địa qua, tháo gỡ các cơ sở kỹ nghệ hạ tầng mà người Nhật đã xây lắp khi trước, mang về bán tại Thượng Hải (Shanghai). Trong khi đó cuộc nội chiến Trung Hoa bùng nổ giữa phe Cộng Sản và phe Quốc Dân Đảng do Tướng Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek) chỉ huy.
6/ Đài Loan và chế độ Quốc Dân Đảng.
Tưởng Giới Thạch |
Tưởng Giới Thạch sinh ngày 31 tháng 8 năm 1887 tại tỉnh Chiết Giang. Mẹ của ông là một người rất sùng tín đạo Phật và cha là một nhà buôn muối, chết khi ông lên 8 tuổi. Năm 14 tuổi, Tưởng Giới Thạch được mẹ xếp đặt, kết hôn với Mao Phú Mỹ (Mao Fu-mei) và vào năm 1908, người con trai đầu ra đời, đặt tên là Tưởng Kinh Quốc (Chiang Ching-kuo).
Vào thời gian đó, chế độ quân chủ của nhà Thanh đang tàn lụi, tinh thần cách mạng đang lên và chủ nghĩa quốc gia đang trỗi dậy. Trong hoàn cảnh sống động này, Tưởng Giới Thạch đã theo học quân sự tại Nhật Bản và chính tại nơi này, ông ta đã gặp Bác Sĩ Tôn Dật Tiên (Sun Yat-sen) là cha đẻ của cuộc Cách Mạng Tân Hợi.
Tưởng Giới Thạch tốt nghiệp quân sự vào năm 1912, lúc mà Vua Phổ Nghi (Pu Yi), vị vua cuối cùng của Nhà Thanh, thoái vị và Bác Sĩ Tôn Dật Tiên trở nên Tổng Thống tạm thời của Trung Hoa Dân Quốc. Sau khi người con trai thứ hai là Tưởng Vệ Quốc (Chiang Wei-kuo) chào đời, Tưởng Giới Thạch trở về Trung Hoa. Trong 10 năm, họ Tưởng sống tại Thượng Hải (Shanghai), quen thân với giới thương gia giàu có và các chủ ngân hàng tại thành phố cảng kỹ nghệ rất quan trọng này. Rồi chính giới tư bản của Thượng Hải đã ủng hộ Tưởng Giới Thạch trong nhiều năm.
Một ảnh hưởng thứ hai đối với sự nghiệp của Tướng Tưởng Giới Thạch là chuyến công du năm 1923 do Bác Sĩ Tôn Dật Tiên phái đi Mạc Tư Khoa (Moscow). Sau chuyến đi này, Tưởng Giới Thạch hoàn toàn bất tín nhiệm người Nga và hết sức căm thù chủ nghĩa Cộng Sản.
Tướng Tưởng Giới Thạch bị coi là một nhà cách mạng bảo thủ. Ông rất ghét chế độ Mãn Châu tại Bắc Kinh, muốn chấm dứt sự ô nhục của người Trung Hoa trước sức mạnh của các cường quốc phương tây, muốn làm thay đổi nước Trung Hoa theo tinh thần của chủ nghĩa quốc gia và muốn phục hồi các giá trị xã hội cổ truyền theo Khổng Học.
Sau chuyến “Bắc Phạt” thành công, Tướng Tưởng Giới Thạch trở lại Thượng Hải để củng cố quyền hành. Tại nơi đây, ông đã gặp bà Tống Mỹ Linh (Soong Mei-linh) là con gái một ông chủ ngân hàng giàu có nhất tại Thượng Hải và cũng là em gái của bà Tôn Dật Tiên. Bà Mỹ Linh này là một người theo đạo Thiên Chúa và đã được giáo dục tại Hoa Kỳ. Trước lễ cưới, Tướng Tưởng Giới Thạch đã theo đạo mới và sự kiện này cùng với người vợ sau là hai yếu tố đã ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của ông.
Vào năm 1932, quân phiệt Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu. Năm 1937, quân Nhật tiến chiếm Thiên Tân và Bắc Kinh, rồi Thượng Hải và Nam Kinh là thủ đô của phe Quốc Gia. Đài Loan đã được dùng làm phi trường của các oanh tạc cơ Nhật Bản.
Năm 1943, Thống Chế Tưởng Giới Thạch đã họp tại thành phố Cairo với Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt và Thủ Tướng Anh Quốc Winston Churchill. Hội nghị này đã cam kết hoàn trả cho nước Trung Hoa sau chiến tranh phần đất Mãn Châu, quần đảo Bành Hổ (Pescadores) và đảo Đài Loan.
