Cái nhà là nhà của ta
Trong phim Bố Vợ, hồi 2 (Father of The Bride, Part II), Steven Martin và Diane Keaton bán căn nhà họ đã từng sống, nuôi nấng dạy dỗ con cái cả hai chục năm trời. Ngay sau ngày giao nhà, chủ mới thuê người đến toan ủi sập căn nhà thì nhân vật chính Steven Martin xuất hiện. Sững sờ trước sự việc sắp xảy ra, ông ta dang tay chận lại, hét to
“Các ông làm gì vậy?”
Người chủ mới trả lời
“Tôi ủi căn nhà để xây hai căn mới. Mảnh đất này vừa rộng vừa đẹp”.
“Đây không phải chỉ là mảnh đất, đây là nhà tôi. Không được chôn vùi kỷ niệm của tôi”. Kết quả vợ chồng nầy phải mua lại căn nhà với giá cao hơn giá họ đã bán ra. Trong cái đời sống ở xứ tư bản Mỹ này, bất cứ sự chi tiêu nào cũng được nhìn như một hình thức đầu tư và thường thường, nhà cửa là một trong những đầu tư quan trọng hàng đầu của đa số gia đình. Nhưng căn nhà của chúng ta còn chứa chất nhiều thứ hơn là những lợi nhuận tiền bạc. Đó là thành quả của cả một đời làm việc, đó là nơi vợ chồng con cái chia xẻ ngọt bùi, đó là cái tổ, cái vũ trụ riêng của mỗi chúng ta. Câu chuyện vừa kể là chuyện ciné, chuyện tưởng tượng nhưng thực tế quả có những điều đáng suy nghĩ trước - và cả sau - khi bán nhà.
Khi đến Orange County, tôi ghé thăm ông bạn để chúc mừng đã thăng tiến, mua được căn nhà trên đồi, đứng ở ban-công nhìn xuống cả một vùng đèn như sao sa.
- Nhà mới đã quá hả?
- Ờ, nhưng sao vẫn nhớ căn nhà cũ hơn. Mẹ kiếp, mỗi lần lái xe đi qua lại chỉ chực ứa nước mắt!
Sáng hôm sau, khi đi ăn phở, ông bạn lái xe vòng qua căn nhà cũ đã bán cho một người Mỹ hơn một năm trước. Và ông tâm sự:
- Mình khác nó khác. Mấy cây hồng giòn tôi trồng, khổ công chăm bón, quả sai vừa thơm vừa ngọt, nó chặt béng đi. Hỏi, nó nói nó không biết ăn hồng giòn, để chín trên cây rụng xuống, ruồi muỗi bu đầy nên nó chặt đi. Cái thửa vườn nhỏ bên hông mà tôi tốn công lượm từng hòn đá, chăm chút từng li từng tí làm thành cái vườn Nhật Bản, sáng sáng trước khi đi làm vẫn ra pha một bình trà, vừa uống vừa nhìn mấy con cá tung tăng, nay nó san bằng, lấp chỗ này, đắp chỗ kia và trồng cỏ. Hỏi nó bảo con nó cần chỗ chạy. Và nó sửa, nó phá lung tung chẳng ra cái thể thống gì. Mỗi lần đi qua, tôi như thấy mất mát một cái gì không níu kéo lại được.
Giọng ông bạn bùi ngùi, có vẻ như hối hận đã làm việc gì sai trái mặc dù căn nhà bán đi ông lời gấp đôi và căn nhà mới vừa rộng rãi khang trang cũng lại đang lên giá. Đứng về phương diện đầu tư thì trúng quá nhưng về các mặt khác thì xem ra không được thoải mái lắm. Có vẻ như ông bạn bị thiên hạ cướp đi một phần đời sống vậy.
Cái nhà là nhà của ta
Ông cố ông sơ làm ra
Cháu con phải gìn giữ lấy
Muôn năm đất nước non nhà.
Đấy là ở quê nhà, ở Việt Nam. Những người phải bỏ nước ra đi cách đây gần ba chục năm đã bỏ lại sau lưng không chỉ là tổ quốc mà còn cái tổ nho nhỏ họ vẫn chui rúc ra vào hàng ngày, đôi khi không chỉ là một đời mà cả ba bốn thế hệ. Căn nhà được truyền lại từ đời này qua đời khác, ông cha con cái cùng sống dưới một mái nhà, ít khi di chuyển. Xã hội Việt Nam ngay cả trong những năm vật đổi sao dời, chiến tranh bom đạn, vẫn còn giữ cái nếp cố định của nó, trong đó là ít di chuyển, không như xã hội Mỹ. Nơi đây căn nhà là đầu tư, là tiện lợi cho công việc, là một biểu tượng cho thành công. Đổi việc là đổi nhà. Giá địa ốc lên thì bán. Thành công về tài chính thì mua nhà ở khu sang trọng hơn, trường ốc tốt hơn... Căn nhà trở thành món hàng đầu tư cho nên cái chuyện cháu con phải gìn giữ lấy là chuyện ít xảy ra. Cái tinh thần sống độc lập, cái tinh thần tôn trọng riêng tư – chữ privacy khó chịu – và nhất là chủ nghĩa cá nhân đã khiến con cái đến tuổi thành niên là tìm đủ mọi cách tách ra, không muốn sống gần bố mẹ nữa. Căn nhà do đó đôi khi cũng chỉ là tạm bợ, là chỗ trú chân trong khoảnh khắc. Nó không còn là một định chế, một hằng cửu như kiểu muôn năm đất nước non nhà nữa.