Năm 1945, Nhật Bản đầu hàng. Tại lục địa Trung Hoa đã xẩy ra cuộc chiến tranh Quốc-Cộng trong 4 năm trường. Năm 1948, Tướng Tưởng Giới Thạch được bầu làm Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc nhưng cuộc chiến đấu chống lại phe Cộng Sản đã thất bại dần dần, các thành phố lớn như Thiên Tân, Bắc Kinh, mất dần vào tay của những người Cộng Sản. Ngày 21 tháng 1 năm 1949, Tướng Tưởng Giới Thạch từ chức Tổng Thống. Bản thân ông Tưởng Giới Thạch là một người trong sạch, một học giả về đạo Khổng, nhưng chính quyền của ông đã bị điều hành bởi một lớp người bất tài, tham nhũng, đã che đậy sự thực, không báo cáo các tệ trạng lên cấp trên.
Sự từ chức của Tướng Tưởng Giới Thạch đã để lại một khoảng trống lãnh tụ. Chính thể quốc gia Trung Hoa đã không có người lãnh đạo có tài. Cuối cùng, Tướng Tưởng Giới Thạch đã cùng 2 sư đoàn tàn quân, cùng với các nhà văn hóa, nhà tu, nhà buôn... tổng cộng vào khoảng 2 triệu người, chạy sang đảo Đài Loan trú ẩn.
Năm 1950, quân đội Trung Cộng định tấn công lên đảo Đài Loan trong khi quân Bắc Triều Tiên vượt vĩ tuyến 38, xâm lăng Nam Triều Tiên. Tổng Thống Henry Truman khi đó coi Đài Loan là một vị trí chiến lược, nên đã hạ lệnh cho Hạm Đội Thứ Bẩy của Hoa Kỳ tiến vào eo biển Đài Loan, làm ngừng lại chương trình xâm lăng của Trung Cộng. Sau đó, Hoa Kỳ đã trợ giúp kinh tế cho đảo này 1.5 tỉ mỹ kim.
Qua Đài Loan, Tướng Tưởng Giới Thạch đã quyết định cải tổ chính sách quốc gia, với 3 không là “không tiếp xúc, không thương lượng và không hòa giải với Cộng Sản”, trừng phạt các tướng vùng đã gom góp tài sản tại Đài Loan kể từ năm 1945, cải tổ ruộng đất, làm phát triển giao thông, điện thoại và điện năng, và khởi đầu một cuộc cách mạng kỹ nghệ để làm phát triển kinh tế. Đảo Đài Loan được đầu tư bằng tiền trợ giúp của Hoa Kỳ, bằng tài sản và óc kinh doanh của các nhà trí thức và tư bản người Hoa tại địa phương cũng như từ lục địa chạy sang. Hệ thống giáo dục được xét lại và cải tiến, các sinh viên được gửi ra nước ngoài du học, du nhập các kỹ thuật và khoa học mới, trong khi các định chế dân chủ được đặt tại hạ tầng cơ bản và các công việc của đất nước điều hành bởi những người quốc gia có lập trường.
Kể từ năm 1951, mức phát triển kinh tế của hòn đảo Đài Loan có trung bình là 9% và lợi tức tính theo đầu người đã lên tới 10,000 mỹ kim khiến cho tại châu Á, không nơi nào có được quang cảnh trù phú như thành phố Đài Bắc. Tuy nhiên, nền văn minh cơ giới đã mang lại cho người dân các ô nhiễm về không khí, về nguồn nước, về đất đai cũng như các bệnh tật xã hội, mỗi ngày một trầm kha. Thành phố Đài Bắc với dân số gần 6 triệu người, chiếm gần 30% dân số toàn đảo. Thành phố này nghẹt thở vì khói độc thoát ra từ 460,000 xe hơi, 7,300 xe buýt, 38,000 xe taxi, 869,000 xe gắn máy đủ loại. Toàn thể đảo Đài Loan có hơn 90,000 nhà máy, thải vào nguồn nước đủ loại chất độc như cadmium, chromium, kẽm, chì… Chỉ có 4% nguồn nước được thanh lọc và 44 con sông đều bị nhiễm độc với một nửa nguồn nước được rút ra từ các con sông này, theo như Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Đài Loan (the Taiwan Environmental Protection Agency).
Vào năm 1966, Đài Loan đề xướng ra Khu Chế Xuất đầu tiên (the first export-processing zone) của Thế Giới, đặt tại phần phía nam của thành phố Cao Hùng (Kaohsiung). Các cơ xưởng cỡ nhỏ đã mọc lên tại khắp nơi trên hòn đảo và tại mỗi địa phương, khói bốc lên từ các ống khói là biểu hiệu của các gia đình ái quốc. Chính tại các cơ xưởng lắp ráp này, xuất hiện các mặt hàng xuất cảng như tủ lạnh, tivi, cho đến giầy da hay bộ đèn Giáng Sinh. Những thứ hàng rẻ tiền này, chất lượng tuy không bảo đảm nhưng đã khiến cho Đài Loan xây dựng được số vốn cần thiết đề sau đó lập nên các kỹ nghệ nặng như ngành Hóa Dầu (petrochemicals) và ngành Sắt Thép mà ngày nay đang đóng các vai trò rất quan trọng.