Khi đặt chân đến mảnh đất mới, người Việt tỵ nạn trong những năm đầu túi bụi lo sinh tồn nhưng chỉ ít năm sau họ bắt đầu hồi sức, và cũng bắt đầu tậu nhà tậu cửa. Cái nhà không còn là căn apartment đi thuê nữa mà nay đúng là nhà, dù nhỏ dù lớn nhưng có lối ra lối vào, có tí vườn tí tược và trên hết, nó là biểu tượng cho một đời sống cá biệt, có những điểm xuyết của xa là văn hóa và gần hơn là nhân sinh quan của mỗi người. Nó được Việt Nam hóa nhiều với giàn bầu giàn mướp, với những cây ăn trái nhập từ vùng nhiệt đới như ổi, như táo Tàu, và cái vườn không chỉ toàn cỏ mà còn có một luống rau thơm đủ loại, có vài ba gốc bạc hà và đôi khi có cả một góc trồng cà pháo. Người ta hí hửng chia nhau những công trình cá nhân. Một quả bầu dài thườn thượt. Một rổ mướp hương. Chục hồng giòn. Ít cà muối nhà trồng. Và căn nhà được thổi vào cái hơi sống của một quá khứ khác với những gì ở chung quanh. Đến thủ đô tỵ nạn Orange County, chỉ quan sát sơ là có thể đoan quyết căn nhà đó có phải chủ là người Việt Nam không.
Các cụ ngày xưa nói người ta có nhà như con chim có tổ. Con chim tha rác, tha từng cọng cỏ để xây cái tổ, chúng ta chạy nơi này, kiếm nơi kia tha về nhà cái bàn, cái ghế, treo bức tranh chỗ này, kê cái tủ góc kia. Nó thể hiện cái bản sắc riêng của mỗi người, mỗi gia đình. Nó cá biệt vì nó chính là đời sống của nhóm người có liên hệ trực tiếp với nhau nhất – cha mẹ vợ chồng con cái – cái đơn vị căn bản của xã hội và đó là gia đình. Ngay sau khi lần đầu bước vào ngưỡng cửa, căn nhà trở thành một phần của bước thăng trầm, cùng với người trong nhà là một Sự gắn bó. Chúng ta bắt đầu mọc rễ. Căn nhà chuyển mình, từ màu sắc cho đến cách phân bố để phù hợp với nhu cầu cá biệt – kỷ niệm bắt đầu và kéo dài mãi. Căn nhà đối với một số người là một phần đời sống và đối với nhiều người khác chính là cả cuộc đời. Có những người trong chúng ta đã từng ở căn nhà của tổ tiên nhiều đời truyền lại. Có những người trong chúng ta đã ngửi mùi hoa hoàng lan ở góc vườn vốn có đó từ xửa từ xưa và ngày đi chúng ta đã bỏ lại sau cái hương hoa thoảng mỗi đêm đó. Nhiều nhà ở vùng Orange County - nhờ khí hậu thuận hòa - nay cũng có ở góc vườn một cây hoàng lan. Đứa con ra đời ở Mỹ cũng đã quen đêm đêm hít đầy phổi cái hương hoa của đất trời nhưng lại rất riêng tư này. Nếu chỉ vì giá nhà lên, nếu chỉ vì công việc đổi hay bất cứ vì lý do gì khác, căn nhà phải được bán đi thì không chỉ là căn nhà mà còn là cái hương hoa phủ lên nó. Những kỷ niệm vô giá đó trở thành vô giá trị đối với người mua, người tiếp nhận vì thiếu những ràng buộc của thời gian, của tình tự.
Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương… khi mùa mưa về cũng lem nhem bước trên ngõ trơn… Cái nơi này xin nhận làm quê hương của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang là Việt Nam, là một làng quê ở Bình Định hay một xóm lầy lội ở phía quận Tám Saigon. Cái quê hương mới mà chúng ta không xin nhận không có những ngõ trơn lem nhem, không có mùa mưa như khí hậu gió mùa Nam Á. Cái chữ “khó thương” trong bài hát là một cái nhìn được phát biểu từ phía bên trong, của những người trong cuộc, người ở phía trong quê hương. Cái quê hương mới này nếu nhìn từ bên ngoài thì thật “quá thương” vì nó có đầy đủ những điều kiện vật chất để không phải cùng lem nhem bước trên ngõ trơn. Nhưng trong cái xã hội năng động đầy di chuyển này, chuyện ở một căn nhà từ đời ông đến đời cha, đời con đời cháu xem ra khó mà xảy ra. Vì những lý do hết sức thực tế, chúng ta tiếp tục mua nhà rồi bán nhà, rồi lại bán nhà mua nhà. Để có được khoản lợi nhuận, để có thể tránh thuế, để có thể thăng tiến trong mức thang xã hội, chúng ta bán cái tổ đi và đồng thời bán luôn cả những kỷ niệm, những trau chuốt cá nhân, những thân tình có lẽ chẳng có thể mua lại được.
Lê Thiệp