Năm 1980, Đài Loan cũng mở ra Khu Kỹ Nghệ Hsinchu (Hsinchu Science-Based Industrial Park) cách Đài Bắc 45 dặm, với chủ trương là nơi quy tụ các tài năng kỹ thuật Trung Hoa từ các nước ngoài trở về đóng góp cho quê hương. Tại khu kỹ nghệ này vào thời kỳ đó, 25,000 công nhân của hơn 125 xí nghiệp điện tử đã sản xuất ra các mặt hàng kỹ thuật cao, chẳng khác gì Thung Lũng Silicon của miền California của Hoa Kỳ.
Tướng Tưởng Giới Thạch đã cai trị Đài Loan theo chủ nghĩa Tam Dân của Bác Sĩ Tôn Dật Tiên, bắt buộc tại nơi đây các kỷ luật chặt chẽ về chính trị và trật tự xã hội. Trong suốt cuộc đời của ông, ông luôn luôn là một con người khắc khổ và theo đúng giáo điều Khổng học. Ông không bao giờ hút thuốc, đánh bạc hay uống rượu ngay cả trong các đại tiệc. Thú vui duy nhất của ông là dạo chơi trên núi cao. Ông đã ghi lại trong tờ di chúc “Tôi luôn luôn coi mình là một đệ tử của Bác Sĩ Tôn Dật Tiên và cũng của Chúa Jesus”.
Tướng Tưởng Giới Thạch qua đời vào ngày 5 tháng 4 năm 1978. Tháng 5 năm đó, quyền hành được chuyển về tay người con trai là ông Tưởng Kinh Quốc. Ông này trong nhiều năm đã từng đứng đầu ngành Mật Vụ của Trung Hoa Quốc Gia. Tháng 7 năm 1987, ông Tưởng Kinh Quốc tuyên bố hủy bỏ lệnh giới nghiêm để cho Quốc Dân Đảng thích nghi với các tình hình thay đổi.
Tưởng Kinh Quốc mất vào tháng 1 năm 1988. Người kế nghiệp và cũng là người được họ Tưởng chọn lựa để cai trị Đài Loan là ông Lý Đăng Huy (Lee Teng Hui), vị Tổng Thống đầu tiên sinh tại Đài Loan.
Vào tháng 12 năm 1992, dân chúng Đài Loan bầu ra một Quốc Hội mới để thay thế những đại biểu già nua, đã giữ ghế từ năm 1947. Nền dân chủ đã đến với Đài Loan, tuy nhiên Quốc Dân Đảng vẫn còn chiếm 53% số ghế và phe đối lập là đảng Dân Chủ Tiến Bộ (the Democratic Progressive Party) chỉ tranh được 51 trong số 161 ghế tại Quốc Hội.
Trong khi vẫn xẩy ra cuộc tranh cãi giữa Bắc Kinh và Đài Bắc về quyền đại diện chính thức cho dân tộc Trung Hoa, thì các liên lạc kinh tế giữa hai khối Quốc-Cộng vẫn phát triển. Các nhà tư bản Đài Loan rất muốn đầu tư vào lục địa Trung Hoa là nơi dư thừa nhân công, giá nhân công và xây cất rất rẻ. Hơn nữa, Đài Loan và Phúc Kiến là hai miền cùng chung một văn hóa và một ngôn ngữ, cũng vì thế tỉnh Phúc Kiến đã lãnh được phần đầu tư lớn nhất từ Đài Loan. Các cơ xưởng kỹ nghệ của Đài Loan đã di chuyển dần dần qua lục địa, chẳng hạn như một nhà máy sản xuất quần áo lót được đặt tại Thượng Hải, một cơ xưởng chế tạo thức ăn trẻ em hoạt động tại Bắc Kinh và một nhà máy đóng hộp cà chua được xây dựng tại một miền tây bắc xa xôi.
Vào năm 1993, đầu tư của Đài Loan vào lục địa Trung Hoa, phần lớn đi qua ngả Hồng Kông, đã lên tới 8.9 tỉ mỹ kim và doanh số giao thương giữa hai miền vượt qua 7 tỉ mỹ kim. Có vẻ như chủ nghĩa Tư Bản đã thay thế cho chủ nghĩa Cộng Sản vì tại mọi nơi trên Hoa Lục đều thấy đang xây cất các tòa nhà cao tầng, cũng như các tấm bảng thật to lớn, vẽ hình ảnh quảng cáo về thuốc lá 555, Lucky Strike, Marlboro, về loại nước uống Coca-Cola, các loại giầy thể thao và các đồ dùng điện trong nhà như quạt máy, tivi, tủ lạnh.
Phạm Văn Tuấn
Đọc thêm:
https://en.wikipedia.org/wiki/Taiwan